Chuyện mổ lưng bên Mỹ

tháng 9 25, 2016 |
Tony bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Lên mạng đọc cả trăm tài liệu Tây Tàu, mới biết đây là 1 trong 5 bệnh phổ biến nhất, nhiều người bị nhẹ mà không biết. Người chạy xe máy nhiều sẽ rất dễ bị đau cột sống. Nên các bạn coi mà lo đi xe buýt, mua xe hơi…chỉ đi xe máy khi không có giải pháp nào khác.
Hồi nhận thức còn xuề xòa, Tony ngày nào cũng chạy xe máy cả trăm cây, đổ xăng đầy bình, lái liên tục 4-5h. Đường sá ổ gà ổ voi nhiều, ngồi chỉ 1 động tác khom lưng 2 tay giơ lên trước, nên cột sống bị rung lắc theo chu kỳ “hút nén nổ xả” của động cơ. Cùng các tác nhân hóa chất khác như ăn uống, rượu bia, khói xăng..., cái màng bao quanh đĩa đệm mỏng dần đi. Đến tuổi trung niên, bệnh phát ra, đau dữ dội, đi chụp MRI thì nó lòi ra 8mm (“nó” ở đây là đĩa đệm, hem phải cái kia. Cái kia mà dài có 8mm chắc chết). Tài liệu nói đĩa bị lòi trên 5mm thì khó phục hồi từ tập vật lý trị liệu hay trị đông y, yoga. Bèn thay đồ đi Mỹ khám.
Tony sai gia nhân lên mạng tìm bệnh viện, ban đầu tìm ở New York, rồi Los Angeles, rồi Chicago…vì quen kiểu phải ở thành phố lớn mới có bệnh viện tuyến đầu. Ai dè hệ thống y tế của Mỹ rất khác. Ở các nước, người ta quan niệm nếu bệnh viện tốt nhất, trường học tốt nhất được đặt ở thành phố lớn, thì mãi mãi không giải quyết được bài toán kẹt xe, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội. Xã hội phải PHÂN BỐ NGUỒN LỰC (resource allocation) trong ngành y tế và giáo dục. Ví dụ khu vực Thái Nguyên sẽ có bệnh viện lớn nhất chuyên về não, do ĐH Y Thái Nguyên làm nòng cốt. Máy móc hiện đại nhất, bác sĩ giỏi nhất lĩnh vực này tập trung về đó. Ai muốn mổ chuyên sâu thì mời lên. Tp Thái Bình sẽ có bệnh viện chuyên khoa ung bướu do ĐH Y Thái Bình chủ trì. TP Vinh là cột sống, Tp Huế là tim mạch, Tp Buôn Mê Thuột là dạ dày tiêu hóa, Tp Cần Thơ là da liễu, xương khớp…Lương bác sĩ ở các bệnh viện này phải cao gấp chục lần nếu làm ở Sài Gòn, Hà Nội. Phải có cơ chế trả xứng đáng thì người ta mới về đó làm.
Việc đầu tư bệnh viện chuyên sâu ở trung tâm thành phố lớn là không phù hợp ở quy mô đô thị hiện nay. Đi trị bệnh thì cần gì nằm ở trung tâm quận 1, quận 5, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...Mổ xong cần nằm tịnh dưỡng thì xe cộ ồn ào, chi phí sinh hoạt lại vô cùng đắt đỏ. Tiếng xe cứu thương vang lên giữa các tòa nhà văn phòng hiện đại sang trọng, trung tâm nghe rất ghê. Trung tâm thành phố là để làm ăn, buôn bán, du lịch, đầu tư, dịch vụ, văn hóa...Ở các nước, downtown (khu trung tâm) hầu như không có dân sinh sống, sáng sáng hệ thống giao thông công cộng đưa dân cư ở ngoại vi vô trung tâm làm việc, chiều đưa về. Có bệnh vái tứ phương, thầy thuốc hay trên đỉnh núi Mù Căng Chải thì có bệnh, người ta cũng mò tới. Nhiều bạn bè của Tony bị bệnh ở miền Tây không mổ được, phải chở lên Chợ Rẫy, xe cứu thương chạy 5-6 giờ lên cái kẹt xe ngay cầu Bình Điền, chết ngắc thôi quay về luôn. Ai ung thư ở miền Nam đều phải đến điều trị ở bệnh viện ung bướu Nơ Trang Long, dẫn đến quá tải, 2-3 người nằm 1 giường và nằm ra cả hành lang. Trong khi đó, bệnh viện các tỉnh thì không có trang thiết bị, không có bác sĩ giỏi...nên trống huơ trống hoắc. Thành phố lớn sẽ là nơi đặt các bệnh viện tư nhân, do các tập đoàn đầu tư. Ai có tiền nhiều thì vô. Ít tiền thì phải đi xa trị bệnh, sao người ở tỉnh lên Sài Gòn Hà Nội được mà người Sài Gòn Hà Nội không thể đi tỉnh trị bệnh? Nếu Chợ Rẫy Bạch Mai là bệnh viện hiện đại nhất cho mổ xẻ mọi chuyên ngành chuyên sâu, thì bác sĩ giỏi và người dân sẽ tập trung về Sài Gòn Hà Nội mà sống, dẫn đến quá tải thành phố. Cái này ai học môn “resource allocation” sẽ hiểu, còn không nghe cãi liền.
Thôi kể chuyện mổ cột sống đi Tony, lan man quá hà. Sau khi cân nhắc, Tony chọn mổ ở thành phố Baltimore (bang Maryland). Bệnh viện rất rộng, khuôn viên tươi mát, gần sân bay, đường cao tốc. Tony mang theo 2 đứa đệ tử, 1 XX (học điều dưỡng) để nấu cơm, 1 XY (học y đa khoa) lái xe đưa đón, Tony thuê cái căn hộ gần đó để ở. Trước khi mổ, chu cha nó bắt họp cả chục lần (nó đây là cái bệnh viện Mỹ). Bữa lấy máu, bữa chụp X quang, MRI...rồi ê-kip mổ tiến hành mổ mô phỏng dạng 3D trên máy tính, xong cái kêu mình qua coi, nói vài bữa mổ thật sẽ y chang vầy nè. Nó nói mày chọn đi nhé, một là tiêm thuốc mê, hai là chụp khí vô mặt (nó lấy khí gây mê trộn với ô xy cho mình thở trong suốt lúc mổ). Gây mê tiêm thuốc thì sẽ giảm tuổi thọ, còn gây mê chụp khí thì sẽ giảm trí nhớ. Tony chọn ngay phương pháp chụp khí, vì trí nhớ tốt quá, hem muốn nhớ nhiều nữa. Mà lại muốn sống thọ, ham sống lắm. Tụi nó cười ha hả, nói đau lưng mà dễ thương vầy, hem đau lưng chắc ai cũng yêu hết á. Mình gật đầu cười xác nhận. Dễ thương là bản chất của Tony, không có gì có thể lay chuyển được.
Xong cái cũng tới bữa mổ. Hồi hộp ghê vì lần đầu tiên mà. Nó bắt tắm rửa sạch sẽ xong, vô phòng hybrid vô trùng. Nó bắt bận cái áo màu xanh dài tới chân, che phần trước, hở lưng phía sau, như yếm đào thiếu nữ. Một tay nó truyền dịch, đi tiểu cũng có y tá đi theo (lúc Tony tiểu thì y tá Mỹ quay lưng lại vì ngượng). Sau đó vô phòng mổ, Tony nhìn ngó lung tung quan sát. Cái phòng mổ dài cả mấy chục mét, máy móc chằng chịt trên đầu, lạnh kinh khủng. Tony xin cái mền (chăn) điện đắp lên lưng rùi nằm xuống. Xong cái nó chụp thuốc mê, cái hết biết gì....
Khi tỉnh lại, thì ca mổ đã diễn ra 3h trước đó. Trước mặt mình là 3 cô y tá, thấy Tony mở mắt thì vỗ tay hoan hô, nói “welcome to the earth” (chào mừng đã quay lại trái đất). Một cô bưng cái khay tới cho mình lựa chọn nước uống, nước cam, cà phê. Cổ hỏi giờ mày muốn làm gì, Tony nói tao muốn gặp 2 đệ tử. Cái nó phone liền. Hai đệ tử đang ở siêu thị mua tôm hùm Canada để chút nấu cháo cho Tony ăn, thì nghe thế, sợ hãi quăng tôm hùm chạy vô bệnh viện ngay. Nó báo kết quả tốt đẹp, ở bệnh viện này, tỷ lệ mổ thành công là 97%, 3% là phải mổ lại. Sau đó Tony được cô y tá đưa vô phòng phục hồi nhân phẩm.
Nhân phẩm chỉ qua 1 đêm thì đã phục hồi, hôm sau nó kiểm tra nói OK rồi, đi về đi, ở đây sinh đẻ gì cũng chỉ ở lại 1-2 đêm thôi. Tony hỏi có uống kháng sinh gì không, nó nói “đâu phải thời chiến tranh mà uống kháng sinh”. Nó chỉ cho 1 cái toa thuốc, trong đó chỉ có 1 lọ thuốc giảm đau, ghi rõ là “non-refillable” tức hết rồi là không được mua nữa. Đứa đệ tử ra quầy thuốc mua, nhà thuốc tịch thu lại cái toa. Ở đây, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau có tiền chất ma túy nên họ chỉ bán theo toa, có chữ ký của bác sĩ chịu trách nhiệm. Cuối tháng, nhà thuốc sẽ phải báo cáo cho cơ quan quản lý là bán bao nhiêu lọ kháng sinh, bán cho ai, ai kê đơn, còn lại bao nhiêu. Có như vậy mới không có hiện tượng kháng thuốc, sau này các kháng sinh không trị được nữa, một hiện tượng vô cùng nguy hiểm nếu ai muốn uống thuốc gì thì ra nhà thuốc mua uống.
Cái Tony về nhà nằm, 3 ngày ăn tôm hùm Canada muốn lòi họng. Tôm bên đó rẻ òm, có mười mấy đồng 1 pound. Ăn 3 ngày rồi cái tự nhiên nhớ hồi nhỏ ở Việt Nam, ai đó nói ăn tôm cua sẽ bị lồi thịt. Mà mình hay đi bơi, mặc quần bơi tam giác dạ quang, nếu sẹo lồi trên lưng chắc chết. Kêu đệ tử mở vết mổ ra coi, thấy nó bấm bằng kim như bấm giấy, hem phải khâu, tay của Tây nó vụng về. Bên ngoài là cái cái băng to, không thấm nước, tắm thoải mái, hem sợ nước vô. Thằng đệ tử phải phone qua bệnh viện hỏi vụ thịt lồi, nó nói chưa có tiền lệ, trong y văn xưa nay chưa có ghi. Tới ngày thứ 4, Tony vẫn không nhấc chân lên được. Cái hoảng sợ, hẻm lẽ mình tàn tật ở lứa tuổi 50? Ôi còn đâu thời tung hoành ngang dọc, càng nghĩ Tony càng khóc to. Đang khóc thì bệnh viện gọi điện chăm sóc (ngày nào cũng gọi 1 cuộc), Tony bèn kể sự tình trong nước mắt, I am so scared, I am in a bad mood này nọ... Nó cười ha hả, bảo là ngày thứ 5 mày mới nhấc chân lên được, ngày thứ 7 thì mày có thể đi uống cà phê, hôm trước lúc trình bày kết quả mổ trên máy tính 3D, mày không nghe à. Tony nói xin lỗi, chắc lúc đó tao mới qua nên bị jetlag (lệch múi giờ), ngáp đúng lúc mày nói câu đó. Mà cũng có thể tao bị mất trí nhớ do mày chụp thuốc mê. Cái nó cười ha hả, nói lại dễ thương nữa. Dễ thương miết vại mậy.
Cái ngày hôm sau, nhấc chân lên được, chống gậy đi vòng quanh nhà. Ngày thứ 7 thì chống gậy đi vòng quanh khu căn hộ, nhác thấy quán Starbucks, bèn vô làm ly “coffee of the day”, Tony nghiện món đó. Vừa bước vô quán, hàng dài đang xếp bỗng dưng lùi lại, nhường Tony. Họ nói, ở đây phải ưu tiên người tàn tật. Tony kêu ly cà phê xong mới nhớ là hẻm có mang tiền theo. Bỗng dưng phía sau, 1 bạn trẻ dáng dỏng cao, gương mặt thông minh bước tới, đưa Tony mấy đồng. Nó nói chú nói tiếng Anh con biết ngay là người Việt Nam. Cái mình tới bàn ngồi, nói đợi chút chú nhắn tin cho người nhà mang xuống đưa tiền lại con. Nó ngồi mở sách ra học bài, nói con là sinh viên du học. Trong cặp nó lấp ló một thứ khiến Tony hết hồn, tay chân lắp bắp (còn tiếp).


Read more…

School bus, mô hình giao thông hiện đại

tháng 9 23, 2016 |
1. Ngoại trừ Việt Nam, chưa thấy có nước nào có phụ huynh đứng trước cổng trường đón con đông nghìn nghịt, thậm chí trường cấp 2, cấp 3 vẫn có hiện tượng này. Ở các nước, việc cha mẹ đưa đón chỉ diễn ra ở lớp mầm non, mẫu giáo, năm đầu tiểu học.
Ở Việt Nam, trường học quy mô 1000 học sinh, thì sáng có 1000 chiếc xe máy đến, chiều có 1000 chiếc xe máy đậu chờ trước cổng lúc tan trường. Tiếng còi của bảo vệ, tiếng la hét "chị xê ra, anh không được đậu chỗ đó". Phụ huynh tranh nhau với mấy chị bán bánh mì, nước mía, xe ôm chỗ đậu xe. Lề đường không đủ thì buộc phải đậu dưới lòng đường. Các xe khác đang lưu thông thấy bị chiếm dụng thì bóp còi inh ỏi, các phụ huynh thấy thế thì trườn xe tới, lui xe sau để nhường đường. Học sinh tình nguyện lớp lớn ra đứng giữa đường, cầm cái dây căng để các bạn lớp nhỏ đi ra. Ai nấy đều mệt mỏi.
Rồi đây tỷ lệ xe máy sẽ giảm dần, tỷ lệ xe hơi tăng lên, nếu việc đón con vẫn như cũ, không biết giao thông sẽ ra sao với 1000 chiếc xe hơi xếp trước cổng trường trong 20 năm tới?
Phụ huynh thì căng thẳng, từ 3-4h chiều đã phải xin phép cơ quan đi đón con vì sợ tắc đường, công việc và tâm lý sẽ bị ảnh hưởng.
2. Thế giới họ giải quyết chuyện này ra sao?
Từ tiểu học trở đi, học sinh sẽ phải theo xe buýt của trường gọi là school bus. Xe buýt đưa đón được xem là cơ sở vật chất bắt buộc của một trường học. Có thể đón/đưa tận nhà mỗi bạn, hoặc gom lại 1 điểm nào đó. Ở Indonesia, người dân đi xe máy cũng nhiều nên phụ huynh họp lại, thường chọn uỷ ban nhân dân phường, xã hoặc sân thể thao công cộng làm nơi tập kết, sáng cha mẹ dắt con đến đó, giao bảo vệ rùi đi làm, đi về. Bảo vệ và tài xế ký bàn giao số lượng học sinh cho đúng. Chiều về cũng vậy. Có cổng gác, chỉ đúng cha mẹ mới được ký sổ nhận con về. An ninh hoàn toàn yên tâm vì xe chạy từ bên trong sân điểm đón, vô sân trường mới thả xuống, và đón trong sân trường, thả xuống ở trong khuôn viên điểm trả. Đón trễ thì gửi thêm tiền cho bảo vệ theo quy định sẵn. Hoặc nhà bạn nào đó rộng, có chỗ đậu xe sẽ trở thành nơi đưa đón cho 1 nhóm, cử người đón nhận. Cái này phụ huynh học sinh các trường quốc tế hay tư thục ở VN đều biết, thường họ phải đóng thêm 1 năm ít tiền để sử dụng school bus. Các bạn cấp 1, cấp 2, trên xe luôn có thêm 1 quản lý, bảo mẫu để quản lý.
Các trường cấp 3, ĐH, nếu không có bãi đậu xe lớn thì phải đầu tư school bus. Hoặc bãi đậu xe rất xa, đậu xong phải đi bộ vô trường cả km. Trong sân trường chỉ có vài chỗ đậu xe của giáo viên bị tàn tật, hoặc giáo sư già. Không thấy ĐH nào mà sân trường nghìn nghịt xe máy, sinh viên đi len lỏi giữa các đầu xe. Sân trường là nơi các bạn ngồi chơi, nằm trên bãi cỏ chụp hình này nọ chớ...School yard (sân trường), đâu phải parking lot (bãi đậu xe).
Ngành giáo dục phải tập cho công dân có thói quen đi phương tiện công cộng từ lúc bé, để hình thành trật tự trong giao thông. Cuộc sống văn minh hay không, hạnh phúc hay không, hiệu quả kinh tế hay không là do chúng ta tổ chức và sắp xếp lại.
3. Câu hỏi sẽ đặt ra là: nghe hay nhưng tiền đâu. Thường các ngân hàng sẽ tham gia vô, tiếp thị gói mua xe buýt cho các trường, ví dụ ngân hàng A kết hợp công ty cơ khí ô tô Samco chẳng hạn, chào xe buýt giá 300 triệu cho trường nào đó. Trường sẽ trả góp hàng tháng vài triệu cho đến khi trả hết, thì chủ quyền xe sẽ thuộc về trường. Phụ huynh sẽ phản đối lúc đầu, nhưng kêu họ tính lại, tiền xăng xe đưa đón hàng ngày, quy ra và nộp cho trường. Chưa kể cơ hội việc làm của họ tốt hơn khi thuê người đưa đón. Và sự an toàn cho con trẻ, họ phải bỏ tiền ra 1 phần ra hỗ trợ trường. Cái này phụ huynh phải họp lại và ra phương án. Chỉ cần 1 tài xế và 1 vài bảo vệ, công việc của bao nhiêu người được hanh thông. Việc lái xe của tài xế thì tốt hơn nhiều so với mình chở con bằng xe máy vun vút trên đường rất rất nhiều.
4. Các trường học ở Nhật, xe buýt cho trẻ em thường được thiết kế vui mắt, theo hình các đồ chơi như trong hình. Nước nghèo như Ấn Độ, châu Phi...đều có mô hình xe school bus bắt buộc, các bạn có thể lên google search lấy.
Trên xe đến trường, các bạn học sinh sẽ sinh hoạt tập thể, hát múa, ôn bài. Vừa an toàn vừa văn minh, tập thói quen không say xe cho thế hệ trẻ, sau này chúng nó biển rộng vẫy vùng. Chúng nó là thế hệ ô tô chứ không phải thế hệ xe máy, không ai ở Mỹ ở châu Âu ở Hàn Quốc vừa lái xe vừa ói. Say xe là do từ nhỏ không đi ô tô, xe buýt, bậc cha mẹ nên dẹp bỏ tư duy xe máy với bọn trẻ. Các bạn trẻ cũng tập đi phương tiện công cộng nhiều để hệ thần kinh (tiền đình) nó quen, ổn định, không bao giờ rối loạn hay say xe say sóng về sau.


Read more…

Gió heo may đã về

tháng 9 20, 2016 |
1. Tony có 3 tháng học về nông nghiệp ở Hà Lan, trong nhóm bạn học, Tony thân nhất với anh Maik và thường ghé nhà anh ăn cơm. Bố mẹ anh Maik lúc đó khoảng 70 tuổi, đang sống ở “nursing home”, “home for the aged” (viện dưỡng lão), cuối tuần mới về chơi. Tony ban đầu có ý khinh thường anh Maik, vì khái niệm “hiếu thảo” phương Đông, thấy con cái cho cha mẹ vô viện dưỡng lão như vầy là không thể chấp nhận. Một sáng chủ nhật nọ, bố mẹ anh Maik gọi Tony qua chơi, vì khen gói trà Ạc-ti-sô Tony tặng ngon quá. Trò chuyện với nhau, Tony mới biết việc đi viện dưỡng lão là quyết định của ông bà, không phải do Maik hay vợ Maik yêu cầu. Bố Maik nói, ở viện dưỡng lão sẽ an toàn hơn cho người già. Khi tao hay vợ tao bị cao huyết áp hay té ngã, bấm chuông 1 cái là 5 phút sau, có y tá bác sĩ vào xử lý, cho uống hoặc tiêm thuốc, nặng thì viện có xe cứu thương đưa ngay đến bệnh viện mổ xẻ. Còn ở nhà, bị như vậy, gọi điện thoại, con cái từ cơ quan nó quýnh quáng chạy về, rồi nó chở đi, rồi kẹt xe….thì có khi đã chết trên đường. Chưa kể việc mình vô đó, con cái nó yên tâm mà công tác làm việc hết mình, đi du lịch khắp nơi cho thỏa cuộc đời, hem có thấp thỏm lo sợ 2 thân già ở nhà cô quạnh. Điều dưỡng, y tá...có chuyên môn, chăm tốt hơn con cháu. Vô viện dưỡng lão là lựa chọn tối ưu của tuổi già - bố Maik nói.
Mẹ Maik kể bạn của bà đều vô đó hết. Sáng sáng, bạn học cũ cùng nhau bơi lội, cầu lông, quánh bài quánh cờ, nói chuyện trường chuyện lớp nhí nhảnh như ngày xưa. Rồi rủ nhau đi du lịch. Chứ ngồi ở nhà nhìn 4 bức tường và cái tivi làm gì, có còn mấy năm sống nữa đâu. Nói chuyện với con cháu ư? Không có nhiều đề tài chung để nói say mê. Người già hay dậy sớm, ngồi tới khuya chờ đợi, tụi nó phần lớn đã mệt và xin đi ngủ sớm, internet này nọ chứ hem thích ngồi “nghe bà kể chuyện”. Giao tiếp hai bên ít đi, dần dần tâm lý bức xúc. Một bên sinh con ra, mục đích là duy trì nòi giống và có người nuôi dưỡng lúc già, nên sinh càng nhiều càng tốt (mục đích sinh con là vì mình chứ không phải vì nó, tâm lý "hào con hào của”, con cái là tài sản) thấy nó lạnh lùng là tự ái, giận. Nhớ công sinh thành, muốn được trả ơn, thấy nó đối xử tệ là lẩm bẩm “biết vậy tao ngày xưa bóp mũi cho chết”. Đẻ con mà không hào sảng, không quên công lao. Một bên thì căng thẳng vì ràng buộc chữ “hiếu”, không vui cũng ráng chịu đựng vì truyền thống, đạo lý. Vì quan niệm xem “con cái là tài sản” nên can thiệp vô đời tư của nó rất khủng khiếp, thậm chí ghét bỏ con dâu vì nó dám xài “tài sản” của mẹ hàng đêm. Mâu thuẫn gia đình ở châu Á xuất hiện chủ yếu do “ăn không ngồi rồi” và “sống chung”. Trong tiếng Anh tiếng Pháp, chữ HIẾU không có. Họ chỉ có “trách nhiệm, lòng biết ơn, sự quan tâm, tình yêu thương” đối với ông bà cha mẹ. “Hiếu” là một đặc sản của phong kiến châu Á, chủ yếu là từ tham vọng mở rộng lãnh thổ của hoàng đế Trung Hoa, nên đặt hàng các triết gia Khổng Tử Mạnh Tử Lão Tử gì đó vẽ ra nghe thật hay, thành chuẩn mực trong ứng xử. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Tao kêu mày qua nước Sở nước Yên để đánh, mở rộng giang sơn cho “mặt rồng”, hem đi là bất hiếu bất trung. Rồi cần nhân lực, cần đàn ông con trai để phục vụ chiến tranh nên vẽ ra cái “giữ họ, nối dõi tông đường, phải có con trai, "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (1 con trai là có, 10 con gái là không). Rồi sợ đàn ông con trai đi chiến trận e ngại người phụ nữ ở nhà của mình lấy người khác, nên mấy triết gia đã tròng vô người đàn bà chiếc áo "tam tòng tứ đức, trinh tiết, hy sinh, chịu đựng, thủ tiết thờ chồng"...…Văn minh phương Tây rất khác. Đối với họ, đời người là những chuỗi ngày mưu cầu hạnh phúc, an nhiên, vui vẻ, mắc mớ gì ràng buộc nhau cho khổ vậy?
Bố Maik nói đến cuối tuần, nếu tụi nó đi du lịch thì thôi, còn nếu nó ở nhà thì sẽ đón tụi tao qua chơi, hoặc hẹn nhau ra quán cà phê. Khi tụi tao già lắm, bác sĩ dự đoán có thể sẽ đi trong vài ba tháng, thì chọn hoặc về ở tụi nó, hàng ngày thuê điều dưỡng tới. Còn không thì ở luôn ở viện, sắp mất thì gọi con cháu qua nhìn mặt lần cuối. Hai vợ chồng tao vừa ký hợp đồng, chọn gói “ở viện đến ngày mất”, vì về đây, chết trong căn phòng này, mấy đứa con của thằng Maik nó sợ ma tội tụi nó…Nói xong ông bà cười ha hả, không thấy có gì muộn phiền gì.
Sau bữa đó, Tony để ý quanh các khu dân cư, viện dưỡng lão vô cùng nhiều. Có loại dành cho người thu nhập thấp do nhà nước đầu tư, và có loại dành cho người giàu, đẹp như resort. Đây là mô hình các bạn làm bất động sản có thể lưu ý.
2. Tony định kinh doanh bất động sản nghĩa trang, vì thấy thị trường lớn, nên có hỏi ý họ xem sao. Bố mẹ Maik nói, hiện nay trên thế giới, không nước nào khuyến khích phát triển bất động sản nghĩa trang. Đất đai cần PHẢI ưu tiên dành cho người sống, cho thế hệ sau. Người chết, cái xác người chỉ là phân tử hóa hữu cơ N, C, H, Ca,…giống nhau cả. Khác nhau là ở giá trị tinh thần, là nhân cách của 1 con người để lại cho đời, cái đó mới vĩnh viễn trường tồn. Người chết cần hỏa táng cho văn minh. Chôn kiểu cũ sẽ ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Mồ mả chỉ nên 2-3 mét vuông, có cái lọ tro ở dưới, trồng hoa xung quanh cho yên bình, như nhau hết. Chết đã là chấm dứt mọi thứ. Việc phát triển nghĩa trang to đùng, xây mộ cao ngất là một sự lãng phí. Không có nghĩa trang nào tồn tại vài trăm năm, xây cho to lắm, thì thế hệ sau nó cũng quy hoạch, hốt cốt đi chỗ khác. Tony nghe xong thì chợt hiểu ra. Nghĩa trang Massiges ở Sài Gòn, xưa là chỗ chôn cho nhà giàu Pháp, chưa tới trăm năm biến thành công viên Lê Văn Tám. Hay khu đất xây sân vận động Đà Lạt bây giờ, xưa thì là nghĩa trang rất xa thành phố, giờ lọt thỏm giữa trung tâm. Không ai biết mộ ông tổ 5 đời trước của mình ở đâu. Hoàng đế Trung Hoa xưa, ông nào cũng coi phong thủy hàm rồng để táng vào, lựa thế núi thế sông, thanh long bạch hổ, xây lăng tẩm cao ngất, chôn theo cả ngàn người….nhưng giờ có hem có đứa con cháu nào phát được. Hem có tỷ phú hay nhà bác học đoạt giải Nobel nào là con cháu vua Hán vua Tần cả. Cho nên, tư duy về người chết, cái chết…phải khác.
3. Ở các nước châu Á phát triển, vì truyền thống ông bà muốn ở gần con cháu, các công ty bất động sản ở đây tạo ra mô hình ‘chung cư hiếu thảo”, “cư xá đại đồng đường”, “chung cư gió heo may”… như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Nhật, các tp lớn Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Ả Rập... Những khu nhà phố cũ nát đều được các công ty thương lượng mua lại từng căn một, đập hết xây thành 2 khối nhà, mật độ xây dựng chỉ 20%, 80% còn lại là cái sân trồng cây để tập thể dục, phía dưới là 2-3 tầng hầm để để xe ô tô cho cư dân, có trạm xe buýt để người già bắt đi vô trung tâm hay đi chùa, nhà thờ... Họ được công ty bất động sản cấp lại 2 căn hộ, 1 căn cho con cháu ở tòa A, 1 căn cho ông bà ở tòa B, số còn lại công ty bán. Ai cũng hào hứng dọn đi, nên thành phố càng ngày càng sạch đẹp, xinh tươi. Tòa B của người già ở có camera giám sát mọi ngóc ngách (trừ phòng ngủ và nhà tắm, nếu không, lúc mấy ông bà thay đồ, bảo vệ nó thấy da nhăn nheo nó hết muốn lấy vợ). Bảo vệ hàng ngày coi ngó cả chục cái màn hình, thấy ông bà nào té ngã, thì xử lý liền. Bác sĩ y tá xe cấp cứu túc trực ở đó. Cứ sáng sáng, ông bà xuống sân tập thể dục, con cháu tới vòng tay thưa ông bà rồi ra đứng ở trạm xe buýt chờ xe buýt của trường đến đón đi học. Nhà nước quy định 100% trường phổ thông phải có xe buýt đưa đón học sinh (school-bus), không có chuyện trường 1000 học sinh thì tan học, trước cổng trường có 1000 chiếc xe máy chờ đón con. Chiều chiều, ông bà xuống trạm buýt đón con cháu lên, cho ăn uống xong bố mẹ nó đi làm về thì ghé đón về. Có thể ăn cơm chung rồi ai về nhà nấy. Cười nói rộn vang.
Ai đó nói tuổi xế chiều là tuổi “gió heo may”. Gió lành tươi mát hay gió phiền não sầu thương, âu cũng là do con người nhận thức và tổ chức cuộc sống của họ mà ra vậy.


Read more…

Chuyện hay, nên đọc.

tháng 9 13, 2016 |
Khi nói về 1 cá nhân, không nên quan tâm đời tư, mặt mũi, lý lịch...của họ. Vì như vậy là tò mò. Biết các thông tin đó không có ích gì, chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ của đầu óc người tầm thường mà thôi.
Đại nhân chỉ nên "tìm hiểu", hem nên "tò mò".
Tìm hiểu tư tưởng của cá nhân đó. Xem làm thế nào mà họ trở nên vĩ đại.
Liên hệ bản thân, mình sẽ đúc kết gì từ đó. Mình sẽ ứng dụng tư tưởng ấy ra sao
Chơi với người giàu, đọc sách của người giàu viết...thì tư duy mình sẽ khá lên, vì tư duy của nhà giàu rất khác đám đông. Chơi với người văn minh, đọc sách người văn minh viết...thì sẽ văn minh theo. Chơi và đọc sách của người phóng khoáng, mình cũng sẽ lây nhiễm sự hào sảng, khoáng đạt của họ...Mình sẽ học được "triết lý, sách lược, chiến lược, tinh thần, tư tưởng"...
Và ngược lại. Chơi với người bé nhỏ thì họ sẽ chỉ mình "mẹo", "chiêu", tiểu tiết", "tiểu xảo", "trò", "thủ thuật",...và mình cũng sẽ bị cuốn theo các lặt vặt đó. Nên biết, nhưng để tránh, để phòng thủ, hem phải để áp dụng.
Mình phải đặc biệt và xuất chúng, vì mình duy nhất trong vũ trụ.
___________________________________________________
Doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc

Tỷ phú Dư Bành Niên (余彭年) vừa qua đời ở tuổi 93 (thượng thọ). Ông đã chuyển toàn bộ tài sản trị giá 9,3 tỷ NDT (2 tỷ USD) vào quỹ từ thiện của ông hoạt động trong nhiều năm nay. Dư là tỷ phú Trung Quốc đầu tiên thoát khỏi “tình thương mù quáng Á châu” khi cho đi toàn bộ tài sản của mình. "Nếu các con tôi tài giỏi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, thì gia sản này trước sau gì cũng mất". Muốn con cái phồn vinh mãi mãi, thì việc đầu tiên là xác định "tiền ai nấy làm nấy hưởng". Bất cứ ai xài tiền của người khác, đều là người kém cỏi cả (trừ người khuyết tật và trẻ em dưới 18 tuổi chưa được phép lao động). Thương con thật sự là phải như vậy.

Ông khuyên mọi người không nên để lại tài sản cho con cháu vì như vậy sẽ hại con. Dù tài sản lớn như một cơ nghiệp hay chỉ là một miếng đất, một cái nhà nhỏ....đều không nên cho con cháu. Vì khi biết có tài sản thừa kế, thế hệ sau sẽ ỷ y vào đó, mất đi động lực, ý chí phấn đấu, cái quan trọng nhất để thành công.

Ông Dư sinh năm 1922 ở Hồ Nam. Năm 1958, ông tới Hong Kong làm đủ nghề để kiếm sống, từ lao công cho tới công nhân xây dựng, khuân vác, giao hàng... Sau đó, ông mở công ty bất động sản, du lịch, khách sạn, y tế.

Ông Dư là Chủ tịch hãng BĐS Foo Tak lừng lẫy, ông từng chia sẻ bí quyết thành công là làm tốt nhất nhiệm vụ mình được giao "Dù là công việc địa vị thấp, kể cả khi lau chùi toilet, tôi vẫn cố gắng là người lau chùi sạch nhất”. Ông khuyên các bạn trẻ đừng nề hà việc gì, dù là lau chùi toilet để kiếm sống, rồi từ từ đi lên...

Vậy ông làm giàu để làm gì nếu không phải cho con cháu. Ông nói, "chỉ là đễ thỏa mãn đam mê, bung hết khả năng cuộc đời mình". Còn con cháu, đó là những cá thể khác, chúng tự do sống khác.

Và người Trung Quốc đã tìm thấy người doanh nhân đầu tiên của mình.




Read more…

Những người già ở Singapore

tháng 9 13, 2016 |
Rất nhiều người già ở Singapore chọn giải pháp đi làm thêm sau khi nghỉ hưu, chủ yếu là ra đường dọn dẹp để thành phố sạch sẽ hơn. Hoặc đi phục vụ nhà hàng, làm thêm việc gì nhẹ nhàng phù hợp sức khoẻ. Dù lương hưu cao ngất, y tế được bảo hiểm hết, nhưng họ thích làm. Làm đến khi không đi nổi nữa thì mới vô "nursing home" ở, để được chăm sóc y tế cho tốt hơn là ở nhà với con cháu. Cuối tuần con cháu đón về chơi, thứ 2 quay lại "nursing home" (viện dưỡng lão cao cấp, có bác sĩ y tá chăm sóc).
Khi con cái thấy cha mẹ mình nhặt rác trên phố, hay phục vụ trong nhà hàng, họ vô cùng tự hào. Học sinh đi với các bạn ngang qua chỗ ông bà đang dọn rác, cắt cỏ...chúng chỉ trỏ và khoe ngay với bạn bè. Nói ông nội tao kìa, bà ngoại tao kia. Nói ổng bả về hưu rồi, xưa giáo sư dạy đại học NUS đó, có nhiều công trình khoa học công bố quốc tế lắm.
Ông bà cha mẹ cũng hem có sĩ diện chi, khi con cái đi ngang qua chỗ họ nhặt rác, họ sẽ vẫy tay chào. Hoặc con cháu dắt bạn bè tới nhà hàng mình đang làm, họ chạy ra "Hi my son, hi my nephew, hello every one, hum nay tụi mày ăn gì, uống gì, hum nay nhà hàng tao có...miệng tươi cười như hoa (dù móm khi răng rụng). Bữa nay có khuyến mãi cái này cái kia. Hoặc nói đùa nếu tao phục vụ tốt, chút tụi mày nhớ boa nha".
Vẫn là chuyện ở Singapore.

Read more…

Ọt ga nít cô cô nớt

tháng 9 13, 2016 |
Các bạn đang sống trong thời kỳ dân số vàng. Đó là thời kỳ đặc biệt nhất của mỗi dân tộc, khi lứa tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất trong tháp dân số. Tuy nhiên, do lực lượng doanh chủ (chủ doanh nghiệp) còn quá mỏng, tình trạng thất nghiệp phổ biến và ngày càng tăng cao. Giải pháp các nước thời điểm dân số vàng là khuyến khích "tinh hoa" làm chủ. Thường "tinh hoa" chiếm 5%, lớp 100 bạn thì sẽ có khoảng 5 bạn làm được cơ đồ, giải quyết việc làm cho 95 bạn kia. Bạn trẻ có tố chất 5% này, phải được truyền cảm hứng, nghĩ lớn, kinh nghiệm để khởi nghiệp. Tinh hoa muốn có thành tựu, thì phải lao ra đường làm chân tay để va chạm, có street smart, biết tâm tư nguyện vọng của đủ hạng người. Sau này dưới trướng mình là tài xế, lao công, công nhân, kế toán gì mình đều hiểu sâu tâm lý của họ...vì đã kinh qua hết. Không ai bước ra làm chủ được chỉ từ sách vở, bàn phím, con chuột, máy lạnh và những tiếng thở dài.
1. Khởi nghiệp về sản xuất. Bạn trẻ nên làm việc cho nhà máy nước ngoài đặt tại VN, hoặc xách giỏ đi làm việc thực tập sinh, xuất khẩu lao động ở nước ngoài, quan sát để ý học tập. Người ta kinh tế thị trường mấy trăm năm, mình nên để ý, chọn 1 nghề, 1 ngành, 1 lĩnh vực để nghiên cứu sâu. Làm để học nghề, không phải vì lương. 3-5 năm sau, quay về nước khởi nghiệp. Nếu chạy theo tiền bạc của người làm công ở nước ngoài, thì vẫn chỉ là nước xuất khẩu lao động đơn thuần như Philippines. Tiền vài ba chục tỷ đô la gửi về đó, không bền vững. Thập niên 60-70, mấy nước châu Á đều xuất khẩu lao động cả, đặc biệt là sang các nước giàu dầu mỏ. Khi họ lộn xộn chiến tranh, hàng loạt lao động Philippines về nước và nộp hồ sơ đi nước khác làm tiếp, trong khi lực lượng lao động người Hàn, người Đài, Malay, Thái..trở về và xây dựng những nhà máy, công xưởng (Gõ google chấm com từ khoá "thực tập hưởng lương, tu nghiệp sinh, xuất khẩu lao động, co-operative education, paid internship, học nghề hưởng lương ở nước ngoài, đào tạo nghề vừa học vừa làm ở nước X, Y nào đó mình muốn đi, muốn bắt chước họ..").
2. Khởi nghiệp về nông nghiệp. Giới trẻ nông thôn đang có xu hướng đổ xô về thành thị để bung lụa thời tuổi trẻ, nước nào cũng thế. Tuy nhiên, nên xác định rõ mình có phù hợp để thành công ở thành phố không. Cách đây 20 năm, Tony vừa ra trường chỉ với bằng B Anh Văn, lương 300 đô la thử việc, bây giờ rất khác. Dân du học về nhiều, các ngóc ngách ngành kinh tế đã được phủ kín dần, mình chen chân vô càng khó nếu vẫn làm y chang người ta. Nên phải khác, phải sáng tạo cái mới nếu ở thành phố. Mở quán cà phê pha phin, tuyển nhân viên mặc áo 2 dây ra vô cười nói thì sao cạnh tranh lại chuỗi Starbucks, the Coffee bean...Thành phố sẽ là thiên đường dành cho người cực giỏi, cá tính. New York, phố Wall không dành cho người tài năng tầm tầm. Thì thôi, mình đi Iowa, Wisconsin bẻ bắp hái ngô, ở đó còn cơ hội.
Đất đai ở nông thôn sẽ bỏ trống dần do di dân lên phố. Các bạn trẻ nên tập hợp lại, dồn điền tích thổ. Lập dự án dựa trên lợi thế của địa phương mình. Ví dụ vùng đất này trồng được chuối, lập dự án, mời gọi đầu tư, xách giỏ đi tiếp thị với người nhập bên Nhật, bên Hàn, bên Nga...những nước xứ lạnh trồng không được loại cây này. Mình tiếp thị, ký kết hợp đồng, có đầu ra ngon lành để phát triển. Các bạn ở Thốt Nốt, Hậu Giang đã làm được mô hình này, có 1 bạn đã trồng tới 180,000 gốc chuối/ trang trại và tháng nào cũng cả chục công ten nơ xuất đi. Dứa (thơm) chỉ có khoảng 20 nước trồng được, vì cần khí hậu nóng ẩm, trong khi 200 nước tiêu dùng, ở châu Âu 1 quả bán giá khoảng 200.000 đồng. Tony khuyến nông, là khuyến như vậy, không phải về có mấy mét vuông đất trong nhà rồi trồng 10 cây chuối, nuôi 7 con gà, sáng cho gà ăn rồi ngồi buồn nặn mụn miết cho hết ngày. Rùi 3 tháng thì ớn óc, cuồng chân cuồng cẳng, rồi lại ra quốc lộ bắt xe vọt lên thành phố rũ rượi xin việc. Cũng đừng khởi nghiệp với vài mét vuông đất trồng rau sạch, 99% bạn khởi nghiệp với "rau sạch" đều tèo, vì xã hội bây giờ mặc dù quan tâm nông sản sạch bẩn, nhưng chỉ mua giá rẻ. Nên việc khởi nghiệp rau sạch chỉ là cơ hội để mình trải nghiệm thất bại, sau đó làm cái khác thành công.
3. Khởi nghiệp về công nghệ: việc nghĩ ra cái gì đó ứng dụng kiếm được khối tiền như Uber, grabcar, airbnb... Hoặc làm cái game cho mọi người download xuống chơi, ngày nào cũng kiếm vài chục ngàn đô như bạn gì đó ở Hà Nội. Đó là xu thế mới dành cho các bạn trẻ giỏi công nghệ. Tuy nhiên cái này hơi khó do đặc tính Á Đông thụ động vở sạch chữ đẹp con ngoan trò giỏi....khiến người bắt chước follow thì nhiều chứ người nghĩ ra cái mới, người sáng tạo cá tính rất hiếm. Có thì các bạn đó cũng đã âm thầm làm giàu và nghỉ hưu đâu đó trên thế giới ở tuổi 30 rồi.
4. Khởi nghiệp về xuất khẩu: Coi các doanh nghiệp đang bán hàng trong nước mạnh mà chưa bán ra nước ngoài được, nói "chuỵ để em, em học kinh tế, em học ngoại thương, em học ngoại ngữ giỏi chứ không phải người thường, em sẽ mang hàng chị ra quốc tế". Gánh rau ầm ầm ra chợ Tây. Để dành thị trường thương mại trong nước cho chị Ba chị Bảy đi, họ không có biết tiếng Anh. Mình cử nhân thạc sĩ, không giành việc với họ.
5. Khởi nghiệp về du lịch: Tổ chức các tour lạ lùng, thú vị...để dụ Tây sang. Nhà mình ở quê cũng làm thành "biệt phủ nghỉ dưỡng". Mình bắt nó (khách du lịch) ngồi trong resort hotel homestay của mình giữa cánh đồng, mình đấm bóp mát xa cắt móng chân tỉ tê cho nó, miễn phí hết, cho nó khát nước cháy cổ họng. Mình mua cái tủ lạnh, quả dừa dân quê đang bán có 5000 đồng, mình để cả chục buồng ướp lạnh, treo bảng "ọt ga nít cô cô nớt" (organic coconut), giá 5 đô/quả. Nó khát quá uống 10 quả liền. Mình tươi cười "chặt nghệ thuật" mà nó vui lòng. Mấy nước khác làm du lịch đều thế cả. Tour Thái Lan rao có 3-4 trăm đô cho mấy ngày trọn gói, ở hotel 3-4 sao, chứ hiếm ai đi về mà hẻm xài cả ngàn đô la cả. Tiêu hết tiền mà về hài lòng vui vẻ mới chết.
6. Những khởi nghiệp khác: tự mình nghĩ ra chứ Tony hết biết rồi. Nếu mình là "tinh hoa", nên đọc lại bài này 1 lần nữa để thấy bài này cũng hay, cũng dễ thương. Hẻm phải "mèo khen mèo dài đuôi" đâu, nhưng tại đuôi nó dài quá, giấu hẻm được.


Read more…

Đầu tư cho nhận thức, đọc gì...

tháng 9 13, 2016 |
Tiêu Đỉnh là một nhân vật mới xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc, ban đầu anh viết Tru Tiên là viết đặt hàng cho một game online, nhưng đây là "bút thần", một hiện tượng đặc biệt của nghề viết. Tức người viết thì bình thường, nhưng lúc viết văn như có ai nhập nên "hay bất thường", chính họ đọc lại cũng sững sờ không nghĩ là mình viết ra. Ở VN cũng có hiện tượng này đó là Tony, đã mấy lần đọc xong 2 tác phẩm của mình rồi hỏi mấy đứa con dượng "tác giả là ai viết mà hay quá vậy? Dượng muốn tò mò coi mặt". Cái tụi nhỏ lấy cái gương tới cho coi, nói mặt ổng nè, cũng bình thường chứ có đẹp đẽ chi mô mà tự ca ngợi miết. Đi khám bác sĩ thì họ nói Tony bị Alzheimer, chứng mất trí nhớ do già, chứ hem phải bút thần bút thèo gì.
Quay lại truyện Tru Tiên, đây là tác phẩm khá ly kỳ hấp dẫn, có rất nhiều câu triết lý hay và sâu. Những tập cuối, Tiêu Đỉnh bị công ty buộc phải kết thúc số phận các nhân vật sớm để ra game, nên người đọc cảm thấy khá hụt hẫng và gượng ép. Nhưng chỉ cần có thế, với những tập đầu tiên, Tru Tiên xứng đáng là 1 trong những tác phẩm văn học hay nhất của TQ từ cổ chí kim.
Với văn học Trung Quốc, ngoài Tam Quốc, Thủy Hử, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc, Hồng Lâu Mộng... bị papa bắt đọc hồi bé, đọc cho biết, Tony không thích ai trong các nhân vật ở đó, kể cả Khổng Minh. Tony không thích các tư tưởng nhỏ hẹp, chung quy chỉ vòng vèo những mối quan hệ tham-sân-si và mưu kế của trí khôn Trung Hoa cổ đại, khá xa lạ với tư tưởng phóng khoáng phương Tây mà Tony tiếp nhận sau này. Một ví dụ như Lưu Bị, một người được trí thức nho học hàng ngàn năm nay xem là "tài đức vẹn toàn", nhưng thật ra, theo quan điểm của văn minh hiện đại, Lưu Bị chỉ là người đạo đức giả để mưu cầu lợi ích riêng mình. Ông hay khóc để lấy nước mắt làm vũ khí tình cảm với nhân viên. Rồi đỉnh điểm là hành động "ném con giữ tướng" rất thô bỉ (khi Triệu Vân phá vây cứu con trai ông là A Đẩu, khi gặp lại, Lưu Bị ném A Đẩu xuống đất và nói "vì mày mà ta suýt mất 1 đại tướng" khiến Triệu Vân cảm động không nên lời, thề sẽ lấy mạng sống bảo vệ Lưu Bị). Với giới trẻ Trung Quốc có tư tưởng tiến bộ bây giờ, Lưu Bị không được xem là người văn minh.
Với văn học Trung Quốc hiện đại, Tony chỉ đọc qua 1 ít và cảm thấy không thích, cũng lý do như trên. Chỉ có Tây Du Ký và Tru Tiên là 2 tác phẩm văn học Trung Quốc được Tony mua về, bọc bìa cẩn thận, đọc đi đọc lại cả trăm lần không chán. Vì nó kích thích sự tưởng tượng phóng khoáng tầm vũ trụ, kể chuyện thần tiên nên đêm ngủ mơ thấy bay lượn trên không trung rất thú vị. Các bạn muốn làm nghề quy hoạch, kiến trúc, doanh nhân, trí thức….càng phải đọc Tru Tiên để tư duy phóng khoáng. Các bạn nên mua bản giấy, vì nó được biên tập tốt cho tư duy hơn là bản online (Cà phê cùng Tony và Trên Đường Băng, bản giấy cũng khác bản trên mạng, các bạn nên mua bản giấy nếu thuộc "cộng đồng văn hóa đọc"). Đầu tư cho sách thì đừng có tính toán, đầu óc hẹp hòi khó làm nên nghiệp lớn.
Truyện Tru Tiên xoay quanh cuộc đời của Trương Tiểu Phàm, một cậu bé tư chất ngờ nghệch, chậm chạp. Số phận trêu ngươi, họ Trương vào vòng xoáy của chính, của tà. Rồi mới nhận ra là trong chính vẫn có tà, trong tà vẫn có chính. Chính hay tà là do nhận thức của con người mà thôi. Anh không theo phe nào, trung dung, tự lập vì nhận ra bản chất của cuộc sống. Anh theo tôn giáo của riêng mình. Đó là nhận thức cái gì sai, cái gì đúng. Anh trở thành vĩ đại và số 1.
Trương Tiểu Phàm chỉ bị che lấp lý trí trước tình yêu. Con tim có lý lẽ riêng không ai hiểu, và với anh, tình yêu là tôn giáo duy nhất. Đọc Tru Tiên, chúng ta mới thấy được một người đàn ông cần gian nan như thế nào để có thể trưởng thành. Ở Trung Quốc, nhiều bạn trẻ tuyên bố trên mạng xã hội”nhà tôi quá giàu có, quá đủ đầy, lại chỉ có mình tôi. Tôi không thấy đời có gì vui. Rồi đến khi đọc được Tru Tiên”. Đọc để biết trong những người quen, mình cần vài người yêu. Trong vài người yêu, chỉ cần 1 người hiểu. Bất chấp giới tính, tuổi tác, màu da, chủng tộc, ý thức hệ. Có người hiểu mình và mình hiểu họ, đã là quá đủ để sống 1 cuộc đời ý nghĩa.
Tru Tiên không phải là truyện kiếm hiệp, truyện thần tiên…mà thật ra là truyện tình yêu và truyện trưởng thành. Người đọc tinh tế lắm mới nhận ra vậy.


Read more…

Chọn cái lu bu

tháng 9 13, 2016 |
Dành cho các bạn yêu thích làm chủ doanh nghiệp, để có cơ nghiệp cho vui với đời. Cách sản xuất sô cô la như vầy nè. Các bạn muốn SX thì đọc thêm 100 tài liệu nữa, khoảng 6 tháng lăn lộn vùng nguyên liệu hay cao trí hơn 1 bậc, mình "ủ miu", xin qua Thuỵ sĩ, Đức, Pháp, Bỉ....để làm công nhân trong các nhà máy sản xuất sô cô la của họ, 1-2 năm rùi về, mình sẽ biết cách làm. Làm ngon để xuất qua thị trường đó. Nhu cầu thế giới lớn lắm, mà chỉ có mấy nước trồng được cây này thui.
Châu Âu họ không trồng được cây ca cao, phải nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, Việt Nam...về bên đó sản xuất sô cô la, xong xuất lại với giá trị tăng gấp 100 lần. Nên họ phồn vinh. Còn mình thì hem chịu học hỏi để làm, hoặc biết cũng hem làm (lười) nên nghèo khổ miết.
Mình mày mò cũng làm được. Thử và sai, thử và sai. Chục lần là ra kết quả.
Đã có 3 bạn trong CLB con dượng sản xuất thành công từ việc đọc những status như vầy. Từ nhân viên bàn giấy, các bạn đã từ bỏ cái "nhàn hạ" để lấy cái "lu bu". Một bạn đã xuất khẩu thành công, tháng kiếm có 20,000 đô la tiền lãi. Và tiếp tục nhiều đơn hàng hơn. Bạn trẻ phải có cơ nghiệp từ sản xuất, ny lông (ly nông) mà không ly hương. Cha mẹ phải khuyến khích con làm chủ nhà máy xí nghiệp này nọ thay vì ổn định với đồng lương vài triệu nếu thấy con mình có tư chất thông minh học giỏi. Thầy cô cũng phải hướng dẫn học trò mình làm những sự nghiệp lớn lao nếu thấy đó là tinh hoa, giỏi giang hơn người.
Bạn mua xe hơi đưa vợ con đi chơi (thời đại này mà còn đi xe máy nữa thì dở quá), con cái cho học trường quốc tế để khỏi phải học thêm, bạn mua xe hơi biệt thự cho cha mẹ ở, bà con chòm xóm ai thất nghiệp đều cho vô xưởng làm, lương tháng 6-7 triệu hết. Xóm làng ai cũng khen, nói nó tốt nghiệp Đại học chứ có phải người thường đâu. Cha mẹ thì nở mũi sung sướng, thầy cô giáo cũ thì tự hào, thế hệ sau thì ngưỡng mộ...
http://m.wikihow.com/Make-Chocolate

Read more…

Nếu được 1 lần xuất ngoại

tháng 9 04, 2016 |
Thật sự mà nói, nước ta chưa có nơi nào có thể gọi là thành phố. Sài Gòn, Hà Nội…chỉ là các thị trấn khổng lồ. Nếu muốn xem một thành phố thật sự, mình có thể đến Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật, Hàn, Úc,..Nhưng xin visa đến các nước này rất khó nhằn, hãy đi Singapore. Singapore là quốc gia phát triển DUY NHẤT miễn visa du lịch cho người Việt. Mỗi chúng ta đều nên đến đây để thấy cách quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, văn minh đô thị…là như thế nào. Phải tận mắt đi đến, quan sát, thì mới có thể về nước, tự mình điều chỉnh hành vi của mình. Mới thấy nhà ống lô nhô, phân lô bán nền, hẻm nhỏ ngõ nhỏ, xe máy, chen ngang, bóp còi, nói to nơi công cộng, tiểu đường, khạc nhổ, xả rác xuống đất, xuống sông, giành vô thang máy, không xếp hàng ở siêu thị, nơi công cộng, không chịu đi bộ, chụp hình người khác mà không xin phép, vô quán cà phê nhìn người này người kia soi mói, quan tâm đời tư người khác…là lối sống chưa văn minh, cần phải thay đổi.
Dân các nước khác phải phỏng vấn visa hoặc bay rất lâu để được 1 lần đặt chân lên Singapore, mình có cái đặc lợi là công dân Việt Nam, phải tận dụng lợi thế này mà đi sang Singapore ít nhất 1 lần trong đời. Biết tiếng Anh thì tự đi. Hem biết thì vô google chấm com gõ “tour du lịch Singapore”, chỉ chục triệu đồng trọn gói ăn ở vé máy bay. Đi Singapore, coi như mình đã sống thọ 200-300 tuổi, vì Singapore bây giờ chính là Việt Nam của ngày mai. Làm hộ chiếu và đi. Hạ tầng của Mỹ, châu Âu…cũng hem hiện đại bằng Singapore đâu.
Singapore là đô thị kiểu mẫu của thế giới. Dân cư Băng Cốc, Manila, Jakarta, Thượng Hải, Bắc Kinh, Đài Bắc, Seoul,…có khẩu hiệu “hãy nhanh nhẹn như người Singapore”. Năng suất lao động của mỗi cá nhân chính là chìa khóa đưa quốc gia này trở nên thịnh vượng. 100% nhân viên sở quy hoạch đô thị của các thành phố Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…đều phải sang Singapore học tập cả tuần, đi lang thang mọi ngóc ngách, chụp hình, làm báo cáo để trở về quy hoạch cho thành phố của họ.
Hà Nội, Đà Nẵng, Tp HCM, Phú Quốc đều có đường bay trực tiếp. Với chi phí vài ba triệu đồng, việc đến Singapore uống ly cà phê rồi về là thú vui của giới trẻ Đông Nam Á hiện nay.
Phần lớn người Singapore đi lại bằng phương tiện công cộng. Mọi con đường dù to dù nhỏ, lane trong cùng sát vỉa hè là lane của xe buýt. Xe buýt rộng khắp và hưởng mọi đặc quyền ưu tiên là dấu hiệu nhận biết một thành phố. Khi bạn muốn trở thành cư dân đô thị, điều đầu tiên bạn phải nắm chính là bản đồ, thời gian biểu của các tuyến xe buýt, tàu điện. New York, London, Hongkong, Seoul, Tokyo…đều như thế cả.
Công sở ở Singapore mở cửa từ 9-10h sáng đến 9-10 giờ đêm, nên đừng ngạc nhiên nếu bạn bè hẹn mình cà phê lúc 11h30 tối. Lương lao động phổ thông/sinh viên làm thêm được trả theo giờ, ví dụ 5-8 SGD/h nếu bưng phở. Ở Sing, làm gì cũng phải thiệt nhanh, bưng ra xong chạy vô bưng tô khác liền, bưng chậm quá sẽ bị chủ xô té ngã dập mặt vô tô phở. Lúc không có khách, nhân viên phải đi nhìn ngó khắp quán, lau chùi từng mm bàn ghế, kính, toilet, …TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC NGỒI mà không làm gì hoặc ôm cái Iphone. Nếu mặt mũi nhăn nhó cau có, không nói không cười thì cũng bị chủ đuổi. Cuối ngày nó kêu mình lại trả tiền rồi nói “you are very good but not suitable in here lah”. Người về hưu ở Singapore cũng đi làm, đừng ngạc nhiên khi thấy toàn người già làm nghề quét dọn. Họ làm cho vui, giúp thành phố họ thêm sạch sẽ.
Nhân viên ở các công sở nếu cả buổi chưa xong cái báo cáo sẽ bị xô té dập mặt vào màn hình máy tính. Sếp giao việc sẽ không bao giờ có câu “làm sớm nha em”. Sớm là bao lâu, nói ngây ngô vậy thì nhân viên nó 1 năm sau nữa nó mới làm. Hỏi thì nó nói “1 năm với em là sớm”, rồi thằng sếp cứng họng vì “kỹ năng giao việc hem có, năng lực làm sếp hem có”. Giao việc cho ai, họ giao luôn deadline (thời gian cuối cùng) để hoàn thành, ví dụ “hãy báo cáo thông tin về các cửa hàng bán Smartphone ở Orchard Road, 3h45 chiều thứ 6 nộp”. Rồi hết, không nói tiếng nào nữa. Nhân viên tự triển khai. Tự hiểu là báo cáo sẽ có đầy đủ các thông tin như tên cửa hàng, chủ cửa hàng, giờ mở cửa đóng cửa, doanh số trung bình, đang bán loại ĐT gì, giá cả, nguồn hàng, khả năng hợp tác với hãng mình…chứ không có chuyện đứng ẹo 1 bên hỏi “thưa sếp báo cáo gồm những cái gì ạ”. Nếu mình hỏi như vậy, sẽ bị quánh giá là “thiếu i-ốt quá sao học đại học hay vậy em”. Sếp đang cầm ly cà phê trên tay, nghe mình hỏi mấy câu “ngu dưới mức bình thường này” sẽ tạt thẳng ly cà phê vào mặt cho chừa cái thói ít động não. Làm thế nào có được thông tin cho báo cáo đó thì tự suy nghĩ, nghĩ không ra thì qua Mỹ làm, nhé. Phải sáng tạo và sáng tạo. Không có chuyện 1 tuần trôi qua mà không có thành tựu gì. Báo cáo cuối tuần mà đứa nào ghi “xin báo cáo là tuần này, em không có gì mới, mọi thứ y chang tuần trước” thì họ cũng cho nghỉ việc. Dở quá.
Nhân viên thực tập hoặc thử việc, mặt mũi phải lanh lợi tươi cười, tay chân phải hoạt bát, vừa đi vừa chạy mới được giữ lại. Ngày xưa, sinh viên quốc tế được cho vay vốn, ở lại làm 3 năm trả nợ. Tuy nhiên, gần đây nhiều bạn vẫn cứ nợ hoài vì tốt nghiệp rồi, phỏng vấn miết mà không ai nhận, do tư duy máy móc rập khuôn hoặc năng lực hem có. Hãy nhìn nhân viên quét dọn ở sân bay Changi, họ vừa đi vừa chạy, vừa liếc nhìn chỗ nào bẩn là lao tới hút bụi hay nhặt rác lên liền, tuyệt đối không tò mò tiểu nông nhìn người khác. Ông lái xe buýt hop-on hop-off thì đeo headphone trên đầu, 2 tay cầm vô lăng , miệng thuyết minh cho khách du lịch cho từng điểm tham quan, không cần hướng dẫn viên du lịch. Cả đất nước vừa đi vừa chạy từ mờ sáng đến tối khuya. Nên dù chỉ có 4-5 triệu dân, chỉ bằng ½ dân số Sài Gòn, nhưng tổng tài sản GDP gấp rưỡi cả nước mình (300 tỷ đô so với 200 tỷ). Do vậy, mình qua Singapore bây giờ mình chơi, thì coi như mình sống thọ tới mấy trăm tuổi. Singapore bây giờ chính là Việt Nam năm 2100+.
Anh bạn Tony hiện là chủ một chuỗi cửa hàng bán cháo ếch ở đây nói, tao sẵn sàng nhận nhân viên bất cứ quốc tịch nào theo thứ tự ưu tiên là (1) nhanh nhẹn (tư duy và cơ thể), (2) sáng tạo, nghĩ ra được cái mới, không bảo thủ tự ái, sẵn sàng bỏ cái cũ, cái xấu để xây dựng cái mới tốt hơn cho bản thân mình (3) chăm chỉ kỷ luật (đến đúng giờ, về trễ giờ), (4) tiếng Anh tốt, (5) vui vẻ, cầu tiến, ham học hỏi. Các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở Singapore để điều hành công việc ở châu Á đểu cần nhân viên như thế. Mình đủ điều kiện trên thì sang đó mà làm, lương trung bình ở các tập đoàn đa quốc gia này là 10,000+ đô /tháng, tính ra khoảng 150 triệu+/tháng nên mình giàu nhanh, enjoy (tận hưởng) cảm giác "chưa già đã giàu”.
Còn nếu mình là đứa học giỏi, làm biếng bay sang Harvard thì ở Singapore có trường hành chính công vô cùng nổi tiếng mang tên Lý Quang Diệu (search Lee Kuan Yew school of public policy), là 1 trong 3 trường đào tạo lãnh đạo tốt nhất thế giới, chỉ nhận tinh hoa, không đào tạo đại trà. Ai tốt nghiệp trường này ra thì thôi, đã có đơn đặt hàng từ lúc mới bước 1 chân vào cổng trường (trường có 1 giáo sư người Việt Nam khá đệp choai). Trường có nhiều suất về kỹ năng quản lý trong 1-2 tuần đến vài tháng, bao ăn ở. Bạn có thể đăng ký hạc để về làm việc tốt hơn, có nhiều quan hệ quốc tế hơn, vì bạn bè toàn là người giỏi giang xuất chúng cả. Các bạn lâu lâu xin nghỉ 1 vài tháng, tham gia những khóa ngắn hạn như vầy (Search “short course in management, marketing, sales, finance, human resource, real estate, international trade, agriculture, media…” tùy theo lĩnh vực mình làm, muốn đi nước nào thì search nước đó. Hạc hạc, đời mình ráng đi du hạc/thực tập sinh 1 lần, không full time được thì cũng vài ba tháng…)
P.S: Chi tiết xô dập mặt vô tô phở hay tạt ly cà phê là hư cấu cho vui chứ người ta dễ thương lắm, mình chậm là họ đuổi liền à. Đi đi, thay đồ lên đường nào các bạn. Du học, du lịch, du ngoạn, du hành, du gì cũng được, miễn có chữ du (trừ du đãng, du côn và du…thẩm).
Khóc.


Read more…

Bộ óc kiệt xuất nhất nhơn loại từ cổ chí kim đã nói gì?

tháng 9 04, 2016 |
Nhiều bạn thắc mắc, hem biết học sinh sinh viên nước ngoài nó học kiểu gì mà thấy "chơi thể thao nhiều hơn ngồi giải bài tập", hẻm thấy học thêm học bớt gì trơn trọi mà ra đời vẫn giỏi. Hem biết các ĐH nước ngoài làm sao mà nhận ra đó là nhân tài mà tuyển vô hay vậy?
Triết lý về giáo dục ở một số nước châu Á là giáo dục khoa bảng, là "học để thi", ngược lại với triết lý giáo dục của Unesco là (1) học để hiểu biết (2) học để làm người (3) học để làm việc (4) học để chung sống với nhau. Vì "học để thi" nên tâm lý ai cũng sẽ "thi gì học nấy", dẫn đến chuyện học thêm dạy thêm, luyện thi...không bao giờ chấm dứt được. Và từng thế hệ học sinh mệt mỏi từ mờ sáng đến tối mịt ngồi giải ô mê tê cộng phi, 3 lọ hoá chất bị mất nhãn, đạo hàm rồi nguyên hàm, tích phân rồi phân tích... cứ như ngoài thế giới không có cái gì khác nữa. Cũng không trách các bạn được, vì các bạn phải học vậy để THI. Xưa Tony cũng vậy. Ba năm cấp 3 chưa từng cầm cái ống nghiệm hoá chất, trường có phòng thí nghiệm nhưng thầy bảo thi không ai kiểm tra cái đó, chỉ giải đề tính mol trên giấy, "học cái gì để thi mới học". Học kỳ cuối năm 12, Tony cũng ngồi học tới 2h sáng, 5h đã thức dậy. Tuổi hoa niên của Tony với dung mạo xấu xí, 17-18 tuổi, lẽ ra phải phơi phới rạng ngời, mà mắc "giải đề luyện thi" 20/24 giờ nên nặng chỉ có 57kg, chiều cao 1m75, mặt dài như cái bơm, hai con mắt lồi ra, mụn bọc khắp nơi, lúc nào cũng ngáp. Lúc đó thấy trên tivi, tuổi hoa niên của các bạn học sinh phương Tây sao mà cao lớn đẹp đẽ quá, nhìn thích ơi là thích.
Thế giới họ cũng có thi, hem thi sao biết được ai giỏi dở. Họ có các kỳ thi SAT, ACT (cho học sinh phổ thông để vào ĐH), GMAT (thạc sĩ về kinh tế), GRE (thạc sĩ tự nhiên), hoặc tuyển vào trường luật thì có kỳ thi LSAT (Law School Admission Test) , tuyển bác sĩ thì có kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test-sau khi đã học xong cử nhân sinh hoá, ai muốn học bác sĩ thì thi tiếp cái này).
Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là bài luận, phỏng vấn online, các trải nghiệm thực tế, công tác xã hội...để xem năng lực, khả năng ăn nói, ngoại hình, tâm sinh lý có phù hợp với trường của họ không thì mới tuyển. Đó là ĐH hàn lâm, tuyển tinh hoa. Còn ĐH ứng dụng, tuyển đại trà, tuỳ trường quyết định hình thức tuyển.
Các bạn có thể đọc thêm ở phần comment các link về các kỳ thi ở nước ngoài. Nguồn gốc của giáo dục tiên tiến là đổi mới các kỳ thi sao cho học sinh không phải vất vả vì nó, ví dụ tổ chức 6-7 lần trong năm như SAT, ACT, thi giấy bút chì hoặc thi online, uỷ quyền các trung tâm tổ chức có thu phí, học sinh có thể thi mấy lần tuỳ thích, tuỳ khả năng để cải thiện điểm (nhưng 1 số ĐH lớn không chấp nhận kết quả lần 3), và điểm này chỉ là 1 yếu tố để xét vào ĐH. Còn phải tính đến sức khoẻ, khả năng xã hội...chứ không phải toàn chữ nghĩa không mà có thể thành người hữu dụng.
Cần áp dụng các kỳ thi nước ngoài như thế này, trước hết bằng tiếng Việt, sau đó khoảng chục năm nữa thi luôn bằng tiếng Anh, để học sinh thi xong muốn đăng ký vào ĐH ở nước nào thì đăng ký. Có thoải mái như vậy, mới có chuyện học sinh sau khi học lớp 12 sẽ tiến hành nghỉ 1 năm, đi lang thang, làm đủ việc để tìm đam mê nghề nghiệp của mình (gọi là gap year), hoặc như 3 quốc gia có năng suất lao động tốt nhất thế giới hiện nay là Israel, Hàn Quốc, Singapore...họ có chương trình đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc (ví dụ nam 2 năm, nữ 1 năm...để rèn tính kỷ luật, Việt Nam nên áp dụng, nam tối thiểu 1 năm, nữ tối thiểu 6 tháng để khoẻ mạnh hơn). Thi các chứng chỉ SAT, ACT phiên bản Việt 6-7 lần/năm, thi online mới tạo cho học sinh cảm giác thoái mái, học 1 buổi đi chơi thể thao 1 buổi, thiện nguyện hay tình nguyện 1 buổi được, hoặc đi học mấy kỹ năng, thêu thùa may vá, võ thuật bơi lội, cắm hoa nấu ăn, làm mộc làm nhà... này nọ. Thi online cũng không tốn kém tổ chức, giáo viên chấm thi này nọ...
Mọi thứ hội nhập, chúng ta nên nhập mô hình giáo dục của phương Tây về mà ứng dụng. Lúc đó, ĐH Harvard sẽ phải cạnh tranh để nhận nhân tài với ĐH Cà Mau. Thế giới đã rất phẳng, công dân quốc gia thành công dân toàn cầu, trái đất chỉ là 1 hành tinh nhỏ xíu trong vũ trụ. Ở các nước, giáo viên còn đang lo lắng là khoảng vài trăm năm nữa, trái đất ô nhiễm, hết trong lành, giáo dục phải tạo thành tựu giúp con người đi tìm 1 hành tinh khác có thể sống được. Và học sinh các nước đang đợi tìm những bộ óc kiệt xuất như Albert Einstein (anh-sờ-tanh). Kiến thức (fact)'chỉ là 1 phần, họ chú trọng dạy học sinh tư duy (think) như Anh Sờ-Tanh nói về giáo dục.
Chỉ có đổi mới cách tuyển sinh theo hướng khuyến khích hoạt động xã hội, thể chất như phương Tây mới không có hiện tượng luyện thi, học thêm, dạy thêm....vì không ai có thể học thêm được môn làm tình nguyện, từ thiện, công tác xã hội, rèn luyện sức khoẻ, hiểu biết xã hội, tư duy, lối sống,...


Read more…

Nữ nhi thường tình

tháng 9 04, 2016 |
Tony lâu rồi không gặp gỡ ai vì lý do sức khỏe (mới đi mổ lưng bên Mỹ về nên dáng đi hem có được đẹp, mất máu cũng nhiều nên da mặt cũng hết hồng hào, may cấu trúc gương mặt tỷ lệ vàng 1.618 nên vẫn vô cùng thanh tú). Tuy nhiên, khi nhận được i-meo của cái Hồng Trần, Tony bèn xuống núi đi ăn với bạn. Cái Hồng là 1 con dượng đặc biệt. Khi xét duyệt vào lớp đào tạo khởi nghiệp khóa 1, Tony mới biết là bạn cũng là thành viên nhóm Điện Biên Đông cho chương trình Áo Ấm Mùa Đông năm 2014. Lúc Tony ra Hà Nội đào tạo, bạn không dám gặp vì muốn giữ hình ảnh tưởng tượng đẹp trong lòng mình. Bạn nghe 1 số bạn trong nhóm gặp về nói “Nhan sắc ổng cũng thường à, hẻm có lung linh như ổng tự ca ngợi. Nhưng ăn nói dễ thương lắm, ánh mắt nhơn hậu như Lương Triều Vỹ ấy. Nụ cười rất cuốn hút, gặp về nhớ miết khôn nguôi”.
Đã rất lâu Tony mới thấy được 1 bạn trẻ sở hữu những tố chất doanh nhân tốt như cái Hồng. Nói chuyện với bạn, Tony ngỡ cô Liên của Vinamilk, hay cô Nga của Dược Hậu Giang thuở hai mấy tuổi. Và Tony tin chắc rằng, 20 năm sau, cái Hồng này sẽ ghi danh vào những nữ doanh nhân xuất sắc của Việt Nam. Đặc trưng của tố chất doanh nhân có thể gắn liền với 1 chữ DÁM. Dám ở đây là “dám” có tính toán, có trí, có tâm, có tầm, có khả năng biến không thành có, biến nhỏ thành to, biến lèo tèo thành huy hoàng… Cái Hồng có tất cả những yếu tố đó, chỉ thiếu nhân tài cùng nhau phát triển, vì cô chưa đủ tiền và quan hệ để thu hút “nhơn tài”. Nên nếu các bạn ở miền bắc cảm thấy mình có năng lực, có đạo đức và có kỷ luật, đang tìm 1 người để đầu quân về, thì có thể gõ cửa với cô. Cùng nhau tiến xa, thật xa. Cổ phần cùng nhau mà chia lãi, cùng làm chủ, cùng tung hoành ngang dọc cho thỏa cuộc đời.
Mời các bạn cùng nhau đọc 1 lá thư cái Hồng vừa gửi Tony sau đây. Lá thư như được viết bằng máu của 1 nữ chiến binh dũng cảm vậy.
“ Thưa dượng
Con sinh ra trong một gia đình có năm chị em gái ở Thanh Oai, Hà Tây. Vì khó khăn, ba chị gái của con đã phải bỏ học từ khi 12-13 tuổi để nhường cho con và em gái út. Xong cấp 3, con chọn nghề kế toán, rùi concon đi làm, kết hôn, sinh con…bình thường như bao cô gái cùng thế hệ khác. Cho đến 1 ngày nọ, con đọc được trang TnBS do đứa bạn nó share về. Những dòng chữ giản dị của Dượng đã đánh thức cảm hứng trong con, đến nỗi nhiều lúc con bật khóc vì tiếc nuối những ngày sống nhạt nhẽo đã qua. Nhiệt huyết trong con dâng trào, con quyết định sống khác, tự mình thay đổi bàn xoay số phận.
Khi quyết định bỏ việc lương mấy triệu để khởi nghiệp, con vấp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình. Mọi người đã quá quen với thuật ngữ “ổn định”, nên chuyện khởi nghiệp làm ăn là chuyện của ai đó. Nhưng con thấy, khái niệm “ổn định”, “chắc ăn”…sẽ khiến tuổi trẻ bị trì trệ, lạc hậu, nhạt nhòa. Con không nghe theo, kiên quyết bỏ qua lời khuyên của mọi người. Đơn độc như con thuyền đi ngược chiều gió, con bỏ hết tiền tiết kiệm xưa nay thuê hơn 1ha đất ở Đông Triều, Quảng Ninh để trồng cây chùm ngây.
Hàng ngày, con vục mặt vào đất, phơi mình giữa những ngày nắng chang chang, thức dậy từ khi gà vừa gáy, về nhà khi gà đã lên chuồng, cả người lúc nào cũng đau ê ẩm. Khi có rau thu hoạch, con chạy đủ nơi để liên hệ tìm nơi tiêu thụ. Hầu như cửa hàng rau sạch, siêu thị mini nào ở Hà Nội và các thành phố lân cận, con cũng đến gõ cửa, cúi gập người dạ thưa, tươi cười gửi hàng vô. Những đơn hàng nhiều dần lên khiến lòng con mừng vui nhưng sau vài tháng, con nhận ra nhiều điều bất ổn. Đó là tài chính kẹt cứng liên miên, túng thiếu nợ nần. Con ngồi lục lại sổ sách giấy tờ, coi từng khâu một, và nhận ra là mình quản trị chi phí quá kém. Hầu như công ty không có lợi nhuận bởi chi phí quá lớn trong việc đóng gói, vận chuyển, hao hụt...
Lại triền miên những đêm mất ngủ. Bán lá thô, bán rau như vầy sẽ không thể tồn tại được. Con quyết định mở thêm sản phẩm mới là “bột chùm ngây” để người ta có thể pha vô cháo cho trẻ con người già ăn. Con ngồi đọc hàng tá tài liệu làm cách nào để giữ vững dưỡng chất cho thực phẩm. Để sấy khô, mình có thể dùng nhiệt hoặc dùng hơi lạnh (như đồ trong tủ lạnh để lâu sẽ bị khô), chỉ có sấy lạnh là dưỡng chất còn nguyên vẹn. Lên mạng xem cái máy sấy lạnh nước ngoài, nó báo giá mấy chục ngàn đô, con bèn lần mò đến trường đại học Bách Khoa Hà Nội, và các bạn kỹ sư ở đây đã giúp con lắp đặt hệ thống máy sấy lạnh Made in Vietnam với giá cả phải chăng. Tiền mua máy cũng là tiền vay tiền mượn nên đầu óc con căng thẳng như ngồi trên đống lửa. Mẻ bột chùm ngây đầu tiên, nhìn màu sắc và nếm vị đậm đà của bột, con vô cùng thích thú. Khi mang đi xét nghiệm ở Viện công nghiệp thực phẩm – 301 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, bạn kiểm nghiệm viên còn hỏi chị trộn bao nhiêu loại hoa quả hay sữa công thức trong này mà em thấy nhiều dinh dưỡng thế, con bật khóc vì quá xúc động. Chỉ vài ba chiếc lá diệu kỳ mà chất đạm, vitamin thiết yếu, beta – caroten, các loại axit amin…đều lý tưởng đến hoàn hảo. Ví dụ can xi cao gấp 4 lần sữa, vitamin A cao hơn cà rốt 4 lần và vitamin C gấp 7 lần quả cam cho cùng một khối lượng. Cầm bảng kết quả trên tay, con mới hiểu vì sao người Ấn Độ gọi nó là cây độ sinh (the tree of life) còn UNICEF (quỹ nhi đồng liên hợp quốc) thì gọi là cây diệu kỳ (miracle tree), tổ chức nhân rộng cây này. Các tổ chức từ thiện nước ngoài cũng đặt hàng sản xuất các loại bột này để gửi đến các trường vùng sâu vùng xa, cho các bạn học sinh mầm non trở lên bổ sung vào thức ăn.
Sau khi ra đời bột chùm ngây, con lại tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm cho người lớn. Trà túi lọc, viên nang chùm ngây, xà phòng tắm, son môi…ra đời dưới sự giúp đỡ của bạn bè thầy cô bên viện Y Học Cổ Truyền. Con làm ngày làm đêm nên sản phẩm mới ra đời rất nhanh, chỉ trong 1 tháng là ra được sản phẩm mới. Mọi thủ tục giấy tờ vệ sinh ATTP , đăng ký với bộ Y tế theo tiêu chuẩn dược phẩm, mỹ phẩm, bao bì nhãn mác cũng đã quốc tế để sẵn sàng đến với mọi thị trường. Con đang tiến hành đăng ký với các tổ chức quốc tế các giấy chứng nhận để có thể xuất khẩu.
Để có thể một loạt sản phẩm trên bàn như thế này, con đã sụt cả 5 cân, nhiều đêm mất ngủ và nước mắt không biết có còn nữa không để có thể chảy. Nhiều lúc con muốn buông xuôi, đi làm công ăn lương lại. Nhưng các cuộc điện thoại của nông dân trồng chùm ngây khiến con từ bỏ ý định đó. Họ nói bọn tôi chỉ biết lao động chân tay, các cô biết chữ biết nghĩa, có học đại học (đại là lớn, đại học là học cao hiểu rộng, những người học ĐH là tinh hoa của xã hội), thì các anh các cô hãy nghĩ ra cách giúp chúng tôi kiếm được tiền. Nông dân bọn tôi khổ lắm.
Rồi một ngày không xa, cây chùm ngây được nhận rộng, đặc biệt ở những vùng núi cao, hẻo lánh, trẻ em sẽ bớt thấp còi do thiếu canxi. Trẻ nhỏ, người già không còn phụ thuộc vào sữa bò công thức nhập ngoại. Người ăn chay cũng sẽ không phải lo thiếu chất.
"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân". Và con đã đi những bước chân đầu tiên vào con đường khởi nghiệp đầy sóng gió.
Xưa khi thấy nhà con có 5 cô con gái, ai cũng nói là “phận nữ nhi thường tình”, ý nói đàn bà con gái sẽ chẳng làm nên sự nghiệp gì kiểu quan niệm nho giáo lạc hậu. Đúng là phận nữ nhi, nhưng con sẽ không “thường tình”. Cũng như hàng vạn bạn gái trên đất nước này, bọn con đang dùng sức, dùng trí xây dựng những cơ nghiệp riêng của mình và cho người khác. Những nhà máy xí nghiệp thương hiệu mang tên bọn con sẽ lần lượt ra đời. Con sẽ cắm cờ Việt Nam ở các siêu thị nước ngoài.
Như dượng có nói, chỉ có 4 dân tộc thuộc văn hoá cầm đũa trên thế giới là Nhật, Hàn, Trung, Việt. Đã có 3 dân tộc làm được kỳ tích, hà cớ gì người Việt mình lại không?
Sáng dậy, con luôn đặt tay lên trái tim mình để bắt đầu một ngày làm việc mới.
Dượng ẩn danh, nhưng bọn con thì không vô danh.
------------------------------------------------------------------------
P/S: Cây chùm ngây không nên dùng cho phụ nữ có thai. Người thành phố ăn uống đầy đủ không nên dùng liên tục vì sẽ thừa dưỡng chất, thừa canxi. Rau rất tốt cho trẻ nhỏ giai đoạn phổ thông để tăng chiều cao, khoẻ mạnh.


Read more…

Lấy tiền của Tây

tháng 9 04, 2016 |
Bài 1: Mần xuất khẩu
Có mấy bạn trẻ nói nhà con trồng thanh long nhiều lắm, trong xóm cũng trồng nhiều mà 99% bán cho thương lái Trung Quốc, con giờ muốn buôn bán với Tây, phải làm sao đây dượng?
Bèn trả lời như sau:
1. Thứ nhất là các bạn nên đi học 1 lớp xuất nhập khẩu (XNK) thực tế. Hẻm có trường cao đẳng ĐH nào dạy được mấy cái này, do thầy cô hàn lâm lắm, có đi làm ngày nào đâu mà biết nó ra răng. Hiện có rất nhiều công ty mở dạy nghiệp vụ XNK. Họ sẽ dắt ra cảng làm thủ tục hải quan, lên phòng công nghiệp lấy C.O, xuống xưởng đóng gói hàng hoá, dắt mình lên ngân hàng mở thư tín dụng đồ...Họ sẽ cầm tay chỉ việc đến khi mình nắm vững và tự làm được.
Các bạn search google "khoá học xuất nhập khẩu thực tế" để tìm chỗ gần nhất mà học.
2. Song song vào đó, các bạn học thêm tiếng Anh thương mại, tiếng Anh xuất nhập khẩu, search "English for import export", "Business English", "Tiếng Anh xuất nhập khẩu". Học hết các từ vựng trong đó để biết viết thư chào hàng, trả lời lại email của người ta. Dễ ẹc, 3 tháng là rành rọt hết từ vựng nghề này.
3. Search các thông tin người mua người bán trên mạng, đăng ký thành viên alibaba chẳng hạn để rao hàng trên đó, hoặc lập fanpage rồi quảng cáo ở nước mình muốn xuất, ví dụ mình muốn xuất khẩu thanh long qua Dubai, mình lập một fanpage "dragon fruit ex Vietnam", rồi đăng lên đó các bài tiếng Anh về thanh long, hình ảnh vườn của mình, đóng gói bao bì, giấy chứng nhận này nọ.... (mình đi học 1 khoá XNK thực tế thì sẽ nắm cái gì cần đăng lên cho khách nước ngoài quan tâm), rồi tiến hành chạy quảng cáo facebook ad (search dịch vụ chạy quảng cáo fanpage). Mỗi facebook của cư dân Dubai sẽ cứ mấy phút hiện lên cái trang của mình cho họ like, họ đọc, có nhu cầu họ sẽ liên hệ mua ngay.
Tương tự, mình cũng phải làm website (hẻm có website Tây nó không tin đâu nha), ví dụ dragonfruit-for-export.com chẳng hạn, rồi cũng chạy google ad (quảng cáo qua google, dịch vụ nào cũng có, họ làm cho chuyên nghiệp, mình mò cũng được mà tốn thời gian, để lo việc khác). Ví dụ ai đó bên Pháp muốn mua thanh long, họ vô google.com gõ "dragon fruit", website của mình sẽ hiện ra đầu tiên. Họ email qua mình hỏi giá ví dụ 20 tấn, giá CIF giao tại cảng Mạc Xây. Mình hỏi nhà vườn giá xong, chi phí đóng gói xử lý hàng, tiền cước tàu chở qua bển, rồi tiền lãi, ví dụ 20 tấn này mình muốn lãi 5,000 đô, thì cộng vô rồi chia ra kg rồi báo. Nó OK giá thì mình kêu mày mở thư tín dụng hoặc chuyển tiền trước cho tao đi. Cái mình nhận tiền xong, đóng container rồi ra cảng xuất qua cho nó. Nó nhận hàng xong thấy Ok rồi đặt tiếp mấy công ten nơ nữa. Tháng mình xuất 2000 tấn đi, kiếm lãi 500,000 đô chơi (tháng kiếm khoảng 10 tỷ thôi, đừng nhiều quá ăn hem hết).
4. Cái có tiền rồi, mình mới đăng ký đi hội chợ quốc tế tìm khách. Search "fruit exhibition, fruit trade fair, agricultural produce show"...rồi đăng ký tham gia. Họ sẽ gửi thư mời về công ty mình, rồi mình lên đại sứ quán nước đó xin visa, chuyển tiền sang bên đó để book cái gian hàng, rồi mình xách hàng mẫu sang trưng bày triển lãm. Hàng mẫu nhiều thì nhờ dịch vụ gửi qua trước, mình bay qua sau. Mình là con trai thì tập gym cho nở nang, dùng sữa rửa mặt Thái Dương cho sáng bừng, rồi bận áo vét, luôn miệng tươi cười "Welcome to our booth", rồi gọt thanh long đưa nó ăn, nói "please give it a try". Nếu thương nhân Tàu tới thì lập tức "sua Hán Dụy" (nói Hán ngữ), nói "sư sư ỷ xa" (thử thử đi nào). Nếu mình là con gái thì mình bận áo dài áo bà bà, đội nón lá, trang điểm lộng lẫy như đào cải lương, bưng cái khay trái cây ra giữa lối đi hội chợ, ai ngang qua mình cũng ép ăn, xin nem cạc (danh thiếp), bắt vô đàm phán chuyện trò, nói "please come to our stall for further discussion". Nhác thấy bóng khách người Hoa Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hoa Kiều các nước thì mình đứng dậy chèo kéo nói "lải lơ lải lơ" (vô đây vô đây), sau đó "mạ shang thào luynh" (lập tức thảo luận).
5. Nhưng làm XNK, bạn phải cẩn thận về chữ nghĩa, đặc biệt không được sai sót về con số. Nếu hay sai sót chữ nghĩa, hay sai về con số, hem nên làm nghề này. Thi tú tài mà toán dưới 5 điểm thì thui đi làm nghề khác, nghề này phải tuyệt đối cẩn thận.
Ngày xưa mới ra trường, Tony vô công ty Nhật thử việc vị trí XNK cùng với 1 bạn khác. Đúng 10 ngày là ông sếp Nhật cho bạn kia nghỉ, ổng nói nó sai chính tả dữ quá, sao tốt nghiệp ĐH gì mà bất cẩn quá vậy, không làm xuất nhập khẩu được. Ổng nói làm gì trên đời có Vietnam Airline, cũng không có quán cà phê nào có tên Starbuck, cũng không có ông Bill Gate, ông Steve Job hay không có ĐH nào mang tên Havard.
Nó sai chính tả dữ quá, tiếng Anh tiếng Việt gì cũng sai, thể hiện sự ít để ý, bất cẩn, không tinh tế hay trí nhớ tồi. Không nên làm XNK vì liên quan đến tiền bạc của bao nhiêu người.
Nếu các bạn nhận ra thèng này sai cái gì, mình mới làm được nghề XNK.
Lấy tiền Tây, lấy tiền Tây


Read more…