Giã từ dĩ vãng

tháng 2 21, 2016 |
Mỗi lần ngồi cà phê với bạn bè, nghe tụi nó kể bị giật điện thoại khi đang chạy xe, mình hẻm có trải nghiệm nên hẻm biết cảm giác nó ra sao. Mình vẫn ngơ ngác hỏi, ủa ngồi trên xe buýt xe hơi sao bị giật được?
Năm 2003, Tony bị tai nạn trên chiếc xe wave alpha đỏ huyền thoại, có lần đi nhậu xỉn quá chạy đâm vào lan can cầu Thị Nghè rồi văng xuống lề đường, 2 má mặt bị chà xát, hết đệp choai. Từ đó, Tony mới tìm mua bản đồ xe buýt. Tuyến nào đi tới đâu, chuyến đầu chuyến cuối mấy h, từ trạm đến điểm cần đến dưới 1km thì đi bộ, nếu xa hơn thì đi taxi. Xe buýt ở Việt Nam nhìn chung khá bất tiện, tuy nhiên không phải là không thể sử dụng. Chỉ tốn thời gian nhiều hơn do chạy chung làn đường với các xe khác, mà mình thì thích ngồi ngẫm nghĩ trên xe, gọi điện, nghe nhạc học Anh văn, ủ mưu kiếm tiền, giao việc lái xe cho người lái giỏi hơn mình.
1. Sài Gòn xưa, Tp HCM nay
Các nhà quy hoạch người Pháp thiết kế Sài Gòn cho tối đa 2 triệu người. Bây giờ, TP HCM có tới 10 triệu người, dù các quận được mở rộng nhưng các điểm sinh hoạt, học tập, làm việc... vẫn tập trung khu trung tâm. Hàng năm, hơn 100 cao đẳng, đại học trên địa bàn tiếp nhận vài ba trăm nghìn sinh viên mới. Rồi gia đình các tỉnh khi có điều kiện cũng gửi con em lên các trường quốc tế, dân lập. Có cả ký túc xá ví dụ 135 Trần Hưng Đạo ngay trung tâm quận 1, sinh viên ở đó phơi quần áo đầy ban công, có khi quần lót hồng hồng theo gió bay phủ vào mặt du khách đi dạo phố bên dưới. Các ĐH phải di dời ra ngoại ô, học hành thì ra đó chứ bon chen trong trung tâm làm gì. Cô bạn Tony thời còn dạy khoa kinh tế ĐH Tổng hợp cũ (giờ là ĐH Kinh tế Luật) nói nếu ĐH của tôi dời ra Thủ Đức, tôi sẽ nghỉ dạy, tôi không quen ra ngoại ô làm việc. Nhưng trường vẫn dời ra, chị vẫn không nghỉ dạy.
Ngoài SV các ĐH ở Tp, một lượng lớn các bạn trẻ khi tốt nghiệp các đại học từ các tỉnh thành khác cũng đổ về Sài Gòn để kiếm cơ hội thử sức. Miền Tây lên. Miền Trung miền Bắc nam tiến. Lao động phổ thông, những người ở nông thôn khi bức bí về mưu kế sinh nhai, thường nghĩ đến chuyện lên Sài Gòn. Lượng nhập cư hàng năm lên tới 500 nghìn người, mang theo 500 nghìn chiếc xe máy biển số tỉnh. Chưa kể ở thành phố, có 1.000 chiếc xe máy mới đăng ký mới mỗi ngày (+150 chiếc ô tô con), rất ít xe thải loại, không có bãi rác xe cũ như ở các nước.
Hiếm ai ở TP.HCM mà không có 1, 2 chiếc xe máy, có người có ô tô vẫn sắm xe máy để "đi gần". Các sân trường, tức “school yard hay play ground”, nơi vui chơi đều là những “parking lot”, tức bãi giữ xe khổng lồ cho giáo viên, học sinh, sinh viên, nhưng không ai thấy lạ. Hè phố, là đất công cộng để dùng đi bộ, nhưng biến thành các bãi giữ xe cho các nhà dân, hàng quán. Chưa thấy thành phố nước nào lại cho phép để xe trên vỉa hè. Muốn ăn quán phở ở đường Minh Khai, phải gửi xe ở một bãi ở đâu đó rồi đi bộ lại, người dân sẽ thấy còn phiền hơn cả đi xe buýt. Vì đều phải đi bộ trên hè phố như nhau.
Mở mắt thức dậy, thành phố có thêm hàng ngàn phương tiện tham gia giao thông, trong khi vẫn là những Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... như cách đây mấy chục năm. Không còn chỗ để xén thêm để rộng ra nữa. Con đường nào cũng ken đặc xe. Hệ thống xe buýt cũ kỹ, chạy bằng xăng. Hệ thống nhà chờ không được đầu tư để có thể che nắng che mưa tốt. Như khu vực bến xe buýt trung tâm trước chợ Bến Thành, đứng vào 12h trưa thì nóng không thể chịu được.
Cứ một bài báo than phiền về kẹt xe, thì hàng nghìn comment yêu cầu dẹp xe buýt, mở rộng đường ra, vì quan niệm này là của các bạn đi xe máy. Giới tài xế xe buýt mắc lái xe không comment được. Giới có ô tô cũng bận làm ăn, không có thời gian đọc và comment để trung hòa ý kiến. Nên nếu đọc comment để coi “ý dân” thế nào, thì chỉ nghe toàn “thủ phạm tắc đường là xe ô tô, xe buýt”.
Dân số đông. Thành phố nào chả vậy. Nếu toàn bộ dân cư Hồng Công tràn xuống đường, thì không có đủ chỗ cho họ đứng. Vậy, người ta mần ra răng?
2. Thành phố là thành phố. Không phải thị trấn mở rộng.
Nhiều người nước ngoài nói Việt Nam làm gì có city, chỉ có giant towns (những thị trấn khổng lồ). Mô hình đô thị ở các nước Á Châu là:
- Nông thôn.
- Một cái chợ. Con đường nhỏ dẫn đến cái chợ. Thường ở gần sông.
- Nhà cửa xây xung quanh cái chợ. Ai cũng xây sát mặt đường. Sẵn tiện buôn bán làm ăn. Dân đông dần, xã lên thị trấn.
- Người đến sau hết mặt tiền, bèn làm nhà phía sau. Mở cái ngõ cái hẻm đi vô. Dân đông dần. Thị trấn lên thị xã
- Dân đông nữa. Thị xã lên thành phố. Loại 3,2,1 rồi đặc biệt.
Khi biến thành thành phố, luật sẽ khác thị trấn, người dân phải chấp nhận nếu muốn sống ở đây. Gọi là quy hoạch. Một khu ổ chuột 1 hecta sẽ được đập bỏ, xây thành 1 chung cư 2000 m2, 30 tầng, dân cũ được bố trí trong 10 tầng, nhà đầu tư có quyền kinh doanh 20 tầng còn lại. 8000 m2 đất còn lại là cho bãi đậu xe hơi, cây xanh, sân chơi, trường học, siêu thị…phục vụ cho cái chung cư đó. Nhà là để ở, không phải để kinh doanh. Mặt tiền không có ý nghĩa gì. Muốn mua sắm thì đi đến chỗ shopping chuyên biệt.
Các tiện ích chung cho các thành phố sẽ cách rất xa. Sân bay cách mấy chục cây, sân vận động, trường ĐH, đại siêu thị, shopping mall, khu dân cư…ra ngoại ô hết. Các cơ quan công quyền cũng vậy. Mở con đường lớn về đó. Kết nối với mọi phương tiện giao thông công cộng. Có việc, người ta tự tìm đến. Muốn ký giấy tờ, cơ quan cấp sổ đỏ giữa rừng người ta cũng đến được nữa.
Trung tâm thành phố: là các cao ốc thương mại, các trụ sở tập đoàn công ty, nhà hàng khách sạn, quán cà phê, công viên, quảng trường, phố đi bộ, cửa hàng tiện ích, viện bảo tàng,…
Không thành phố nào trên thế giới khuyến khích phương tiện cá nhân. Họ tập trung mọi nguồn lực xây hệ thống xe buýt nhanh BRT, xe điện (giống xe buýt nhưng dùng điện 1 chiều, trên xe có cái que tiếp điện), đường sắt nội đô gồm cả sky train, monorail và tàu điện ngầm.
Các con đường trục chính, họ cắt một khoảng không gian, ví dụ 1 lane bên phải hay bên trái hay ở giữa, rào lại, chỉ cho xe buýt và xe điện chạy. Xe ô tô cá nhân thì phải rất giàu, giá xe rẻ nhưng muốn lưu thông, phải trả rất nhiều khoản phí, riêng việc đậu xe khu trung tâm như Seoul, Singapore, Thượng Hải, Băng Cốc...bạn phải trả cỡ 3-5 đô la/h. Có tiền thì chơi, đó là quy luật của mọi thành phố. Tiền này để trợ giá cho phương tiện công cộng.
Muốn học tổ chức một thành phố, nên sang Singapore, Seoul. Muốn giảm phương tiện cá nhân và thúc đẩy kinh tế, Quảng Châu là ví dụ tốt nhất. Thành phố này từng là thánh đường xe máy với chục triệu chiếc, nhưng chính quyền đưa lộ trình cấm xe trong 15 năm từ 1990. 5 năm đầu, cấm 50 tuyến phố, muốn đến đó thì đi xe buýt, hoặc taxi, không có chọn lựa nào khác (Ví dụ xe buýt đến 10h đêm đến 6h sáng, giờ không có xe buýt thì cho xe máy chạy). 5 năm sau cấm tiếp 100 con phố nữa, cứ 100 con phố chính mỗi năm. Và 2005, xe máy chỉ được chạy ở ngoại thành Quảng Châu.
Lúc ban đầu, cả Quảng Châu phản đối. Bất tiện ai chịu. Chửi ngay. Nhưng tai nạn trên địa bàn đã giảm 100 lần vào năm 2006 đã khiến người dân có suy nghĩ khác. Năm 2015, khi báo đài phỏng vấn những người dẫn đầu trong phong trào phản đối sau 10 năm, xem họ đánh giá thế nào về chính sách cấm xe máy ở Quảng Châu, thì họ cười bảo "thì chúng tôi là dân thường mà, có biết chi mô, thấy cái ngắn ngắn trước thôi. Mấy anh làm gắt quá, ban đầu tụi này thấy khó, nhưng quen dần rồi thấy dễ chịu. Không còn mỗi tháng phải bệnh viện thăm thân nhân bị tai nạn hay đi đám tang như xưa nữa. Trong nhà cũng không có mấy cái bình xăng vốn là nhiên liệu dễ bắt lửa ngay trong phòng khách nữa".
3. Như bây giờ, muốn đi sân bay Tân Sơn Nhất phải tính việc kẹt xe ở khu Lăng Cha Cả. Có bữa Tony phải xuống đi bộ từ đầu công viên Hoàng Văn Thụ, vào làm thủ tục xong xuôi, tài xế gọi điện nói em vẫn còn đang công viên. Mình vẫn mơ thành phố xây một con đường monorail trên cao từ chợ Bến Thành đến sân bay, dọc đường làm mấy trạm đón, chi phí xây monorail không quá đắt đỏ.
Buổi chiều đi đường Xô Viêt Nghệ Tĩnh để lên Bến xe miền đông, bạn tài xế nói em phải thắng (phanh) hàng trăm lần, cứ đi được khoảng 1 mét thì phanh 1 cái, đầu xe sát sạt vô xe hơi phía trước, lỡ chừa 5 tấc là xe máy len lỏi qua ngay, một chiếc len qua được là tiếp theo hàng chục chiếc khác.
Cứ một ngày, triệu triệu chiếc ống bô phà khói ra đường, đặc quánh. Những hôm trời mưa, bao nhiêu người tay cầm xe máy, mặt ướt sũng vì nước, kiên nhẫn nhích từng bước trên đường, trong khi xe buýt thì vắng hoe, chỉ có vài bạn ngồi trên đó vừa nghe nhạc vừa nhìn xuống dưới.
Một chiếc xe buýt 50-60 chỗ (kể cả ngồi lẫn đứng), thì giảm được 50-60 chiếc xe máy trên đường. Mấy chục người đó nếu xuống đường, mỗi người mỗi chiếc, mỗi khả năng lái khác nhau, sao bằng chỉ có 1 anh tài xế xe buýt với kỹ năng lái xe đã qua đào tạo.
4. Khi phỏng vấn, không ai cho biết là mình muốn đi xe buýt vì lội bộ mệt, ngồi chờ tuyến nôn không chịu được, cứ chủ động đi là hay hơn. Có bạn còn có nhà mặt tiền, trước là trạm xe buýt nhưng bạn nói chưa bao giờ biết trạm này có xe số mấy ghé, đi đâu.Thói quen phòng khách là gara để xe, ngồi lên đó phóng cái vèo ra đường, từ đường phóng cái vèo vào phòng khách. Nắng thì bịt áo mũ kín mít, mưa thì áo mưa xùng xình...
Nói đến mưa mới nhớ, mình từ bỏ xe máy vào năm 2003, trước đó chưa bao giờ biết Sài Gòn có tồn tại cái gọi là xe buýt. Trước đi xe đạp, sau nhờ bạn chở, rồi mua xe máy vi vu.
Năm 2003, có lần đi xe buýt với 1 đoàn khách Nhật từ Củ Chi về, tới khu đường Cộng Hoà thì thấy tai nạn xe máy, 2 bạn 1 nam 1 nữ còn rất trẻ, đẹp, mười tám đôi mươi. Cả hai đều bị cận, mắt kính văng ra giữa đường, hai bạn ngồi xuống đường mò mò tìm kính giữa phố đông nghẹt. Trời thì mưa tầm tã, nước mưa chan hòa với máu chảy đầy mặt, đầy áo, bệt vô tóc. Tony chợt nghĩ, sao cũng thanh niên đẹp đẽ vậy, mà ở Rangon, thủ đô Myanmar, thành phố nghèo hơn chúng ta cả chục lần, người ta ngồi trên xe buýt nhắn tin nói chuyện với bạn bè? Đơn giản là Rangon trong nội ô thành phố chỉ có xe buýt, xe taxi còn ô tô con rất ít.
Mấy ông Nhật trên xe nói sao tụi mày thích đi xe gắn máy đến vậy? Sao các nhà quản lý không đưa ra lộ trình cấm như Quảng Châu? Sài Gòn đã là một siêu đô thị của thế giới rồi. Mày biết không, kỹ sư phát minh ra xe máy là một người Nhật, ông nói đời ông ân hận nhất là phát minh ra cái này. Nó cơ động quá, thuận tiện quá, khiến người ta không muốn dứt bỏ. Và hàng năm, hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới vì tai nạn xe máy mà từ bỏ tính mạng của mình, coi như ông gián tiếp "giết người".
Ở Bệnh viện như Chợ Rẫy, chỗ mổ chấn thương sọ não, gần như 100% là do tai nạn giao thông, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường hoặc ngoài hành lang do thiếu phòng. Nếu có xây 10 cái Chợ Rẫy nữa vẫn thiếu, vì ngày nào cũng có hàng chục ngàn xe máy đưa vô sử dụng cho các tỉnh thành phía nam.
Các công ty sản xuất xe máy vẫn hoan hỉ báo kết quả kinh doanh vượt bậc, đọc tin mà buồn ứa nước mắt (cùng với thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất kinh doanh xe máy không được khuyến khích ở mọi quốc gia).
4. Đừng liều mình nữa, các bạn trẻ.
Mình bị tai nạn xe máy đầu tiên lúc còn sinh viên, về quê mượn xe chị đi trên quốc lộ 1, trời nha nhem tối, một chiếc xe khách Bắc Nam thẳng đèn vào mặt loá mắt, chiếc citi đỏ bay ra giữa tim đường, mình bay vào lề, cùng lúc chiếc xe khách bắc nam trườn tới, cán lên chiếc Citi đỏ tan nát cả. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình bay ra tim đường còn xe máy bay vô trong lề? Chắc giờ đã thành đất ở 1 nghĩa trang nào đó.
Sau tai nạn cầu Thị Nghè, mình quyết định sống thông minh hơn. Cơ thể này là của mình, duy nhất, không thể xuề xòa được. Còn trẻ, ít tiền, đi xe buýt. Mua xe đạp chạy tới điểm nào đó có trạm, gửi xe, đi vô chỗ làm, nếu xa thì mua thêm chiếc xe đạp nữa, gửi trạm gần chỗ làm, mua cái ô (dù) nhỏ bỏ vào ba lô. Đi bộ nhiều cho người nó khoẻ. Sau này có tiền, đi xe hơi, chịu phí cao, nhưng làm có tiền bù lại. Không thể bị nằm dài đó khi tuổi đời còn trẻ, bắt cha mẹ anh em phải nuôi mình cuộc sống thực vật, ngây ngây dại dại vì chút tự do hỗn loạn của cái hình thức giao thông lạc hậu và nguy hiểm nhất thế giới này.
Cuộc sống là sự lựa chọn. Mình có quyền chọn cách sống sao cho tốt nhất. Nếu có một phương tiện khác trên cùng tuyến đường mà an toàn hơn xe máy, hãy chọn như buýt, Grabcar, Taxi, Uber….hoặc phối hợp các phương tiện lại.
Xe máy ơi, “đã đến lúc nói lên câu giã từ. Đường tình riêng, ai nấy đi”


Read more…

Bạn B bên bờ biển

tháng 2 21, 2016 |
Tony chuẩn bị qua SIngapore trị bệnh đau cột sống nên sáng nay ngồi ven hồ (hồ bơi biệt thự 12 tỷ) ôn lại vốn tiếng Anh y khoa. Xưa có hạc qua nhưng quên hết vì chỉ dùng tiếng Anh thương mại, tiếng Anh giao tiếp. Sợ vô bác sĩ Sing hỏi bị sao mà không trả lời được thì hổ danh Há Vợt.
Sẵn tiện thấy có giáo trình khá hay. Các bạn sinh viên chuyên ngành Y khoa, ngoại ngữ nên tải về, in ra và hạc (PHẢI rủ nhau hạc nhóm sẽ hiệu quả hơn là tự mình hạc, không có động cơ và kỷ luật, ngồi hạc 1 chút là buồn buồn chát chit hay nặn mụn thử đầm ngay (Link ở comment)
Để Tony kể các bạn nghe chuyện này. Cách đây mấy năm, có 2 cô bạn tên A và B rất thân nhau ở trường Lý Tự Trọng Nha Trang, đều là CLB con dượng. Cả hai đều đậu cử nhân điều dưỡng ĐH Y khoa Tp HCM, và cử nhân điều dưỡng (hệ cao đẳng) của Cao Đẳng Y Tế Tỉnh. Bạn A gia đình có điều kiện nên vô Sài Gòn, bạn B nhà nghèo nên học ở tỉnh. B buồn ghê lắm, nói con muốn vô Sài Gòn để có môi trường học tập tốt hơn. Gặp Tony ở bờ biển, bạn B ngồi ăn xoài chấm mắm ruốc mà khóc miết, nước mắt ướt cả lai láng rớt xuống chén mắm, Tony nhìn mắm ruốc mà tưởng mắm nêm. Tony nói thôi, con học đâu chẳng được. Sang Ha Vợt mà không tự học thì cũng thất nghiệp như thường. Vì kiến thức bây giờ trường nào chả giống nhau, ăn thua là khả năng NHẬN THỨC để tự học của mỗi đứa. Nghe lời Tony, thế là bạn học chuyên môn rất tốt. Tiêm thuốc tên thuốc tên gốc thuốc bắt mạch thành thạo. Rồi tiếng Anh, bạn học rất chăm, tranh thủ đi hướng dẫn Tây du lịch ở Nha Trang để kiếm thêm tiền vào cuối tuần. Rồi bạn bơi lội thể dục thể thao chạy bộ cả chục km nên cơ thể vô cùng khỏe mạnh. Tốt nghiệp xong, bạn qua Đức làm điều dưỡng viên cho bệnh viện dưỡng lão của Đức theo một chương trình xuất khẩu lao động, lương cũng thấp. Nhưng bạn cứ rảnh là mày mò thêm tiếng Đức nữa. Vì bạn phục vụ tốt quá, dễ thương quá nên mấy ông bà lão ở đó thương, tìm cách giữ lại. Giờ bạn làm ở một viện dưỡng lão tư nhân dành cho người giàu trên núi, lương 4000 Euro, bạn ăn ở hết 1500, còn dư 2500 tháng, tức hơn 50 triệu. Con cái mấy ông bà già đó vô thấy B chăm sóc cha mẹ họ tốt nên biếu thêm tiền, có tháng được cả ngàn Euro. Bạn B cứ chiều chiều tan ca là vô uống cà phê Starbucks ở Berlin, gọi ly Mocha Ice Blended giá tới 6 Euro trước mặt. Bạn nhớ nhà, bèn lấy Iphone 6Plus ra chat facetime với cha mẹ ở quê liền, nói mẹ coi đất chỗ nào đẹp đẹp nói con, vài năm nữa con chuyển tiền về mẹ mua cho con để con về làm viện dưỡng lão Nha Trang, dụ mấy ông bà Tây này sang nghỉ dưỡng tránh đông. Tranh thủ nghỉ phép là B đi du lịch hết mấy chục nước châu Âu coi cho đã con mắt. Post cảnh đồng hoa tu lip, oải hương, sông Seine sông Thames sông Danupe, ...lên FB, bạn bè nói ghen tụy quá. Ghen tụy sao không thời sinh viên không miệt mài vô thư viện học tập? Không tập thể dục thể thao? Không sắp xếp thời gian để đi làm thêm đi? Thời gian ai cũng như nhau, người giỏi sắp xếp làm được n việc, người dở có 1 việc làm không xong, mở miệng là nói “không có thời gian”. Vậy ai có?
Còn cô bạn A thì tốt nghiệp lèo tèo, chuyên môn trung bình, tiếng Anh không biết, nhờ cha mẹ khóc lóc vạ vật xin mãi vô được một bệnh viện lớn của Sài Gòn, lương đâu 4-5 triệu, sống chật vật thiếu thốn, mặc áo thiếu trước hụt sau. Nghỉ lễ nghỉ tết là A về Nha Trang, cũng hẹn Tony ra bãi biển ngồi, ăn xoài chấm mắm ruốc, khóc vang dội một góc bể. Nước mắt cô chảy xuống, mắm ruốc cũng biến thành mắm nêm (Tony liền lấy miếng dứa (thơm) mang theo bằm bằm xắt nhỏ bỏ vô thành nước chấm đem về nhà dùng với món thịt cuốn bánh tráng). Cô A ngồi nhìn sóng biển từ khơi xa vỗ về, hận đời sao khổ. Rồi than trời, trách đất, trách trường ĐH, trách trường cấp 3, trách cha mẹ sao không giàu có, trách thằng bồ sao không phải là Tèo Đô la, trách cả ông Ban Ki Mun tổng thơ ký liên hợp quốc…
Đấy. Các bạn thấy đấy. Giỏi dở DO MÌNH. Thanh niên mà có ngoại ngữ, có thể lực, có trí lực thì nó khác ngay, kiếm tiền quốc tế nó khác ngay. Các bạn phải nhà có điều kiện thì tận dụng ngay, ba mẹ có tiền, nói cho con vay 60 triệu qua Philippines học luôn 2 tháng, ăn ở với người nước ngoài trong khu học xá thì 2 tháng đó, tiếng Anh lên ầm ầm. Ít tiền hơn thì lên British Council, Việt Mỹ, ILA, Clever Learn, Equest, Wall Street, Appollo...Hoặc trung tâm nào cũng được. HỌC LÀ MÌNH HỌC, không phải TRUNG TÂM HỌC nên cần gì TRUNG TÂM LỚN. Đăng ký học để tiếc tiền mà vác mặt đến thường xuyên.
Muốn thành A hay B trong câu chuyện trên? Cứ đâu phải vô Sài Gòn, Hà Nội là thành danh? Không có tiền thì học trên mạng, học nhóm. Search trên youtube, thầy cô dạy đầy trên đó. Phần lớn tự học, mở clip nói ba câu là ngủ gục. Ôm cái laptop ipad học gì nổi với cái facebook nhấp nháy tin nhắn của bạn bè? Tự học chỉ dành cho các bạn có Ý CHÍ MÃNH LIỆT và có kỷ luật THÉP.
Mọi con đường đều tới La Mã. Mọi nỗ lực đều có kết quả. Tony có học trung tâm ngày nào đâu mà nói tiếng Anh cũng lưu loát vậy? Ăn thua là tự mình, 100% tại mình. Không có tiền thì đi giữ xe, bưng bê làm này làm nọ...có tiền mà học, mà chơi.
Không biết nói tiếng Anh, không có tiền, không có thể lực để làm việc quốc tế là DO MÌNH làm biếng, không có động cơ. Không có chuyện không có khiếu hay phương pháp gì cả. Phương pháp thì người ta chỉ rồi, trên mạng có đầy sao không search? Search rồi sao vẫn không chịu nghe theo, không làm theo? Ở các nước bắt buộc học tiếng Anh như Sing, Phi, Ấn, Hồng Công…chưa có học sinh nào bỏ học vì học tiếng Anh không được. Và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ vẫn lưu loát như thường. Các nước châu Âu, việc nói 3-4 ngôn ngữ lưu loát ví dụ như người Bỉ, họ biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan...là điều dĩ nhiên. Đầu mình chỉ sử dụng có 5% dung lượng bộ não, cứ học thêm học thêm.Tập luyện tập luyện. Đọc sách đọc sách. Làm thêm làm thêm. Va chạm va chạm. Đi đi đi. Chơi chơi chơi. DÁM DÁM DÁM.
Có tiếng Anh mới chơi quốc tế được. Bạn bè facebook có Peter, Mary, Daisy đồ đi. Đừng mở New Feeds, toàn hiện ra các status của FB Nguyễn Thị Mộng Ổi, Lê Thị Kim Na, Trần Thị Hồng Mận, Phan Hữu Xoài, Dương Thanh Mít… Mệt quá (trề môi).
Khí thế vô nào. Hừng hực vô nào.
Làm biếng thì đời khổ ráng chịu chứ trách móc tự ti làm gì. Cứ giỏi giang lên thì khắc sẽ hất mặt lên trời. Trước khổ, sau sướng.


Read more…

Thông béo

tháng 2 21, 2016 |
Thân gửi: Các bạn trong CLB con dượng (Con dượng là các bạn 9x hào sảng, văn minh, nghĩa tình, ham lao động chân tay, ham giúp đỡ người khác. Tự mình nghĩ mình đủ “tiu chửng” là tự xét tuyển vô. Hết dễ thương, hết hào sảng văn minh thì tự rút. Hẻm có câu lạc bộ thiệt).
I. Một la mã: Về việc (v/v): Tính chính xác của các dữ liệu, các nhân vật trên TnBS
Nhiều bạn nói dượng ơi sao con xấu 1, mà dượng lên sóng cho con xấu 10 vậy. Thật ra, các nhân vật trên TnBS đều không có thật. Dượng gom tật xấu của 5-6 đứa lại thành một thằng A. Cứ một bài đăng lên, là nhận được vài cái email giận hờn trách móc. Tui đâu có ý nói cá nhân ai, nói làm gì, vì hằng hà sa số những cá nhân như vậy, nói đến Tết công-gô chưa hết. Nên dượng mới quy đồng mẫu số (vì dượng giỏi Toán mà), lấy thêm vài đứa giống giống vậy, kể luôn nghe cho nó dễ nhớ, dễ thấm vào mình.
Các nét đẹp nét hay cũng vậy. Cả chục nét đẹp dồn lại 1 đứa, rồi ca ngợi trên mây. Nên thấy ca ngợi mình quá đáng, thì cũng đừng có nở mũi to đùng. Mình chỉ có 1/10 như vậy thôi.
Thậm xưng nói quá…là phong cách của dượng, nên bạn nào ráng ngồi bắt nhặt bắt thưa tính logic trong bài, hay AI, Ở ĐÂU, dẫn chứng, minh họa, số liệu đâu, nguồn đâu, vẽ quy trình.… thì tự làm khổ mình ráng chịu. Việc cho mèo Tom vào tủ lạnh, rồi vào lò vi sóng rã đông trong phim mèo chuột, Tây nó chiếu cho thiếu nhi khắp thế giới coi, mà thiếu nhi nào bắt chước thì Holywood đâu có chịu trách nhiệm. Tại mình không đọc phần warning trước mỗi bộ phim thôi.
Trước khi vô page, đọc kỹ nội quy trên cái bảng. Làm gì ở đâu cũng coi nội quy của người ta, chấp nhận thì bước vô, không chấp nhận thì ỊT NOA (ignore) bỏ qua giùm.
Vì đã nói rõ trong nội quy rồi, mà còn không hiểu nữa thì chắc phải bổ sung DHA hay muối I ốt. Đứa nào có hệ số thông minh lèo tèo là dượng hẻm thương. Tuổi trẻ phải thông minh giỏi giang nói 1 hiểu 10. Thông minh lanh lợi khỏe mạnh tui mới hài lòng.
II. Hai la mã: Về việc (v/v) : Lý do không comment trên page TnBS
1. Các bạn trẻ dành thời gian làm bao nhiêu việc khác, hạc ngoại ngữ, tập thể dục thể thao, đọc sách, vui chơi, làm việc nhà, giúp đỡ người khác. Đừng có la cà online nhiều, không tốt. Làm việc thì chú tâm vào. Hạc hành thì chú tâm vào. Làm giàu cho mình đi, xuất sắc hóa cá nhân đi. Cố gắng thành người giỏi giang thông tuệ và khỏe mạnh. Coi như TnBS là 1 cuốn sách tiểu thuyết ba xu đi. Đọc giải trí thôi, đừng có viết vào đó.
2. Tui thấy trên mạng comment chủ yếu cãi qua cãi lại, nói Tèo đẹp hơn Tí, đứa khác cãi nói Tí đẹp hơn Tèo. Chi vậy. Chẳng ra đâu vào đâu, phí thời gian. Thấy quan điểm của dượng giống mình, share về page của mình để dành đọc dần hoặc cho friend list của mình đọc. Không thích bỏ qua. Mọi comment dượng đều kêu admin xóa hết, trừ tag ai đó vào đọc thì dượng để vài hôm. Sau cũng xóa luôn.
3. Chủ yếu comment là khen kiểu” ối dượng viết hay thế, viết xuất sắc thế. Rồi con yêu dượng. Dượng ơi con muốn chết vì dượng.” Kiểu vậy. Nghe riết thấy mệt. Dượng ớn mọi lời ca tụng. Vì sẽ ảnh hưởng đến thái độ của dượng, bệnh ngôi sao tái phát và dượng sẽ hết dễ thương.
4. Dượng cũng không muốn ồn ào nổi tiếng. Dượng chỉ là gã bán phân bé nhỏ ở dưới miệt Cần Thơ, gọi là biết viết vài dòng vài câu tiếng Việt có nghĩa khi nông nhàn hết vụ. Mấy đứa ca tụng quá, mấy người GATO (ghen ăn tức ở) chuyên nghiệp nó tìm xuống huyện Thốt Nốt, nó mò vô đại lý bán phân của dượng, nó quánh dượng tan nát răng môi trộn lẫn vào nhau thì tội dượng quá. Môi dượng bị sưng vù lên thì người ta lại tưởng dượng trề môi khinh bỉ nhơn loại.
Vậy nghen, thương dượng rùi dượng thương lại.
Happy belated Va-len-thai
Dượng Tony


Read more…

Vài nét về trí tuệ của người Do Thái

tháng 2 21, 2016 |
Khi nghe người ta nói “nếu Wall Street (Phố Wall) hắt hơi, cả thế giới bị cảm cúm”, nhiều bạn tưởng tượng phố Wall to lớn lắm, thực tế nó là một con đường bề ngang chỉ vài mét, chiều dài khoảng 1,1 km. Wall Street là nơi tọa lạc các định chế tài chính lớn nhất thế giới. Người làm việc ở Phố Wall là tinh hoa nhất trong tinh hoa của giới tài chính toàn cầu.
Mùa đông năm 2014, Tony đến New York du lịch. Thông qua vài người bạn, Tony có quen một vài tinh hoa Phố Wall, trong đó có Gidon – người Israel. Gidon trạc 30 tuổi, tốt nghiệp cử nhân toán ở Israel trước khi học thạc sĩ tài chính ở ĐH Columbia. Học xong, Gidon về nước làm cho quỹ đầu tư trước khi quay lại Mỹ phụ trách giao dịch cổ phiếu của một số công ty Israel trên các sàn chứng khoán New York. Ấn tượng bởi các câu chuyện trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, Tony hẹn một buổi cà phê với Gidon. Gidon hôm đó được nghỉ phép, anh mời Tony đến quán Manon Café, ngay đầu phố Wall huyền thoại.
1. Khởi nghiệp kiểu Israel
Tony chưa đến Israel bao giờ, kiến thức về đất nước này chỉ thông qua sách báo, tivi. Khi nghe Gidon xác nhận thông tin trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, trong số 3.850 công ty mới ra đời được niêm yết trên sàn NASDAQ, có tới 1.884 công ty là của Israel, quốc gia có 7,1 triệu dân so với 7 tỉ dân toàn cầu, Tony không biết nói gì hơn. Ở Israel, mọi sinh viên từ năm 2 là đã bắt buộc thành lập doanh nghiệp để thử nghiệm (trừ các ngành đặc thù như y khoa, sư phạm, …). Gidon bảo với người trẻ, ý tưởng và khả năng điều hành doanh nghiệp mới là cái khó chứ không phải vốn. Vì ở phố Wall hay bất cứ thị trường chứng khoán nào, tiền vẫn cứ đang nằm chờ để giải ngân vào các ý tưởng điên rồ nhất. Khi phát triển doanh nghiệp, các bạn trẻ người Israel lập tức mang dự án mình đến các quỹ đầu tư có văn phòng đặt tại Tel Aviv, trung tâm kinh tế của Israel, để “kén rể”. Các quỹ này đánh giá thấy “cô dâu” này “ngon ăn” sẽ giúp các bạn “mai mối” trên sàn chứng khoán New York, London, Tokyo, Hong Kong, Singapore, … Khi có một doanh nghiệp ăn nên làm ra hoặc khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, người Israel chia ra cả chục phần cho các cường quốc, nhưng sẽ không để nước nào chiếm cổ phần chi phối. Ví dụ, công ty A, người Israel vẫn giữ cổ phần 20%, 80% còn lại chia đều cho các tập đoàn tài chính, các nhà tài phiệt của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Nga, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Úc, Nam Phi, Hàn Quốc, Singapore, … Một khi có quyền lợi ở đấy, các cường quốc sẽ bảo vệ Israel khỏi mối nguy hiểm của 22 nước Ả Rập bên cạnh, vốn rất giàu có nhờ vào dầu mỏ. Theo người Do Thái, không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích mới là vĩnh viễn.
Lợi ích là cái khiến người ta sáng tạo và làm việc hết mình. Trong văn hóa Israel, ai càng cá tính, càng thông minh, càng sáng tạo, càng chăm chỉ càng giàu. Áp dụng cái này, chúng ta không phải lo lắng gì về kỷ luật lao động. Trong giờ làm ai lơ là chat chit hay mải mê Facebook thì thu nhập kém, thế thôi. Về già, một người sống phong lưu thư thái hay chật vật tiền nong đều được quyết định bởi thời tuổi trẻ của họ.
2. Họ chào đón thất bại
Gidon nói khoảng 99% các bạn trẻ Israel thất bại ở lần khởi nghiệp đầu tiên, nhưng thất bại là cơ hội để rút kinh nghiệm nên họ luôn chào đón thất bại (welcome failure). Vì người ta chỉ có thể học tập nhiều nhất từ thất bại của chính bản thân mình, kinh nghiệm của người khác chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn không ngã một vài lần thì sẽ không biết chạy xe đạp, chưa uống vài ngụm nước trong bể bơi thì sẽ không biết bơi. Đọc nhiều, kiến thức rộng, nói hay...không có ý nghĩa nhiều. Làm giỏi, có thành tựu mới là thành đạt. Chưa ai đọc sách làm giàu, học các khóa làm giàu, nghe người khác kể chuyện khởi nghiệp mà tự mở doanh nghiệp thành công được cả.
3. Quốc tế hóa để tìm an bình
Bài toán lợi ích luôn là một bài toán khó. Nhưng với những cái đầu Do Thái thông minh, họ luôn có cách giải xuất sắc nhất. Với những vùng đất, biển đảo tranh chấp, … họ đều quốc tế hóa, thành lập một pháp nhân để quản lý, khai thác, cổ phần chia đều cho các cường quốc, Israel vẫn giữ một tỉ lệ nhỏ dưới danh nghĩa chủ nhà. Gidon bảo các thế kỉ trước, người Anh, người Pháp, người Bồ, người Hà Lan, … đi chiếm thuộc địa, mục đích duy nhất là đem của cải về mẫu quốc, chứ họ không di dân đến sống ở đó, người Tây phương không sống ở xứ nóng. Mày xem đấy, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nam Phi,…đều là xứ lạnh cả. Sát cạnh đó là Mexico, Trung Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Phi, … là xứ nóng, họ chỉ đến để khai thác lợi ích kinh tế. Chính sách nước nào cũng đều khuyến khích người phương Tây đến mua nhà, vì thật sự muốn làm ăn hay sinh sống lâu dài thì người phương Tây mới tính chuyện đó, không có khái niệm đầu cơ nhà cửa như dân châu Á. Nếu người Thụy Sĩ có nhà ở thành phố Jerusalem thì đại sứ quán Thụy Sĩ ở đó sẽ bảo vệ công dân họ. Nếu các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestlé, … mở nhà máy ở Haifa thì thành phố đó sẽ yên bình. Một quốc gia đứng trước một mối nguy từ láng giềng to lớn thì tốt nhất là cho các tập đoàn G20 thành lập các khu công nghiệp, càng nhiều càng tốt.
Tiếng Anh bắt buộc học từ lớp 1, PHẢI LÀ NGÔN NGỮ THỨ 2 (the second language) (chứ đừng xem là ngoại ngữ (foreign language) cho hệ thống giáo dục. Ngoại ngữ thì tiếng Pháp, Đức, Ý, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...Tạo cơ hội cho người dân giao lưu với người nước ngoài, người dân ai cũng có bạn bè quốc tế. Càng nhiều người nước ngoài đến du lịch hay làm ăn, tiếng nói chính nghĩa của mình sẽ được rộng khắp.
Là một quốc gia nhỏ bé và ít dân, lại luôn rình rập bởi các nước Ả Rập xung quanh, người Israel giữ nước bằng cách cho các nước lớn có lợi ích trong mọi lĩnh vực. Gidon bảo ví dụ hãng hàng không ABC Airlines, nếu người Israel sở hữu 100% thì doanh số chỉ có 1 tỉ đô. Nhưng tụi tao chia 10 phần ra. Cho các cường quốc nắm giữ 80% thì doanh số lên tới 20 tỉ đô, dù tụi tao có 20% thôi nhưng số tuyệt đối là 2 tỉ. Mua máy bay Airbus của châu Âu hay Boeing của Mỹ đều được ưu tiên. Lúc hoạt đông, máy bay bay qua không phận nước nào, nước đó bảo vệ khí thế vì đó là tài sản của họ.
Tony bảo nhưng công sức mình khởi nghiệp đã đời mà tự nhiên đem bán, tiếc lắm. Gidon vừa uống cà phê vừa cười sặc sụa. Nói Tony à, mày ít sáng tạo, lâu lâu nghĩ ra ý tưởng được một chút thì ráng giữ. Người giỏi rất khác. Dù có bị ai đó triển khai mất, họ lại có ý tưởng khởi nghiệp mới. Nên dù cho cái start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) đó có lợi nhuận khủng, các bạn trẻ Israel (làm chủ cái start-up đó) vẫn bán cho nước ngoài. Thậm chí nếu nước ngoài mua hết thì bán luôn, các bạn sẽ dùng tiền đó thành lập một start-up khác.
4. Luôn có một nơi gọi là tổ quốc
Gidon nói tụi tao khởi nghiệp không chỉ vì bản thân và gia đình mình, mà còn vì tổ quốc. Chiến tranh liên miên ngàn năm, được miếng đất cắm dùi rồi, tụi tao phải ra sức xây dựng. Israel không có những thung lũng hoa hồng mọc tự nhiên, tụi tao sẽ đem hạt giống về trồng, chắn nắng, che mưa, che bom đạn, … để thành những thung lũng hoa hồng xanh mát. Quê hương sỏi đá, mày có thể lựa chọn, hoặc bỏ đi đến chỗ tốt tươi hơn, hoặc chung tay xây dựng nó. Sinh ra trong một gia đình nghèo thì mày có thể bỏ lên thành phố phồn hoa hoặc ở lại và cải tạo ngôi nhà đó thành nơi đáng sống. Tao có thể xin quốc tịch Mỹ, nhưng tao đã từ chối. Với người Israel, chỉ có một quê hương...
Gidon liếc nhìn đồng hồ rồi xin phép về trước. Tony đứng dậy siết chặt tay bạn, hẹn gặp lại tại Việt Nam. Bạn nói nếu nước mày muốn phát triển, hãy nhờ đến người Israel tư vấn. Hãy gửi thật nhiều bạn trẻ đến Israel học tập. Giáo dục, nông nghiệp, quân sự, y khoa, start-up về công nghệ là 5 lĩnh vực người Israel giữ vị trí số 1 thế giới hiện nay. Tụi tao đã đào tạo nhân lực trong 5 lĩnh vực trên cho Hàn Quốc, sau đó là Singapore và thứ 3 có thể là Việt Nam, quốc gia mà người Israel có thiện cảm đặc biệt. Nếu nhân dân hai nước giao lưu thân mật, đường bay trực tiếp được thiết lập, Việt Nam hoàn toàn có thể nối tiếp Israel trở thành một quốc gia khởi nghiệp mới.
Bạn về, Tony vẫn còn ngồi lại. Ngoài cửa sổ quán cà phê Manon, đèn đường đã bật sáng, tuyết bắt đầu rơi dày. Nhìn dòng người đủ màu da, chủng tộc vừa tan sở, bước ra khỏi các tòa nhà cao ốc tài chính và vội vã đi trên phố, Tony biết trong lòng họ luôn có một nơi gọi là Tổ quốc".
TnBS
Read more…