Mấy con khỉ ở Bandung

tháng 6 23, 2016 |
Mấy con khỉ ở Bandung
Bandung là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Cách Jakarta 180km và nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển, Bandung có cái gì đó rất giống Bảo Lộc. Với khí hậu khá mát mẻ, Bandung từng là thủ đô của đất nước này thời thuộc địa Hà Lan, vì Tây thường sợ khí hậu nóng (toàn quyền Đông Dương ngày xưa cũng chọn Đà Lạt làm tổng hành dinh, người Tây hay mắc các bệnh nhiệt đới. Tony cũng vậy, không biết lúc nào đã biến thành chàng trai ôn đới, thấy nóng là sợ).
Anh bạn tên Roy lái xe chở Tony, đi từ Jakarta chỉ mất đúng 2h là đến được Bandung (dù từ sân bay Jakarta đến được điểm đầu của đường cao tốc chỉ có 20km nhưng cũng mất 2 tiếng vì kẹt xe kinh khủng). Trước năm 2005, khi chưa có con đường cao tốc, Bandung là thành phố heo hút. Nông sản làm ra đổ đống cho bò ăn, người dân Bandung đi tha phương cầu thực.
Đường cao tốc ở đây cho tư nhân đầu tư, họ thấy có nhu cầu là lập dự án. Công ty tự thương lượng đền bù giải tỏa, tự xây, tự bán vé, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra đi trên đường này, muốn miễn phí thì đi dưới đường cũ của nhà nước, không có chuyện vừa miễn phí vừa đòi nhanh. Họ tự tu sửa bảo trì, con đường là hàng hóa của công ty. Đường xấu không ai đi, tức không bán được hàng thì thua lỗ ráng chịu. Người Indo bây giờ tập trung phát triển đường cao tốc kinh khủng, vì họ biết, có đường là có TẤT CẢ. Họ muốn trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới.
Năm 2005, đường cao tốc này khánh thành, Bandung thức giấc, trở thành một nàng công chúa diễm lệ. Nhà máy, nông trại mọc lên ở Bandung ngày càng nhiều, đặc biệt là các nhà máy dệt may, vì chi phí sinh hoạt rẻ, lại có khí hậu mát mẻ, công nhân không có nóng nực bực mình mà kim đâm vào tay. Bandung trở thành nơi sản xuất quần áo hàng đầu Indonesia. Những nông sản cung cấp cho thành phố như rau củ, hoa, trái cây đặc biệt là dứa và bơ. Các ngọn đồi hoang vu trước đây đều được các công ty đa quốc gia đến thuê để trồng dứa, chuối, rau...cung cấp cho cả Singapore. Giới trung lưu Jakarta hầu như ai cũng có nhà ở Bandung, cứ chiều thứ sáu tan ca là cả gia đình đèo nhau trên 1 chiếc xe bán tải, chạy thẳng lên đó, vô nhà ở những khu phố dưới rừng cây xanh mát, vườn tược xanh um. Tới chiều chủ nhật là họ đi về lại thủ đô, phía sau xe bán tải là nông sản của họ thu hoạch. Những bạn làm công việc online như quảng cáo, viết phần mềm…cũng bỏ thủ đô lên đặt trụ sở ở đây, khí hậu mát mẻ năng suất làm việc cao hơn. Làm trên mạng ấy mà, ở đâu chả được, cuối tuần xuống thủ đô ăn chơi sang trọng cho nó khỏe.
Indonesia có trữ lượng dầu khí và nhiều nhà máy lọc dầu nên giá xăng rất rẻ, chỉ khoảng 14,000-15,000 tiền VN cho một lít. Các công ty vận tải từ Bandung về Jakarta đều được trợ giá để 1kg cà chua ở Bandung giá 0.5 USD thì ở Jakarta chỉ là 0.6 USD, nếu xe container chở nông sản và quần áo để XUẤT KHẨU, thì được miễn phí đi cao tốc (trình bộ chứng từ XK cho trạm gác).
Ở Bandung, có ngọn núi lửa gì quên tên. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, dung nham trong miệng núi vẫn lụp bụp sôi như mình nấu cháo. Những bong bóng vỡ ra, mùi lưu huỳnh nồng nàn. Bandung còn có nhiều suối nước nóng chứa lưu huỳnh tắm rất tốt cho sức khỏe. Gần chân núi, có nhiều khu khách sạn nhà trọ, họ dẫn nước suối này vào tận bồn tắm trong từng nhà.
Bữa đó Tony ở một resort trên đỉnh núi cao, ế nhệ, hẻm có khách nào khác. Đêm đó trăng sáng, bồn tắm thì lộ thiên, Tony trong trạng thái “hẻm mảnh vải che thân” đang khoan khoái nằm trong nước ấm, vang dội đọc thơ Lý Bạch “ngẩng đầu ngắm trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương…”. Thì bỗng thấy trên ngọn cây cổ thụ trước mặt, có cái gì đó chuyển động bất thường. Rồi một bàn tay đầy lông lá từ sau lưng thò ra phía trước bụng. Tony nhìn xuống, rú lên 1 tiếng, rồi ngất.
Tỉnh dậy thì thấy đang ngủ trong phòng, có mặc quần áo. Anh Roy nói lần sau mày đừng có tắm nude nữa. Mấy con khỉ ở đây thích bẻ chuối…
Khóc


Read more…

Con đường xưa em đi...

tháng 6 21, 2016 |
Con đường xưa em đi...
Một chị bạn kể lớp chị vừa họp lớp sau hơn 20 năm ra trường. Lớp chị có 20% dân ở tỉnh lên, 80% dân thành phố, vì cách tuyển ĐH lúc đó còn lạc hậu, còn thi khối A, B, C, D...và ra trong bộ đề, học sinh ở thành phố có điều kiện luyện trí nhớ bằng cách giải tới giải lui bộ đề này, thuộc lòng từ năm lớp 10 nên dễ đậu hơn.
Ra trường năm 1994, 100% lớp chị đều có việc làm do sinh viên hồi đó ít, việc nhiều. Nước mình mới bình thường hoá quan hệ với Mỹ, rồi sau đó gia nhập Asean, Apec...nên doanh nghiệp nước ngoài sang nhiều, biết tiếng Anh bằng B Anh Văn là đi làm lương mấy trăm đô ngay.
Sau đó là dòng đời xô đẩy. Tính đến bây giờ, lượng doanh nghiệp do bạn học chị làm chủ, 80% là dân tỉnh và 20% dân thành phố.
Chị nói ngày xưa tụi nó (dân tỉnh) ở nhà trọ, đi xe đạp, làm thêm nhiều, ăn mặc quê mùa, có bạn gái phải ngồi 1 góc để khô mồ hôi trước khi bước vào lớp, thấy tụi nó căng thẳng thần kinh, bị chủ nhà trọ đuổi, đi làm thêm bị giật mất tiền, đen đúa gầy còm....vậy mà giờ đi xe hơi đắt tiền, chủ những công ty nhà máy xí nghiệp, con cái học trường quốc tế, nhà biệt thự Thảo Điền Phú Mỹ Hưng, thậm chí có nhà cửa bên Mỹ bên Úc để nghỉ dưỡng.
Còn nhóm chị, hồi đó đứa đi dream lùn đứa đi max, học hết trung tâm Anh ngữ này đến trung tâm tin học kia. Sáng mẹ phát tiền ăn phở, trưa về nhà có cơm mẹ nấu, nhà có phòng riêng, có máy tính, có máy cát set nghe nhạc nghe tiếng Anh...Gọi là nhà có ĐIỀU KIỆN. Nhưng bây giờ, gặp nhau, nhóm chị vẫn bàn về "có nên mua Air Blade hay SH, lãi suất ngân hàng nào nào cao hơn để gửi chút tiền vài ba trăm triệu dư ra". Chị chen chúc nộp hồ sơ cho con cái tiếp tục trường điểm cấp 1, trường chuyên cấp 2-3 (các trường cũ của chị). Và thế hệ sau (nhóm chị) lại quần quật ôm sách ôm vở giải sin có tính số mol, rồi ô mê ga cộng phi từ mờ sáng đến nửa đêm, mặt mũi chân tay teo tóp vì không vận động, cận mấy độ....để lại tiếp tục thi đậu vào ĐH cũ của chị, y chang "con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề".
Nói sao không tự làm ăn, chị nói sợ. Chị ra trường làm cho các tập đoàn nước ngoài trong các cao ốc, toàn nói chuyện lịch sự bằng tiếng Anh không, giờ xuống phố làm cái gì cũng khó vì không có street smart. Xưa không thể dục vận động nhiều nên giờ đi xa chút là chị mệt, nên ra ngoại thành, về tỉnh xây nhà máy xí nghiệp nông trại, tụi chị sao làm được, nắng nóng lắm em. Chị cũng hùn với bạn mở thử quán cà phê nhưng 6 tháng thì dẹp. Thành phố ngày càng chật chội, thương hiệu lớn của nước ngoài như Starbucks, The coffee Bean, Bene...tràn sang, cơ hội khởi nghiệp về dịch vụ ở thành phố càng ngày càng khó.
Chị nói, "con nhà có điều kiện, tạo điều kiện cho con cái" thật ra là làm mất ý chí của con. Ý chí mới là cái quyết định thành bại của đời người, chứ không phải là "điều kiện học hành tốt nhất" như chị từng nghĩ. Hôm bữa họp lớp, các bạn đều thống nhất vậy.
Con số Pareto 80/20 là chuyện riêng lớp chị.

Read more…

Tư duy khác lạ

tháng 6 21, 2016 |
Tư duy khác lạ
Nhiều bạn ngại ngùng khi về các tỉnh khởi nghiệp, vì muốn con cái học các trường quốc tế, khám bệnh quốc tế...sợ ở tỉnh hem có.
Sáng nay, trò chuyện với 1 bạn khởi nghiệp làm nhà máy ở Khánh Sơn, Khánh Hoà, bạn nói con cái bạn và giới chủ ở Khánh Hoà, Ninh Thuận...đều có nhà ở Nha Trang để con cái theo học các chương trình quốc tế, học chữ ít, chơi nhiều, vận động nhiều, ví dụ các trường Việt Nam Singapore, APC, quốc tế Ischool.....Học xong mấy trường này, con cái nói tiếng Anh như người bản xứ và tư duy như học sinh bên Tây, hội nhập toàn cầu dễ dàng lắm, New York London là nhà.
Và bạn cũng nói là gia đình bạn chỉ khám bệnh ở bệnh viện Vinmec mới xây dựng xong ở đường Trần Phú. Bệnh viện này tiêu chuẩn quốc tế hết, bác sĩ nói tiếng Anh, sạch sẽ như khách sạn 5 sao, vô đó được đối xử là khách hàng. Vấn đề của bạn là làm ra thật nhiều tiền để hưởng các dịch vụ tốt nhất. Nhưng giá tính ra không đắt so với việc bị dụ mua mấy thực phẩm chức năng hay thuốc tây ngoại nhập không cần thiết của một số bác sĩ kiêm làm trình dược viên.
"Những gì tốt đẹp nhất của loài người tạo ra, là để giúp mình sống tốt hơn. Đi khoang máy bay hạng nhất nằm ngủ cho mát, mặc đồ hiệu, ăn rau organic, thịt bò Mỹ (loại ăn cỏ, grass-feed, không phải ăn bắp corn-feed), đi xe Lexus Bentley, học hành y tế của Tây...mắc mớ gì không hưởng. Vấn đề là mình làm để có tiền, lao động cật lực, nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, hào sảng, văn minh, có suy nghĩ và tầm nhìn của giới chủ.
Mình phải động chân động tay động não, chịu cực chịu khổ, chịu lem luốc trong nhà máy cả ngày để tối về, sống thượng lưu quý phái"

Read more…

Ký ức tuổi thơ

tháng 6 19, 2016 |
Ký ức tuổi thơ
Hôm nay nhân ngày của cha, father's day, TnBS xin đăng lại bài viết gây xúc động mạnh mẽ cho độc giả trong cuốn "cà phê cùng Tony. Hãy đọc và cảm nhận để yêu thương hơn những người quanh ta các bạn nhé
"Ba của Tony là nạn nhân của chiến tranh Việt Nam. Trong cái lộn xộn và bi thương của cuộc chiến, ba đã mất đi cả tuổi trẻ của mình. Một viên đạn lạc bay thẳng vào cột sống, bác sĩ Mỹ ở Sài Gòn lúc đó nói thôi, về nhà coi gì ngon thì cho ăn hết đi, rồi không quá 6 tháng đâu. Nhưng kỳ lạ, cơ thể ba tiết ra 1 lớp nhầy vây kín viên đạn, khiến nó không phá huỷ, chỉ đau nhức dữ dội lúc trái gió trở trời. Tuy nhiên, vì viên đạn nằm ngay cột sống, hệ thần kinh bị tổn thương nên ba trở thành người tàn tật ở lứa tuổi 25, lứa tuổi đẹp của đời người.
Bù lại, trí tuệ ba Tony khá minh mẫn, trí nhớ tốt, hồi trẻ đẹp trai hơn Tony gấp chục lần. Bao nhiêu kiến thức trên trời dưới đất đều được ba truyền cho Tony một cách hấp dẫn, từ Tam Quốc, Thủy Hử đến thần thoại Hy Lạp, văn minh Phương Tây, đến cơ bản tiếng Anh và tiếng Pháp, tình yêu và sự khát khao khám phá kiến thức nhân loại. Giữa lúc đất nước khó khăn vào đầu thập niên 80, rời Sài Gòn về quê ngoại, nhớ lúc đó má Tony nuôi 4 chị em với đồng lương giáo viên của 1 cô giáo tiểu học trường làng, ba không dám ăn cơm nhiều. Mỗi lần chỉ ăn 1 chén, và nói tui tàn tật vậy, ăn chỉ để sống, có làm gì ra tiền đâu mà ăn. Nên chị Hai tinh ý, mỗi lần bới cơm thì lèn thật chặt, thật nhiều. Rùi một lần ba quyết định về quê cũ, về lại lộ Vòng Cung, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lục bình dập dềnh trôi trên dòng sông Cái Răng tím ngắt mỗi chiều. Ba nói, nếu cứ ở lại đây, thêm 1 miệng ăn buồn lắm, thấy mình bất lực, đẻ con ra mà không cho nó sung sướng ngày nào. Mà thật ra, ba cũng quần quật chống gậy đi làm đủ thứ, từ ra xã dạy bổ túc văn hoá đến móc đất làm nồi, làm bếp lò, làm mấy con thú bằng đất sét xinh xinh cho Tony chơi, trồng cây trong vườn, từ sáng đến chiều ở ngoài nắng mà chẳng thấy lúc nào thở than. Một thời oanh liệt, một học sinh cực giỏi, một thủ lĩnh học sinh trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, từng ở biệt thự có hồ sen ngay trung tâm Sài Gòn, giờ trở thành 1 người đàn ông tàn tật, lam lũ ở một chốn thôn quê xa xôi, không điện không nước, ăn chẳng bao giờ được no. Ba nói, học xong, ba chỉ 1 lần đi thực tập ở U Minh, bị thương rồi giải ngũ. Cuộc chiến thật khốc liệt, thật bi thương, mỗi gia đình người Việt, dù ở chiến tuyến nào, vẫn có người nằm xuống. Những thanh niên trẻ măng mười tám đôi mươi ra trận, trước khi chết vẫn thống thiết gọi cha gọi mẹ, dù giọng bắc giọng nam. Suốt ngàn năm, đất mẹ Việt Nam và những con cháu Lạc Hồng cứ phải oằn mình vì loạn lạc, chia ly, mất mát….
Ba nói, như câu chuyện tái ông mất ngựa, cái may cái rủi nó đi với nhau. Vì không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến nên không chết. Nhưng giải ngũ sớm nên không đi cải tạo, không đi cải tạo lại không đi Mỹ diện HO. Hiểu thời cuộc nên ba vô cùng lạc quan với số phận. Có lần má đi dạy về trễ, ba còn một tay chống gậy, một tay bưng chậu quần áo cả nhà đi giặt, té lăn kềnh ra giữa sân, bò bò quơ quào lượm lại từng cái quần cái áo vá đùm vá níu của mấy mẹ con, nhưng lại cười. Nụ cười méo mó của một người đàn ông từng kiêu hãnh. Tony còn nhớ cứ mỗi sáng sớm, má dậy sớm pha 4 bình nước, mỗi đứa mang theo 1 bình để đến trường. Tony nói ủa sao nhà mình không có ăn sáng như nhà khác, chị Hai nói mày mệt quá, uống nước cũng no bụng vậy. Cứ mỗi sáng thức dậy là cả nhà ngồi suy nghĩ kiếm gì để cho vào bụng bữa nay. Mỗi lần như thế thì ba lại ngồi buồn, nói ghét cái bao tử quá, cứ đói bụng hoài, cứ phải ăn, nhiều lúc nổi nóng muốn đập nát đôi chân tàn phế. Rồi ba cũng lặng lẽ nhìn theo dáng lon ton của Tony xách cái thau đi mượn gạo. Tony là chuyên gia đi mượn hay đi mua chịu đủ thứ, quen mặt khắp làng khắp xóm, vì không có mắc cỡ như mấy chị, tính tình lại vui vẻ thảo mai, ai cũng vui khi gặp. Xong cái về ngồi ghi lại trong sổ, chi tiết cẩn thận, như mượn dì hai Tròn 2 lon gạo, mượn cậu năm Được mấy đồng, nợ nước mắm ông Long, nợ tiền dầu lửa bà Bảy...Cuối tháng má lãnh lương, Tony nói để con tính cho, giải bài toán trả ai trước, ai trả sau, ai dễ chịu có thể khất được. Nhỏ xíu xiu nhưng lanh bắt ớn, nên sau này quản lý tài chính giỏi cũng nhờ vào những tháng năm ấy.
Hồi đó trong làng có nghề làm lá buông, một loại lá dài như lá cọ, phơi khô rồi xé sợi nhỏ, đan thành giỏ xách. Cả nhà ai cũng phải làm, trừ Tony được ngủ sớm vì học trường chiên trường xào, tháng nào cũng có 13 kg lúa của xã cho. Cứ đến đêm, mấy chị lớn học bài xong thì lập tức ra bắt tay ngồi đan lá ngay. Vừa làm vừa nói chuyện trong làng trong xã dưới ánh đèn dầu leo lét đến khuya. Còn Tony thì đan được 2 cái là mỏi tay, bẻ tay bẻ chân bẻ lưng nói mỏi. Nên má cho đi chơi. Ngày ấy, trẻ con thôn quê chẳng có thú vui gì. Đêm trăng sáng, các bạn tập trung quanh nhà, hay ra đồng chơi đủ trò tự nghĩ ra. Còn đêm trời tối, ăn cơm xong, Tony trải tấm chiếu lên đống lá buông trên sân được gom lại sau khi đã phơi khô, 2 cha con nằm chơi trên đó, nhìn lên trên trời ngắm triệu triệu ngôi sao lấp lánh. Ba hướng dẫn Tony phân biệt các chòm sao, đây là sao Đại Hùng, kia là sao Thiên Long, Thiên Miêu, Sư Tử, Lạp Khuyển…hình giống con gấu, con mèo, con chó …nên có tên gọi vậy. Hình ảnh vũ trụ bao la, mênh mông thiên hà khiến Tony vô cùng thích thú. Có bữa thấy sao băng, ba nói, cứ thấy sao băng thì mình cứ ước mơ, phải nhanh thì mới thành sự thật. Lần nào Tony cũng thì thầm ước là nhà mình có tiền để ăn sáng. Có lần, Tony xỉu giữa lớp, cô giáo hỏi sao, Tony khai thiệt là không ăn sáng nên mệt, ông hiệu trưởng kêu má lên mắng quá trời, nói sao nó có 13 kg lúa mà cô đem đi bán hết, không cho nó ăn sáng. Má lúng túng cười trừ, nói tui xin lỗi, để về nấu cháo cho cháu. Nhưng ước mơ sao băng ấy đã thành sự thật. Cứ mỗi sáng, Tony được 1 chén cháo trắng, và thấy ngon hơn bất cứ cao lương mĩ vị gì trên đời.
Có lần Tony nhầm sao băng với máy bay. Thấy có đốm sáng di chuyển hoài mà không tắt, ba nói đó là máy bay thương mại của mấy hãng hàng không nước ngoài bay qua Việt Nam đó con. Như tụi Đại Hàn hay Nhật, nếu nó qua Băng Cốc thì sẽ bay ngang qua Nha Trang, rùi trả tiền vùng trời cho nước mình, nó bay cao lắm, cả mấy cây số nên mình thấy chỉ là 1 đốm sáng thôi. Tony nói thế bây giờ trên đó người ta làm gì nhỉ, ba nói giờ chắc là giờ ăn tối, các tiếp viên sẽ đẩy xe đựng thức ăn ra, ai ăn gì thì ăn, uống gì thì uống. Rùi ba giải thích về ngành hàng không, máy bay phản lực khác máy bay lên thẳng ra sao, cất cánh hạ cánh thế nào. Ba nói, sau này nếu học giỏi, con sẽ được đi máy bay, thích lắm. Rồi cũng có 1 lần thấy sao băng, Tony ước mơ ba hết tật nguyền, 2 cha con lang thang khắp nơi trên thế giới. Tony hỏi chứ mỗi lần thấy sao băng thì ba ước gì. Ba nói, ba ước cho con lớn lên thông minh khỏe mạnh, viết tiếp ước mơ còn dang dở của ba. Cứ đêm đêm trên chiếc chiếu ngoài sân ấy, 2 cha con nằm ngước nhìn lên trời, nói chuyện rì rầm. Giọng ba đều đều, nghe một hồi thì Tony ngủ mất tiêu, má ra sân ẵm vô nhà, sợ sương xuống lạnh. Trong giấc mơ của cậu bé Tony lúc đó, chấp chới những chiếc máy bay lượn lờ trên bầu trời, thật lung linh, thật đẹp.
Cái ngày ba đòi một hai về lại quê nhà, má cản dữ lắm. Nói ông ngồi không một chỗ cũng được, chiến tranh đã qua rồi, nhiều đứa trẻ mất cha thì đã đành, mấy đứa con mình, tui muốn có đầy đủ cha mẹ để lớn lên bình thường. Nhà phải có âm có dương, có mặt trăng mặt trời, chứ tui chỉ là 1 người mẹ, la mắng xoèn xoẹt thì cũng không dạy dỗ được nhiều. Ba suy nghĩ nhiều nhưng cứ mỗi buổi ăn, xong chén cơm thứ nhất, mọi người nhìn nồi cơm độn đầy khoai và nói thôi no rồi, nhường người khác, lúc nào trong nồi cũng còn 1 chút nhưng hẻm ai dám ăn. Ngày nào cũng vậy, chịu không nổi, nhân lúc má và mấy chị em đi học, ba viết lại lá thư trên bàn và ra đi. Trong thư nói tui đi về quê, nhờ anh em bạn bè giúp đỡ, vài năm rùi quay lại, nhớ nấu cơm đừng có bớt gạo, phần của tui chia cho tụi nhỏ ăn thêm chút đỉnh. Ba chống gậy xuống ngã ba Trong bắt xe về Cần Thơ, trong túi không có 1 đồng nào. Ngồi ở vệ đường ngoắc miết, cả chục chiếc đâu có 1 chiếc Quảng Ngãi chịu dừng lại, thấy có một người đàn ông tàn tật ngồi lết giữa đường, bà chủ xe thấy tội quá, cho đi, vừa không tốn tiền vừa cho ăn cơm no bụng. Ba kể thôi cũng hẻm biết lấy gì đền ơn, bèn ngồi sát cửa, thấy xe dừng lại là mời khách lên xe phụ thằng lơ, và pha trò nói chuyện vui nên trên xe ai cũng cười nghiêng ngả. Nên giờ mỗi lần vào Sài Gòn chơi, về lại quê, ba cứ đòi lấy xe Quảng Ngãi, dù giá vé cao hơn nhiều. Và Tony cũng vậy, thích người Quảng Ngãi và giọng nói miền quê ấy, nên cứ nói học thành hạc, vì thấy rất dễ thương...
Rùi đất nước mở cửa khi Tony vào cấp 2, những năm tháng tuổi thơ khốn khó tưởng đã phai nhoà. Chiều nay kết thúc khoá học ở trường Harvard, chia tay bạn bè đủ mọi quốc tịch, Tony đi bộ qua bên kia sông, định mua ít đồ rồi sau đó đón taxi ra thẳng sân bay Logan về nước. Lúc băng qua cầu Anderson Memorial, chợt thấy 2 cha con người Mỹ, cậu con khoảng 3-4 tuổi ôm con gấu bông nhỏ, người cha trạc tuổi Tony, cả hai đều mặc đồ quấn khăn rất kỹ, trời lạnh vậy mà vẫn đi dạo chơi trên bờ sông đầy tuyết, bóng cha con đổ dài. Bỗng dưng chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến "tôi ôm con sáo, bé bỏng của tôi, lang thang theo cha, dọc bờ sông trắng xoá"*. Mới thấy trên trái đất này, đứa con bé bỏng nào cũng hay lẽo đẽo theo cha, và tình phụ tử ở đâu- cũng đều thiêng liêng và ấm áp.
Nắng chiều nhuộm vàng cả dòng sông Charles, tuyết vẫn dày, hàng cây bên đường đã rụng hết lá. Nhìn những miếng băng trôi bồng bềnh, chợt nghĩ đến lục bình tím ngắt trôi theo con nước sông Tiền sông Hậu, nghĩ về thân phận những người miền Tây lưu lạc khắp nơi, nghĩ về những năm tháng ba sống ở miền Trung nhưng trong lòng không nguôi nhớ về quê cũ. Nói trong bụng, nếu tối nay lên máy bay mà không ngủ được, Tony sẽ viết một bài về ba.
Tony viết bài này khi đang ngồi trên máy bay của Eva Air và trong lòng ngổn ngang cảm xúc. Máy bay bay qua Nhật, rùi Đài Loan, transit 1 tiếng đồng hồ ở sân bay Đài Bắc rồi bay về Tân Sơn Nhất. Và bây giờ, máy bay đang bay không phận trên lãnh thổ của mảnh đất hình chữ S. Nhìn qua màn hình định vị vệ tinh, thấy dưới mặt đất là ký hiệu của núi đồi ruộng vườn, xanh thẫm. Tự hỏi hẻm biết ở dưới, có 2 cha con nhà nào quê thiệt quê, nghèo thiệt nghèo, cứ đêm đêm trải chiếu nằm ngoài sân nhìn lên trời ngắm sao, ngắm máy bay rồi nói toàn chuyện xa xôi như tuổi thơ Tony không nữa.


Read more…

Quản bản thân, trị người khác

tháng 6 19, 2016 |
Chương trình hỏi đáp với Tony
Bài 2: Quản bản thân, trị người khác
Nhiều bạn hỏi học xong cấp 3, có nên học quản trị kinh doanh (QTKD) không? Là cựu sinh viên HBS, và là chủ doanh nghiệp từ năm 2004 đến nay, trước đó có 8 năm đi làm việc chân tay lẫn trí óc ở rất nhiều ngành nghề, câu trả lời của Tony là “tuỳ”. It depends!
1. Ai nên học?
Là người sâu sắc trong nhận thức, học toán, triết và logic cực giỏi, có khả năng hùng biện và viết lách, tổ chức sắp xếp và hướng dẫn người khác(1). Có đầu óc phóng khoáng, cởi mở, cầu tiến; có chí khí cao ngất, không ủy mị tình cảm, nhưng cũng không khô khan thực dụng: chịu chơi, chơi đẹp, hào sảng, nghĩ lớn: tháo vát, biết quán xuyến từ nhỏ, tính cách độc lập, có cá tính(2). Sở hữu tính quyết đoán mạnh mẽ, nói phát đứng lên làm ngay, đi ngay, sẵn sàng buông bỏ cái cũ, ưa mạo hiểm, chịu rủi ro, không bị tâm lý chắc ăn nhược tiểu(3). Đầy đủ (1)+(2)+(3)=> NÊN HỌC.
Để học QTKD thành công, bạn trẻ phải TRẢI NGHIỆM, chấp nhận làm mọi thứ từ lau dọn toilet đến bưng bê, tài xế, công nhân, PHẢI làm thêm để kiếm tiền đi học. Sinh viên quản trị mà xin tiền cha mẹ thì xong, hết phim. Những tháng ngày làm thêm rèn cho họ cái thông minh đường phố (street smart), để có thể DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN với đủ loại người. Và tập cho họ tính thích nghi. Thả ở đâu cũng sống được. Ăn cái gì, ngủ ở đâu cũng được.
Làm chân tay nhưng với cái đầu nên làm rất tốt. Trong quá trình làm, họ sẽ nghĩ ra, cải tiến cách làm sao cho nhanh hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn, ít tốn năng lượng hơn. Phải từ cấp thấp nhất đi lên. Họ hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng vị trí, từng nhân viên, vì họ cũng đã từng. Dù có học ngành khác, họ cũng tự mày mò rút kết kinh nghiệm quản trị, và dần thành quản lý. Dù bỏ học vẫn làm sếp. HỌ SINH RA ĐỂ QUẢN CÔNG VIỆC VÀ TRỊ NGƯỜI KHÁC.
2. Ai không nên học?
Con nhà “chỉ ngồi vào bàn học, giải đề thi, luyện đề, bạn thân là máy tính, ipad”, vừa hết cấp 3 xong, cắp cặp đi học QTKD: không nên. Hàng tháng xin tiền mẹ thì làm sao hiểu được "quản trị tài chính". Bạn bè toàn tự sướng facebook thì hiểu gì về “quản trị nguồn nhân lực”. Chưa lao động chân tay bao giờ thì sơ đồ Gantt trong môn Quản trị sản xuất là cái gì đó vớ vẩn. Tháng nhận từ mẹ 5 triệu nhưng mới nửa tháng phải bịa ra lý do để xin thêm tiền, thì ngồi đó mà phân tích điểm hoà vốn. 18 tuổi trở lên rồi mà còn phụ thuộc cha mẹ, có nghĩa là "QUẢN" bản thân chưa xong, thì không thể "TRỊ" người khác. Học xong chữ nghĩa trả hết, không nhớ vì không hiểu. Có 1 bạn con nhà giàu, học xong cấp 3, học QTKD rồi về thay cha mẹ quản lý nhà máy dệt may. Bạn không hiểu vì sao anh tài xế hôm đó mặt mũi buồn bã vừa lái xe vừa đạp thắng (phanh) miết để mình ói mật vàng trên mật xanh. Có lần bạn xuống xưởng hỏi “chời ơi, nhiệt độ nóng vậy mà anh chị ngồi đạp máy may cả ngày hay vậy, để em lắp máy lạnh cho mát nha". Công nhân vui vẻ hớn hở, nhưng tiền điện tăng làm giá thành cái áo cái quần tăng lên, không xuất khẩu được nữa, tháng sau thì mất việc, nhà máy đóng cửa còn bạn thì xin tiền cha mẹ đi du học thạc sĩ.
3. Học QTKD không khó, lúc nào cũng được, 60 tuổi học vẫn vô. Nhưng 25 tuổi rồi thì học kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, cơ khí, nông nghiệp…rất khó. Nên nếu mình vẫn đam mê QTKD mà chưa có những tố chất trên, nên học ngành khác. Sau khi tích lũy đủ các điều kiện trên, học QTKD vẫn không muộn.
Học sinh trung học nước ngoài có học QTKD? Có. Thứ nhất là dạng cực kỳ xuất sắc, có tố chất lãnh đạo từ bé, tự vay tiền, tự làm thêm mà đi học. Hoặc cha mẹ nó có cơ ngơi công ty nhà máy, nó vừa học vừa tham gia quản lý.
Các chương trình MBA, thạc sĩ QTKD của các ĐH uy tín đều bắt buộc ứng viên phải có vài năm kinh nghiệm đi làm. Bằng ĐH ngành gì cũng được, kỹ sư càng được hoan nghênh, vì sẽ trở thành nhà kỹ trị.
Giáo dục phổ thông, tức xong lớp 12, là giáo dục bắt buộc, ai cũng phải có, trừ hoàn cảnh đặc biệt. Còn các chương trình học sau đó, là sự LỰA CHỌN CỦA MỖI CÁ NHÂN.
Hiện tại trên thế giới có hiện tượng lạm phát bằng cấp. Nước nào cũng mở nhiều ĐH, đặc biệt các ngành như kinh tế, quản trị, tài chính, tâm lý…Cứ xây cái phòng học và vài ông thầy cầm micro nói là xong. Các ngành khác thì phải có phòng thí nghiệm, xưởng thực địa này nọ...đầu tư tốn kém, sinh viên lại không thích học vì “không nhàn”. Có cầu thì có cung. Sinh viên QTKD ra trường, ngáo ngơ nhiều hơn đứa biết làm việc, là hiện tượng khắp nơi trên thế giới. Khác với tuổi trẻ phương Tây trưởng thành ở tuổi 18, tuổi trẻ châu Á trưởng thành về nhận thức ở tuổi 22. Lúc đó họ mới nhận ra “cái nghề là cái quan trọng”, bèn đăng ký liên thông ngược, thường là vào trung cấp nghề, học cho nhanh. Ở Anh, rất nhiều tài xế taxi, tiếp tân khách sạn, đầu bếp…gốc Ấn Độ, Trung Quốc có bằng MBA.
Nhật, Canada, Úc, Mỹ, Đức...gần đây mở cửa nhập công nhân lành nghề từ các nước khác, gọi là diện tay nghề (skilled worker). Họ không nhận cử nhân quản trị hay kinh tế. Vì nước họ cũng thừa. Thị trường chứng khoán New York, ngân hàng London không nhận sinh viên ĐH kinh tế nào đó của Trung Quốc, nhưng nhà máy Boeing có thể nhận kỹ sư hàng không của ĐH Cambodia để thực tập (nếu bạn biết tiếng Anh tốt).
Tóm lại, ngành QTKD dành cho bạn trẻ có tố chất và chịu làm, dám làm. Nếu đam mê kinh tế nhưng chưa có tố chất, có thể chọn các nghề cụ thể, ví dụ kế toán, xuất nhập khẩu, chứng từ văn phòng, thư ký, tiếp tân, marketing, bán hàng, toán kinh tế, thống kê, bảo hiểm, vận tải, logistic, du lịch, kiểm toán,... Khối ngành kinh tế dành riêng cho những bạn yêu thích làm ăn, khỏe mạnh, năng động, thích giao tiếp, hướng ngoại, kỹ năng đàm phán xuất sắc, trí nhớ và tính toán chính xác. Làm kinh tế, sai 1 con số, 1 dấu phẩy, phải đền tiền hoặc đi tù. Riêng ngành quản trị KD, đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp, “lãnh” nghĩa là dẫn, “đạo” là đường, lãnh đạo là người dẫn đường, CEO phải đưa doanh nghiệp làm ăn có lãi, phải đảm bảo việc làm cho người lao động. Mình như con hươu đầu đàn, phải tìm bãi cỏ tốt cho cả đàn mình no bụng. Gồng gánh trên vai đầy trách nhiệm, cực khổ nhưng vinh quang.
Xem lại phần tố chất ở đầu bài để biết mình có đủ không, nếu có thì QTKD chính là cái nghề của mình. Nên tự tin đăng ký học. Go ahead!


Read more…

Chuyện thằng Don

tháng 6 19, 2016 |
Chuyện thằng Don
1. Ở trường kinh doanh Harvard, trong môn quản trị nhân lực, sinh viên sẽ phải thảo luận câu nói này. Đại ý là "những cái đầu lớn (great minds) sẽ thảo luận với nhau về những ý tưởng. Những cái đầu bình thường (average minds) sẽ trao đổi với nhau về các sự kiện. Những mái đầu nhỏ hẹp (small minds) sẽ bình luận người này người kia".
Dù là một cậu bé tiểu học, các "great minds" sẽ nói về cách chế tạo đồ dùng học tập, các "idea" để giúp việc học, việc chơi, việc đi lại, việc sinh hoạt của gia đình cậu, lớp cậu, trường cậu, khu nhà ở...được đẹp hơn, tiện lợi hơn, khoa học hơn. Khi làm sinh viên, những “great minds” sẽ bàn về ý tưởng thành lập câu lạc bộ này, quỹ từ thiện nọ. Khi ra đời là những dự án kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo. Và họ có thành tựu...
Còn những "small minds" (tạm dịch các mái đầu lặt vặt) sẽ quan tâm người. Càng thâm cung bí sử, ẩn danh thì họ càng khoái theo dõi. Tuy nhiên, vì "small" nên mọi thứ đều hẹp hòi, tràn ngập cảm tính. Thông tin chính xác không có, nên họ phán đoán, thêm thắt cho hấp dẫn. Đọc 1 bài viết, xem một vở kịch hay phim, không quan tâm thông điệp hay bài học rút ra, mà chỉ coi mấy cái râu ria lặt vặt. Họ quan tâm đời tư người khác kinh khủng, và dồn hết năng lượng, trí nhớ cho việc này. Nên gặp một người bạn có đọc TnBS, mà cứ đu theo hỏi “Tony Buổi sáng là ai, học ở đâu ra, cao thấp đẹp xấu…” thì lưu ý cẩn thận, chớ có mà bàn bạc làm ăn hay tiết lộ thông tin cá nhân của mình cho họ. Có thể họ sẽ đem thông tin của mình ra kể cho người khác. Vào Facebook của một người, mình thấy họ bàn việc hay bàn người…thì mình biết được tầm vóc cái đầu của họ.
2. Tony có 1 bạn ĐH tên là Don, bạn bè đặt là Mr Don Hỏi. Trí nhớ Don cực tốt, nói nhiều kinh hoàng, chuyện ai cũng biết. Đi nhậu với nó thì ăn không được. Vừa gắp miếng thịt lên nó đã hỏi. Đưa ly bia vô miệng nó đã hỏi. Nó đi đâu cũng nhìn ngó coi có gặp người quen không, lỡ quen là lao đến, sà xuống hỏi khí thế. Đại loại “dạo này mày ra sao, mày có biết con A lớp mình mới ly dị không? Tính con đó ai sống chung cho được. Thằng B mới mua nhà mới ở khu Trung Sơn, tao mới qua, nó đổ 3 tấm, nhà xây bí lắm, giá 3.75 tỷ. Mày biết ca sĩ Y không, bị les đó. Mày biết ông Ban Ki Moon không, bất tài vậy mà cũng lên tổng thơ ký liên hợp quốc. Mày biết con trai của diễn viên H mới nhập học trường quốc tế tới 350 triệu/năm không? Tao mới qua trường đó hỏi, nó nổ đó, có 300 triệu à”…
Năm 2003, Tony đi du lịch, ĐT phải divert (chuyển cuộc gọi) về cho kế toán, lỡ có ai gọi chuyện tiền bạc. Một bữa trưa nọ, Tony lên yahoo messenger, nó HỎI đang ở đâu, Tony nói đang ở Mỹ. Nó gọi ngay. Xong chat lại là “gọi chục lần vẫn reng, Mỹ gì mà ĐT vẫn được thế. Ha ha”. Chồng con bé kế toán nổi đóa, nói ai mà gọi miết lúc nửa đêm vậy, làm con bé kế toán phải gọi lại để xác minh “anh Tony đi Mỹ rồi, đai vợt (divert) sang máy em, em kế toán công ty”. Nó vẫn chưa tin, chạy qua nhà gõ cửa hỏi có Tony không. Chị giúp việc nói nửa đêm nửa hôm, trời mưa tầm tã mà nó cứ đứng hỏi miết. Đi bao giờ, đi bao lâu, đi bang nào, lý do đi, động cơ đi, có quen biết ai bên Mỹ, đi với ai, hãng bay nào, chừng nào về…Từ khi Facebook ra đời, nó suốt ngày ở trên face, dành trọn thời gian và trí tuệ cho việc lướt xem từng tấm hình và phán đoán bạn bè “đang làm gì ở đâu với ai”. Tuần trước đi họp lớp, bạn bè thúc giục nhau, ăn nhanh lên mày, thằng Don tới là ăn không được. Ai dè nó tới lúc nào, đứng sau lưng, ú ó chỉ trỏ. Nó bị đau răng.
Và buổi họp lớp diễn ra trong không khí hết sức vui vẻ. Hẹn năm sau, lớp mình sẽ họp, khi thằng Don đau răng.


Read more…

Chuyện ở quán phở trưa

tháng 6 10, 2016 |
Chuyện ở quán phở trưa
Tony sáng nay có việc lên Sài Gòn gặp khách ở khu Nguyễn Huệ quận 1, xong cái đi bộ qua đường để ăn trưa. Tới quán phở thì thấy có 2 mẹ con người bán vé số đang nhìn vô quán. Người mẹ khoảng 3 chục nhưng trông hốc hác, còn con bé con khoảng 4-5 tuổi, đội cái mũ rộng vành lụp xụp, hai mẹ con cứ thập thò miết ngoài cửa. Người mẹ nhìn Tony có vẻ muốn hỏi gì đó nhưng e ngại không dám, nên Tony mới lên tiếng trước, hỏi hai mẹ con cần hỏi gì nè. Chị liền hỏi ở đây một bát phở chỉ có thật chỉ là 29 nghìn không (trước quán có bảng chỉ 29.000 đồng/ tô), ở khu này tôi thấy cái gì cũng đắt nên không dám vào, phải hỏi trước cho chắc. Tony nói ừa, phở tô nhỏ chỉ có 29 ngàn thôi. Chị mới hỏi thêm là "có tính thêm gì nữa không anh", Tony nói không, không dùng khăn dùng nước thì chỉ có 29 ngàn. Cái chị mới mạnh dạn dắt con bé vào. Nghe hai mẹ con nói với nhau, giọng địa phương miền ngoài đặc sệt.
Tony thấy chị kêu có 1 bát 29 nghìn cho con bé. Con bé đói quá nên phở còn nóng mà nó đã ăn từng muỗng to. Chị ngồi khép nép trong 1 góc, móc tiền lẻ ra đếm, đúng 29 ngàn thì cầm chặt bên tay trái, đợi con ăn xong thì trả. Con bé hỏi sao mẹ không ăn, chị lắc đầu, nói con ăn từ từ, kẻo nóng. Thấy chị quay đi, tránh nhìn vào bát phở.
Tony ăn xong, sẵn trả luôn tô phở kia. Một lúc sau, chị gọi cô phục vụ tới gửi tiền thì cô phục vụ nói "có chú kia trả rồi", chị mới quay lại nhìn. Tony mới cười nói thôi để tui mời con bé. Chị cầm tiền qua đưa cho Tony, nói thôi, tiền cháu ăn ngại lắm. Tony nói không có nhiêu đâu chị, xua tay không lấy. Chị kêu con bé lại nói cám ơn bác đi con, xong móc trong giỏ ra xấp vé số. Tony mau mắn nói thôi cô, tui không biết chơi vé số. Cái chị nói không, tôi đưa anh 3 tờ, coi như tiền bát phở vừa rồi. Tony cũng từ chối nhưng cổ kiên quyết không chịu, nói tôi bán vé số cũng có lãi anh à, tôi không cho cháu lấy tiền người khác cho. Sợ ồn ào phiền quán nên Tony mới cầm, đưa cho cổ 1 ngàn cho đúng giá trị vì biết gặp người đẳng cấp. Chị cám ơn rồi tất tả dắt con bé ra khỏi quán.
Tony nhìn theo bóng hai mẹ con đi liêu xiêu trong nắng trưa gay gắt mà nhớ hồi xưa, hồi Tony học lớp 4, vừa chuyển ra thị trấn học. Lúc đó nhà Tony còn nghèo, nghèo đến mức Tony mặc chung cái quần xanh đồng phục với chị Ba đi học. Có lần má đạp xe lên trường đón Tony về, nắng nóng kinh khủng nên Tony nói con khát nước quá má à. Thấy má dừng xe lại đếm tiền trong giỏ, rồi đạp vô xe nước mía dốc đường lên ga xe lửa. Má gọi có 1 ly, Tony cũng hỏi sao má không uống, má lắc đầu. Tony khát quá nên uống cái rột hết ly, xong hai mẹ con đạp về. Tối ngồi học bài, nghe ở nhà dưới tiếng chị Hai cự nự, nói má chiều chuộng thằng Tèo quá đáng, tiền mai mua gạo mà mua nước mía uống. Sang gì sang dữ vậy trời.
Hồi đó, Tony nghĩ nước mía là xa xỉ phẩm. Giống bát phở với hai mẹ con chị vé số trưa nay.
Dạo này già cả, hay nhớ chuyện xưa. Nước mắt bỗng dưng chảy miết.


Read more…

Chuyện thằng Nghĩa

tháng 6 10, 2016 |
Chuyện thằng Nghĩa
(Truyện kinh dị, 19+)
Cách đây 4 năm, 1 bạn trẻ tên Nghĩa đến chào tạm biệt Tony để về quê. Tony đào tạo nó từ lúc năm cuối ra trường, chửi mắng quánh đập xài xể đủ kiểu, cái nó trưởng thành. Bữa nay mới gặp lại nó. Nhìn chững chạc lắm.
Nó sinh ra lớn lên ở một huyện xa xôi của tỉnh Ninh Thuận, rồi vô SG học ĐH Mở. Nó nói làng con, nước sinh hoạt lẫn nước tưới khan hiếm, dân tìm cách bỏ làng ra đi. Học xong, nó làm ở thành phố đúng 2 năm, rồi trở về quê, ai cũng nói nó khùng, trừ Tony. Tony nói "con khùng mà khùng khôn, hẻm có xé quần xé áo, chỉ có xé hết mấy nếp nghĩ cũ kỹ, các rào cản xưa nay hạn chế khả năng của con thui".
Nó bắt đầu khởi nghiệp từ việc lập một cửa hàng sơn xây dựng. Vì công ty cũ làm ngành sơn nên nó mua được giảm giá, bán trước trả sau. Nó nói con di tiếp thị ở các nhà mới xây dựng, rồi tuyển nhân viên hướng dẫn họ làm. Có tiền tích luỹ, nó mở mấy cửa hàng. Rồi nó mua đất, lập vườn trồng nho, nha đam, nopal, thanh long ruột vàng, táo, cỏ, nuôi hàng ngàn con dê, con cừu, mua đi bán lại dê cừu của người dân, ai bỏ làng đi nó mua vườn lại hết. Nó làm luôn một cái xưởng chế biến kem ăn từ sữa dê. Nó từ chối tiết lộ thu nhập, nhưng khoe mới mua 2 cái nhà, một ở Phú Mỹ Hưng có 8 tỷ để cho thuê, cuối tuần nó có chỗ ghé, một cái ở Nha Trang, sát trường quốc tế Singapore. Nó nói sau này có vợ con thì nó cho con học trường quốc tế, Nha Trang thì gần Ninh Thuận hơn, sau này "bà xã con muốn ở đâu thì ở".
Nó nói thịt dê Ninh Thuận người ta chuộng, nuôi bán lãi gấp đôi gấp 3. Nhưng vấn đề là thiếu nước tưới, nó giải quyết được bài toán đó. Nó đọc trên mạng nước ngoài, ở khu vực khô cằn nhất châu Phi, có 1 vùng nọ vô cùng trù phú, dù lượng mưa chỉ có 7 ngày trong năm, do một người dân ở đó đã phát minh ra hệ thống trữ nước và mọi người bắt chước theo. Nhà nhà xây dựng trên nền một cái hầm nước, đổ bê tông lên trên và cất nhà trên nền bê tông đó. Nước mưa từ máng xối được dẫn xuống hầm hết, lại làm mát ngôi nhà. Khi khan nước, bơm nước lên để sử dụng. Ngoài ra, hệ thống bồn chứa được thiết kế quanh. Nó bắt chước, về làm y chang vậy. Có nhiêu tiền là đầu tư vô các bồn chứa nước. Bồn để tưới cây thì lấy bồn tái chế, chỉ có 2-3 trăm ngàn 1 cái, bồn mới thì để chứa nước quanh nhà để sinh hoạt. Ninh Thuận có tới 3 tháng mùa mưa nên tha hồ trữ (các bạn xem hình nhé, bạn nào chịu khó lắp hệ thống này cung cấp vùng hạn mặn, chắc là bán được lắm). (Nó trồng 1 vùng cây hoàn ngọc, đinh lăng, lược vàng cho dê ăn 2-3 lần trong tuần để không bị dịch bệnh).
Nó thường xuyên cho lái xe chở đến phi trường Cam Ranh để đáp máy bay đi Sài Gòn và nước ngoài vào cuối tuần. 5 ngày lái máy cày, phơi cứt dê cứt bò làm phân, đầu tắt mặt tối cày cực như trâu bò, chứ cuối tuần diện đồ hiệu vô cũng đẹp trai như tài tử. Ngồi cà phê, ăn trưa ở ks Intercontinental không, xài tiền rào rào như nước. Tony giàu có như vậy, nhìn nó xài mà còn ngộp thở (ý nói ngạt thở).
Nó nói ở quê, nền kinh tế 1 huyện mấy chục ngàn dân chứ quanh quẩn nằm trong tay một nhóm "nhà giàu" thôi. Nhóm này ham làm ăn, làm chủ cây xăng, mở cửa hàng vật liệu xây dựng, mua đất khu đắc địa nhất, rồi mở quán cà phê lớn, nhà hàng lớn, xây khách sạn, mở đại lý xe máy ô tô, thu mua nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp, làm gara sửa chữa xe hơi....Sáng sáng, họ lái xe hơi đến ăn chỗ ngon nhất rồi về, mặc áo công nhân vô quần quật làm, nhìn vô không biết ai chủ. Nhưng tối họ có một cuộc sống khác, đánh đàn, đọc sách, tập gym...chứ không ra vỉa hè ngồi uống bia đển hết tiền như công nhân xưởng của họ. Ở huyện của nó, đâu khoảng chục người vậy. Giàu càng ham làm, càng biết tính toán nên càng giàu thêm. Nó là người mới gia nhập 4 năm nay, mấy người kia hỏi sao biết "bí mật làm giàu" hay vậy?
Người ta hỏi vậy vì duy chỉ có nó là chẳng có gốc gác thương nhân hay nhà giàu gì. Người giàu có, đặc biệt là người Hoa ở chợ, cha mẹ ông bà thường duy trì sự giàu sang cho gia tộc bằng cách bắt con cháu làm việc, quán xuyến công việc từ nhỏ. Còn ba mẹ nó làm nông dân rặt, ngày xưa cũng ép nó "ngồi vào bàn học" quá trời để đổi đời. Nhưng nó nghĩ khác, học vừa phải vì không có khả năng học hành nhiều, chỉ là đứa vui vẻ lanh lợi và văn minh, nên ra đời được nhiều quý nhân chỉ dạy. Bí quyết làm giàu của nó là "chịu lao động chân tay để RÈN KỸ NĂNG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI", cái thiếu nhất của người trẻ bây giờ. Nhiều bạn trẻ có ý tưởng, đam mê, ý chí...nhưng triển khai không được, do quen được bao cấp từ cha mẹ, giải toán cũng phải có "bài hướng dẫn, bài mẫu" riết tư duy bị lối mòn, không thể tự mình nghĩ ra phải bắt đầu từ đâu khi đứng trước 1 vấn đề cuộc sống. Người làm ăn phải có đầu óc tính toán và quan sát, tích tiểu thành đại, chín xu đổi lấy một hào, nghĩ lớn. Dám làm những gì người ta chưa làm. Dám đến sống và làm việc ở những nơi có tiềm năng mà ít người cạnh tranh, các tập đoàn cũng khởi thuỷ từ những doanh nghiệp ở quê. Walmart cũng từ 1 cửa hàng thị trấn biến thành 1 hệ thống bán lẻ toàn cầu.
Tony hỏi con có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ hem, nó nói "con hẻm biết lý luận, hẻm biết chém gió hay đọc thông tin trên mạng xã hội, có facebook nhưng chỉ coi cảnh đẹp, coi mấy chỗ nước ngoài đánh dấu để đi, mấy sáng kiến gì đó để coi có khả thi không thì áp dụng. Theo con, muốn thành công phải tự tin, đừng ngại nguồn gốc xuất thân, ai cũng thành đạt được nếu chịu làm việc bằng tay chân, bằng đầu óc của mình và tuyệt đối không dựa dẫm, xin xỏ ai".
Và nó đã xây viên gạch đầu tiên của một tập đoàn 4 chữ, 2 chữ đầu là tên công ty, thường là tên của hai vợ chồng, hai chữ sau là tên tỉnh huyện. Công ty của nó có tên là Nghĩa Ninh Thuận, vì nó chưa có vợ. Nó nói khi có vợ, sẽ đổi giấy phép, đưa tên của vợ vô.
Nó mà lấy con bé nào đó tên Trang thì vài bữa chúng ta sẽ có tập đoàn Nghĩa Trang Ninh Thuận trên sàn chứng khoán.
Chúc Nghĩa Trang năm trăm hạnh phúc.


Read more…

Những tháng ngày Harvard

tháng 6 02, 2016 |
Những tháng ngày Harvard
Bài 2: Chuyện I răng, I rắc
1. Hồi Tony còn học ở bển, lớp hay chia thành các nhóm để debate (tranh luận). Có lần trong môn Leadership (kỹ năng lãnh đạo), Tony ở một team nọ. Bên kia nói xong bên này nói lại, nhưng thay vì phản biện, bên kia ngay lập tức phất cờ trắng, nói thua. Tony sau này ngồi cà phê với 1 anh trong team đó, đem thắc mắc ra hỏi, ảnh nói tại tao thấy trong team mày có 2 người châu Á phát âm tiếng Anh không phải bản xứ, nên tụi tao kết thúc sớm, kẻo biến thành màn cãi nhau trên giảng đường. Anh nói, từ nhỏ, ba mẹ thầy cô khuyên là khi sang châu Á, hoặc làm việc với người châu Á (không phải sinh ra ở phương Tây), hạn chế chỉ trích, phê bình họ. Còn nếu chẳng may mình bị họ phê bình thì xin lỗi ngay và im lặng. Đặc tính nổi bật của dân Á châu là rất khoái chỉ trích người khác, nhưng khi chính mình bị phê bình thì như đỉa phải vôi, lộn gan lên đầu. Ai chê họ 1 lần là họ nhớ miết, nhắc miết, thậm chí trả đũa trả thù chứ không phải chơi. Lỡ chê trước mặt người khác thì thôi rồi, họ sẽ "sống để dạ, chết mang theo", vì cái tôi họ lớn, sĩ diện họ lớn. Họ lo sợ nhất trong giao tiếp chính là "lose face" (mất mặt) nên phải tuyệt đối khéo léo. Rất đông người châu Á không chấp nhận sự khác biệt dù họ nói tôn trọng, nhưng thấy ai khác mình là lập tức khó chịu. Họ dạy nhau, giao tiếp khôn ngoan là "tốt khoe xấu che", tức cái gì tốt thì loan báo rộng rãi, cái gì xấu thì giấu kín bưng. Sai lầm, cái xấu không được nói ra công khai, phải "đóng cửa bảo nhau". Nhưng hàng xóm lại có sở thích hóng hớt và bàn chuyện cá nhân, bàn chuyện "người" hơn là chuyện "việc". Một bên kiên quyết đóng cửa để xử lý nội bộ, 1 bên hóng nghe cho bằng được, thì chuyện gì sẽ xảy ra, chắc mày cũng đoán được.
Sĩ diện là nguồn gốc của nói dối, của lấp liếm, tụi tao cũng phải nói dối để “keep face” cho tụi mày. Chê tụi mày mặc quần lỗi mốt hay tư thế cầm rượu vang không sang, hay ồn ào nơi công cộng thì tụi mày sẽ "let you know my hand" - cho mày biết tay- ngay. Quê thì khó huề. Nên tụi tao gặp tụi mày là khen thôi là khen, như khen trẻ con ấy, để được việc. Khen thì làm gì cũng được, kêu chết cũng vừa tủm tỉm vừa cười vừa chết.
Cái Tony mới nhớ có lần Tony nấu cơm đãi tụi nó ở nhà trọ. Đồ ăn phải nói dở như hạch, Tony nuốt còn khó mà cả chục đứa nói "wonderful", "excellent" thậm chí đứa khó tính nhất cũng gật gù bảo "nát bét" (not bad), giơ ngón tay cái lên khen kiểu mày là số 1. Tony vui nên ngồi cười, sướng 7 ngày 7 đêm, dù sau đó rửa chén tới 2h sáng. Giờ coi hình cũ, thấy ngồi cười miết như khùng.
2. Lúc mới qua bển, Tony cũng hay chỉ trích. Thấy khác những gì mình nhận thức xưa nay là lên giọng, toàn you are totally wrong (mày hoàn toàn sai). Cái tụi nó sợ hãi nói "i am so sorry", "it is my fault", "is there anything I can do to make you happy"", - tao có thể làm gì để mày có thể bỏ qua cho tao? Xong nó lén lén biến mất, lần sau gặp mình, tụi nó cũng cười tươi nhưng trò chuyện qua loa chứ không nhiệt tình nữa. Mình thì chồm chồm lao tới, xoáy vô hỏi thăm chuyện cá nhân, hỏi bồ bịch vợ con, hỏi thu nhập, hỏi xe hỏi nhà, hỏi cha hỏi mẹ, quần áo tóc tai, xu hướng tình dục, ý kiến của mày về con A thằng B thế nào, mày có biết người nổi tiếng XYZ không..., mấy cái tò mò tọc mạch nhưng lúc đó mình nghĩ là quan tâm. Nhưng tụi nó cứ nhìn đồng hồ rồi nhìn lên trời xuống đất, rồi nói bữa nào gặp lại nha. Cái Tony hết nguồn thông tin để "quan tâm" và loan báo cho bạn bè quan tâm, cũng tiếc.
3. Tony có quen một bác nhà văn nọ. Có lần, bác viết 1 bài báo xem xét bỏ Tết cổ truyền. Lập luận của bác đây là tết của người Trung Quốc, theo nông lịch, tức lịch mặt trăng. Ý tưởng này thật ra không mới, vì cách đây hơn 150 năm, ông Fukuzawa Yukichi đã hiến kế cho Minh Trị Thiên Hoàng về cách thức đưa nước Nhật thoát Á, thoát cách nghĩ cảm tính và quan hệ bùng nhùng để bắt kịp các nước phương Tây, ông đã đề cập cái này. Thoát Á Luận (lý luận thoát Á) đã giúp Nhật Bản vươn lên thành nước châu Á duy nhất trong các cường quốc G7 cho đến nay. Hiện các nước vốn chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa (là các quốc gia dùng đũa) như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã bỏ Tết âm lịch. Theo xu hướng kinh tế phát triển, tự nhiên Tết hết vui, rồi người ta không quan tâm nữa. Hàn Quốc xem 3 ngày đầu năm âm lịch là holiday, nghỉ 3 ngày đi du lịch, còn Nhật thì chuyển qua tuần lễ vàng từ Noel đến Tết dương lịch.
Khi bài báo đăng lên, 1 làn sóng phản đối dữ dội, may là hồi đó chưa có mạng xã hội. Với các quan niệm cá nhân, chúng ta có thể phản biện, tranh luận, hoặc ghi nhận, nhưng đừng ném đá. Tranh luận là nguồn gốc của phát triển tư duy, nhận thức. Tuy nhiên, tranh luận phải có phưong pháp, nên xoáy vào vấn đề cần mổ xẻ. Không có ai sai ai đúng, chỉ có cái gì đúng, cái gì sai. Đừng bao giờ chỉ trích dữ dội đối phương cho đã miệng. Người bị chỉ trích cũng đừng có "tự ái" (nhưng thường hiểu nhầm là tự trọng), dùng mọi tiểu xảo tiểu tiết để phản đòn, hoặc suy nghĩ tiêu cực yếu thế như thôi "nghỉ chơi", "nghỉ làm", "rút vốn", "ly dị"...Cũng đừng tiểu nông mà "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn", quân tử gì lạ vậy Tèo?
4. Còn nhớ hồi năm nhất ĐH, Tony có tham gia 1 lần nhậu, tranh luận đề tài “Nên ăn sáng trước hay quánh răng trước”. Ban đầu nói chuyện rất vui, sau hồi cay cú. Hai bên canh me ai nói sai chữ nào là bắt bí liền. Lôi mấy câu nói của người nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Aristotle, Descartes...gì đó để chứng minh người kia sai (Thật ra, mấy ông đó chỉ là các triết gia cổ, quan niệm cá nhân của họ cả ngàn năm trước đã cũ như những phế tích còn sót lại. Những quan điểm này chưa chắc đúng thời đó huống hồ gì với thời nay. Rồi ai biết có tam sao thất bản hem, ổng có nói vậy hem, mấy thế hệ sau suy diễn cũng có). Đỉnh cao "tranh luận" là 2 bên "tranh nói". Kỹ thuật hỏi dồn - 1 thủ thuật trong tranh luận- được áp dụng triệt để cho người kia mất bình tĩnh, nói sai để bắt bẻ. Cũng may là Tony cũng đã kịp thời dĩ hòa vi quý bằng những câu chuyện hài hước. Bắt tay làm lành, nghiêng ngả lấy xe ra về vừa nói tụi mình thống nhất với nhau là Mỹ không nên quánh I rắc nha. Chủ đề ban đầu là "quánh răng", cãi sao đó biến thành quánh I-răng, rồi lôi I rắc vô, đẩy lên cao trào sao đó có cả NATO, Nga, Nhật...vô nữa.
Giờ đám bạn xưa gặp nhau, nhắc lại mắc cười gần chết. Cũng có bạn thói quen sống không quên quá khứ-một thói quen lạc hậu Á châu- nói lịch sử không được phép lãng quên, không chịu làm lành. Năm lớp 1 mày đổ mực lên áo tao, tao hận mãi mãi thiên thu nha mậy. Tony năn nỉ thôi các bạn ơi, hồi đó tụi mình nhận thức non nớt quá, tranh luận trước sau gì cũng biến thành cãi lộn. Hồi đó quánh nhau thì ai chẳng cố gắng hết sức để gây người kia thương tích, cũng phải nói người kia thế này thế khác, lúc đó giận mất khôn. Giờ phải hào sảng quên đi. Các cuộc tranh luận trên truyền hình hay trên mạng bây giờ thực ra là buổi cãi vã cho vui giữa các bạn tuy lớn tuổi nhưng đầu óc vẫn dễ -thương- tuổi- học -trò, 10 năm nữa họ xem lại họ sẽ gãi đầu cười ngượng nghịu cho xem. Ai cũng có một thời bé dại để lớn lên về mặt nhận thức. Nói vậy mà cũng có 1 số bạn hem chịu. Hem chịu thì tự mình khổ tâm thôi. Lịch sử là cái hem có thay đổi được.
Cái duy nhất chúng ta có thể làm là viết những dòng tốt đẹp cho ngày hôm nay. Vì, với ngày mai, hôm nay sẽ là lịch sử.
Harvard, 2009.

Read more…

Bệnh chắc ăn

tháng 6 02, 2016 |
Mark Zuckerberg, ông chủ facebook mà chúng ta đang kết nối với nhau, được xem là một bộ óc xuất sắc của nhân loại thời đại chúng ta đang sống.
Và câu nói nổi tiếng của anh " Rủi ro lớn nhất là không dám rủi ro. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay, có một cách làm đảm bảo bạn sẽ thất bại trong mọi thứ, chính là không dám mạo hiểm".
Như vậy, tâm lý "chắc ăn" sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn "mạo hiểm". Một con tàu ra khơi sẽ an toàn hơn việc nó nằm ở cảng. Sóng thần không gây hại ngoài khơi, nó chỉ tàn phá đất liền, nơi con tàu tưởng như bình yên trú ngụ.
Thế giới đã khác, cách tiếp cận của giới trẻ phải khác. Đặc biệt là việc chọn nghề để học và chọn việc để làm, để khởi nghiệp.
Hình mẫu ngoan hiền, vở sạch chữ đẹp, "khi đi em hỏi khi về em chào, miệng em chúm chím" không được đánh giá cao nữa. Hình mẫu cá tính, đột phá, quyết đoán, làm khác, nghĩ khác, xê dịch, mạo hiểm, thay đổi...(nhưng không hư) là hình mẫu giới trẻ mà thế giới đang cần. Nhưng thật tiếc là cái này lại vô cùng hiếm ở châu Á. Chữ "ngoan" là một chữ không có tương đương trong tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoan ở châu Á nghĩa là biết vâng lời, obedient. "Không hư" mới là từ mới có giá trị hơn. Hãy nhận 1 bạn trẻ không hư vào làm, bạn sẽ được việc hơn 1 bạn trẻ ngoan (trừ việc văn phòng, thư ký).
Nhiều bạn trong CLB khởi nghiệp của Tony, khi yêu cầu thay đổi kiểu tóc, đầu đinh hay nhuộm mới, liền nói "mẹ mắng chết". Kêu lên Đà Lạt họp khảo sát farm trên đó thì chỉ có 4/10 bạn đi, 6/10 còn lại "mẹ không cho, bạn gái không đồng ý". Chưa có tỷ phú nào hỏi mẹ "mẹ ơi, con mở công ty nhé" rồi bà mẹ nói ừa mới dám mở. Làm ăn, mua bán với thể loại, tới đoạn quyết định thì "để về hỏi lại vợ" thì thôi, chỉ là cò con. Công ty mà chồng giám đốc, vợ làm kế toán để "chắc ăn" thì chỉ mãi mãi nằm ở quy mô trách nhiệm hữu hạn doanh số tầm tầm, vì có những cơ hội kinh doanh, "bà kế toán" không duyệt vì sợ mất.
Có bạn trẻ "chân trong chân ngoài", vẫn đi làm, khởi nghiệp vào ban đêm hay cuối tuần, vì sợ "khởi nghiệp thất bại mà việc cũng mất", đợi khởi nghiệp thành công mới xin nghỉ việc. Thì cả 2 đều tèo. Có bạn quyết tâm du học, luyện IELTS, SAT để xin học bổng nước ngoài mà cũng sợ không được, luyện luôn toán lý hoá để đậu ĐH tốp trên trong nước thì...cả 2 đều không đạt. Có bạn xin Tony cho học bổng đi du học, tới đoạn yêu cầu viết tự luận và nộp hồ sơ thì "thôi con không đi, con đang mua nhà trả góp. Trước khi đi du học, con phải có 1 cái nhà ở đây cho ba mẹ. Con trả góp 10 năm nữa là xong".
Thế giới của người thành đạt không dành cho người "tính toán chắc ăn". High risk, high return. Ai rủ mình kinh doanh mà "đảm bảo, không có rủi ro gì" thì một là lừa đảo, hai là đứa thơ ngây, mới bước ra từ tháp ngà lý luận. No risk thì no return. Không có kinh doanh đầu tư nào mà "100% chắc thắng"
Còn nếu bạn không có tính mạo hiểm, thì đừng ước mơ xa xôi. Sẽ khổ tâm, khổ trí.

Read more…

Những con đường đất đỏ

tháng 6 02, 2016 |
Những con đường đất đỏ
"Dear dượng,
Con là Y Thiên, người dân tộc Ê Đê, năm nay 24 tuổi. Con sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Đăk Lăk. Một lần đi rẫy, mẹ con chẳng may dính phải đạn pháo còn sót lại, hôn mê bất tỉnh, ơn Yang phù hộ, mẹ qua cơn hoạn nạn. Nhưng đến khi mẹ chuẩn bị sinh đứa con thứ 6 (nhà 8 anh chị em, con thứ 6), thì mẹ bắt đầu phát bệnh. Mẹ hay đi rong, nhiều hôm phải đi tìm mất 1-2 ngày trong rừng, con sinh ra trong rừng nên được đặt tên là “Rõh”, có nghĩa “người đi rong”. Ba cũng chẳng ở bên gia đình được lâu, năm con học lớp 8, ba bị bệnh nặng và ra đi mãi mãi. Cả 4 anh chị đầu đều phải nghỉ học để làm rẫy, nuôi 4 đứa em và mẹ. Trong nhà, chỉ có con học tới đại học, là sinh viên đầu tiên của buôn làng.
Hoàn thành chương trình cấp 3, con thi đỗ ĐH kinh tế Luật thuộc ĐH Quốc gia Tp HCM. Con luôn mong làm được một điều gì đó có ích cho quê hương cộng đồng của mình. Sang năm 2, con thành lập 1 CLB sinh viên Tây Nguyên, mục đích để các bạn giao lưu thể thao, văn hóa, chia sẻ kiến thức, giúp đỡ các em học sinh ở quê, làm tình nguyện. Đây là quãng thời gian đẹp đẽ và ý nghĩa nhất thời sinh viên của con.
Ra trường xong, con quyết định về nhà để lập nghiệp, tạo công ăn việc làm giúp bà con mình. Nhưng kinh nghiệm chẳng có, trở về vài ngày rồi lại bất lực ra đi, nhìn cái nghèo của bà con trong buôn mà lòng đau nhói. Con đăng ký chương trình đi thực tập sinh nông nghiệp Israel năm nay, tháng 8 này là lên đường. Con muốn tận mắt tận tay nhìn thấy làm cách nào người Do Thái giàu có từ sa mạc chỉ toàn cát nóng. Mọi thứ đều đã xong, giờ chỉ còn 40 triệu nữa là đủ cho chi phí visa, vé máy bay và chút tiền lận lưng. Nhưng là một con dượng, con không bao giờ xin ai, cho nên con sẽ lao động để có số tiền trên. Con làm đủ việc, đi phát tờ rơi từ mờ sáng đến khuya, về tắm rửa rồi vọt lên phố Tây Đề Thám để chạy xe ôm, nhưng chẳng có bao nhiêu dượng à. Do con biết nói tiếng Ê Đê, Rắc Lây, Kinh, tiếng Anh...lưu loát nên được nhiều người nhờ đứng hội chợ nông nghiệp Tây Nguyên. Cũng ở hội chợ đó, con quen được anh Rosh và chị Rolan, hình mẫu của doanh nghiệp của con sau này.
Chị Rolan người K'HO, trước đây là diễn viên đoàn cồng chiêng khu du lịch đồi Mộng Mơ Đà Lạt, còn anh Rosh là người Mỹ. Một lần đến Đà Lạt du lịch, anh say đắm và theo chị về đỉnh Lang Biang, cưới chị và định cư ở đây, bỏ cả xứ Michigan hoa lệ. Đỉnh Lang Biang là nơi người Pháp thí nghiệm trồng những cây cà phê Arabica đầu tiên mang từ Yemen về. Những cây cà phê ấy bây giờ vẫn còn, được anh chị hái thủ công, giã bằng chày, rang bằng hơi nóng gián tiếp theo máy móc của bên Mỹ, 100% organic và xuất khẩu cho giới nhà giàu bên Tây, vì gu cà phê cổ này là gu cà phê hoàng tộc.
Cà phê Arabica nói chung có hàm lượng Caffein rất thấp, không gây ép tim say cà phê, uống 10h đêm thì 12h vẫn ngủ được. Loại cà phê này có màu nâu cánh gián, vị chua thanh như trái cây, có thể không quen với gu người Việt nhưng một khi đã uống 3 ly rồi, khó mà quên được vì sự sảng khoái và hơi thở thơm sang trọng do cà phê này mang lại. Chị đặt tên thương hiệu là cà phê K'ho, tức tên dân tộc mình"
Trên đây là bức thư của bạn Y Thiên gửi cho Tony. Bạn có tâm sự là bạn sẽ lấy những sản phầm khởi nghiệp của các bạn dân tộc ít người Tây Nguyên bán ở các thành phố lớn thông qua fanpafe Fb “Ama Store”. Đến tháng 8, khi lên đường, bạn sẽ bàn giao fanpage lại cho các bạn sinh viên, cũng là những người con của núi rừng Tây Nguyên, tiếp tục việc kinh doanh này, kiếm tiền ăn học. Các bạn người Tây Nguyên nếu có sản phẩm khởi nghiệp, vui lòng liên hệ fanpage để được hỗ trợ phân phối. Mong các bạn ủng hộ bạn, like fanpage Ama Store và ủng hộ 1 nhân tài Tây Nguyên đi học tập, mang thành tựu về cho buôn làng, giúp buôn làng thoát nghèo và hội nhập thế giới.
Các bạn thân mến. Rừng suối có thể cạn kiệt, với những con người đầy tâm huyết và nghị lực như Y Thiên, Tây Nguyên rồi đây sẽ xanh tươi.
"Trời Tây Nguyên xanh
Hồ trong nước xanh
Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh
Bài ca Tây nguyên em yêu trọn đời
Cầm tay anh đưa em đi trên đường dài.
Ê ế ê... Những con đường đất đỏ
Lượn vòng trên cao nguyên..."

Read more…

Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp

tháng 6 02, 2016 |
Bài quan trọng nhất trong 100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
1. Trong hùn hạp làm ăn, người ta nói “đồng hội đồng thuyền”, vì hình ảnh người ngồi trên thuyền phản ánh chính xác nhất cách chúng ta làm ăn với nhau.
Thuyền nào cũng phải có 1 thuyền trưởng- tức người chỉ huy, vai trò vô cùng quan trọng. Trên đường đi có lúc sóng yên gió lặng, nhưng cũng có lúc bão tố phong ba, vị thuyền trưởng phải là người có đạo đức, kinh nghiệm, khéo léo… để lèo lái. Rất nhiều con thuyền bị đắm, tức phá sản, nhưng cũng có nhiều con thuyền ngày một to hơn, đi ra biển lớn, cập bến bờ thành công.
Khi hùn hạp với nhau, người châu Á thường chỉ nói bằng miệng về luật chơi. Kiểu tao hùn 50, mày 50, lời lãi chia đôi. Vì cái NGẠI NGÙNG cố hữu, sự CẢ NỂ cổ truyền mệt mỏi cả ngàn năm nay. Họ nghĩ mới bắt tay làm ăn mà ràng buộc này nọ, mất lòng chết. Nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, QUYỀN LỢI và NGHĨA VỤ phải rõ ràng ngay từ đầu, đó là điều bắt buộc trong làm ăn, kể cả anh em ruột. Bản điều lệ của công ty hoặc thương vụ có 2 người góp vốn trở lên phải do cá nhân các người sáng lập soạn. Chứ không phải lấy cái form trên mạng xuống rồi in ra ký vào, nhưng chả buồn đọc, đụng chuyện nhao nhao cãi nhau như giặc. Cứ lấy điều lệ mà chiếu vào mọi bất đồng tranh chấp, anh phải làm gì, anh hưởng được bao nhiêu, nếu anh không làm thì, nếu anh không đi họp thì, nguyên tắc “quá bán” tức 51% chấp nhận thì phải tuân theo, không có chuyện tôi nằm trong 49% phản đối nên tôi làm khác, hôm đó tôi không có mặt nên tôi không biết. Nếu nói vậy thì tư duy của anh HOÀN TOÀN cá nhân chủ nghĩa, là TAY CHÈO LẠC NHỊP, không thể hùn hạp làm ăn được. Lúc này, nên yêu cầu anh ta ra khỏi thuyền. Chỉ một mái chèo khác đi, con thuyền có thể sẽ chòng chành xoay ngang, hoặc đi rất chậm. Nguyên tắc đồng thuận là bắt buộc của những người “đồng thuyền”.
2. Lần đầu tiên Tony sang Hà Lan học 1 khóa ngắn hạn về nông nghiệp, ở nhà trọ với 3 người nữa. Vừa xách vali vào, tụi nó bắt đọc NỘI QUY. Mình kiểu thôi đưa tao ký đại. Ba đứa kia không chịu, bắt đọc từng câu, hiểu rồi mới được ký. Nào là góp tiền mua cái này bao nhiêu, xài xong rồi cho ai. Không được dùng dầu gội của đứa khác, có cái bếp chung, chia thời gian ra nấu thế nào. Trong tủ lạnh cái gì của ai không được đụng đến, nếu đụng phải hỏi và mua trả lại. Rồi không được để nước chảy xuống sàn toilet, phân công chia ra lau nhà ngày nào, đi về khuya phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, tiếp khách thế nào bạn bè tới chơi như thế nào, máy giặt máy sấy sử dụng ra sao. ra khỏi nhà phải tắt thiết bị gì…nếu vi phạm thì chế tài ra sao. Nếu xảy ra bắt cóc, khủng bố, cháy nổ thì xử lý ra sao, bình chữa cháy ở đâu, số ĐT cảnh sát bao nhiêu, cấp cứu bao nhiêu…Họ phân chia trong lúc “tang gia bối rối”, ai làm gì chứ không đứng “bối rối” miết như ở ta. Hết 3 trang giấy cho cái nội quy, ban đầu thấy ức chế kinh khủng, mình quen tự do lộn xộn rồi, cứ theo khuôn khổ văn minh là phản đối. Nhưng nghĩ lại thấy nhớ thời nhà trọ của mình ở Việt Nam, bạn bè ở chung nhà cứ cả nể không nói, cãi nhau suốt hoặc giận hờn, đem đi kể người khác để tìm đồng minh an ủi. Sau này mới biết việc kể người khác về những điều không tốt của một người thứ 3 (theo góc nhìn của mình) như vậy là không văn minh.
3. Ở phương Tây, trong một cuộc họp, người ta tranh cãi đập bàn đập ghế. Kiểu “tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”, nhưng sau đó, họp xong, ra quyết định, mọi người đều RĂM RẮP tuân theo. Dù hôm trước anh khác biệt, nhưng VÌ LỢI ÍCH TẬP THỂ, anh phải TỪ BỎ CÁI TÔI CÁ NHÂN. Lợi ích tập thể có thì lợi ích cá nhân sẽ có, họ nghĩ dài, nghĩ khôn, nghĩ rộng. Lúc thảo luận, họ chỉ bàn bạc “CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI” nên dễ dàng bỏ qua mọi bất đồng. Ông O vẫn vui vẻ mời bà H làm trợ lý, dù hôm trước trên truyền hình hai bên đấu khẩu ghê gớm. Bà H cũng vui vẻ nhận lời, không cay cú sĩ diện vì là người thua. Tư duy Tây nhẹ nhàng, thông thoáng, nói thẳng, Yes/No rõ ràng, làm việc cùng rất thích.
Còn ở châu Á, thói quen vòng vo khiến mất thời gian. Kiểu “tôi hỏi chứ không phải, tôi tự hỏi là, thiết nghĩ, nên chăng, chẳng hay, tôi đồ rằng,…” nghe bắt mệt. Đụng chuyện, người châu Á tập trung vào “AI ĐÚNG, AI SAI”, ai cũng có CÁI TÔI to đùng cần bảo vệ, sợ mình buông ra thì người khác coi thường, nên rướn cổ lên để cãi và mọi giá PHẢI THẮNG. Rồi mạt sát nhau, lôi bằng cấp học vị, chuyện gia đình, giới tính, lôi mọi thứ ra NHẰM CHỨNG MINH người kia sai. Tony có quen anh bạn, anh nằm trong 6 người sáng lập một công ty cổ phần. Có lần công ty anh định lập chi nhánh ở Singapore, anh và 1 người nữa trong hội đồng quản trị phản đối. Nguyên tắc “quá bán”, bốn anh kia đồng ý, 4/2 nên quyết định vẫn ban hành. Anh không công nhận việc này, dù biên bản họp anh vẫn ký vào, nhưng “trong lòng tao có đồng ý đâu, tại tụi kia đông quá”. Anh kể, thế là tao bắt đầu CHỨNG MINH 4 đứa kia sai. Đi nhậu, gặp ai biết tao cũng nói. Tao tìm thấy bằng cấp của thằng A, nó học hệ tại chức thì sao có trình độ mà quyết việc này? Còn thằng B thì lăng nhăng, cặp con này con kia, nhân cách như vậy thì là đồ vứt. Thằng C người tỉnh X, dân tỉnh X vùng Y thì không thể có quyết định đúng. Thằng D từng phá sản, nên luôn sai.
Tony nói em thấy chuyện học hành bằng cấp, chuyện tình ái, chuyện quê quán xuất thân, chuyện quá khứ…đâu có liên quan chuyện làm ăn? Thành lập chi nhánh nếu tốt thì anh cũng hưởng lợi mà. Anh nói mày ngu quá, tao để yên như thế thì nhân viên đối tác nó khinh tao à. Tao đã phản đối, nếu để chi nhánh hoạt động tốt, hoá ra tao sai à? Thế là tao giả vờ đồng ý, đề xuất cử một đứa bất tài vô dụng nhưng hiểu biết và mồm miệng hay lắm sang đấy phụ trách chi nhánh. Ở bển, nó xài tiền vô tội vạ, không thèm bán hàng, ai tới mua cũng nói khó nói khăn, không bán vẫn có lương thì làm làm gì cho mệt mày? Sau 1 năm cầm cự vì không hiệu quả, công ty chịu hết nổi nên chi nhánh đấy vừa đóng cửa. Tao thắng.
4. Các bạn trẻ thân mến. Trong làm ăn, nhất nhất phải rằng buộc bằng quy định điều lệ. Càng chi tiết càng tốt ngay từ đầu. Quy định ban đầu thế này, nhưng lúc sau có thể hoàn toàn khác. Không sao cả. Luật lệ là do con người tạo ra để quản lý cho dễ, nên phải được chỉnh sửa liên tục sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế phát sinh. Và mọi người phải chấp hành quy định mới đó, tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng trong suốt thời gian ngồi trên con thuyền. Có sự cố, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời thuyền. Nguyên tắc hàng hải lẫn làm ăn.
Chúng ta không nên hợp tác với người SĨ DIỆN cao ngất, mệt mỏi lắm. Nếu bạn trẻ có bệnh SĨ, phải lập tức từ bỏ. Cũng không cho người vô kỷ luật lên thuyền, không thể chấp nhận có 1 đứa không mặc áo phao khi tất cả người khác đều mặc. Nếu nó khăng khăng làm theo ý nó, thì hãy để nó xuống thuyền. Bạn nào không nghe lời ai, “ai cũng không có quyền, chỉ mình ta là có quyền”, thì tốt nhất nên đi máy bay. Mặc dù tụi tiếp viên bắt đọc nội quy khi bay, mình không đọc vì lười. Tiếp viên kêu thắt đai an toàn, mình nói to “mày kêu tiếng nữa tao hất ly nước nóng vào mặt”, nói mày có biết tao là bạn anh A tổng giám đốc hãng mày không. Nói kiểu vô học vậy cho dễ thương. Tiếp viên kêu tắt di động, mình cứ mở nói ầm ĩ, nhiễu sóng phi công hết biết đường lái, bay đi Đà Lạt đáp xuống Cam Ranh, hành khách xuống máy bay thảng thốt nói ố kìa “bên em là biển rộng”. Ai hướng dẫn cửa sổ cửa thoát hiểm gì mặc kệ, mình thích thì cứ mở ra hít khí trời. Họ đuổi xuống thì mình chống nạnh kiểu chụy mất gà đứng bên hàng rào nói xỉa xói qua: đây không thèm đâu nhá, đây có giá trị riêng của đây nhá. Đây sẽ mua máy bay tự lái nhá…
Vậy thôi, em chào chụy.


Read more…