Tâm sự của một học sinh giỏi huyện

tháng 4 29, 2016 |
Chị chủ resort này là một cô gái nghị lực. Từ những năm 80, từ lúc là cô bé học sinh cấp 2, cứ tối tối, cô đều đặn lên phà sang Mỹ Tho học tiếng Anh vì Bến Tre chưa có trường dạy. Cô là người thứ 2 có bằng C Anh văn lúc đó ở tỉnh, sau cô giáo dạy tiếng Anh của mình.
Học xong cấp 3, cô chọn trường trung cấp du lịch để học nghề về du lịch. Đam mê cái gì thì học cái nghề ấy. Sau 7 năm làm hướng dẫn cật lực từ mờ sáng đến khuya, cô nghỉ việc, tiền tích luỹ trong suốt thời gian làm lụng, cô mua đất ở một khu vực khá hẻo lánh của quê hương Bến Tre, lăn xả bơm cát dựng chòi tranh (bên trong máy lạnh) thành khu resort sinh thái được Tây khá ưa thích. Cô còn tự thiết kế tàu du lịch trên sông, tự đi chọn vật tư để đóng tàu, đăng ký kiểm định và làm mọi thứ để hình thành nên Mango Cruise ngày hôm nay.
Dù đã là một bà chủ, cô vẫn hàng ngày bận áo bà ba, dọn cỏ cùng các anh làm vườn. Cô vẫn cọ toilet và bắt tay vô phụ tất cả các anh chị em các phòng ban. Hiện cô đã giải quyết lao động cho cả trăm lao động trực tiếp và gián tiếp của địa phương mình.
Cô quan niệm, cô về huyện mình làm ăn vì cô từng là một học sinh giỏi huyện. Mà một học sinh giỏi huyện thì phải đem thành tựu gì đó về cho huyện mình... Còn nếu học sinh giỏi tỉnh thì làm dự án lớn cho tỉnh, học sinh giỏi quốc gia thì giúp quốc gia tăng GDP, xứng đáng với thành tích ngày xưa. Nếu lúc đó cô đậu HSG tỉnh thì bây giờ khắp Bến Tre, huyện nào cũng có 1 cái resort. Còn nếu cô đậu HSG quốc gia thì giờ tỉnh nào cũng có Mango Cruise. Nhưng cô đã rớt, chỉ đậu giải cấp huyện- cô tiếc nuối chia sẻ.
Dù nhà cao cửa rộng ở Phú Mỹ Hưng, cô vẫn từ bỏ tất cả để về quê, làm giàu cho vùng sông nước nơi cô đã lớn lên. Một trái xoài 1 trái dừa của quê cô đã định giá bằng đô la, vì Tây sẵn sàng mua giá cao để ăn, nên xung quanh resort của cô, đời sống người dân khá lên từng ngày vì Tây về nhiều quá.
Nếu bạn có tài và đam mê du lịch, có thể đầu quân về làm với cô ấy nhé. Hoặc hãy bắt chước cô ấy. Có thành tựu và cơ nghiệp ổn định, không phải xin xỏ việc làm từ ai cả.
Be like her!

Read more…

Nấm à nấm ơi…

tháng 4 29, 2016 |
Như trong bài Heo-Thì Phút (healthy foods), con người tiêu dùng đạm càng ít chân càng tốt cho sức khỏe. Nấm chỉ có 1 chân nên được xem là nguồn đạm cực tốt, “chay mặn đều dùng được”. Nó hay ở chỗ là vừa là đạm, vừa là rau.
Trên thế giới, các tập đoàn lớn hiện nay cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực nấm, có ngành NẤM riêng, bạn trẻ hỏi mày làm ngành gì, nói làm làm ngành nấm. Tên tiếng Anh gọi là Edible Mushroom Industry. Tùy theo quy mô công ty mà họ đầu tư, nhỏ lẻ hộ gia đình hay lớn cả một khu công nghiệp trồng nấm, các bạn search Qira Edible Mushroom Technopark, có cả 500 nhà kính nhà lưới để trồng nấm, có các nhà máy chế biến và có tới 3,000 người làm việc, thâu đêm suốt sáng đèn sáng trưng. Họ bán vô hệ thống siêu thị lớn, vì đặc trưng phải trữ lạnh trong hệ thống siêu thị mới bảo quản lâu. Các vùng chưa có siêu thị, họ thành lập các đại lý bán, giúp người tiêu dùng yên tâm là dùng nấm chính hiệu của nhà máy.
Đạm của nấm rất cao, thậm chí một số loại còn cao hơn cả thịt bò, thịt gà. Nguồn nguyên liệu để sản xuất cũng không quá khó khăn, thường là rơm rạ, mùn cưa gỗ trồng,…sau khi trồng nấm xong sẽ xử lý để thành phân bón hữu cơ, trả lại cánh đồng một cách tự nhiên. Hoặc họ đóng gói thành "đất sạch" bán để người dân mua về trồng cây.
Ở các nhà máy chế biến nấm, nấm được phân loại thành nấm tươi, thường được hút chân không để bảo quản lâu. Cũng có nấm nấu chín đóng hộp đóng gói, như nấm hấp, nấm muối ớt, nấm chua, nấm ăn ngay, nấm ngâm dầu dấm, nấm chiên giòn ăn như snack, bột nấm nấu chín xay nhỏ để rắc vào cháo bột cho trẻ em…Nấm cỏ trăm loại, nấm vị cua, vị cá, vị thịt bò, thịt heo…Có loại nấm ngọt như đường, nấm chua như giấm, nấm béo như mỡ…
Hiện nay ở các thành phố lớn trên thế giới, dễ dàng bắt gặp giới trẻ rủ nhau đi ăn lẩu, họ chỉ gọi 1 dĩa thịt bò/cừu nhỏ, còn lại là cả chục dĩa nấm. Trong khi đó cách đây 10 năm, thì ngược lại.
Làm làm làm. Hạc hạc hạc.

Read more…

Một lá thư Thái Nguyên

tháng 4 26, 2016 |
Thái Nguyên, ngày 22 tháng 4 năm 2016
Con tên là Nguyễn Thị Tra Huyền-đến từ mảnh đất Thái Nguyên trong một gia đình nông dân trồng trà bình thường. Khi con ra đời thì một điều kỳ diệu đã xảy ra: Trong khi cả nhà đều đen nhẻm thì con lại rất xinh tươi. Càng lớn con càng “gực gỡ”, bố bảo đẹp thế này phải vào đại học rồi ra làm “công việc ổn định” chứ làm Trà mấy bữa thì thiên nga cũng sẽ biến thành đà điểu. Thế là con đã quyết chí đi thi đại học, trầy trượt mãi mới đỗ.
Sau 5 năm đại học, con cầm tấm bằng mà lòng đầy hoang mang. Bố mẹ luôn mong con gái được vào làm bàn giấy, sáng mặc zíp ngắn khoe đôi chân dài miên man đi làm, ăn cóc ăn xoài nơi công sở, rảnh thì lôi móng chân móng tay ra dũa dũa cho sang chảnh... rồi tìm một ông chồng biên chế ở doanh nghiệp nào đó nữa là ổn. Biên chế là một từ gì đó rất đặc trưng chỉ có ở nước mình, có nghĩa là “mãi mãi không bị đuổi”, nên gắn với tính từ “ổn định”. Con không thấy việc ngồi gõ gõ máy tính là sướng như các bạn khác, nên khi con lựa chọn con đường khởi nghiệp với cây Trà một năm trước, cả nhà đã rất sốc.
Nhưng cũng vào lúc đó, đứng giữa những sự lựa chọn quan trọng cho cuộc đời, con đươc gặp chị Kim Ngân, chị hơn con hai chục tuổi mà vẫn phấn đấu không ngừng để xây dựng một thương hiệu Việt – Dấm Kim Ngân và hiện giờ đã xuất khẩu được. Và con gặp cả người đàn ông của đời con, người ủng hộ con xây dựng ước mơ của mình. Con đã kết hôn với anh ấy và cũng kết hôn luôn với Trà trong cùng một thời điểm.
Những ngày đầu vất vả, không vốn, không định hướng, ba mẹ từ mặt, chỉ có niềm đam mê và giấc mơ về một thương hiệu Trà Việt, mơ về những người đang làm Trà ở quê hương có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. “Ổn định” với con bây giờ là “ĐẦU RA ỔN ĐỊNH”, SINH NHAI ỔN ĐỊNH cho người khác, không phải chỉ yên ấm cho bản thân mình. Là con gái nhưng con không cam phận làm "nữ nhi thường tình".
Hồi đầu, con theo đuổi chuẩn Global Gap, lúc ấy chị Tuyết(Trà Khổ Qua Karantina) đã gửi tập tài liệu dày bịch, con đọc cả tháng mà đầu cứ ong ong. May thay, khi nghe về giấc mơ “trên trời” của con, một chú trong Tân Cương đã vui vẻ cho con mượn vườn để nghiên cứu, vườn nhà chú được cấp chuẩn VietGap và UTZ, chú nói chú chỉ biết chăm sóc cây chứ không biết làm thương hiệu, chỉ cần con có thể xây dựng thương hiệu trà từ đây, dần dà khi tìm được thị trường, chúng ta sẽ mở rộng quy mô, để bà con quanh đây cũng được cấp chuẩn và có nguồn thu ổn định. Con thành lập công ty với tên Tâm Thái và sau 6 tháng nghiên cứu ròng rã, dưới sự hỗ trợ của 2 anh bạn kỹ sư, vườn trà đã được chuẩn hóa về quy trình, ngoài ra một sản phẩm khác từ Trà cũng được ra đời đó là một loại Matcha được chế biến từ búp, với độ mịn đạt từ 5 -10 micromet, thơm xanh và hòa tan trong nước, tương đương chuẩn Nhật Bản.
Lúc ấy bài toán khó khăn hơn cả là thị trường tiêu thụ, thậm chí các thành viên trong nhóm không ai được trả lương. Vốn góp được từ các anh em cũng đang cạn dần vì đầu tư cho máy móc, nhà xưởng, bao bì…Giờ kể lại, con thấy không biết mình đã sống đến giờ này bằng cách nào. Chỉ biết bây giờ sản phẩm của con đã có đầy đủ mã số mã vạch và mọi tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu. Mỗi khi bế tắc, mệt mỏi, con đều tìm đến Dượng qua những bài viết trên Cà Phê Cùng Tony, Trên Đường Băng, Ăn Trưa Cùng Tony, rồi lại đọc, đọc đến bài viết khởi nghiệp của Dượng, đọc cả chục lần nhưng lần nào cũng bật khóc cái đoạn dượng mất hết tất cả, ngồi trên bờ sông nhìn chiếc xe Wave Alpha trẻo lủng lẳng mấy bịch phân mẫu. Lúc ấy Dượng có mỗi mình, còn con vẫn may mắn hơn khi có chồng và những người bạn bên cạnh.
Gần đây, được vào nhóm Sản xuất cùng Tony, mỗi lần con kể lể là bị các anh chị mắng cho, bảo anh chị cũng còn vất vả hơn thế, để được như bây giờ anh chị đã mất ngủ bao đêm, mất hàng lít nước mắt khi hàng tồn chất cao ngất, khi ngân hàng chủ nợ réo gọi, khi bế tắc trước ngày mai, trước những khó khăn mà người khởi nghiệp mới hiểu được... Nghe vậy con cũng thấy được an ủi, quan trọng là con của ngày hôm nay đã đi xa hơn ngày hôm qua, dù là đi chậm hay là nhanh, bò hay là chạy thì vẫn đang tiến về phía trước. Viết thư này xong, gửi cho Dượng là con sẽ đi Bắc Giang sang nhà chị Kim Ngân, nhờ chị giới thiệu giúp con tới mấy cửa hàng bên đó để con đi bán Trà.
Có câu của dượng làm con nhớ mãi, là Mr Lipton đến Srilanka mở nhà máy, người Srilanka học theo và ra một thương hiệu Dilmah lừng danh. Còn nước mình, trong tốp 5 những nhà sản xuất trà lớn nhất thế giới, vẫn chưa có một thương hiệu quốc tế nào.
P/S: Con cứ tưởng Dượng phải già lắm rồi, hồi nói chuyện với chị Kim Ngân mới biết Dượng còn trẻ măng và đẹp trai lắm (cái đoạn đẹp trai Dượng biên tập và thêm vào chứ con hẻm có viết). Và cũng nghe các anh chị nói, dượng không chịu gặp ai ngoài đời, trừ các bạn trong nhóm tình nguyện áo ấm cho trẻ em vùng cao và nhóm tuổi trẻ khởi nghiệp sản xuất. Vậy là con đã có 1 suất rùi á...
Con xin gửi Dượng Fanpage Trà của con đã hoạt động được một thời gian, rất mong được Dượng chỉ bảo thêm. Fanpage Trà:https://www.facebook.com/tamthaitra/ 


Read more…

Óc lanh lợi

tháng 4 22, 2016 |
(Bài đào tạo học viện west point số 15)
Gửi: mấy gia nhân ở villa de tony
Người sử dụng lao động thích nhận người lanh lợi hơn là người thông minh hay người hiểu biết. Và 100% người đạt đỉnh cao của nghề nghiệp như bác sĩ, giáo viên, luật sư, kiến trúc sư, thợ kỹ thuật, kỹ sư, kinh tế...đều là người lanh lợi. Chưa thấy bác sĩ nào lù đù mà nói là ông đó giỏi lắm. Cũng chưa từng thấy giáo viên nào ngáo ngơ, bận áo dài đi từ phòng giám hiệu đến cửa lớp vấp té mấy lần mà gọi là giáo viên giỏi. Cũng chưa thấy ông bà chủ hay giám đốc doanh nghiệp ăn nên làm ra nào mà khờ khạo, bị đối tác lừa phá thai miết. Không có và không có.
Lanh lợi, tức clever, là tính từ chỉ người có tốc độ tư duy cao hơn bình thường. Tốc độ quét ánh mắt và tốc độ đi tương ứng với tốc độ tư duy. Nhưng nếu quét mắt liên tục thì trở thành người gian xảo, vốn là người lanh lợi nhưng phát triển theo hướng tiêu cực.
Người có óc lanh lợi là do Kỹ Năng Quan Sát, logic tốt, thực hành nhiều, tức động tay động chân từ bé. Lanh lợi có thể di truyền, thường từ người mẹ. Nếu bà mẹ lanh lợi và ép con làm việc nhà thì những đứa con, dù nấu cơm cũng nhanh hơn người. Họ có tư duy tốt để sắp xếp cái gì trước, cái gì sau...ví dụ trong lúc chờ cơm chín thì nhặt rau, nếu có bếp khác thì trong lúc nhặt rau, nấu nước trước. Nên với 1 thời gian 24h, vốn là cái duy nhất công bằng của tạo hoá cho muôn loài, người lanh lợi sẽ làm được n+1 việc, trong khi người dở làm 1 việc không xong, hoặc không nghĩ ra việc gì để làm cả. Cái này không liên quan đến trình độ học vấn hay bằng cấp. Và kết quả là người thành kẻ bại, chứ không phải do ai nâng đỡ hay may mắn gì cả. Tự mỗi người tư duy và lao động ra sao thì thành người như thế (bạn trai biết để chọn vợ, đừng lấy mấy đứa không biết làm việc nhà, con cái mình sau này sẽ khờ khạo. Con gái phải lựa trai có ý chí mạnh và biết làm việc nhà mới quen, vì chỉ có người này mới có thể khởi nghiệp, để đời con mình không cực khổ. Không thể đẻ con ra rồi đèo trên chiếc xe máy vun vút dưới trời nắng đổ lửa 40 độ, cạnh tranh với xe container, xe khách ở quốc lộ được).
Kỹ năng quan sát là cái đầu tiên của người lanh lợi phải có. Nhìn xung quanh bán kính 1m rồi xa hơn, sẽ thấy những cái bất thường cần phải thay đổi. Bật điều hoà mà vẫn mở cửa sổ, rác chưa đổ, bức tranh bị treo nghiêng, cái hốc đó nên đóng thêm 1 cái tủ sẽ hợp lý hơn. Nhìn lên trần, váng nhện đó cần phải dọn, chỗ đó nắng vào cần để cái cây xanh, chỗ đó mưa tạt cần phải che, chỗ đó tối quá cần bắt thêm bóng đèn, bóng cháy thì thay mới. Thực tế có công ty, cả chục nhân viên ngồi dưới cái bóng chớp tắt...mà vẫn say sưa làm việc, thật là lạ.
Đến một ngôi nhà, một môi trường khác...thì lập tức quan sát trật tự của họ. Giày dép họ cho mang vô nhà hay để ngoài, ra khỏi toilet nên đóng cửa lại, tiêu tiểu xong nên rửa sạch, lấy giấy lau khô bồn cầu lẫn nơi mình rớt nước xuống...trả lại y chang như lúc mới vào. Cái bếp phải dọn dẹp, vị trí nào để cái gì cho hợp lý. Các bạn gia nhân ở villa lấy đường cát pha cà phê xong quên đóng nắp lại, hoặc đóng không chặt...và kiến đen vô nhiều, phải đổ bỏ. Nhiều bạn ngồi 1 bật quạt cho mát, bật tivi xem, xong đứng dậy chả buồn tắt, nghĩ là chút xíu quay lại, xong cái có ai điện thoại, vọt đi chơi luôn. Có bạn rửa bát tốn nước kinh khủng. Nước thì cứ cho chảy róc rách liên tục. Sao không dồn vào cái thau hoặc chặn cái thoát nước trong bồn để rửa cho tiết kiệm nước hơn?
Chỗ ngủ cũng vậy. Sắp xếp sao cho nằm ở 1 góc nào đó, chừa khoảng không cho sinh hoạt, bàn này tủ kia. Đã có nhiều bạn trẻ ở nhà trọ, nhậu xong về cởi áo ngủ giữa nhà, lấy quạt hay máy lạnh chĩa thẳng vô cho mát...và sáng mai vĩnh viễn không dậy được nữa.
Khi ở chung, nên nghĩ về người khác trước khi nghĩ về mình. Có nhiều gia nhân ở villa 1 thời gian bị đuổi. Buổi sáng dậy, chẳng quan tâm đến ai ăn gì uống gì, bạn tự pha ly cà phê, tự nấu tô mì tôm ăn rồi bỏ đi. Buổi tối về là lên phòng ôm laptop, mặc con Lu cả ngày chưa ăn gì, nhà cửa thì bề bộn dơ dáy. Vô phòng ngủ thì quần lót góc trái, quần đùi góc phải, bít tất (vớ) mang 2 lần (lẽ ra là chỉ mang 1 ngày phải giặt), giấy ăn vứt lung tung, cả phòng xộc lên mùi hôi thối như chuồng heo. Nhưng vẫn ngủ được. Các bạn khác đang nhặt rau nấu cơm thì ngồi trên ghế, khoe kiến thức rau này ăn tốt, rau kia không tốt...nhưng không mó tay vào làm, đợi nấu xong nhào vô ăn. Ăn xong là lập tức xách ba lô lên đi làm, đi học, đi tập gym. Lịch sử villa đã từng đuổi 3 đứa, đều là đứa học giỏi, thi ĐH đều hai mấy ba chục điểm, nhưng ra đời không thành công, phải ngửa nón ngửa tay xin việc miết, làm đâu người ta cũng đuổi chỉ sau vài tháng.
Villa nuôi 5 con gà Đông Tảo lúc mới 1 tháng tuổi, cho nằm trong cái rổ. 3 tháng sau, vẫn cái rổ đấy, 5 con bây giờ đã hơn kí lô nằm chen chúc la ỏm tỏi, cả chục đứa villa nhìn cười. Auto Farm tức hệ thống trồng rau thuỷ canh trên lầu có mấy chậu đã không còn cây gì....nhưng không ai biết phải trồng mới. Túi nylong bay đầy sân thượng. Quần áo bao giờ cũng giặt 2-3 lần, vì giặt xong đem phơi, đi làm đi học không chịu lấy vô chỗ khuất gió, chiều về thấy bay tứ tung cả nên giặt lại, Quần lót 7 sắc cầu vồng bay xuống đất, con Lu cắn lủng hết mấy chỗ nhạy cảm, rồi nửa đêm thắp đèn ngồi vá.
Vô một trung tâm mua sắm hay tiệc tùng đông người, mình quan sát cửa thoát hiểm, ví dụ đột ngột cháy thì sẽ men theo bức tường nào để tìm cửa thoát nạn. Nhìn mối điện bị hở, nguy cơ cháy nổ, nên báo cho người ta sửa. Lái xe trên đường thì càng quan sát vì mô hình thị trấn mở rộng cho mọi đô thị nước ta, người ta sẽ vừa lái xe máy vừa chạy tìm cửa hiệu bán cái gì đó mà mình cần mua. Có khi đang chạy thì nhác thấy, nên phanh lại cái két, rẽ vô ngay, phía sau không phản ứng kịp là tèo đứa đi xe máy trước.
Mệt quá, nói chung tụi mày không lao động chân tay thì sẽ không có óc quan sát. Mà không có óc quan sát thì cả đời khổ, không kiếm tiền được. Sai lầm lớn nhất của giáo dục mỗi gia đình là từ lớp 10, chỉ ngồi bàn giấy "ô mê ga tê cộng phi" từ sáng đến khuya để vô đại học cho bằng được, và hậu quả là 199 ngàn kỹ sư cử nhân thạc sĩ thất nghiệp như thống kê trên báo sáng nay. Số còn lại lao động không có năng suất mấy, doanh nghiệp hay cơ quan phải gồng mình chịu đựng, đuổi riết cũng mỏi miệng. Chỉ có một số ít là lao động cực giỏi, người sử dụng lao động phải tranh giành nhau để mời về. Đặc trưng của nhóm lao động giỏi này là được gia đình cho lao động chân tay từ bé, nên người khoẻ khoắn cân đối, tư duy lanh lẹ hơn người, làm được việc nên ai cũng ưa cũng thích. Từ năm 2 năm 3 là đã đi làm thêm, đã được người ta đặt cọc. Còn tốt nghiệp rồi mà thất nghiệp, hay phải nhờ ai xin việc làm cho, thì là đứa dở, dở ẹt. Do nó, 100% do cha mẹ nó sai lầm trong đào tạo, và bản thân nó là đứa biếng nhác ngại động chân động tay, quen được cha mẹ hầu hạ. Nên thất nghiệp thôi, chẳng nên thương tiếc gì, đứa nào cũng thích làm việc nhàn lương cao, không áp lực, không đi nắng ngoài đường, phần lớn thời gian ở văn phòng chơi facebook, có sếp quản lý thì làm, không có thì chơi, nhưng kỳ lạ là cuối tháng cầm lương mà không xấu hổ.
Nói túm lại là: phải sửa đổi. Bắt đầu làm tay chân mọi thứ, không nhờ người khác nữa, tự khắc sẽ có ÓC QUAN SÁT và có tất cả.


Read more…

Đi ăn lá bép đọt mây

tháng 4 19, 2016 |
Lá bép là một loại rau mọc ở khu vực nam Tây Nguyên, có vị như bột ngọt mì chính. Đây là loại rau nếu được nhân giống rộng rãi, thì hãng Ajinomoto hay Vedan có thể sẽ phải rời bỏ thị trường Việt Nam, còn món phở ở Hà Nội bỗng dưng có dĩa lá rau bép trên bàn, ai thích thì ngắt nêm vô bát phở.
Lá bép đi chung với đọt mây thì ăn chỉ có thể oà khóc. Mây tre nứa cùng họ, nhưng dẻo dai nên người ta hay dùng đan làm ghế. Đọt non của nó có thể ăn được, ngon như măng trúc, măng đắng ở Hoà Bình Sơn La...
Ngồi ăn lá bép đọt mây dưới buổi trưa đúng ngọ, nhiệt độ chỉ 23 độ C, trong khi cách đó 225km, Tp HCM đã là 36 độ trong cái nóng ngột ngạt, điều đó chỉ có thể diễn ra ở Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông.
Tony đến Gia Nghĩa vào những năm trước 2005, khi đó Gia Nghĩa còn là thị trấn nhỏ của huyện Đắc Nông, sau này tỉnh được thành lập và Gia Nghĩa được nâng lên thị xã. Tony hay chỉ cho người dân địa phương những miếng đất đẹp, đắc địa để làm khách sạn nhà nghỉ quán ăn, họ nghe lời Tony nên đầu tư xây dựng, giờ giá đất tăng gấp mấy lần, Tony ghé lại sau 10 năm, nhìn họ không ra vì giàu quá, sang quá. Vì biết ơn Tony nên đãi cá lăng, lẩu lá rừng, thịt heo tộc nướng riềng, rồi ép ăn lá bép đọt mây đến lòi họng. Nói hồi xưa anh thích món này nè...
Thị xã Gia Nghĩa rồi đây sẽ thành thành phố, cơ sở vật chất càng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tony hay đi nghỉ mát ở các tỉnh lạ lạ trong các dịp lễ tết, tránh vô các điểm du lịch mà ai ai cũng biết như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt. Dịp lễ tết, du khách đến các điểm nổi tiếng này tăng cao đột biến, phòng ốc tăng giá mấy lần, xếp hàng ngồi chờ cả buổi mới ăn được, tham quan chụp hình lúc nào cũng lọt vô hình mấy người khách khác, về phô tô sóp xoá mệt mỏi.
Đất ở Đắc Nông rất thích hợp với cây bơ và cây chanh dây, Tây Tàu gì nghe avocado (bơ) hay passion fruit thì chỉ rú lên, cỡ nào không mua, nên bạn trẻ có thể lên đây mua farm để trồng, nhớ áp dụng Global GAP để xuất khẩu, không thì tự ép ra nước cốt, làm kẹo làm mứt để bán. Lập fanpage tự doanh, giờ thông tin dễ dàng, hàng đổ đống không tiêu thụ được thì dở quá.
Đến Đắc Nông, nên đi coi thác. Có đâu chục thác nước, đẹp nhất Đông Dương như thác Dray Sap, Dray Nưr...Nhưng đừng có tắm, lạnh teo.
Muốn đi tránh nóng, coi đất mở cơ ngơi làm farm bơ, dâu, chanh dây, cà phê, ca cao, lá bép, đọt mây....hay mở xưởng, mở khách sạn nhà hàng quán cà phê (loại hiện đại), mở sa lông làm tóc làm neo, mở trường ngoại ngữ, mở cơ ngơi làm ăn...thì search thêm rồi đi. Dân ở đây rất khá giả nên làm ăn gì cũng dễ. Đất còn rộng, người còn thưa nên trở thành cư dân, định cư ở đây cũng là một sự lựa chọn của bạn trẻ có tầm nhìn xa trên 10km. Khí hậu mát mẻ, trong lành, sảng khoái thì sức khỏe càng tốt, càng nhiều năng lượng.
Gia Nghĩa hay Đắc Nông cũng gần Sài Gòn nên chạy 3h -4h là tới, cứ lo làm giàu trên đó đi rồi cuối tuần tự lái xe hơi đời mới 7 chỗ đưa gia đình lên Tp thăm bạn bè, mua sắm, làm răng, làm tóc, ăn uống đồ hiệu này nọ....cho sang trọng 1 cuộc đời đi. Có tiền mà...


Read more…

Rực rỡ tuổi 31

tháng 4 19, 2016 |
Mọi việc với người có ngoại hình đẹp đều dễ dàng hơn so với người bình thường. Xưa nay loài người vẫn có cảm tính như vậy. Hồi mới đi làm, có lần Tony làm sai, sếp rướn cổ lên định mắng, nhìn thấy gương mặt thanh tú thoáng nét buồn, cơn nóng giận cũng nguôi ngoai. Còn anh bạn đồng nghiệp thì hơi xấu trai, cũng lỗi sai y chang như Tony, bị sếp chửi tơi bơi hoa lá. Hồi đi học, lớp Tony có bạn Mộng Hoài hoa khôi trường. Có lần kiểm tra bài không thuộc, cái Hoài bật khóc, mắt bồ câu long lanh, cô nói thôi về chỗ, 5 điểm. Trong khi cái Ngọc Thúy (còn gọi là Thúy răng vẩu) cũng y chang vậy mà cô cho có 2 điểm, xài xể đủ kiểu, làm cái Thúy khóc tu tu, nước mắt nước mũi dàn dụa nhưng không xuống được cằm vì cái răng hứng hết. Làm nhân viên bán hàng, mình có nụ cười ngoại giao tựa trăng rằm, đối tác hồn xiêu phách lạc mà luống cuống, đàm phán ở thế yếu hơn, mình chốt hợp đồng không kịp thở. Làm chung công sở với người đẹp sẽ đỡ nhức đầu hơn. Đi máy bay, có tiếp viên hay phi công đẹp trai, hành khách ngồi cũng yên tâm hơn...
1. Tất nhiên, tốt gỗ vẫn hơn tốt nước sơn. NHƯNG NƯỚC SƠN LÀ CÁI QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI TA GHÉ CỬA HÀNG MÌNH MUA GỖ. Thời đại mới, trăm người bán tranh nhau, mình vẫn bảo thủ nói câu “tốt gỗ” thì không có cơ hội cho người ta biết gỗ mình tốt. Đặc biệt là đi nước ngoài, làm công dân toàn cầu, ăn mặc lùi xùi dơ dáy, Tây Tàu nó nghĩ lao động nhập cư lậu mới sang, nó hạn chế tiếp xúc, thì mình không có cơ hội để trình bày nhân cách cao đẹp hay trí tuệ lung linh. Thời trang là phục vụ con người đẹp hơn, phải tận dụng. Răng cốt cũng vậy, có tiền là bọc lại răng sứ sáng lóa, không việc gì phải sở hữu bộ răng lởm chởm như đá tai mèo Hà Giang hay đen thui do kháng sinh thuở bé.
Khi ra đường, nhất nhất phải quần áo phẳng phiu chỉnh tề. Một bộ đồ nhàu nát, đổ lông, loang lổ vết bẩn hay rách thủng…khi tiếp xúc người khác là không tôn trọng họ. Mặt phải rửa đừng để nhờn bóng. Xức bột baby powder hay lăn nách nếu bị bệnh “hống hách từ trong nôi”. Răng phải đánh kỹ, nên dùng nước súc miệng pha thật loãng 2-3 lần trong tuần nếu tự mình thấy hôi miệng, kem đánh răng không diệt hết vi khuẩn gây ra chứng "mạnh mồm". Nhiều bạn đi phỏng vấn, người tuyển dụng hỏi 1 câu xong, nghe nó trả lời hết muốn hỏi thêm. Nhưng các bạn nào có nhận ra, cứ nhao nhao, chồm chồm lên đặt câu hỏi. Đặc biệt là các bạn ham ăn thịt quá mức, đạm gốc A-mo-ni (NH4+) thừa phân hủy thành NH3 bay lên miệng, gặp phòng máy lạnh, khí a-mô-ni-ắc này thì không thoát được.
2. Danh ngôn thế giới nói, "xấu là một loại bệnh, nếu không, sao chỗ phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được gọi là bệnh viện?". Có bệnh thì chữa, mũi tẹt quá thì nâng cao chút. Mặt to như cái mâm gắn trên cổ, đi đâu người ta cũng tưởng là cái biển chỉ đường thì mình gọt lại. Mắt to mắt nhỏ thì cắt mí cho đều. Nhớ lựa chỗ uy tín, đàng hoàng, của nước ngoài hay bệnh viện lớn càng tốt. Thay đổi để có sự tự tin, thì sẽ có mọi thứ.
Lúc còn hạc bên Harvard, Tony hay cười, mấy thầy bên đó nói mày nên làm lại bộ răng, nhìn màu trắng đục xỉn xỉn, cốt cách vậy sao làm doanh nhân lớn. Lúc đó mình nổi đóa, nói "cha mẹ sinh sao để vậy", "don’t judge a book by its cover"- đừng quánh giá cuốn sách qua cái bìa. Nhưng mấy ổng nói sự bảo thủ châu Á hạn chế cái tầm của mày, giữa vô vàn cuốn sách, mày phải nổi bật trước. Rồi mới tới nội dung hay, bán lâu dài, long selling khó hơn best selling. Tony cãi nói sao Steve Job cũng áo thun quần jean vậy. Ổng nói, mày khác, 7 tỷ người chỉ có 1 Steve Job hay Mark Zucker, họ mặc quần đùi lên tivi nói người ta vẫn nghe, vẫn ngưỡng mộ. Tony vẫn không chịu sửa, vẫn trung thành với kiểu đồ cũ của mình.
Năm ngoái đi sang London, vào khách sạn Marriott dự hội nghị các nhà đầu tư nông nghiệp toàn cầu, Tony bị bảo vệ ngăn không cho vào, rồi các đối tác nhìn nhìn nghi ngạị, đưa card họ miễn cưỡng cầm lấy, xúc tiến bán phân bán nông sản mãi không được. Tối đó Tony bèn ra phố sắm đôi giày Ý 2000 bảng, bộ veston 3000 bảng, về mặc đi tới đi lui cho nó tự nhiên, rồi hôm sau, vẫn hội nghị đó, bước vô thì bảo vệ tiếp tân gập đầu nói “Good morning, Sir” (chào quý ngài). Tony đang ngồi họp, buồn ngủ lấy tay vân vê định nặn mụn thì Tây Tàu bu tới đưa card, tiếp thị khí thế, Tony gút được chục đơn hàng bán phân vi sinh, lãi mấy chục ngàn đô, coi như đầu tư đã có lời. Được đà tiến tới, Tony không bay về Việt Nam mà đáp thẳng sang Seoul, bọc răng sứ hết để cười đẹp hơn nữa, xuất khẩu nông sản hiệu quả hơn nữa. Về sân bay Tân Sơn Nhất, ai cũng chỉ trỏ nói anh này đóng phim Hậu Duệ Mặt Trời nẹ, ở ngoài anh cao ghê, nhưng hơi đen, chắc trong phim ảnh quánh phấn dữ lắm…
3. Các bạn trong CLB con dượng nói nhưng tụi con không có tiền đi phẫu thuật thẩm mỹ, bọc răng sứ như dượng, giờ phải làm sao để tự tin. Mấy đứa yên tâm. TÂM SINH TƯỚNG. Chính suy nghĩ và hành động thiện sẽ tạo ra khuôn mặt đẹp. Chính thể thao thể dục ăn uống sẽ có body đẹp.
Khuôn mặt, đường chỉ tay, dấu vân tay không phải là bất biến. Nên một số nước, khi cấp visa, họ lấy dấu vân tay lại. Thậm chí hai chị em sinh đôi, lúc mới sinh ra thì khó phân biệt, nhưng lớn lên, sẽ dần khác nhau.
Người Á Đông đúc kết, đời người 90 tuổi là thượng thọ, được chia ra ba thời kỳ.
-30 năm đầu, do di truyền. Dung mạo khôi ngô mỹ miều là do ăn ở đạo đức hiền hậu từ kiếp trước. Kiếp trước làm chủ nợ giật hụi, bóc lột nô lệ nô tì…thì kiếp này phải chịu.
-30 năm sau, ngoại hình thế nào là do cách sống của 30 năm đầu.
-30 năm cuối (đoạn này bí mật, chưa viết).
Từ năm 31 tuổi, sau đêm sinh nhật, ngủ dậy, đi tắm, có bạn sẽ thấy soái ca hay soái nương nào đó trong gương. Cũng có bạn, 30 năm đầu đẹp rực rỡ, tự nhiên qua 31 tuổi, trở nên xấu xí, bị bồ đá, bạn bỏ, khách hàng không ký hợp đồng, làm ca sĩ hát không ai nghe…làm nghề gì cũng ế.
Vậy, để có được tuổi 31 đẹp một cách "gực gỡ", chúng ta phải tích lũy những gì trong 30 năm đầu tiên?
Các bạn xem phần 2 sẽ rõ.


Read more…

Giải đề < giải quyết vấn đề

tháng 4 19, 2016 |
1. Từ 15 tuổi đến 18 tuổi, cơ thể con người có sự biến đổi mạnh mẽ, gọi là dậy thì, thời kỳ phát triển thể chất để tạo bộ khung của một người trưởng thành về sau. Giáo dục phổ thông ở các nước chỉ đào tạo học chữ một buổi, buổi còn lại tập thể dục thể thao, kỹ năng sống...Nếu bạn đến sân trường các trường cấp 3 ở các nước, các bạn sẽ thấy các nam sinh nữ sinh đang đánh bóng rổ, hoặc bơi lội, hoặc may vá nấu ăn cắm hoa khiêu vũ, trồng cây làm vườn.... Trông ai cũng cao to khỏe mạnh, hồng hào, vui vẻ.
2. Có 3 nước còn theo văn hoá khoa bảng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Tuổi hoa niên ở 3 nước này trôi qua trong áp lực học chữ và học chữ dưới sức ép của phụ huynh để hơn bạn bè, để có thể vào trường tốt, hòng có một việc làm tốt về sau. HỌC ĐỂ THI là triết lý giáo dục của nền vắn hóa khoa bảng.
Từ lớp 9, bọn trẻ đã phải thức dậy từ 5 sáng và đi ngủ lúc 12h đêm chỉ để giải đề và học thêm ở các lò luyện. Vừa vào lớp 10, một cuộc chạy đua khác diễn ra trong 3 năm ròng rã để vào ĐH, các bạn trẻ tiếp tục gồng mình "hiếu học" cho phụ huynh, mắt cận, người teo tóp, lờ đờ...vì thiếu ngủ, thiếu vận động, còn việc nhà thì cha mẹ làm thay. Vì có kỳ thi đầu vào ĐH, nên học sinh phải "giải đề" liên tục. Khác với mọi nước khác là chỉ XÉT TUYỂN dựa trên điểm SAT và bài tự luận của học sinh. Trường TOP thì lựa thêm các tiêu chuẩn khác như công tác xã hội, các năng khiếu đặc biệt, những đóng góp cho cộng đồng, những phát minh thành tựu...của học sinh trong 12 năm học.
Ám ảnh tuổi học trò ở 3 nước này chưa bao giờ chấm dứt do "hiếu học" đã hiểu nhầm thành "hiếu bằng cấp". Trong khi học là để làm người, học là để làm việc.
Học hành là việc cả đời, là sự tự lĩnh hội và chuyển biến trong nhận thức.
Dưới áp lực THI CỬ của văn hoá KHOA BẢNG, nhiều bạn trẻ 3 nước trên đã chọn một lối rẽ khác, học phổ thông nhẹ nhàng, bình thường, không quan tâm đến việc xếp loại, âm thầm học SAT và tiếng Anh để thi tú tài quốc tế, vốn dễ dàng hơn nhiều, rồi kiếm học bổng du học, hoặc các ĐH dân lập, các cao đẳng nghề trong nước nếu không đi du học được.
Là công dân toàn cầu, ngoài trí tuệ còn phải có thể chất, ngoại hình, quan niệm "đầu óc ngu si tứ chi phát triển" là một quan niệm cực kỳ sai lầm của một số nước châu Á khi cha mẹ hướng con cái vô việc không vận động, chỉ ham ôm sách vở nên mặt mũi méo mó, mắt cận cả chục độ, gầy liêu xiêu...để thành trí thức. Nhận xét "anh đó trông trí thức lắm" thì phải là hình ảnh như vậy, chứ không thể là cao to khỏe mạnh, đầy năng lượng...vì sẽ quy vào là dân "quần đùi áo số", ít chữ. Trí thức kiểu này thì sẽ không có năng lượng để làm việc, đóng góp cho đời...vì không chịu được cường độ làm việc cao trong hội nhập quốc tế.
Mong phụ huynh VN cho con bớt học chữ, giải đề, luyện thi. Chúng ta nên cân đối việc học chữ với vận động, vui chơi, các kỹ năng sống khác. Đừng như thế hệ Tony, cả cuộc đời, cứ bị stress là nằm mơ thấy "ngày mai đi thi".
Năng lực "giải quyết vấn đề" mới là cái cần nhất, chứ không phải năng lực "giải đề", xin đừng rút gọn hai chữ "quyết, vấn".


Read more…

Bệnh Chắc Là

tháng 4 13, 2016 |
Một lần cô giáo giao bài tập về nhà, đề bài phân tích truyện ngắn của nhà văn X. Con trai nhà văn X cũng học lớp cô này nên mới bèn hỏi ý cha. Nhà văn X giải thích cặn kỹ về quan niệm của ông về câu chuyện, thằng con viết xong nộp thì bị cô giáo phê "không nắm được ý tác giả".
Người đời, khi nghe xong 1 thông tin, hay suy luận theo khả năng nhận thức của mình, thậm chí biến thành chuyện khác nếu "nghe nói lại". Người Á châu hay nói vòng vèo, không trực tiếp, tư duy cứng nhắc, bảo thủ nhưng lại sợ mất lòng, nên suy diễn rất kinh. Làm việc với công dân toàn cầu thế hệ mới, "Yes" hay "No" rõ ràng, không có "maybe". Các bạn đừng có "maybe yes, maybe no", "chủ trương là Yes nhưng thực tế là No. Nhức đầu vì tốn thời gian suy luận đoán ý.
Hôm Tết vừa rồi, Tony có đi coi đất ở ngoại thành để làm nông trại, tiện ghé thăm nhà chị bạn học ĐH tên Loan. Loan cũng 50 tuổi như Tony, trong khi Tony có cháu ngoại rồi mà Loan vẫn chưa chịu lấy chồng. Đứa em trai Loan muộn vợ mãi mới lấy được, cả nhà ở chung với nhau. Lúc Tony ngồi chơi, thấy cô con dâu báo là "hôm nay sinh nhật bạn, vợ chồng con xin phép không ăn cơm nhà". Khi cô vừa được chồng chở đi thì Loan và mẹ ngồi vào bàn tổ chức thảo luận ngay. Loan bảo CHẮC LÀ nó chán cơm nhà mình chứ sinh nhật gì. Bà mẹ phụ hoạ CHẮC LÀ mẹ nấu dở, rồi Loan bảo là sao không nấu đi mà bảo dở. Abcxyz. Rồi bà mẹ nói nó dạo này ít nói, CHẮC LÀ nó khinh mẹ.....Sau 10 cái "CHẮC LÀ", cô con dâu biến thành một con bạch cốt tinh chứ không phải người thường. Bà mẹ nói sẽ về bảo con trai DẠY lại vợ, "tề gia để trị quốc với bình thiên hạ" gì đó nghe như phim Tàu. Tony vô cùng sợ hãi, ngồi ăn cơm mà không dám nói gì, one by one, dish by dish, thìa by thìa, bát by bát...Thấy Tony nhai sùm sụp, Loan và mẹ Loan tổ chức "thi đua" gắp bỏ vào bát Tony vô cùng thô lỗ. Đùi gà Tony thấy dở ẹc, dai nhách mà họ nói ngon lắm. Ai ăn gì kệ họ chứ, văn hoá gắp cho người khác là rất phiền, mình thấy ngon chứ người ta có thấy ngon đâu. Người ta có tay, để người ta chọn. Nên hôm ở nhà cái Loan, Tony nhận miếng nào, lật đật nuốt hết miếng đó, thậm chí hẻm dám gắp lại vì sợ suy diễn là thằng này "ăn miếng, trả miếng".
Với nhiều người như gia đình Loan, hôn nhân không phải vì hạnh phúc cá nhân của đối tượng cưới hỏi, mà là việc kết nạp thành viên mới cho gia tộc theo văn hoá Nho giáo cổ xưa còn rơi rớt lại một số nước Á châu, nên cô con dâu này vào nhà bị sốc văn hoá ngay. "Dạy con từ thuở con thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về"...nhiều người tự cho mình một vị trí cao hơn để "dạy" trong khi chưa chắc nhận thức ai hơn ai. Chồng đâu phải giáo viên, mẹ chồng cha chồng đâu phải giáo viên mà đòi dạy vợ dạy con dâu? Ngay cả cha mẹ ruột cũng vậy, đâu phải cứ lớn tuổi mở miệng nói là luôn luôn đúng, đâu phải con cái đứa nào cũng nhận thức luôn luôn sai. Thước đo sự trưởng thành không phải là tuổi tác, mà là nhận thức. Age's just a number. Vả lại, mình đòi dạy nhưng quan trọng là đối tượng có muốn HỌC không? TƯ DUY ĐÚNG trong thời đại mới là CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI, (what's right, what's wrong) chứ không phải AI ĐÚNG, AI SAI (who's right, who's wrong) như xưa. Một đứa bé 15 tuổi nhưng vẫn có thể nói điều lẽ phải, còn ông lão 80 vẫn làm việc xằng bậy như thường, không nên "kính lão đắc thọ" mà nhập nhèm, không dám nói. Mình vẫn lễ phép, kính trọng người già cũng như tin tưởng, tôn trọng trẻ em, nhưng mọi thứ đúng sai phải phân biệt rõ. ĐÚNG SAI THEO LUẬT, THEO QUY ĐỊNH, THEO NGUYÊN TẮC ĐỒNG THUẬN chứ không phải theo cách hiểu cảm tính của từng cá nhân. Nhiều người nói nó chỉ là trẻ con, em út, khoá học sau, hoặc là đàn bà, là dân quê, bằng cấp học hành ít nên không nể...thì rất là duy cảm duy tính, khó làm nên nghiệp lớn với tư duy cổ kính như vậy. Người văn minh là người dám nói "thầy nói sai rồi, mẹ làm sai rồi, sếp quyết định sai rồi, ông bà đã nhận thức sai rồi" trước mặt con trẻ, nhân viên, cháu chắt. Sai thì làm lại, nhận thức lại. Giá trị lúc đó không giảm mà còn tăng lên, nhưng vì sĩ diện, mấy người dám văn minh như vậy?
Nhiều người nói "tao sẽ dạy cho nó một bài học", chứng tỏ sự bất lực trong quan hệ, khả năng thuyết phục hay tâm tầm gì không đủ để người ta nghe theo. Sống với người có thói áp đặt, bảo thủ, thủ cựu bài tân (khăng khăng giữ cái cũ, bài trừ cái mới, không dám thay đổi) thì sẽ bị họ suy diễn khi trái ý. Mình sống với thể loại này thì nên góp ý, yêu cầu họ thay đổi nhận thức để hoà hợp mà sống. Còn họ khăng khăng thủ cựu nên thoát ly sớm, độc lập tự chủ sớm. Họ áp đặt, suy diễn, nói móc méo, nhiều lý lẽ, theo phong tục tập quán canh tác lạc hậu, cứ CHẮC LÀ miết thì họ khổ tâm, bực bội, giận hờn, tự bứt tóc móc mắt... ráng chịu, mình không dây vào. Cái đích của cuộc sống là an vui, là hạnh phúc một đời người, không phải là đấu trí hay đấu chân tay với nhau vì ba cái quan niệm xa xưa để lại, vốn làm khổ người châu Á đời đời kiếp kiếp xưa nay. Làm ăn hùn hạp với thể loại này, cũng rút lui sớm. Nói câu nào nó cũng ghi nhớ tâm can và nội suy ngoại diễn, thì CHẮC LÀ mình chết.
P/S: Trong bài hát Nhật ký của mẹ, có đoạn khá dễ thương: "Một ngày mẹ thấy, con cười vu vơ, nụ hồng con giấu trong ngăn bàn. Lá thư viết vội, có tên rất lạ (Tò mò bắt ớn, ngăn bàn hay thư cá nhân người ta cũng lén lút kéo ra coi) rồi chị kết luận "CHẮC LÀ người con thương rất nhiều".
Bài hát thiệt là hay, trúng tâm lý. Dân Á châu mà, không "chắc là" không chịu được.


Read more…

Cô láng giềng ơi

tháng 4 09, 2016 |
1. Có một bạn trẻ nọ, tên A, năm ngoái làm hồ sơ đi du học Anh. Chưa làm xong mà đã kể khắp, ai ai cũng biết. Thế rồi bạn phỏng vấn visa trượt, sau đó thì phải giải đáp thắc mắc của cả trăm người, tốn thời gian vô cùng. Người thương thì lo lắng, người ghét thì hả hê, người quan tâm tò mò thì bu vô hỏi, không trả lời là giận là hờn...
2. Có cô ca sĩ B, cô vừa có thai là loan tin ầm ĩ trên báo giới. Post hình facebook chuyện thai chuyện nghén, chồng chăm sóc vợ ăn uống ra sao, toàn món ngon vật lạ. Rồi đám bạn ghét cũng nhiều, nên khi nghe cô động thai thì vui mừng bảo cho chừa, nói những lời ác độc cho cô. Lần sau cô có thai nữa, cô bí mật cho đến ngày sinh. Gặp Tony, cô nói, trước đây, em thật là dại dột khi chia sẻ chuyện cá nhân với mọi người. Lẽ ra, khi có thai, chỉ có 2 người em nên thông báo là chồng em và mẹ ruột em. Vì họ là người sẽ giúp em khi sinh. Còn những người KHÔNG THỂ GIÚP MÌNH, việc thông báo tin tức cho họ sẽ khiến mọi thứ rắc rối thêm. Với người không liên quan thì không việc gì phải báo cáo hay chia sẻ, đó là nguyên tắc về thông tin cá nhân, nhưng giờ bạn mới hiểu.
3. Rồi một bạn trẻ nữa tên C, sau 5 năm làm việc cho một công ty XNK thì quen một ông khách hàng người Nhật, ông Nhật đề nghị bạn nghỉ làm, ra mở một cơ sở sản xuất tăm xỉa răng nhỏ để xuất khẩu. Bạn lo đầu Việt Nam, ông Nhật lo tiếp thị ở bên kia. Bạn vốn là “con ngoan trò giỏi” từ bé nên xin nghỉ làm cũng xin phép gia đình, mở cơ sở làm ăn cũng xin phép. Cha đồng ý mẹ phản đối. Bà mẹ bắt tới gặp ông Nhật, rồi điều tra đời tư người ta, ông Nhật không chịu, nói làm ăn thì liên quan gì đưa giấy tờ kết hôn hình vợ con ông ấy bên Nhật cho coi. Rồi bà mẹ sợ nên làm ầm ĩ cả lên, hàng xóm láng giềng bạn bè ai ai cũng biết, bạn nhức đầu đòi chết đòi sống. Khi gặp Tony, bạn nói lần sau những chuyện cá nhân làm ăn như thế này, không cần phải thông báo với ai cả. Chuyện mình mình làm, làm ăn chỉ thông báo với người LÀM CHUNG, NGƯỜI GÓP VỐN. Bạn làm ăn là bạn làm ăn, tự nhiên dắt chồng vợ cha mẹ đi theo, thật là phiền. Họp lớp mà vợ chồng cũng kè kè đi theo, thật là khó chịu cho bạn học. Ra mở công ty mà chồng làm giám đốc, vợ làm kế toán hay làm chung, thì công ty đó thường khó phát triển rực rỡ. Vì tiền quản chặt quá, cơ hội dễ bị bỏ qua. Và người giỏi cũng ngại vô làm, tâm lý họ sợ gia đình trị, hay ra những quyết định cảm tính, tùy tiện vì “vợ thấy ngứa mắt, chồng đuổi con đó đi cho vợ”. Có bữa thì cả giám đốc và kế toán trưởng đều vắng mặt, không ai ký giấy tờ vì “nhà có đám giỗ”. Các doanh nhân lớn, không ai biết mặt vợ con của họ là ai, làm gì, ở đâu. Dù 1 đám “tò mò viên” suốt ngày vểnh tai lên nghe ngóng.
4. Bạn D, học xong cấp 3. Cha mẹ dưới quê thì có biết gì mà định hướng, thấy làm nông kiểu xưa cũ cực quá nên ước mơ cho con cái có được cái nghề gì "ngồi máy lạnh đếm tiền" cho sướng. Lúc bạn thi thì ngành ngân hàng còn hot, chi nhánh mở tùm lum, việc nhiều. Bốn năm sau, ngành ngân hàng gần như bão hoà, trong khi trường nào cũng đào tạo hàng nghìn bạn tốt nghiệp. Vật vạ mãi ở phố, bạn quyết định đăng ký một chương trình thực tập sinh nông nghiệp ở nước ngoài. Làm lương cũng khá, mức thù lao một ngày làm khoảng 60 đô la Mỹ, nhưng chủ yếu là lao động chân tay, chỉ có 1-2 ngày đi học/tuần. Nhưng bù lại bạn rất khoẻ mạnh, vui vẻ, thấy thú vị với 10 tháng thực tập này. Và cũng để dành được ít tiền. Lại có giấy chứng nhận đã đào tạo qua nông nghiệp công nghệ cao, dùng sau này mở farm hay làm gì đó cũng dễ dàng thuận lợi.
Nhưng gia đình bạn thì không. Nghe con trai báo, ba mẹ bạn để kể cho bà con chòm xóm láng giềng nghe ngay, rồi chỉ sau 1 ngày, cả huyện đều biết. Nói tưởng học giỏi vậy thì làm ông này bà kia, té ra đi xuất khẩu lao động. Có vô NASA Boeing gì đó còn tạm chấp nhận, đằng này đi làm nông nghiệp, hái cà chua trồng nấm, vắt sữa bò…xấu hổ chưa. Cha mẹ bạn ấy thì buồn vì khổ tâm, còn bạn ấy thì tâm tư mãi. Viết thư cho Tony, khóc sưng mắt.
Tony thấy thật buồn cười. Chữ sĩ được trọng quá mức trong văn hoá Khổng Giáo khiến ai cũng muốn ngồi đọc sách và chỉ tay năm ngón, bất chấp năng lực. Rồi hệ quy chiếu của mình xưa nay là hệ quy chiếu văn hoá làng xã, nên anh dư chị luận nào đó...dựa trên hiểu biết nhỏ nhoi của mình mà nhiệt tình đánh giá người khác. Trong làng, ai cũng biết người khác nên làm gì, phải sống thế nào...trừ bản thân họ. Hàng xóm láng giềng là ai? Tập hợp những con người đó với nhận thức có hạn, hiểu biết có hạn,...nên không việc gì phải sợ họ cả. Mỗi người trong số họ giỏi lắm biết 1000 người, quanh đi quẩn lại 1000 người đó biết nhau, chuyện cây chuối con gà thì rành chứ đông tây nam bắc có biết chi mô mà ý cò ý kiến? Ngoài kia thế giới có 7 tỷ người so với tập hợp 1000 người làng ta, có nhiều cái khác lạ lắm. Những cái thành công, thất bại của người trong làng, trí khôn và kinh nghiệm của người trong làng không giải quyết được, không thể hiểu được, không đem ra đánh giá được.
Lúc Nguyễn Trường Tộ đi sứ Pháp về, kể bên đó có đèn chúc đầu xuống, quan văn triều đình Huế cười như nắc nẻ. Rồi kể có xe đi hai bánh, không ai tin, nói hai bánh sao cân bằng, sao chạy được. Chửi anh Tộ là nói xạo nói điêu. Chiếc bóng đèn điện và chiếc xe đạp đã vượt qua mọi khả năng tưởng tượng của họ. Vô bộ lạc nào đó kể có cái ống sắt, bỏ mấy trăm người chạy đà trên đường băng rồi bay lên không trung cả chục cây số trên mây, rồi tới nơi gần đến thì giảm tốc độ và hạ xuống, thả người chui ra, 1000 km chỉ mất có 1h đồng hồ, thì khả năng bạn sẽ bị hoả thiêu vì hoang tưởng.
Kinh nghiệm của Tony cho thấy, KIẾN THỨC, KINH NGHIỆM THÌ TÍCH CỰC CHIA SẺ, CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT, CÒN CHUYỆN CÁ NHÂN, THÌ CHỈ CHIA SẺ CHO NGƯỜI CÓ THỂ GIÚP ĐỠ MÌNH. Mình dặn ba mẹ, thôi đừng chia sẻ chuyện riêng của con. Con làm gì ở đâu, ba mẹ biết là được. Thậm chí cũng không nên chia sẻ với bố mẹ, kẻo họ lo lắng và đi hỏi thăm chỗ này chỗ kia, cũng toàn bà Tư bà Bảy. Cứ qua hỏi ông Năm là con trai tui sắp đi Israel thực tập, thì ông Năm nói là đừng đi, bên đó đang bắn giết nhau ghê lắm, tui nghe loáng thoáng trên tivi về dải Gaza, bờ tây sông Jordan.... Ít ai biết là cả năm, lượng người chết vì xung đột ở Israel không bằng tai nạn giao thông do xe máy ở nước mình một ngày. Có bạn muốn đi đào tạo kỹ sư bên Nhật, kể cho mẹ nghe, xin phép mẹ thì bà mẹ liền cắp nón qua bà Bảy hỏi, vì bà Bảy hồi trẻ từng ở thành phố, từng bán cà phê cho một ông Nhật. Bà Bảy liền phán bên đó động đất ghê lắm, cho đi là mất con, tui lạ gì nước Nhật.
Chị Tuyết chị họ Tony có đứa con gái là bé Vy học khá giỏi, được học bổng đi Mỹ. Cái Vy về xã làm giấy tờ, anh văn thư xã ký giấy xong là ra quán cà phê bên chợ loan tin. Chị Hồng bán bún bò vừa gắp bún vừa vểnh tai nghe ngóng, thấy con Vy nhà chị Tuyết sắp đi Mỹ thì ngưng bán, nói khách ăn nhanh nhanh giùm, bữa nay nhà có chuyện. Chị rửa tay rồi chùi chùi vào quần, tất tả qua nhà chị Tuyết cản cho bằng được, đại ý là "bên Mỹ xả súng hàng loạt, anh chị đừng cho đi", "tui có bà con bên đó, tui biết rành lắm", "hàng xóm thân tình tui mới nói", "mọi giá, anh chị phải cản lại, con của mình, mình cho hay không cho tụi nó phải nghe, không là đại bất hiếu", "nó mà kiên quyết đi là chị từ nó cho em, con cái gì lạ vậy. Em hả, con em là em bóp mũi chết chứ ở đó mà dám trái ý cha ý mẹ, ý xóm ý làng, ý dòng ý họ". “Em bỏ cả nồi bún bò cả triệu đồng qua đây chỉ để “chân tình góp ý” thôi đấy”.
Còn nhớ năm 2002, Tony đi Hồng Kông làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia trong 6 tháng, hồi đó còn thơ ngây, hay đem chuyện cá nhân ra kể cho bạn bè người thân nghe. Nghe kể xong, bạn bè ngồi nhậu nói đừng đi mày ơi, bên đó tụi xã hội đen đeo kính đen bắn người chéo chéo trên phố, ghê lắm. Tony chỉ cười, vì trong các bạn, Hồng Kông là thế giới của TVB với Châu Nhuận Phát, Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc...


Read more…

Với tay chạm ước mơ

tháng 4 07, 2016 |
Kể chuyện cậu Harod, từ tay trắng trở thành chủ cơ sở sản xuất mứt xoài xuất khẩu.
Bạn Harrod là một “con dượng” dự thi mứt thanh long, bữa gặp ở Villa De Tony, Tony đặt tên ngoại quốc là Harod, lúc đó đang làm ngành giao nhận nhưng mê sản xuất, vì sản xuất chính là cốt lõi của một nền kinh tế hùng mạnh. Hoà nhập quốc tế, bên cạnh tên Việt cũng nên có tên tiếng Anh, giống như người Hồng Công hay Singapore, chủ yếu để giao tiếp cho dễ, không nên bảo thủ kiểu Á Châu. Phải phóng khoáng lên, chỉ là một cái danh xưng, mình không chấp nhận sự mới lạ hay thay đổi thì khó lòng làm nên nghiệp lớn. Ăn mặc cũng vậy, quan trọng là nghĩ lớn, làm ăn lớn, làm nhiều tiền để "ăn sang mặc quý phái", đi xe hơi,
hoà nhập quốc tế không được tuỳ tiện, lùi xùi cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tony động viên bạn về quê sản xuất mứt trái cây. Bạn về, tách riêng ½ diện tích nhà để làm xưởng, liên hệ với vùng nguyên liệu, thiết kế bao bì nhãn hiệu, tìm kiếm chỗ mua máy móc xong xuôi, chạy những mẻ đầu tiên để đem đi tiếp thị. Từng bước trở thành ông chủ nhỏ, chạm 1 tay vô ước mơ cuộc đời mình. Ước mơ thì ai cũng có, nhưng chỉ có số ít là làm, số còn lại ngồi ngưỡng mộ. Các bạn coi ai có sự nghiệp gì không, có thành tựu gì không thì mới follow. Người ta nói chuyện làm chuyện ăn, riết mình bắt chước.
Tony kêu nó vô nhà uống nước, nó nói thôi đứng ngoài trình bày cũng được. Nó nói con vướng phải vấn đề MÁY MÓC, Tony nói thôi con đi về đi. Bữa nào rảnh, tui lên page chỉ cho, chỉ sỉ chứ không chỉ lẻ mắc công quá.
Về máy móc, nếu MUA NGUYÊN DÀN MÁY chỉ để làm mẫu chào hàng, thì rất rủi ro, vì chưa chắc mẫu đó được thị trường chấp nhận. Mình có liên hệ các trường ĐH cao đẳng như BK, Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Tiền Giang, Hutech, công nghiệp... hoặc bất cứ trường nào gần nhất mà có khoa CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM. Phòng thí nghiệm ở đó đều có tủ sấy, tủ đông, tủ hấp, trích ly, cân đo đong đếm hút chân không, hóa chất bảo quản hay cái gì cũng có…chỉ là không sản xuất quy mô lớn được thôi. Hoặc là nhờ các công ty trong ngành, cái này phải làm quen với bộ phận sản xuất các nhà máy, thuyết phục người ta. Cứ gõ cửa. Làm ăn là không ngại. Ngại, tự ái, mắc cỡ, sĩ diện, háo danh,…đều không có trong từ điển của người làm ăn.
Hồi mới ra trường, Tony quen mối sản xuất dầu chiết xuất từ cây tràm (dùng cho phụ nữ mới sinh rất tốt), viết mail giới thiệu chào hàng, bên Nhật thích thú đòi xem mẫu. Nhưng VN mình sản xuất thủ công còn tạp chất, chắc chắn không xuất khẩu được nên Tony mới liên hệ công ty dược phẩm gì trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nó đồng ý làm 10 lít, cấp cho bảng phân tích (certificate of analysis) luôn, có giấy này mới gửi DHL qua bên Nhật được. Khách thấy OK nên qua đặt hàng khí thế, sau này tụi Nhật đem máy móc rồi qua sản xuất luôn dưới Long An, họ mời Tony về làm giám đốc nhưng Tony không có nhận lời vì mắc đi Harvard hạc. Tony từ chối làm tụi nó khóc quá trời (khóc bằng tiếng Nhật).
Lúc hãng Phượng Tím mới ra đời, Tony cũng đi gia công. Tony chầu chực cả ngày ở phòng thí nghiệm các nhà máy, mua bánh mua kẹo dụ các bạn kỹ sư ở đó làm cả chục mẫu…rồi mang đi hội chợ chào hàng. Mình làm mẫu tới lui cả chục lần họ mới OK, rồi mới đặt đơn hàng thử nghiệm gọi là trial order, chỉ có 1-2 container thôi, mình nào dám đầu tư máy móc. Trong khi các nhà máy có chạy hết công suất đâu, mình đem công thức, bao bì của mình tới, kêu họ sản xuất cho mình lúc họ rảnh rỗi. Họ cũng phải trả lương công nhân bao nhiêu đó/tháng, nên có việc làm thêm cho anh em, họ còn mừng. Sau này khi đơn hàng lớn rồi, thì mình mới tự lập xưởng sản xuất, gia công mãi như thế không chủ động được, vì mình chỉ là con nuôi, họ phải ưu tiên con đẻ của họ. Gia công như thế này gọi là OEM, nhiều bạn cũng qua Trung Quốc gia công, ví dụ Smartphone, bên Thâm Quyến sản xuất mọi mẫu mã, ai muốn gia công ghi tên Tèo Mobile, Tí Mobile gì nó cũng làm, nhưng giai đoạn đầu thì được, chứ làm ăn ổn định rồi mà phụ thuộc người ta nguy hiểm lắm.
Về mặt bằng sản xuất, đầu tiên thì tự quy mô ở nhà, cái máy nhỏ nhỏ đóng gói, hơ lửa dán keo lại cũng được. Hồi năm 3 ĐH, Tony đi Nha Trang chơi, có ghé khu Cửa Bé. Tony đi 1 vòng coi nhà nào có nước mắm ngon, lên chi cục đo lường chất lượng Khánh Hòa đăng ký nhãn hiệu “nước mắm Tony Cocky” xong, đem vô Sài Gòn bán. Tony mò lên nhà máy Ngọc Nghĩa trên khu CN Tân Bình mua chai, nó có bán lẻ. Cứ cuối tuần, ngoài Nha Trang gửi vô 10 can 200 lít, Tony ngồi sớt ra chai, dán nhãn rồi đi bán cho các cửa hàng tạp hóa khu vực phường 13 Bình Thạnh. Người ta góp ý là chai nước mắm phải cái màng phủ trên cái nắp, nếu không, nhìn không an toàn. Hồi đó làm gì có internet mà tìm kiếm. Tony mò xuống Chợ Lớn từ mờ sáng đến khuya, mất mấy ngày mới tìm ra cơ sở sản xuất MÀNG CO. Người ta hướng dẫn dùng cái mấy sấy tóc, trùm màng co vào đầu chai và sấy 1 cái là nó ôm cái nắp chai ngay.
Tony cứ buổi nào lên trường thì thôi, bữa nào ở nhà là đi tiếp thị rồi giao nước mắm, rồi 4-5h chiều là tắm rửa, thay đồ đẹp xịt nước hoa lên thư viện học đến 8h đêm mới về. Mấy năm ăn học cũng nhờ cái nước mắm này và nhiều business khác nữa nên sống hết sức phong lưu, tốt nghiệp vẫn loại giỏi như ai. Yên tâm đứa ham làm thì nó cũng ham học. Ngày chuẩn bị ra trường, Tony tặng cái business nước mắm cho thằng Tú, một đứa ở cùng nhà trọ, dân Bà Rịa, vì thấy nó tử tế trung thực. Tony hướng dẫn nó cách sản xuất xong, dắt nó đi 1 vòng thăm khách hàng, nói các cô các chú ơi, con học xong rồi, con chuẩn bị vô mấy tập đoàn đa quốc gia làm rồi, hoặc con sẽ mở cơ sở sản xuất ở quê, hoặc có thể đi Tây làm việc hay học lên nữa. Thằng em này thế con, có gì cô chú giúp đỡ nó nhen. Thằng Tú cũng làm y chang Tony vậy, nhưng nguồn nước mắm là từ dưới Lộc An Bà Rịa. Khi nó ra trường nó lại chuyển cho 1 đứa khác làm. Vì Tony dặn phải hào sảng, không được tủn mủn kiểu "thà dẹp chứ không cho" của mấy đứa tiểu nông rẻ tiền, chả muốn ai giàu có cả, không hiểu tại sao lại có lối suy nghĩ đó.
Thời đi học, Tony rất ghét mấy đứa sinh viên hát ê a “bạn tôi, sáng nhịn ăn, lên giảng đường” rồi nói sinh viên tụi mình tội nghiệp, nói là thuở hàn vi. Sức dài vai rộng, trí tuệ có mà hàn vi thì do lười động tay động chân thôi.
Cứ lao động cật lực rồi hưởng thụ. Mắc mớ gì nhịn đói rồi lên giảng đường. Cứ phở bò phở gà quất tới.


Read more…

Nghe kể chuyện ngày xưa....

tháng 4 06, 2016 |
Tony có một người bạn học chung cấp 1, sau đó Tony chuyển trường. Bẵng bao nhiêu năm mất liên lạc, bạn ấy tự tìm đến. Lúc đó Tony vừa mở công ty Phượng Tím. Bạn đến kể chuyện 2 đứa ngày xưa tắm mưa thế nào, rồi hoàn cảnh phải nghỉ học ra sao…Tony rất quý nên giữ lại, 3 ngày đãi tiệc nhỏ, 5 ngày đãi tiệc lớn. Tony chỉ bạn cách làm sổ sách giấy tờ, hy vọng là bạn làm thủ quỹ cho công ty. Mình đi bán hàng cả ngày, có một người thân tín trong làng trong xã, quen biết từ lâu giữ tiền giùm thì cũng yên tâm. Đi thu tiền khách hàng, lần nào cũng bình thường, vài ba triệu, bạn đem về đầy đủ. Có lần bạn thu 50 triệu, chiều đó mọi người trong công ty ngồi đợi mãi. Rồi bạn về rất khuya, bảo là bị rớt mất lúc đổ xăng, thề thốt khóc lóc um sùm, viết giấy cam kết sẽ trả lại sau 5 năm, và tới giờ không liên hệ lại. Tony mất ngủ cả mấy đêm cân nhắc cách giải quyết, vì biết bạn dùng số tiền đó để đổi lấy xe tay ga bạn hằng ao ước. Cuối cùng Tony quyết định không làm lớn chuyện, vì giá trị của bạn ấy chỉ là 50 triệu. Đúng mức giá ấy, bạn đã bán mình. May mắn là mình chỉ mất 50 triệu chứ sau này làm thủ quỹ mà tiền hàng hoá lên đến mấy tỷ, không biết ra sao.
“Dò sông dò biển dễ dò,
nào ai lấy thước để đo lòng người“.
Nhưng hãy lấy tiền ra đo, một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba triệu, nhưng có thể thay đổi trước vài ba tỷ. Nhưng cũng có kẻ trước tiền bạc không hề gục ngã, vẫn giữ vững giá trị và bản lĩnh của mình. Tiền bạc là chủ đề rất khó, nên các bạn trẻ cần chuẩn bị một thái độ ứng xử phù hợp để có thể bắt nó làm nô lệ, làm phương tiện để mình đạt được mission của cuộc đời. Nếu không, nó sẽ trở thành ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ miết. Rồi lúc chết đi, mới giở nắp quan tài thều thào nói lời cuối, rằng “ngày xưa tui biết tiền chết không mang theo được như vầy thì tui đã khác. Nói xong đóng nắp quan tài lại rồi chết” (trích tác phẩm “một cái chết dễ thương”-TnBS xuất bản năm 20xx).
Lúc thành lập 30 nhóm tình nguyện, mang 10,000 cái áo lên miền núi cho các em thiếu nhi, có nhiều chuyện bây giờ mới dám nói. Có bạn đến với chương trình với tâm rất sáng, 1-2 triệu tiền lãi thì nộp vô nhóm ngay, nhưng thấy lãi 20 triệu thì vội vã rời nhóm để tự kinh doanh, dễ ẹt, lên miền núi mua đặc sản về thành phố bán ấy mà. Có nhóm không thèm đi họp, ban tổ chức nói gì cũng không nghe, nói “mấy người không có quyền”. Có nhóm Tony yêu cầu công khai tài chính là phớt lờ, nói không có thời gian, hỏi bạn này thì “dượng hỏi bạn kia đi”. Tony phải nhắn tin cả chục đứa, năn nỉ, ra lệnh, yêu cầu…thậm chí chán quá đòi đóng page chính Tony Buổi Sáng, nhưng có bạn nói “tuỳ ông, ông không viết nữa thì kệ ông chứ doạ tôi làm gì, đây không đóng page, không công khai tài chính. Page để dành vài bữa chúng tôi kinh doanh cái gì đấy thì kêu ủng hộ, chúng tôi là người khôn cả”. Có nhóm kiếm được vài ba chục triệu thì đòi “cho mỗi bạn 1 cặp vé về quê ăn tết, vì tiền này là công sức các bạn”. Có nhóm sáng đến tối kiếm được 3 triệu thì đã nhậu hết 2 triệu để “bồi dưỡng sau một ngày lao động vất vả”, trong khi cam kết ban đầu là chi phí gì cũng tự bỏ. Có bạn thì lấy tiền nhận mua nho giùm rồi không chuyển hàng khiến nhóm kia khóc lóc, không ngủ được, dù chỉ có mấy triệu đồng, nửa đêm còn nhắn tin “dượng đòi giùm nhóm con”. Tony nói 2 lần, bạn giải thích là bạn chuyển cho nhà vườn, nhà vườn không chuyển nho cũng không chuyển lại tiền, bạn không đòi được nên thôi. Tony yêu cầu BTC gửi lại tiền nhóm kia cho xong chuyện, may mà tiền sách Tony cho BTC cũng còn khá để bù các khoản trời ơi này.
Dù các hiện tượng này chỉ là cá biệt trong 400 tình nguyện viên vô cùng dễ thương và tử tế đợt rồi, nhưng thế mới thấy, đụng tới tiền bạc, kẻ kém bản lĩnh sẽ thay đổi. Dù hôm trước nghe chuyện, người này sẽ phê bình người kia, nhưng đến khi có chút tiền trong tay, chính mình lại hành xử khác. Có bạn mượn tiền của Tony xong để khởi nghiệp, dù chỉ vài ba chục triệu, Tony gọi lại thì không nghe máy, nhắn tin không trả lời, một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy. Cho mượn thì biết trước là đã mất, nên Tony chuẩn bị tinh thần, không bị sốc gì cả. Và may mà mình cũng giàu có quá, nấm rơm cứ tưới nước là “mọc lên như nấm” bán được khối tiền, chứ làm ăn khó thì cũng đã lao tới nhà chúng nó sống mái một phen. Sẽ xõa tóc rũ rượi lừng lững vô nhà, mắt trừng trừng đỏ lòm, miệng gầm gừ sùi bọt mép, Tony Tèo sẽ trở thành Tony Phèo với chúng nó ngay, sẽ ‘you will know my hand’ ngay. Tiền mà.
Như câu kết luận “human nature is changeable” trong cuốn sách “how money changes the way we think and behave”, việc mất quan hệ với những cá nhân ấy không để lại chút nuối tiếc nào. Có thể các bạn ấy đã không nhận ra rằng mình đã thay đổi. Khi lòng tham nổi dậy, lý trí và tình cảm sẽ bị che mất, hôm trước thì thương dượng Tony vô cùng, gửi thư “con confirm lại lần nữa là con yêu dượng” nhưng hôm nay thì “tiền ơi tiền, cháu yêu tiền lắm”. Khi lòng tham nổi lên, họ sẽ nghĩ chỉ họ đúng còn người khác sai hết. Tính tham lam sẽ khiến chúng ta bỗng dưng có gương mặt trở nên xôi thịt, ánh mắt sẽ đảo tròng liên tục, nhìn gian gian. Cái lạ là càng nghĩ về tiền, thì lại càng kiếm không ra. Các bạn khó kiếm tiền là do khôn quá, thử một lần bớt khôn mà nghĩ cho người khác xem sao.
Nhiều người nói “nếu tôi trúng số độc đắc, tôi sẽ mua cái này cái kia cho người nghèo..” thì thực tế tới lúc đó mới biết được. Phần lớn lúc trúng xong sẽ suy nghĩ “nó nghèo kệ nó, tiền này của mình” nên sẽ dùng mua nhà mua cửa, đổi xe, đi du lịch,..những cái lợi cho bản thân mình thôi. Có người nói, nếu tôi thành tỷ phú, tôi sẽ vẫn là tôi…thì chỉ khi nào giàu có mới biết được có đúng hay không. Vì nhận thức, suy nghĩ và hành động CÓ THỂ SẼ THAY ĐỔI khi có tiền trong tay.
Tony có một chị bạn thân, chị có căn nhà ông bà để lại nhưng bị mất hết giấy tờ, giờ muốn có sổ hồng để bán phải truy lục rất khó, chồng chéo mấy chục người thừa kế ở nước ngoài phải từ chối tài sản thông qua hợp pháp hoá lãnh sự nên chị nghĩ chắc không bao giờ được. Chị thuê một ông luật sư, nói anh giúp em, em mà có căn nhà này coi như món tiền trên trời rơi xuống, em sẽ chia cho anh 1/3. Ông luật sư làm 2 năm mới xong giấy tờ. Có sổ hồng trong tay, có người trả giá căn nhà 300 tỷ nên chị thấy tiếc. Gặp Tony, chị kể ối cái này dễ ẹt, chị tự làm cũng được, hồi đó chị ngu quá nên mới nhờ luật sư, trường hợp này dễ mà ông luật sư không nói, coi như là lừa chị. Chị chỉ đồng ý cho 100 triệu thôi. Ông luật sư này đâm đơn, thắng kiện vì văn tự rõ ràng. Chị gần như hoá điên, lảm nhảm cả ngày, dù ĐƯỢC 200 tỷ trong tay nhưng chị chẳng quan tâm vì mãi nghĩ đến việc đã MẤT 100 tỷ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột“, cứ chiều chiều, chị kêu tài xế đánh xe Audi A8 chở chị ra bờ sông Phú Mỹ Hưng, leo lên cầu Ánh Sao, vừa ngồi ăn mắc-ca vừa xoã tóc ngồi khóc đến sưng mắt. Khi hoàng hôn buông tím ngắt trên dòng sông Nhà Bè chia đôi Đồng Nai Gia Định, khi bìm bịp lẻ bạn kêu khắc khoải đến nao lòng, thì chị mới trở về biệt thự 20 tỷ, trả thù ông luật sư. Chị rửa hình ông ấy ra, soi trên ngọn đèn, lấy kim chọt. Tối chị lấy kim chọt miệng thì sáng mai ông luật sư sưng miệng, mồm vêu lên, cãi không được. Tối chị chọt bụng thì ông luật sư đau bụng, chị chọt chân thì ông ấy bị đau chân, có bữa không biết chị chọt chỗ nào mà ông luật sư chỉ còn mạnh toán hoá...


Read more…

Tony có đẹp trai như anh ấy nói?

tháng 4 01, 2016 |
Có nhiều bạn đọc cứ tưởng tượng Tony là 1 ông già khoảng 60 tuổi, béo ngậy, hồn nhiên…đến khi gặp ngoài đời, thấy Tony trẻ măng như cậu sinh viên đại hạc, dong dỏng cao (1m80, 70kg), gương mặt ưa nhìn, đôi mắt biết cười và tác phong lanh lẹ như 1 cầu thủ Brazil, thì mới vỡ òa cảm xúc. Càng yêu càng quý, càng thích càng say mê…vì hơn cả sự tưởng tượng.
Sự tưởng tượng là gì? Vì sao sự tưởng tượng lại quan trọng?
Các bạn Mỹ của Tony hay hỏi, ở Đông Nam Á, nếu phải chọn 1 nơi để đi tham quan, thì nên đi đâu. Tony trả lời, it should be Angkor Wat. Còn nếu 2, thì nên ghé Hạ Long.
Mà nói mới nhớ, so với sự đồ sộ của Angkor Wat, thì ở mình không có công trình kiến trúc truyền thống hay tác phẩm ven hạc nào có tầm vóc và quy mô tương xứng. Có giả thuyết do hàng ngàn năm cứ giặc giã liên miên, đang ngồi tượng tượng cảnh thần tiên thì giặc đến, chạy muốn chết nên tưởng tượng bị đứt quãng, nên chúng ta không có những tác phẩm với tình tiết ly kỳ phức tạp hay ý tưởng kỳ lạ độc đáo, đưa người đọc vào thế giới nửa thực nửa hư của nhiều nền văn học khác, như thần thoại Hy Lạp, 1001 đêm, Alice trong xứ thần tiên, Tây du ký, và gần đây là Doremon hay Harry Porter…(trừ chuyện cô Quỳnh ở Davao của TnBS).
Tác phẩm như Truyện Kiều vĩ đại vì tài dùng tiếng Việt vô tiền khoáng hậu của Nguyễn Du chứ không phải vì cốt truyện ly kỳ độc đáo. Có lẽ khả năng tưởng tượng của chúng ta ít ỏi và nếu có, thì bị triệt tiêu. Những đứa trẻ toàn bị quát “ suy nghĩ vớ vẩn”, “ ăn nói lung tung linh tinh”..khi nó tưởng tượng khác đáp án của cô giáo. Trong khi theo 1 nghiên cứu khoa học, mọi đứa trẻ đều có sự tưởng tượng cơ bản giống nhau, không phân biệt màu da, quốc tịch. Vấn đề là khi lớn lên, tiếp thu cách dạy khơi gợi sự sáng tạo, hướng đến thành tựu nên được kích hoạt và phát huy. Còn bên kia hạc thuộc lòng và viết lại y chang những nguyên lý, những phát minh của người khác có khi đã mấy trăm năm. Bạn nào có trí nhớ tốt, viết lại đúng hết thì đạt thủ khoa 30/30, viết được lại 15/30 thì đủ điểm sàn. Và dẫn đến kết quả. Người ta giong thuyền đi nước này nước kia, tìm ra thế giới mới, vùng đất mới, phát minh ra dòng điện, tủ lạnh ti vi…còn 1 bên thì thanh niên trai tráng cả làng, dùng sức lực thanh niên tranh quả phết quả cầu, hoặc trói tay chân con lợn chém giữa sân đình cười ha hả. Rồi thi nhau cúng kính, nhét tiền vào tay chân thần Phật để xin may mắn, ăn nên làm ra. Hỏi làm ăn gì thì nói nhà em có 2 sào đất, nuôi 5 con gà, cầu xin để gà nhà em để thêm 5 quả trứng, 10 cây chuối mỗi cây có thêm 1 nải…
Hoàn cảnh lịch sử cũng đã giam hãm người châu Á quá lâu trong cách học “từ chương trích cú”, kiểu chương 7 dòng 20 từ dưới lên của cuốn Tứ Thư, Ngũ Kinh có ghi rõ. Chồng nằm trên chõng đọc sách thánh hiền, vợ ngồi quay tơ dệt lụa. Chỉ mong muốn duy nhất là lên kinh đô thi thố rồi bái tổ vinh quy. Lối nho hạc như vầy sẽ khiến tư duy bị gò bó trong lũy tre làng, trong năm cửa ô, trong khu trung tâm quận 1, trong “ xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà…”. Có ông nhà văn gì đó viết cuốn sách về 100 món ngon của xã ta, và nhiều trong xã mặc định là đúng. Riêng Tony thì thấy có món ngon khác mà ông ấy không đưa vào, hay món đấy chả ngon gì cả, vì ngon dở là cảm tính của từng cá nhân, ai cũng có quyền. Làm gì có Phở Hà Nội hay cơm Tấm Sài Gòn mà hỏi ở ngoài Hà Nội phở có ngon không? Có hàng ngàn quán ở đó, bạn muốn hỏi quán nào? Đề bài hạc môn văn toàn hãy phân tích nét đẹp của x của y, sự trong sáng của g của h,…chưa chi đã áp đặt nét đẹp và trong sáng, mình không thấy đẹp hay trong sáng thì sao? Nên lẽ ra phải là “bạn ý kiến gì về nhân vật A” hay “theo bạn, hoa nào là đẹp, món ăn nào là ngon”.
Lúc đó, sự tưởng tượng của học sinh sẽ được đưa lên đỉnh cao. Có tưởng tượng mới biết quả đất hình cầu, mới có dòng điện chạy thắp sáng, mới có chiếc ống chứa mấy trăm người phóng cái vèo lên không trung mà ta gọi là máy bay, mới có cái smartphone quẹt quẹt. Thử nhìn từ trên xuống dưới trên cơ thể mình, toàn là kết quả của sự tưởng tượng của người phương tây. Từ mái tóc, cái quần âu, áo sơ mi, đầm váy, quần lót, cái đồng hồ, điện thoại, bút máy. Bước ra đường là xe đạp, xe máy, xe hơi, xe buýt, cao ốc chọc trời…tất cả đều hẻm phải do người Á Châu nghĩ ra. Ngay cả cái mạng xã hội này, cũng phải chờ tụi Tây nó nghĩ ra rồi xài. Lúc còn đi hạc, mình toàn hạc các định luật của Đác-Uyn, Men-Đơ-Lơ-Ép, Niu Tơn…mà hẻm thấy tiên đề Sasaki, định lý Trần Văn Tèo hay bảng tuần hoàn Chương Tử Di hay công thức Triệu Vi gì hết trọi. Nên có thể nói, cả 1 châu lục đang ngồi hóng sang bên kia coi tụi nó có phát kiến ra được cái gì mới nữa hem mà lật đật bắt chước.
Einstein từng nói “trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.” Nên đậu thủ khoa, vô được trường chuyên lớp chọn, đại hạc tốp trên…cũng chỉ là việc mình đã nắm được kiến thức của người khác hơn 1 số các bạn khác trong 1 thời điểm nào đó. Làm giỏi mới hay, đứa có óc sáng tạo ra của cải vật chất, phát minh ra cái mới thì mới là đứa hay. Nếu hạc giỏi mà không làm cái gì cho đời thì không nên khen ngợi. Trong bài thơ “ Có những lúc”, Lưu Quang Vũ viết "Tôi chán cả bạn bè. Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới”.
Trong công việc, óc tưởng tượng sẽ giúp mình giải quyết công việc nhanh chóng hơn nhóm người không có khả năng tưởng tượng. Chẳng hạn như làm công việc chăm sóc khách hàng, công tác chuẩn bị sẽ phải có. Việc tưởng tượng đi tới gặp khách thế nào, khách nói câu gì, mình phản ứng lại ra sao…giúp mình tự tin đối phó với mọi tình huống. Ví dụ lúc gặp khách, nó vui thì mình làm sao, nó buồn thì mình phải nói sao, nó đuổi mình về thì cũng phải nói lại được 1 câu chớ. Hẻm lẽ “anh chỉ biết câm nín khi nghe em khóc”. Hay khi tổ chức thực hiện 1 chương trình, 1 dự án, mình tưởng tượng ra hết những bước cần phải đi, trở ngại gì, cách khắc phục….thì việc thực hiện sẽ hoàn thành đúng tiến độ, trơn tru, ít vướng mắc. Sự tưởng tượng sẽ kết hợp với việc nhớ các sự kiện một cách logic đã có trong quá khứ. Khi gặp phải sự tương tự, mình có thể áp dụng. Vì kinh nghiệm không bao giờ được sử dụng chính xác 100% cho công việc tiếp theo, mà sẽ phát sinh nhiều yếu tố mới.
Óc tưởng tượng còn giúp mình hạc ngoại ngữ nhanh chóng, khi luôn nghĩ ra cảnh phải giao dịch, tiếp xúc….để có thể tự ngồi thực tập. Muốn thoát ra cái ao làng phải có ngoại ngữ chứ. Óc tưởng tượng còn giúp mình có một đời sống tinh thần phong phú. Đọc sách là 1 cách tưởng tượng tốt. Tốt hơn nhiều so với văn hóa nghe nhìn. Trận Xích Bích nếu mình đọc trong Tam Quốc diễn nghĩa, sẽ thấy vĩ đại hơn nhiều so với khả năng tưởng tượng và túi tiền của đạo diễn phim.
Nhưng tưởng tượng cũng phải gắn với thực tiễn nghen. Tưởng tượng xong, phải quay về với thực tế ngay, để áp dụng. Chỉ ngồi tưởng tượng và không biết mình là ai, ở miền Nam thì vào Biên Hòa, ở miền Bắc thì vào Trâu Quỳ mà hái hoa, mà bắt bướm.


Read more…