Một đề xuất của Tony

tháng 3 31, 2016 |
Sự cố sập cầu Ghềnh và thành phố đang cho người dân hiến kế trong việc nên hay không nên di dời ga Sài Gòn đi ra khỏi ngoại thành, cụ thể là dùng ga Sóng Thần là ga chính. Quan niệm riêng của Tony là nên dời.
1. Ga cũ, đường tàu cũ do Pháp thiết kế cho quy mô thành phố Sài Gòn với mức dân số cao nhất dự kiến là 2 triệu dân, hiện đã tăng gấp 4-5 lần về dân số. Đường sắt khổ nhỏ rất lạc hậu cả trăm năm. Quy mô nhà ga khá nhỏ. Một ngày, nhất là giờ cao điểm, việc nhân viên ngành đường sắt rào chắn vất vả ở các điểm giao cắt như Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng. Việc xây dựng các cầu vượt rất tốn kém và nguy hiểm vì lượng giao thông hiện nay ở các tuyến đường cắt ngang cực lớn. Xây dựng đường sắt khổ nhỏ lại lạc hậu, trong thành phố chỉ dùng đường sắt nội đô, tức hệ thống metro như các nước.
2. Ga cũ nên quy hoạch thành bến xe buýt nhanh trung tâm thành phố. Xe buýt nhanh là một phát minh vĩ đại của người Nam Mỹ để giải quyết kẹt xe. BRT viết tắt là Bus Rapid Transit, hiện đang là lựa chọn tốt nhất cho các thành phố trên 5 triệu dân. Băng Cốc, Jakarta, Quảng Châu, Bắc Kinh, Paris, Istabul, Seoul, Mumbai...đều có hệ thống này (xem list đính kèm trong phần comment).
Đường sắt cũ, chỉ cần đổ bê tông lên là có thể thành hệ thống đường BRT riêng, chỉ dành cho BRT, không cho các xe dân sinh khác, cũng như không cho người dân trổ cửa ra đường buôn bán (vẫn sử dụng hành lang và rào chắn cũ, không thay đổi hiện trạng, người dân 2 bên có lợi thế là đỡ được tiếng ồn và ô nhiễm do tàu hoả gây ra). Ở các điểm giao cắt, lắp các hệ thống đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ như thông thường là được. Các trạm lên xuống cũng đặt ở các điểm giao cắt hoặc chỗ đất rộng như công viên. Người dân các quận ngoại thành như Thủ Đức, Quận 9 hoặc Bình Dương, Biên Hoà...có thể đến ga Sóng Thần gửi xe máy xe hơi ở đó và đi xe BRT vào nội thành làm việc. Ở ga Sài Gòn cũ, bố trí các tuyến bus toả ra khu vực Bến Thành, Sân bay, Chợ Lớn, Phú Mỹ Hưng, Đầm Sen....để giảm áp lực cho buýt trung tâm Bến Thành và công viên 23/9.
Nếu đường sắt cũ mà trở thành đường giao thông thông thường, xe máy xe ô tô lại chen chúc, con đường này quá nhỏ và không có khả năng giảm tiết cho giao thông nội ô.
3. BRT là hệ thống giao thông vô cùng thuận tiện và phù hợp nhất cho các đô thị lớn ở nước ta hiện nay, sau nay phối hợp với hệ thống metro, buýt thông thường, buýt du lịch hop-on hop-off, buýt đường sông...sẽ giúp cho hệ thống công cộng thành phố phát triển.
Bất kỳ một thành phố trên 2 triệu dân, phương tiện công cộng như xe buýt phải là ưu tiên ở mức cao thứ 3 chỉ sau xe cứu hoả và cứu thương. Nếu tiếp tục để giao thông cá nhân chủ yếu như hiện nay, tp HCM 10 năm sau sẽ ra sao. Hẹn một cuộc gặp, đi xe máy xe hơi từ quận 7 lên quận 1 sẽ mất bao nhiêu giờ? Một ngày chỉ có 8h lao động, mà kẹt xe tắc đường chiếm quá nhiều thời gian ngồi trên đường thay vì ngồi ở phòng họp hay lớp học, công ty nhà máy.... Nếu phương tiện công cộng không phát triển, viễn cảnh của Manila sẽ được lặp lại. Hiện nay, người dân Manila phải đi từ 5h sáng để đi học đi làm, cho một đoạn đường chỉ 10-15 km. Sức hút và sức mạnh kinh tế của Manila đã bị thua kém so với các đô thị khác như Jakarta, Băng Cốc, Kuala Lumpur, Đài Bắc,...dù quy mô dân số, người giỏi tiếng Anh...ở đây đều ở mức cao hơn.
Tp HCM là một siêu đô thị của thế giới. Mỗi công dân thành phố đều là công dân toàn cầu, chúng ta không thể khác biệt.
Và Tp HCM là nơi Tony sinh ra, Tony thật sự yêu mến thành phố này, đất nước này. Những gì Tony đã viết, đã làm...chỉ mong muốn xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Vì là một người có gương mặt hết sức thanh tú và tính tình hào sảng dễ thương, Tony không có khả năng chỉ trích, chỉ có khả năng đóng góp và đóng góp...
Khóc.


Read more…

Chông chênh tuổi 25

tháng 3 29, 2016 |
“Chào dượng
Con là T.A, năm nay 25 tuổi, độ tuổi chông chênh nhất của đời người. Ở lứa tuổi này, người ta mới đủ trưởng thành để biết cuộc đời mình ra sao, nhưng cũng bàng hoàng nhận ra hiện tại có quá nhiều lối rẽ. Rẽ trái, phải hay đi thẳng bây giờ?
Con vốn là một học sinh chuyên Anh ở một trường cấp 3 nổi tiếng, sau đó con vào một ĐH và theo học chuyên ngành ngoại thương. Khi ra trường, con thi đậu vào một chương trình quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia. Họ cho con 2 năm rèn luyện ở mọi phòng ban, nhằm đào tạo cán bộ quản lý sau này. Họ đào tạo vô cùng tốt, nhiều bài học vô cùng hay. Các sếp đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh,...với lịch sử cơ chế thị trường hàng trăm năm, nên chiêu trò của họ cũng lắm. Người tiêu dùng một quốc gia nông nghiệp mới đi lên như nước mình, chỉ biết rơi vào vòng xoáy của các chương trình quảng cáo PR hát hò của họ. Chỉ biết dốc hầu bao để mua và mua. Lương tháng của công nhân nhà máy ở mình chỉ có 4-5 triệu chứ sẵn sàng bỏ nửa tháng lương mua mấy sản phẩm công ty con, dù không phải là hàng hoá thiết yếu.
Tình cờ con đọc sách của dượng, cuốn Trên đường băng, đầu tháng 9 năm ngoái. Có một câu dượng viết mà làm con bàng hoàng, đó là sinh viên ngoại thương tức được đào tạo xuất nhập khẩu, ra trường không làm xuất khẩu giúp người dân mình bán hàng Made in Vietnam với giá cao, mà cứ lao vô các phòng marketing các công ty nước ngoài để nhận lương tháng mấy trăm đô. Mà đúng thế thật, con học xuất nhập khẩu, cũng bill tàu, cũng thư tín dụng, cũng vận tải này nọ...nhưng quên hết. Nước mình tới 70% là nông dân, nông sản làm ra cứ đổ đống, hoặc lũ lượt chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, điệp khúc được mùa mất giá, vì đầu ra không ổn định. Suy nghĩ điều này khiến con day dứt mãi. Lớp con học xong, các bạn phần lớn đi làm tài chính ngân hàng kiểm toán, marketing, dạy tiếng Anh, đi làm sale cho các hãng tàu, còn lại đi du học lên thạc sĩ. Tụi con được đào tạo để trở thành cán bộ XNK mà sinh viên tốt nghiệp phần lớn làm trái nghề hết dượng ơi. Con thấy thật là lãng phí…
Hai năm qua, con thật sự là trải qua một công việc mà bạn bè thì mơ ước, nhưng con thì thấy thật tẻ nhạt. Hàng ngày lên văn phòng ngồi họp hành với sếp Tây sếp Tàu, các buổi uống rượu trong các khách sạn 5 sao với đối tác với hoá đơn cả chục triệu, các buổi tập huấn ở nước ngoài gọi là team building chứ thật ra là đi du lịch, xài tiền.... Nhiều lúc con nghĩ đến những cô gái chàng trai trong các công xưởng hầm hập nắng, tăng ca ngày đêm, tháng cầm 5 triệu bạc và vui mừng khôn xiết, sao con thấy chạnh lòng. Rồi con đi các tỉnh chơi, thấy bà con hái thanh long cho bò ăn, cà chua đổ đống, điều tiêu xơ xác tiêu điều, cà phê bao bao chất cao ngất...chỉ vì phụ thuộc vài thương lái bán cho các thành phố lớn và xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Một bác nông dân ở Di Linh nói với con sao mấy cô học cao hiểu rộng, tiếng Tây tiếng Tàu rành rẽ vậy mà không giúp tụi tui xuất khẩu hàng. Tụi tui là nông dân ít chữ, một nắng hai sương, cắm mặt vô đất làm ra những cái này, nhưng giờ không biết bán cho ai. Tụi tui biết là thế giới ngoài kia rộng lớn, người ta mua nhiều, nhưng không dám đi. Tiếng không biết, thủ tục không rành, quê mùa như vậy sao đi được mấy cô ơi...
Sau chuyến đi Di Linh đó, con về suy nghĩ để chọn một lối rẽ khác. Ngày con nhận được thông báo là chương trình tập sự kết thúc, được vô phòng marketing làm với mức lương cao hơn...thì cũng là ngày con thông báo xin nghỉ việc. Mấy sếp ngạc nhiên lắm, vì thấy con đủ năng lực, cống hiến trong 2 năm đó hết mình, đóng góp khá nhiều cho công ty. Các sếp chỉ cho con thấy gương thành đạt của thế hệ các anh chị các khoá trước đang làm cho các tập đoàn đa quốc gia, ai cũng có xe hơi, chung cư cao cấp, ăn mặc sành điệu...Nhưng con không thấy đam mê như vậy nữa. Con muốn xuất khẩu nông sản và giúp bà con nông dân, đồng thời tạo dựng một cơ sở vững chắc để mình nghỉ hưu khi tuổi bước qua 40. Con nghĩ đã đến bên kia con dốc của khả năng lao động, mình nên đầu tư có một mức thu nhập ổn định, chứ tóc bạc rồi mà phải vật lộn với báo cáo, giờ bấm thẻ, ăn trưa vội vã vào làm, chiều tối 9-10h giờ đêm còn ở văn phòng bàn bạc kế hoạch này kế hoạch kia, tung cái này ra tung cái kia ra, rồi đi nhậu đi nhảy với các agency (công ty quảng cáo) nói chuyện ca sĩ diễn viên...sao con thấy mệt quá. Nhường lại cho đàn em nó làm, mình chỉ tham gia quản lý, hoặc khởi nghiệp, hoặc đi dạy, hoặc nghỉ hưu, rong chơi chăm lo gia đình. 20 năm quần quật cho công ty nước ngoài, nghỉ hưu ở tuổi 44-45 là được rồi dượng ơi. Bữa nhậu đó con nói hết tâm tư của mình. Sau khi nghe con nói, ông sếp người Ấn Độ trầm ngâm không nói gì, còn ông sếp Mỹ thì nâng ly lên chúc mừng con, ổng nói đó là sự trưởng thành về tư duy của mày rồi đó. Chỉ có chị sếp người Việt, sau khi uống 1 hồi, chị bắt đầu xỉn và khóc khi con đề cập đến sứ mạng (mission) của cuộc đời. Chị nói chị từng có suy nghĩ như vậy, nhưng vòng xoáy cơm áo gạo tiền không cho phép chị dứt bỏ công việc hiện tại để theo giấc mơ. Chị còn 2 đứa con đang học trường quốc tế với mấy trăm triệu đồng/năm, còn cha mẹ già phải chăm sóc, còn mấy cái chung cư trả góp...Chị không dám khởi nghiệp vì quen với tháp ngà ở đây, giờ lăn lộn từ đầu cũng khó. Và quan trọng, chị không dám từ bỏ thu nhập ổn định hiện tại để mạo hiểm...
Thế là con nghỉ, đi phỏng vấn nhiều nơi, toàn công ty thương mại xuất khẩu nông sản. Con đậu vào một Văn phòng đại diện của nước ngoài ở quận 1, nhưng không làm. Vì làm ở văn phòng trên phố, cái mình biết chỉ là phần ngọn. Con quyết định xuống một tỉnh miền Tây làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. Ai cũng nói con khùng. Ba mẹ con cũng nghĩ con bị thần kinh nặng. Bạn trai con cũng nói con đi là ảnh bỏ, ảnh không thể rời xa Sài Gòn, ảnh nói đã bỏ quê lên đây học rồi thì có điên mới trở về quê, huống hồ gì đi tỉnh khác. Ảnh nói “có nhà lầu ở quê cũng không bằng ngồi lê ở phố”, dù ngột ngạt chen lấn nhưng mình tranh thủ, chen lấn với người ta, chờ thời. Mấy đứa ở thành phố thật ra cũng là thế hệ thứ 2, thứ 3, ông bà cha mẹ nó ngày xưa cũng lên bon chen, mình giờ cũng bon chen để cho con cái trở thành dân thành phố. Bạn trai con ảnh ra trường 3 năm rồi, lương cũng có mấy triệu, chả có tương lai gì nhưng kiên quyết không đi tỉnh khác hay ra ngoại ô, có đổi công việc cũng xoay vòng ở trung tâm quận 1 để “chờ thời”. Con thì không rõ là thời gì nên quyết tâm đi. Kệ, bỏ hết. Con biết con đường trở thành doanh nhân là con đường cô độc, mấy ai hiểu mình. Con lặng lẽ đón xe xuống dưới đó, thuê nhà gần công ty và bắt đầu một cuộc sống mới.
Hàng ngày, con đọc tài liệu hướng dẫn nông dân trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, rau củ quả…. theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu. Con tiếp các đối tác nước ngoài sang mua hàng, dắt nó đi ăn uống, hỏi cho ra lẽ quy chuẩn hàng đủ tiêu chuẩn vô siêu thị Âu Mỹ Nhật Trung Đông. Rồi con làm chứng từ xuất nhập khẩu, lên phòng thương mại xin giấy chứng nhận xuất xứ, giấy khử trùng này nọ. Con tham gia coi việc xử lý sơ chế đóng gói, đã nắm được bí mật vì sao nông sản để cả tháng trên tàu đi sang tới nước ngoài vẫn không bị chín rục hay hư hỏng…Con còn theo cả mấy anh tài xế xe container chở hàng lên cảng Sài gòn để xuất khẩu, ai cũng nhìn con ái ngại vì thân gái dặm trường mà bản lĩnh quá, người ta tưởng con phóng viên không đó dượng. Con lao vô làm thủ tục xuất, rành rẽ 6 câu chỉ trong có 3 tháng thui. Làm việc dưới tỉnh, nhiều lúc cũng buồn, cũng nhớ Sài Gòn quay quắt. Sài Gòn là nơi con học ĐH, đã quá quen thuộc với hàng cây góc phố quán cà phê và bao nhiêu bè bạn. Nhưng con suy nghĩ lại, mình ủ mưu làm một cái gì đó lớn lao, một tập đoàn xuất khẩu nông sản của riêng mình, mình phải bắt đầu từ dưới bưng biền, từ cánh đồng, từ nhà máy, từ một cô công nhân xếp loại đóng gói chứ có ai làm chủ nhà máy mà bước ra từ bàn phím và cao ốc máy lạnh bao giờ?
Con mới trở về từ một hội chợ nông sản lớn ở châu Âu. Con bận áo dài, đội nón lá, nói tiếng Anh thành thạo và vui vẻ như hình ảnh của Dượng ở London á. Con gặp ai cũng tươi cười, nói “welcome to Vietnam”. Một tuần ở bển, con không nói tiếng Việt luôn, toàn hẹn gặp khách Tây để tiếp thị. Ăn sáng cũng hẹn tiếp khách, sau đó ra gian hàng, ăn trưa cũng hẹn khách, rồi quay lại gian hàng, ăn tối hẹn 2-3 khách luôn. Con về khách sạn lúc 1h đêm, may mà thành phố lớn ở châu Âu 1h sáng cũng như 1h chiều, vẫn nhộn nhịp. Con chốt được 10 hợp đồng, mức cao nhất mà công ty con làm được xưa nay ở một kỳ hội chợ. Tự dưng, con nể mình quá cơ, sao ở đâu ra một đứa con gái vừa giỏi lại vừa xinh đệp (cái này con bị lây từ dượng, dượng cắt đoạn này kẻo con bị ném đá).
Bữa nay con rảnh, đang ngồi quán chờ khách xuống đây ăn trưa, mà khách bị kẹt xe ở cao tốc Trung Lương nên con mới có thời gian viết như vầy á. Nếu có đăng bài con lên thì dượng chỉ viết tắt tên con thôi nhé. Dặn các bạn là nếu có đọc thư này thì hãy như con, hãy xách giỏ tung tẩy ra thế giới như con, hãy giúp bà con nông dân mình bán xoài, vú sữa, thanh long để lấy đô la như con.
Và cuối thư, con xin cám ơn hai cuốn sách và cái page của dượng. Có dượng, con đã tìm đúng mission của cuộc đời mình. Có dượng, tuổi 25 của con đã không còn chông chênh".


Read more…

Để giao tiếp ai ai cũng thích

tháng 3 28, 2016 |
(Chương trình đào tạo dành riêng cho CLB con dượng)
Bài 1:
Có nhiều bạn, nói con đọc sách nhiều vô cùng, đọc báo, mạng xã hội, chuyện gì con cũng rành, sao con không thành công nhỉ. Vô làm chỗ nào 3 tháng hết thời gian thử việc thì người ta cũng nói khéo là "bạn rất giỏi nhưng không phù hợp ở đây", rồi đuổi. Bán hàng thì nói khan cả cổ người ta cũng không mua. Mở cái gì làm thì mấy tháng trôi qua, doanh số không có, buộc phải đóng cửa. Tony mới đi cà phê với bạn 1 bữa và không có ý định đi lại lần 2. Vì bạn không cho Tony nói bất cứ vấn đề gì, bạn giành nói hết, ào ào như thác đổ. Tony có liếc nhìn đồng hồ mấy lần nhưng bạn không quan tâm, đến nước này thì Tony phải nói rõ là "thui dượng về, thẩu thẩng quay thung rồi". Người không có óc tinh tế thì giao tiếp cầm chắc thất bại, mà chơi với họ cũng mệt, làm ăn với họ thì tuyệt đối tránh xa, vì họ phá nhiều hơn là đóng góp.
Chơi với người tinh tế rất thích, vì nó đồng nghĩa chơi với người thông minh và nhạy cảm. Người tinh tế luôn thấy được các điều li ti nhỏ xíu trong người khác, trong mọi sự việc. Óc tinh tế, phần lớn là do bẩm sinh, cứ sinh ra tự nhiên nó thông minh tinh tế. Một đứa trẻ mầm non có gương mặt sáng bừng, biết quan sát đám đông để phản ứng sao cho phù hợp, ví dụ nó biết nhịn, không da-bian ( ta ben tiếng Trung Quốc là ị ) lúc cha mẹ đang ăn cơm là 1 đứa trẻ tinh tế. Tinh tế, nôm na là đi guốc trong bụng. Mày nghĩ gì, tao đều biết hết. Rút lui khi thấy dấu hiệu cần phải rút. Tiến tới, quẹo trái quẹo phải lúc được bật đèn xanh.
Nhưng vấn đề quan trọng là, óc tinh tế có đào tạo được không. Câu trả lời là được. Vì sao phải đào tạo sự tinh tế cho mỗi đứa trẻ? Bởi vì vì tương lai của nó. Dù là kỹ sư hay bác sĩ, giáo viên hay công nhân, giao tiếp vẫn là chìa khoá để thành đạt. Ví dụ như là công nhân, nếu có sự quan sát,hướng dẫn người khác làm theo, đọc được ý nghĩ của lãnh đạo….thì khả năng làm nhóm trưởng, phân đội trưởng hay quản đốc nhà máy rất cao. Không ai đề bạt cái đứa lù đù, ăn trên ngồi trước, không dòm không ngó…Tầm nhìn chỉ thấy có mỗi dĩa thịt heo trước mặt thì thua.
Người làm kinh tế thì càng phải được chú trọng rèn luyện kỹ năng này. Giao tiếp trong kinh doanh rất nhiều, óc tinh tế sẽ giúp họ luôn đạt được điều họ muốn. Và muốn tinh tế, người ta tổng kết phải có hai điều: yêu người, và tập trung khi nói chuyện.
1. Yêu người.
Nhân ái, nhân là người, ái là yêu. Lòng nhân ái chính là lòng thương người, thế thôi. Nếu nhìn người đối diện với ánh mắt thờ ơ, vô hồn, nhìn Tony thanh tú như vậy mà cứ như đang nhìn cái vỉa hè, thì thôi, không đào tạo được. Chỉ khi ta yêu người 1 cách thật lòng và tự nhiên, nhìn ai ta cũng tìm cái hay cái đẹp của người đó, thì mới tinh tế được.
Người kém tinh tế chơi rất chán, vì phải nói huỵch toẹt ra thì họ mới hiểu. Yêu cầu mới làm. Là dạng người vô tâm và kém cỏi trong giao tiếp. Sống cùng hay làm việc cùng với họ, mình rất mệt vì cảm giác họ hơi ngu ngu. Đặc trưng của nhóm này là không có óc quan sát, cứ làm theo ý mình, không nghĩ về người khác. Người ta nói khéo, nhắc khéo, có một số cử chỉ ám chỉ này nọ…họ nhìn trơ trơ như mắt cua, thường hay nói “phải nói tui mới biết chớ….”, hay ” nói ngứa đi, tui gãi cho”. Trời ơi, dân châu Á mà, ngượng thấy mồ, ít ai dám nói mình ngựa quá….nhưng rất mong được gãi.
Ví dụ: một người đến thăm mình, trời thì nắng nóng, môi miệng cháy khát. Mình nhào vô nói chuyện 3 tiếng đồng hồ liền, quên rót ly nước cho họ là thiếu tinh tế.
Một ví dụ khác, đi chung với 1 nhóm người, mình mải nói chuyện riêng với 1-2 người, số còn lại không tham gia được vì không biết đề tài đó, có vẻ không hào hứng câu chuyện đó, mình vẫn cứ thao thao nói là người kém tinh tế.
Một đứa trẻ muốn ăn nhưng không dám, mình nhìn ánh mắt của nó và nhận ra ngay. Mình thương nó và nhường cho nó ăn. Chứ hẻm phải ngồi ăn ngon lành, nhai kêu cót két, nước bọt phun ra 2 khoé miệng, nhả xương đầy bàn, kệ ai thèm thì mặc. Nhìn cái miệng nó nhai mà muốn vả 1 cái cho gãy răng.
Trong bàn tiệc, mình thấy khách có vẻ ăn ít, thì có thể món ăn không phù hợp, nên gọi thêm món khác. Hay họ chưa có chén đũa muỗng, mình gọi phục vụ mang ra, hay thấy họ chưa có chỗ ngồi, mình đứng lên nhường. Chứ hẻm phải nhào vô là ăn lấy ăn để, lấy đũa bơi móc lựa miếng ngon ăn, miếng dở chừa lại. Ăn xong lấy móng tay xỉa miếng thịt dính trong kẽ răng ra, thấy ngon bỏ lại vào mồm. Vừa ngậm tăm vừa nói chuyện. Có phụ nữ trẻ con mà hút thuốc phà phà. Hay có bạn hay lấy ngón út móc ráy tai ( cứt ráy) ra, rùi đưa lên mũi ngửi. Rùi nhăn mặt…nói sao hẻm thơm.
Người kém tinh tế còn thể hiện việc hay khoe ở chỗ không phù hợp. Lạc lõng và kệch cỡm. Giữa khu nhà lụp xụp, quất lên 1 cái biệt thự 12 tỷ. Giữa khu công nhân ở trọ, quất luôn 1 con chó ngao, ngày ăn 1 ký thịt bò Úc. Giữa lúc bà con nông dân miền Tây đang thu hoạch đồng áng, đang cắt lúa gánh lúa nắng nóng mệt thấy bà, nàng ở Sài Gòn về chơi, mặc váy hồng cánh sen- áo 2 dây màu xanh đọt chuối, mang guốc cao gót, qua cầu dừa vừa đi vừa nhún, tay cầm theo cái dù màu tím hoa cà. Nhìn muốn xô xuống ao cá vồ.
Nhiều người vào nơi công cộng mà nói to như chốn không người. Hôm bữa dượng ngồi cà phê làm việc, 3 cô bên cạnh kể chuyện tình yêu, gào thét như đấm vào tai. Mọi người nhìn khó chịu, một số chuyển bàn, một số tính tiền rồi lật đật đi…nhưng 3 cô vẫn thao thao bất tuyệt. Dượng mới qua nói 3 bạn ơi, vui lòng điều chỉnh âm lượng cho vừa đủ nghe thôi, nãy giờ chuyện tình tay ba giữa cô Tuyết và thằng Bình thằng Hân tôi nghe mồn một hết. Rồi chuyện quần dây áo nhợ của mấy cô size nào, khách ở đây cũng rành. Dượng góp ý dễ thương vậy mà 3 cô đó nói gọi điện cho xã hội đen chạy tới quánh dượng…Là sao? Why?.
2. Tập trung khi nói chuyện:
Thứ 2, muốn có sự tinh tế, phải tập trung khi nói chuyện . Nói chuyện với ai thì chú tâm vào NGƯỜI nói chuyện và CÂU CHUYỆN đang nói. Đừng vừa nói chuyện vừa nhìn đồng hồ, vừa nói chuyện vừa tính toán ngày mai đi chợ mua gì…
Chú tâm vào nghe. Nghe là 80% của sự giao tiếp. Nghe với trái tim, nghe với ước muốn được chia sẻ và đồng cảm, nghe với tư cách của một người hỗ trợ. Đặt mình vào hoàn cảnh của người nói, thấu hiểu hoàn toàn họ. Nghe mà như nuốt từng lời.
Nhìn người đối diện. Nhìn là 10% của giao tiếp. Nhìn thẳng vào, ánh mắt dịu dàng ấm áp, không phải nhìn trừng trừng như ăn tươi nuốt sống người ta. Cũng đừng nhìn lên trần nhà, nhìn xuống gầm bàn…Đừng nói chuyện mà mắt cứ nhìn ra đường, hay liếc lên màn ảnh tivi. Nhìn người đang nói sẽ giúp nghe rõ hơn và đúng hơn. Nhìn chính là nghe ngôn ngữ thân thể, đọc các cử chỉ tế nhị của cơ thể người ta, rồi phân tích và xử lý.
Và nói chính là 10% còn lại của giao tiếp. Lúc nói, làm ơn nói cho rõ ràng. Mình chưa nói hay được thì tập nói đúng trước. Nói rõ, gãy gọn, diễn dạt dễ hiểu một vấn đề, vì mục đích của nói là cho người ta biết ý trong đầu mình, đừng để cho người ta thấy trong đầu mình là một mớ các ý kiến bùng nhùng, nên nói năng ra nó mới lộn xộn thế. Nói chưa hay thì chỉ nên nói rõ ràng theo các ý, ý 1 là, ý 2 là, túm lại là…., đừng bắt chước vòng vo kiểu MC trên tivi. Mình nên lựa những lời tích cực, đồng cảm, cám ơn, khen ngợi…. Dùng chức năng nói giảm nói tránh với các vấn đề tế nhị, chẳng hạn như hôi nách, giữa chốn công cộng đông người mà móc cứt mũi, vân vê nặn mụn, ngậm tăm xỉa răng, rút chân ra khỏi giày, hút thuốc miệng mồm thúi quắc mà không nhai kẹo cao su …thì đừng nói thẳng kiểu dượng nói lúc nãy, họ nổi điên lên là họ quánh mình chết.
Tuy nhiên là ngoại trừ thể loại kém tinh tế quá, phải quát thẳng mới hiểu. Kiểu như ở Trung Quốc, ngay cả những khách sạn lớn hay sân bay, đi vệ sinh công cộng là một cực hình cho những người văn minh. Đàn ông con trai Trung Quốc không được hướng dẫn xiao-bian ( xèo ben là đái) phải ngay vào bồn cầu, nên cứ bắn toè loe ra ngoài, vàng cả thành bồn, ướt cả sàn, mùi hôi thối nồng nặc. Nên người Trung Quốc thấy xấu hổ với bạn bè quốc tế sau Olympic Bắc Kinh, mới dán trên toilet những câu đại loại như ” một bước gần tới bồn cầu- một bước tới văn minh” hay ” bạn hãy đứng sát vào, cái đó của bạn không dài như bạn nghĩ..” nhưng hẻm có hiệu quả. Dơ dáy vẫn hoàn dơ dáy vì thể loại này không được gia đình giáo dục từ nhỏ, nên chẳng để ý để tứ gì. Thế là bây giờ người ta sửa lại, ghi rõ luôn ” hãy tiểu thẳng vào bồn, đừng làm ướt sàn, đừng vứt thuốc lá vào, không được khạc nhổ nơi đây, không được rút chân ra khỏi giày trên xe buýt, máy bay, hay chốn công cộng, yêu cầu nói khẽ cười duyên..” vì tinh tế không nổi nữa. Và ghi rõ hình phạt luôn.
Túm lại, yêu người và tập trung khi nói chuyện, mình sẽ thành người tinh tế.
Và tinh tế là lợi thế số một trong giao tiếp và ngoại giao. Mình cứ tập đi, rồi sẽ có.
Nếu rèn luyện óc tinh tế không xong, thì rèn luyện óc tinh tướng cũng được.


Read more…

Đô thị hiện đại

tháng 3 28, 2016 |
Ở Tp HCM, chỉ có khu vực đường Lê Duẩn trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ là không bị tình trạng xe máy leo lên lề, người đi bộ ở đây thong dong cầm túi xách, nghe ĐT mà không sợ bị giật. Vì đơn giản có một hệ thống các trụ chặn bảo vệ vỉa hè (xem hình).
Trụ chặn này vô cùng vô cùng phổ biến ở đô thị các nước. Khoảng cách các trụ khoảng 30cm để xe gắn máy không thể len lỏi vào. Trụ bố trí ở 2 đầu vìa hè và dọc theo đường xe chạy, để tránh xe lạc tay lái leo lên lề, một nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra.
Các khu vực như trường học, bệnh viện nhi đồng có lượng học sinh đi lại đông, người ta còn làm cả rào chắn kiên cố cao cả mét. Có khu vực người ta còn lắp mái kính để chắn mưa.
Người đi bộ và đi phương tiện công cộng là đối tượng ƯU TIÊN NHẤT của một đô thị. Đường sát vỉa hè luôn là đường dành riêng cho xe buýt, sơn màu khác và có dòng chữ Bus Only (xem hình).
Phương tiện cá nhân chỉ dành cho người có rất nhiều tiền và vô cùng bất tiện, giao thông đô thị phải hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách luôn gây khó dễ ở mức cao nhất cho người ta nản, ví dụ tiền lưu thông vào nội đô, chi phí đậu xe cao ngất 3-5 USD/h, phải đỗ xe hơi xe máy ở một điểm tập trung rồi đi bộ lại, các parking lot này cách nhau 1-2km có một bãi đỗ. Đô thị nào có trên 2 triệu dân cũng thế cả, đỗ xe ở New York, Seoul, Băng Cốc, Manila hay thậm chí Rangon cũng thế. Tiền này lấy bù vào tiền vé xe buýt, tàu điện, chăm sóc vỉa hè, cây xanh....Ai muốn tự do thoải mái cá nhân thì phải bỏ tiền ra.
Mọi công viên trong nội đô đều được cải tạo phía dưới có 2-3 tầng hầm làm bãi đậu xe, trên vẫn là cây xanh bóng mát.
P/S: Không thành phố nào có chi phí đậu xe hơi rẻ như Sài Gòn, đậu trước khách sạn New World (công viên 23/9) chỗ vạch thu phí mỗi lần chỉ có 5000 đồng, tội gì chả đậu cả ngày cho sướng. Xe máy thì vô cùng thoải mái, uống quán cà phê nào thì đậu xe trước quán, có người coi giùm. Xe máy đậu kín mít vỉa hè, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường. Trong khi vỉa hè, là nơi dành cho người đi bộ, không phải parking lot. Sân trường cũng vậy, là nơi vui chơi của học sinh sinh viên lúc tan học, không phải là bãi giữ xe.
Các trường học trong nội đô ở Băng Cốc, Jakarta, Manila, Quảng Châu...ở bậc tiểu học, trung học, nhà trường phải bố trí xe buýt đưa đón học sinh. Từng địa bàn sẽ bố trí một chỗ đưa/đón, thường là UBND phường hoặc nhà văn hóa hoặc công viên,, chung cư hoặc chỗ nào đó rộng rãi. Phụ huynh có thể đến đó đón về, hoặc ký với nhà trường đón/trả con về tận nhà (sở làm) với chi phí cao hơn.
Đô thị hiện đại phải rất khác một thị trấn hay thành phố nhỏ ít dân ngày xưa. Khác về tư duy quản lý lẫn tư duy của mỗi cư dân đô thị.


Read more…

Đừng như anh ấy

tháng 3 25, 2016 |
Con người vốn sở hữu sự ích kỷ bẩm sinh, thường ghét những người hơn mình, đặc biệt là những đứa trẻ. Nhưng khi được giáo dục về lòng bác ái, đứa bé ấy sẽ dần dần nhận thức. Đứa bé ấy sẽ biết mình là ai, từ đó yêu thương mọi người xung quanh, dù là họ nghèo khổ xấu xí hay giàu có đẹp đẽ. Vì mỗi người là duy nhất, có những giá trị riêng. Mình thấy họ vậy nhưng không phải vậy, và ngược lại. Còn dù lớn tuổi hay học vấn cao thế nào, nếu lòng ganh tỵ vẫn còn, thì nhận thức vẫn hãy còn là trẻ con lắm.
Đọc Tam quốc diễn nghĩa, ai cũng biết đến nhân vật rất soái ca, vô cùng đệp choai là Chu Du. Theo truyện, Chu Du vì ghen tỵ với tài năng của Khổng Minh mà hộc máu chết ( theo truyện của tiểu thuyết gia La Quán Trung, không phải lịch sử). Đó là cái chết vì đố kỵ, mang đậm màu sắc của văn hoá Trung Hoa. Các nước lân bang chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa như Hàn, Nhật cũng bị. Bên kia sông Hàn có người đỗ tiến sĩ, ngày vinh quy bái tổ, thay vì chèo thuyền qua sông chung vui, nhiều ụ-pa bên này ngồi chửi đổng, điên tiết vì không biết vì sao nó giỏi thế. Rồi tự an ủi AQ, rằng nó may mắn chứ chả hay ho gì, chắc có ai đó nâng đỡ. Tóc xoã vai gầy, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong nó thất bại hay bị tai nạn bệnh tật ốm đau mà chết quách để hả lòng hả dạ.
Tony thích văn hoá Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cambuchia, miền Tây Nam Bộ,..., kiểu văn hoá vui vẻ, hào sảng, phóng khoáng, bao dung và thiệt tình. Chẳng hạn như vùng Cà Mau hay Đồng Tháp, trong làng ai có gì vui như đỗ đạt, trúng số, trúng lúa, thăng chức…thì hầu như cả làng bưng đồ đến, đổ bánh xèo, uống gụ, chung vui mừng rỡ một cách thật lòng. Tỷ lệ người nhiễm virus Chu Du cũng không phải là không có, nhưng ít hơn, do xung quanh mọi người ít để ý và so sánh hơn thua. Vì là vùng đất mới nên người ta phải đùm bọc nhau trong những ngày gian khó đi mở cõi, đau thật với nỗi đau bà con chòm xóm, vui thật với niềm vui của người khác, hằn trong suy nghĩ qua nhiều thế hệ, trở thành nét hào sảng phương nam vô cùng thú vị. Bạn cấp 3 của Tony ở Cái Răng, ngày coi kết quả thi ĐH, dù thi đỗ hay thi rớt gì đều cười ha hả, nói tụi tao rớt rùi, năm sau thi lại. Mày thi đậu rồi, móc bóp đưa tiền nói mày đi học mạnh giỏi, năm sau tao đậu tao lên thành phố hạc với mày, không thì thôi ở nhà làm "guộng", he he. Nhìn tụi nó thiệt dễ thương, muốn hun cái chóc.
Tony có chơi chung với nhiều nhóm bạn thời ĐH, trong đó có 1 nhóm "hạc giỏi". Thời sinh viên, nhiều lúc Tony đói xanh mặt, qua nhà trọ của bạn mượn tiền, bạn chỉ có 20 ngàn, bạn chia cho một nửa. Ra trường, nhóm bạn này bắt đầu chia rẽ, vì có ai đó khó chịu khi đứa khác tìm được việc làm ngon hơn. Rùi rạn nứt khi bạn cùng nhà trọ mua nhà ở thành phố. Sự bực bội dâng đến đỉnh cao. Trong nhóm có ai vừa mua nhà, mời đi tân gia là không đi, hay đi cũng qua nói vài câu xỉa xói móc méo. Ngồi lầm bầm, kiểu mẹ tức muốn chết, mình vẫn còn nhà trọ mà nó đã chung cư cao cấp. Rùi nhóm này chấm dứt quan hệ, không rõ tại sao.
Khi facebook ra đời, âm thầm theo dõi ngày đêm. Thấy anh bạn post tấm hình nhà mới, 2 đêm mất ngủ, ra sân đá thúng đụng nia, quánh mèo quánh chó, khiến chó mèo tàn tật hết trơn. Thấy cô bạn post status đi Mỹ du lịch với chồng, nói cái con nhỏ này ăn gì mà may mắn thế, mất ngủ 3 đêm. Coi nó cầu duyên ở chùa nào thì lao tới cầu cho được. Tất cả stt đều không bấm like, chỉ đọc. Rồi một ngày anh bạn post status mất việc, thì lòng vui mừng khôn xiết, lấy bia ra uống, lần đầu tiên bấm like. Rồi thấy cô bạn post status ly hôn, ôi trong lòng vui sướng biết bao, cho chừa, cái tội hôm bữa khoe đi Mỹ với chồng nha mậy, nhảy vô comment, ghi đại loại như ” sao vậy bạn ơi, có cần gì thì mình giúp” mà trong lòng thì ngược lại, hả hê, vui sướng, vừa tắm vừa hát vang. Đi nhậu lúc ngà ngà say, nghe bạn nói ” tôi vái ông bà cho ông bầu A rớt máy bay chết cho rồi, nhìn ông ấy sở hữu chiếc máy bay riêng mà ngứa mắt. Còn ông tỷ phú B, ông đó mà phá sản, tôi mở tiệc ăn mừng”, tâm lý ghét nhà giàu không rõ tại sao. Phụ nữ thành đạt nào cũng bị gán câu ” ôi cái con đó tài năng gì, nó cặp với ông này ông kia mới được như vậy”. Lúc này, sự đố kỵ không còn bình thường nữa, nó đồng nghĩa với cái ác, cái vô lương và nếu bạn gặp những người như vậy, không đáng giao du, kết bạn. Nhiều người, dù có hạc có hành, có chức vụ, học vị học hàm, có tiền có bạc, có vợ đẹp con khôn, vẫn mang cái văn hoá Chu Du ấy trên người, tự mình làm khổ mình ghê gớm chỉ vì BỆNH SO SÁNH HƠN THUA. Mình không chọn được nơi sinh ra, không tránh được văn hoá địa phương ảnh hưởng, nhưng mình hoàn toàn có thể nhận ra và từ bỏ văn hoá cũ và không văn minh.
Tony có anh bạn, tên X. Rất thân vì lúc cơ hàn, cần gì cũng giúp. Nhưng tính ganh đua cũng lớn. Không phủ nhận tính ganh đua cũng có mặt tích cực, đó là việc giúp mình có động lực để không thua kém bạn bè. Việc thấy Tony nói 2 ngoại ngữ lưu loát khiến anh lao vào học như điên, 5h sáng đã ngồi dậy học từ mới, tối nào cũng đến 2 trung tâm để luyện, thậm chí mời cả giáo viên tiếng Hoa tới nhà để dạy, nên anh cũng nói được ngoại ngữ khá tốt. Ganh đua, thi đua thì tốt vì nó còn là tích cực, tuy nhiên nhiều người không kiểm soát được và từ thi đua trở thành đố kỵ, ganh ghét.
Đó là lần cô giáo yêu cầu đọc cuốn “Tư Duy Lại Tương Lai” và nộp bài cảm nghĩ, Tony lùng nhà sách hẻm có, mới qua nhà anh mượn. Anh trả lời, gì chứ sách tuyệt đối không cho mượn, Tony nói vậy bạn đi chung với tôi, tôi ra tiệm photocopy sao chụp 1 bản chỉ mất 15 phút thôi, bạn nhé, giúp tôi đi. Nhưng X nói không là không, khiến Tony không nộp được bài, nhưng cũng tốt nghiệp được. Năm 2006, qua thấy Tony mua ô tô đi lại, anh về nhà vô phòng, bật đèn, tóc xoã rũ rượi, không ăn không uống không nói không cười mấy hôm liền dù anh cũng có. Nếu không biết dừng lại, tính ganh đua sẽ trở thành tính đố kỵ, rất uổng phí một đời người vì không làm được nghiệp lớn.
Nên nếu có chơi với thể loại này, phải giấu mọi thứ mình có như mèo giấu ” hàng hoá Tony đang kinh doanh”, vì nếu để họ thấy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, nặng thì hộc máu chết như Chu tiên sinh ấy chứ chẳng phải đùa, mình sẽ mang tội. Bạn Nam nói, 2 vợ chồng nó nghe nói bạn X tới nhà là phát hoảng. Vì X tới, sẽ đảo mắt nhìn quanh, hỏi thăm, nếu thấy nhà Nam có mua sắm cái gì mới, X về giận, phát bệnh. Nên vợ chồng nó dọn dẹp bắt mệt. Phải gửi xe hơi đi chỗ khác, giấu cái tivi xịn vào phòng, quần áo pyjama bóng loáng phải cất, phải lập tức mặc áo cụt quần què vào, gia nhân giúp việc phải lập tức ra khỏi nhà, đi lánh mặt, núp ngoài bờ rào biệt thự. Thằng Nam phải lập tức nhảy xuống lau nhà, con vợ phải ngồi nhặt rau, vú móm lòng thòng, tóc rối bù, vợ chồng giả bộ chì chiết nhau chuyện tiền bạc nhưng phải vài đồng bạc lẻ. Con cái nó ngưng ngay việc tập đàn piano, phải lao ra sân vọc đất vọc cát, mũi miệng phải lem nhem. Đang ăn tôm cua thì phải cất ngay, lôi rau muống nước mắm ra. Gương mặt phải teo tóp hốc hác, không được phúng phính trắng hồng, X nó không thích, nó giận.
Cũng mấy lần đi nhậu, bạn nhậu nói mày biết doanh nhân thành đạt ABC không, nó dở ẹt à, lúc hạc chung với tao, rớt lên trượt xuống, ngu lắm mày ạ. Chuyện quá khứ là quá khứ. Lúc nhỏ người ta có thể hạc kém, nhưng sau này, cả quá trình tự đào tạo của họ, mình đâu có biết. Để có được số tiền đó, người ta đã phải thức khuya dậy sớm thế nào, bạc tóc tính toán ra sao, chết bao nhiêu nơ ron thần kinh …và sẵn sàng chịu n cái rủi ro. Để có được giải thưởng nào đó, người ta đã phải hy sinh những thú vui cá nhân, đã phải dùi mài kinh sử tập luyện quần quật thế nào, mình đâu có biết. Chỉ thấy thành quả và thay vì mình cũng cố gắng đạt được, lại sinh ra lòng ghen ghét, một cách rất Chu Du.
Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời, có những con người, tạo hoá cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn châu Á ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai, nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng càng ngày càng bảo thủ, ráng moi móc chê bai nhau cho được. Vì vậy, khi đồng nghiệp được quốc tế công nhận, họ gần như hoá điên. Phần lớn nhà văn Trung Quốc cho rằng Mạc Ngôn bỏ tiền ra mua giải Nobel, cô lập ông sau khi ông nhận giải. Các nhà văn trẻ TQ còn thành lập hiệp hội anti- Mạc Ngôn, hoạt động ì xèo, gửi đơn thưa kiện, chưa có tiền lệ trong lịch sử Nobel văn hạc, khiến tụi Tây ngạc nhiên vô cùng. Ở Hàn Quốc cũng vậy, cứ tác giả nào có 1 cuốn sách best seller và lập tức xuất hiện 1 nhóm người anti, kiện tụng khí thế. Trí tuệ thay vì đi làm cái gì đó hay ho cho đời, lại suốt ngày đả phá người khác, thiệt uổng. Ở Nhật, Hàn, Trung, ngày bạn đồng môn nhận giải quốc tế quốc gia, thì cũng là ngày bệnh viện tâm thần nhận cả chục bệnh nhân vào khám, cũng toàn các bạn cùng lớp chuyên lớp chọn. Thi đua, so kè từng điểm số lúc học, và khi thấy mình thua thì tức tối mà sinh ra tâm bệnh, ngồi bứt tóc móc mắt, xé quần xé áo trong thật thảm thương.
Hôm bữa họp lớp, có mặt anh bạn X. Anh lại xách mé, nghe nói Tony dạo này đi nước ngoài như đi chợ ấy nhỉ. Tony chỉnh ngay, cái này là không đúng. Anh vui mừng lắm, nói thế không có tiền đi đâu à, làm ăn không được à, sắp phá sản rồi à, nói thật đi để bạn bè lo cho. Mọi người há hốc mồm nhìn. Tony mới từ từ giải thích. Năm vừa rồi, Tony đi nước ngoài 20 lần, trong khi đi chợ có 1 lần, so sánh vậy là khập khiễng. Cái anh hỏi, ủa vậy giờ phải nói sao, Tony nói là lần sau phải nói ” dạo này Tony đi nước ngoài như đi siêu thị ấy nhỉ”.
Vì Tony, dạo này hay đi siêu thuỵ...


Read more…

Chuyện Tony ở Harvard

tháng 3 21, 2016 |
Nhiều người phát âm chữ Harvard là Ha Vớt, Tony nghe không có hài lòng. Nên đọc là Há Vợt nhé, vì chữ “vợt” nghe nó có tính chất thể thao kiểu “quần vợt”, còn “vớt” nghe như đậu vớt, vớt vát, trục vớt, không hay. Vậy nên ngoài biệt danh Tony Tèo, có thể gọi tác giả là Tony Há Vợt, nghe cường tráng một chút.
Chuyện bắt đầu từ năm 2007, giáo sư J.Q, hiệu phó phụ trách hành chính trường Kinh doanh Harvard (HBS – Harvard Business School) có đến Việt Nam du lịch. Ông tỏ ra thích thú với Nha Trang một cách đặc biệt (chắc giống Yersin, vĩ nhân hay thích Nha Trang). Tony cũng có đi tắm bể hôm ấy. Thấy Tây đang bơi thì bu lại rèn luyện tiếng Anh chung với một nhóm các bạn nhỏ. Tại nước, lặn, cút, đắp lâu đài cát, búng tay tôm tép với ông một hồi mới biết đó là giáo sư J.Q. Bon chen cuối cùng Tony cũng có một cái danh thiếp của ổng. Thế rồi quên béng mất, lúc đó ở Việt Nam đang sốt mọi thứ, từ đất đến vàng, chứng khoán, làm gì cũng có tiền. Vung tiền ôm hết, ngủ một đêm dậy, giá đã tăng gấp đôi, Tony trở nên hết sức giàu có. Nghĩ mình đã bước một chân vào giới thượng lưu, chuẩn bị mua siêu xe dzớt hoa hậu chân dài. Đâu được hơn năm, bong bóng nhà đất, chứng khoán gì cũng bị xẹp, Tony bị vứt chỏng chơ ra ngoài xã hội, nghèo khổ, rách rưới, tuy gương mặt hãy vẫn còn thanh tú. Bất chấp suy thoái hay khủng hoảng, gương mặt anh ấy vẫn đẹp một cách rạng rỡ. Biệt thự, siêu xe dần bán hết, Tony dọn đến ở trong một cái nhà trọ cũ kỹ, vài tháng sau cũng bị bà chủ vứt đồ ra đường, đuổi đi vì nợ tiền nhà. Trong đống đồ vứt đó, rơi ra cái danh thiếp của Giáo sư J.Q.
Một đêm mưa buồn lạnh lẽo, Tony bèn chong đèn lấy Ipad gửi i-meo (email) cho ổng, nói giờ con rảnh quá hà, con muốn đi hạc. Thiệt bất ngờ, đâu mấy phút sau ổng trả lời, nói ừa, tao nhớ mày rồi, hôm bữa trong đám nhóc bơi lội ở ngoài bể, mày nói tiếng Anh khá nhất, nên thôi qua hạc đi. Cái mình nói con đâu có tiền đâu thầy. Ông nói thôi qua hạc miễn phí đi, tiền bạc gì, mày khách sáo quá. Cái mình cám ơn thầy rồi xách vali qua đó.
Khi vác mặt qua bển, thì mới thấy ủa trường này cũng đẹp và nổi tiếng quá ta. Nên Tony chụp hình khí thế. Tỷ lệ chấp nhận vô trường HBS là cao nhứt trong hệ thống các trường Há Vợt, khoảng 14%. Bên Y khoa hay Luật khó vô hơn. Các danh nhân từ cổ chí kim có nhiều, như ông cựu tổng thống Bush, Obama, hay ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bây giờ, ông Ban Ki Moon. Bảng vàng rồi đây sẽ có Tony Tèo, biết đâu được. Mình có hỏi ủa sao nhận tui vô rồi cấp học bổng tàn phần cho tui vậy, ngoài ngoại hình ra, tui có gì khác xuất sắc chăng? Mấy cô phòng đào tạo nói ai biết, thấy có thư thầy Hiệu phó nói nhận mày vô đi, tao tưởng mày là bạn của Bạc Qua Qua hay con ông tổng thống cái đảo quốc nào đó chớ. Cuối cùng thì mới biết là một ngày có hàng ngàn thư gửi sang xin học, nhưng toàn phòng đào tạo hay bộ phận tuyển sinh, chỉ có mỗi mình là gửi cho Hiệu phó. Ổng rảnh quá, đọc thư xong trả lời luôn. Trong thư, thầy nói mày viết sai chính tả hết trơn nhưng tao đoán ý thì hiểu. Viết dễ thương lắm Tony à. Không biết mày ăn gì mà viết dễ thương quá.
Lúc mới qua, cô bé làm phòng giáo vụ hỏi anh muốn hạc cái chi hè? Mình nói đâu đưa menu cho anh lựa chọn. Lựa tới lựa lui một hồi mới chọn được chương trình chuyên tu tại chức văn bằng hai. Nói sẵn tiện cho anh đăng ký liên thông Tiến sĩ luôn nha, vì anh đang làm cái Tiến sĩ ở quê nhà nhưng hèm nổi vì mấy thầy bên đó đang cãi nhau, bữa bắt định lượng, bữa bắt định tính. “Làm sao có thể tốt cho cả hai?”, chỉ có Ưng Hoàng Phúc mới trả lời được.
Lúc vào lớp ở HBS, mình chẳng biết nói gì chỉ cười. Vì nghe có hiểu gì đâu. Lâu lâu đứng lên phát biểu một cái là cả lớp cười bò. Rồi bắt đầu mọi người hâm mộ, nói ủa mày dân châu Á sao ăn nói sáng tạo quá vậy, tao thấy tụi châu Á đứa nào cũng rất là máy móc rập khuôn (stereotype), giáo dục thuộc lòng mà sao đào đâu ra đứa soáng tộ quá vậy nè? Thầy cô cũng bắt đầu hâm mộ, nói thằng này nói chuyện vui và dễ thương quá. Tony nói, tôi phát âm tiếng Anh theo một trường phái riêng, và có sở thích hay nuốt chữ (swallow words), nên các bạn phải tập trung hết sức để nghe, tôi không nói lại hai lần như thi Tóp Phô (TOEFL) đâu.
Rồi Tony cũng hay dọa nghỉ hạc. Ngày nào cũng mang kẹo dừa xuống phòng hành chính, ép ăn rồi chọc ghẹo mấy chị, mấy cô làm ở đấy, nói bóng gió xa xôi chuyện nghỉ hạc để trở thành tỷ phú, giống Bill Gate và Mark Zuckerberg, cũng là cựu sinh viên của Há Vợt nhưng hẻm có tốt nghiệp được. Nên mấy thầy sợ hãi, bữa nào vào lớp cũng lụm cụm đi điểm danh (mấy thầy trường HBS thường già lắm), cứ thấy Tony ngồi một góc giảng đường và đang giũa móng tay, thì mới yên tâm giảng dạy. Mấy thầy nói, nếu cho mày nghỉ, thế giới có thể có thêm một tỷ phú nữa, nhưng HBS hết vui. Các bạn người Ecuador hay Chile gì đó cũng nói nếu Tony nghỉ thì họ cũng bỏ về nước. Cái thôi, mình hạc tiếp. Mình hay vì mọi người. Bữa nay thầy Michael Porter nói mới biết, cả trường xưa nay có hàng ngàn sinh viên bỏ hạc, nhưng chỉ có hai tỷ phú thôi, còn nhiêu đi móc bọc nylon hết rầu.
Chu cha, vậy thôi, hạc hạc hạc!


Read more…

Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm

tháng 3 20, 2016 |
(truyện ngôn tình kiểu Tony)
1. Những năm 80, chị Quyên là sinh viên ĐH Tổng hợp, còn anh Nam là sinh viên ĐH xây dựng. Chị Quyên hát rất hay, còn anh Nam thì là một tay ghi-ta cực giỏi. Anh chị quen nhau khi tập văn nghệ của hội sinh viên Tp Hà Nội. Bài hát nổi đình nổi đám lúc đó là bài "Đất nước tình yêu" được anh chị bẻo dèn (biểu diễn) rất thành công.
“Khi anh nói, yêu em
Vườn cây, đầy hoa trái
Khi anh nắm tay em
Mây giăng giăng bay
Chỉ còn ánh trăng ngà.
Và khi chúng ta yêu nhau
Chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm…”
Tác giả ca khúc này là cô giáo Lệ Giang, dù là một “tay ngang” nhưng sáng tác của cô khá đặc biệt, vì nói như người xưa là “nhạc trung hữu thi hữu họa” (trong nhạc có thơ có tranh), chạm đến trái tim người nghe. Rất là hay (xong phần văn phân tích, em chỉ ngắn gọn vậy thôi, cho mấy điểm cũng được tùy cô).
Khi tốt nghiệp, chị Quyên vào miền Tây công tác, còn anh Nam thì về quê lúa Thái Bình tiếp tục "bên luỹ tre xanh xây nhiều công trình". Chị Quyên kể, lúc đó 2 anh chị suy nghĩ nhiều lắm. Chia xa, lòng người ai biết được, theo thói quen, người ta sẽ cố giữ vì nghĩ giữ thì mới được. Nhưng anh chị vẫn tin nhau, nếu tình yêu đủ lớn, thì phải giúp nhau sống đúng với đam mê của mình. Chị nói, tuổi trẻ gắn liền với tình yêu. Tình yêu cho chúng ta năng lượng để học tập, lao động, hướng đến sự nghiệp của mỗi người. Tình quê hương đất nước, tình yêu với đức tin, tình yêu với cha mẹ người thân, tình yêu với công việc... tất cả, đều là tình yêu. Yêu là phải đẩy nhau thăng hoa, không nên vì yêu mà kéo ghì lại, hay suốt ngày ỉ ôi khóc lóc, căng thẳng, mệt mỏi trong nghi ngờ, trong đau khổ, trong nhớ nhung….dẫn đến mọi thứ đều kém đi. Tình yêu, phải là năng lượng dương, không nên là năng lượng âm (ồ dé).
Chị Quyên kể, tình yêu của anh chị là những cánh thư có đóng dấu bưu điện hai miền. Sau những lần đi công tác xuống vùng nuôi tôm, ước mơ làm chủ một nhà máy chế biến thuỷ sản trong chị bùng cháy. Muốn làm cái nghề đó thì phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Thế là chị xin nghỉ, đi làm công nhân lột tôm trong ánh mắt ngỡ ngàng của bao người. Chưa ai nghĩ là một cô gái mảnh mai, đài các, học hành bài bản như vậy lại có thể khoác bộ đồ công nhân vào suốt ngày cắm mặt với mấy con tôm. Nhưng chị nung nấu một đam mê khác. Chia sẻ với anh Nam, anh rất ủng hộ và viết thư vào động viên suốt là đừng bỏ cuộc.
Sau 2 năm làm công nhân, có lần một khách Nhật qua hướng dẫn kỹ thuật làm tôm sú nobashi, do tiếp thu nhanh nên chị được ban giám đốc đề bạt lên tổ trưởng, rồi quản đốc phân xưởng rồi phó giám đốc nhà máy. 7 năm sau khi chia xa để xây dựng cơ đồ, anh Nam vào Bạc Liêu, tổ chức đám cưới với chị. Một đám cưới đặc sệt miền Tây của 2 người miền Bắc, với xuồng ba lá, cây chuối làm nhà tạm, lá dừa kết hoa…Anh chị “song kiếm hợp bích”, chín xu đổi một hào, cứ có tiền là mua ao tôm bỏ của bà con, cả anh lẫn chị xắn quần lội xuống đắp đất be bờ cải tạo lại. Vì không tốt nghiệp ngành thuỷ sản nên phải mày mò, tối nào chị cũng đọc hàng trăm trang sách chuyên môn, còn anh đi học ĐH tại chức ngành thuỷ sản. Khi xí nghiệp thuỷ sản gần đó thua lỗ phá sản, anh chị đã đủ tiền mua lại, phát triển thành một doanh nghiệp lớn. Bao năm chia xa, tình yêu của anh chị vẫn vẹn nguyên, vì chị nói, bài hát thời sinh viên nó vận vào người anh chị rồi "Và khi chúng ta yêu nhau, chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm". Giờ con cái chị đã đi du học, thành công dân toàn cầu cả. Anh chị tranh thủ lễ tết là nắm tay nhau đi du lịch, ngắm hoàng hôn Bali, ngắm đêm trắng St Peterburg, ngắm bình minh mũi Hảo Vọng… Nằm trên khoang hạng nhất của các chuyến bay đường dài, giọng chị Quyên vẫn vang vọng với bài hát ngày xưa. “khi anh nói, yêu em…”. Anh Nam liền nói “thôi nín đi Quyên, để người ta ngủ”.
2. D và L, một cặp đôi khác mà Tony biết. D mang nhiễm sắc thể XY còn L nhiễm sắc thể XX (nói chung đọc văn Tony phải nhớ kiến thức phổ thông chứ hem nhớ sẽ hem hiểu). Ngày D có học bổng đi du học, L kiên quyết phản đối, sợ mất bồ. L cắt các bài báo về xả súng, khủng bố, động đất….ở nước ngoài cho ba mẹ D xem. L đeo bám D hàng ngày, sáng bắt chở đi ăn sáng, ăn tối. D trái ý 1 chút là L khóc bỏ ăn. Rồi ba mẹ D cũng không đồng ý cho D đi du học, sợ mất con. Là một cậu bé ngoan nên D chấp nhận mọi ý kiến của gia đình, của người yêu, không dám sống đúng với ước mơ của mình. Ba mẹ D luôn nói với D “tình cảm gia đình mới là quan trọng, phải giữ lấy bằng mọi giá”. Một đám cưới rình rang đãi ở Văn Thánh tới cả trăm bàn. D vô làm công ty ba mẹ L quen, được vài năm thì lên trưởng phòng kinh doanh. D bắt đầu giao thiệp nhậu nhẹt, L thì tăng cường kiểm soát. Mỗi lần D đi họp lớp hay cà phê bạn bè là L đi cùng, L vô ngồi thù lù chỉ ăn và uống, lườm và nguýt nên bạn bè dần dần ngại, hết dám rủ D đi. Ban ngày D đi làm thì cứ 1h L nhắn tin 1 lần, không trả lời lại là L gọi hết mọi người trong công ty của D để kiểm tra. D đang ở quán nhậu thì 5 phút L gọi, bắt phải đưa máy xem ai đang ngồi cạnh. D cứ thấy điện thoại vợ gọi đến là suỵt mọi nhiễm sắc thể XX có mặt ở đó phải im, không được lên tiếng, rồi nhờ bạn nam nào đó nói giùm. L không cho D đi công tác, sợ hư hỏng. L nói, L khổ lắm. Vì tập tục “trọng nam khinh nữ, năm thê bảy thiếp” của hủ tục nho giáo con sót lại, cứ chồng ngoại tình là 2 người phụ nữ bị lên án, một người không biết giữ chồng, còn người kia là giật chồng nên 2 cô phải lao vào đánh nhau (Hai cô gái Tây hẻm có vậy bao giờ. Người chồng trong ngoại tình thường được xã hội cho là vô tội, trong khi đó lại là nhân vật chính. Xử lý mại dâm cũng vậy, chỉ xử lý người bán dâm. Trong khi trong kinh tế học hiện đại, nguồn gốc giao dịch là từ cầu, chứ không phải từ cung). Để giữ chồng kẻo bị chị Dư anh Luận lên án, cứ sau 11h đêm, nếu D chưa về là L đánh thức đứa con gái dậy. Tội nghiệp con bé, vẫn còn đang ngái ngủ nên nói qua điện thoại như cái máy theo lời mớm của L, đại loại "ba về với con đi, con nhớ ba lắm, con không ngủ và chờ cửa đây nè"... L dùng tình yêu con cái đánh vào sự yếu mềm của D, khiến D lao về vun vút bằng xe máy, có lần suýt tai nạn giao thông.
Khi về nhà là cảnh khóc than chì chiết, D bắt đầu chán và thích ra ngoài nhiều hơn. Và D cũng nói dối chuyên nghiệp hơn, trong quán nhậu, tiệm mát xa, nhà nghỉ chứ D cũng nói “anh đang họp”. Mà nói vụ nhà nghỉ mới nhớ, chưa có nước nào trên thế giới nhà nghỉ và mini hotel nhiều như ở ta. Hotel, nhà nghỉ...là lữ quán, là nơi trú ngụ của khách đến một địa phương khác, vì họ không có nhà ở mới trú qua đêm. Chưa thấy ở nước nào khách sạn có ghi cho thuê ngắn hạn, 50 ngàn 1 giờ, 70 ngàn 2 giờ. Có khách lữ hành lỡ bước nào cứ vô nghỉ 1h, 2h rồi ra? Toàn dân địa phương đeo khẩu trang vô đó.
D cũng muốn ly hôn, nhưng không dám, vì sợ dị nghị. D tiếp tục lừa vợ sống với mấy thú vui xôi thịt của mình, lâu lâu cười đắc thắng vì đã lừa được một vài người đàn bà tội nghiệp. L cứ chờ D ngủ là móc điện thoại ra coi, đóng vai D nhắn lại các tin nhắn có vẻ nghi ngờ, rồi lục lọi email máy tính. Trước khi giặt đồ, L coi từng mm trên áo trên quần có dấu hiệu lạ không. Có đêm, khi D nói là đang họp đối tác, L không tin nên đánh thức con bé dậy, chở qua bà ngoại gửi, rồi xoã tóc phóng như bay đi tìm ở mọi nhà nghỉ, tiệm mát xa, quán cà phê… trong thành phố để “bét quả toang”. Nhưng trí tuệ của L sao vượt được các cậu giữ xe ở đây mà đòi bét. Cứ khách vô là các cậu sắp xếp quay đầu xe ra cửa, giấu biển số vào trong, đầu xe SH, Air Blade nào chả giống nhau. L rình bắt miết không được thì ôm con bỏ về nhà ba mẹ ruột. D lại sang năn nỉ thề thốt đủ kiểu nhưng hôm sau vẫn y chang vậy. Kết cục của 10 năm hành hạ nhau, níu kéo nhau là một quyết định ly hôn ở toà. D thì luôn miệng đổ tội, trách móc, tại cô ấy mà mình không đi du học, không có sự nghiệp. Còn L thì trách móc nói D đã lấy mất tuổi thanh xuân của cô. L cho rằng nếu biết D sống giả dối hai lòng như vậy, cô đã lấy thằng M thằng Q thằng K gì đó. L bây giờ nhìn đời bằng ánh mắt hằn học, luôn cáu bẳn khó chịu. Và D thì triền miên trong các vui thú rượu bia để trả thù đời.
3. Trong CLB con dượng có 2 bạn John và Marie, Tony đặt tên tiếng Anh cho quốc tế chứ tên thật là Tèo và Mận. John và Marie cưới nhau được 2 năm, hiện John đang ở Israel theo chương trình thực tập sinh nông nghiệp còn Marie đang xuất khẩu lao động ở Nhật ngành trồng nấm. Ước mơ của Marie là làm chủ trang trại nấm mỡ, còn John là chủ nhà máy chế biến nấm. Vợ cung cấp nguyên liệu cho chồng và chồng là đầu mối tiêu thụ của vợ. Cả 2 sinh năm 89, nên quyết định chưa có em bé, tạm biệt chia xa để gây dựng sự nghiệp chung. Ngày lên đường, John bay đi Tel Aviv, Marie sang Tokyo. Họ chia tay nhau tại sân bay Băng Cốc, chuyến bay của John boarding trước chuyến bay của Marie nên Marie qua tiễn. Lúc đứng trước cửa check in, Marie còn với theo dặn dò. Anh John à, nhớ coi mấy ông chủ Israel tổ chức quản lý sắp xếp nhà máy ra sao nghen. Em muốn xí nghiệp của vợ chồng mình cũng phải được sắp xếp một cách khoa học thông minh hiệu quả như người Do Thái. Lúc rảnh rỗi, John lên facetime chat với vợ, dặn Marie ơi, em nhớ coi tụi Nhật nó làm cái gì, ghi chép lại, bắt chước cái hay cái đẹp mang về quê hương. Nhật là nước giàu có văn minh đạo đức và phát triển bền vững, mình phải học theo cho được. Dượng Tony trước khi đi đã dặn kỹ năng quan sát rồi đó, em nhớ chưa nhớ chưa. Còn trẻ phải cực khổ lao động, phải chịu chia xa để sau này về già, hai đứa mình sẽ cùng nhau đi lang thang khắp nơi trên thế giới, mùa thu ngắm lá vàng ở London, mùa đông đục băng câu cá ở Alaska, mùa xuân đi Nhật hái hoa anh đào về ép vở, mùa hạ thì đi New Zealand trượt tuyết. Em có còn nhớ bài hát “Đất nước tình yêu” hem? Nói rồi John hát to, giọng hát vang lanh lảnh giữa sa mạc. Qua cái loa trên Iphone 6plus, giọng John tha thiết
"Ôi Việt Nam, đất nước tình yêu.
Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm.
Và nhiều ước mơ,
cuộc sống mãi mãi đang chờ".


Read more…

Hãy như Bội

tháng 3 15, 2016 |
Năng suất lao động là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Thế giới phẳng rồi, Tê pê pê (TPP) ra đời sẽ khiến hàng rào thuế suất trở về 0, doanh nghiệp cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Tư duy mỗi người lao động phải thay đổi để có thể tồn tại.
Trong doanh nghiệp, đầu ra là cái quan trọng nhất. Dù là DN sản xuất hay dịch vụ, nếu không bán được hàng, doanh nghiệp đó sẽ phá sản. Đội ngũ bán hàng là quân tinh nhuệ, quân tiên phong, tiền tuyến…còn hậu phương là sản xuất, vận tải, kho bãi, marketing. Và nhất nhất phải hướng đến xuất khẩu, thị trường 7 tỷ dân bên ngoài mới là nơi thi thố tài năng. Đã chọn nghề bán hàng làm nghề nghiệp của mình, bạn nào có khả năng càng đem ngoại tệ về càng nhiều thì càng giỏi.
Tony có một cô bạn làm ở văn phòng thu mua một công ty thủy sản của Mỹ. Cô cho biết, các nhân viên quản lý đơn hàng XNK của Việt Nam rất thụ động, dù toàn tốt nghiệp ĐH ngoại thương, kinh tế, hay ngoại ngữ. Các bạn ấy học hành lý thuyết rất kinh, điều khoản Incoterms hay LC nào cũng biết, tiếng Anh thành thạo nhưng tư duy thực tế không có.
Có lần công ty cô đặt một món mới là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp. Cô mail qua một loạt các đối tác và so sánh thử khả năng bán hàng của của doanh nghiệp các nước. Cô gửi cho một công ty thuỷ sản Việt Nam đang là đối tác lớn, hôm sau, cô nhận được email trả lời "chúng tôi chỉ có cá ngừ ngâm dầu, không có sản phẩm cá ngừ ngâm muối. Cám ơn. Lê Văn Tèo". Cô gửi vào 2-3 công ty thủy sản nữa, và bặt vô âm tín. Khi gọi điện lại hỏi, thì nhân viên tiếp tân kêu “chị cầm điện thoại để em hỏi ai nhận được email đó nha chụy. Sau 5 phút hỏi vang rền trong điện thoại, “Lan mày có đọc email gì của cái bà bên Mỹ đòi mua cá ngừ hem”, Lan nói “không có, mày hỏi con Tuyết đi”, rồi sau đó tiếng của Tuyết nói “tao có nhận, nhưng công ty mình làm gì có cá ngừ ngâm muối, nên tao không có trả lời”. Sau đó tiếp tân nói lại “dạ có chị, nhưng bên em không có sản phẩm đó, chị mua chỗ khác đi nha”, rồi vội vàng cúp máy, rủ cái Lan cái Tuyết ăn xoài chấm muối ớt bàn chuyện Hồ Ngọc Hà.
Cô cũng gửi nhu cầu trên sang một công ty Thái Lan. Chỉ 1h sau, cô nhận được 1 bức meo như sau "mặt hàng cá ngừ ngâm nước muối chúng tôi chưa sản xuất, nhưng chúng tôi muốn thử nghiệm. Bạn gửi quy cách, chúng tôi sẽ làm mẫu, nếu mẫu đạt, chúng tôi sẽ báo giá. Kob Khun. Kẹo La Thon".
Cô cũng gửi qua một công ty ở Quảng Châu, chỉ sau 30 phút, email trả lời "Cám ơn đã hỏi hàng. Tôi vừa họp ngay với phòng kỹ thuật, họ xác nhận là làm được. Chúng tôi đã cho phòng thí nghiệm làm theo 3 công thức phổ biến trên mạng là 1% muối, 2% muối và 10% muối. Quý khách cho biết quy cách, chúng tôi sẽ gửi kết quả và báo giá vào cuối giờ chiều nay. Xie xie nị đã đọc meo. Lý Bội Bội". Đâu mấy h sau, trên website công ty Quảng Châu này lẫn trên mạng thương mại alibaba hiện ra danh mục sản phẩm mới của họ là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp, “cá ngừ ngâm đường, ngâm dấm, ngâm nước tương…”…đủ loại cả. Họ email, gọi điện sang Mỹ liên tục để ép mua...làm công ty Mỹ ấy sợ quá, phải bay qua ký hợp đồng độc quyền liền. Thậm chí nếu công ty Mỹ ấy ký với công ty Thái Lan, thì công ty Quảng Châu sẽ vẫn có thể nhận được đơn hàng từ các khách hàng khác, của nước khác. Cứ một hỏi hàng (inquiry) tới tay họ, thì không bao giờ thoát ra được. Thậm chí họ còn nhân lên hàng chục inquiry khác, họ tạo ra nhu cầu để bán hàng (create demand) của nhân viên bán hàng thông minh, giỏi giang, lanh lợi. Cứ thế, doanh nghiệp cứ càng ngày càng nhiều đơn hàng, nhiều mặt hàng mới, nhân viên ngày càng đông, nhà xưởng càng mở rộng ra, doanh số càng tăng cao, lương bổng cũng tăng theo ào ào theo cấp số bội. Vì toàn nhân viên như Lý Bội Bội cả.
Ngày nay, năng suất lao động không chỉ là sức khoẻ cơ bắp mà còn là tốc độ và sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tư duy. DN thuê một người Singapore, lương mấy ngàn / tháng nhưng yên tâm vì tiền nào của đó. Họ sẽ mang về cho công ty mấy chục ngàn/tháng, thậm chí mấy trăm ngàn đô. Khác biệt chỉ là TƯ DUY. Như ví dụ trên, nếu cậu Tèo hay cô Lan cô Tuyết biết thông báo cho ông giám đốc công ty về đơn hàng này, thì có thể ông ấy sẽ chỉ đạo khác. Khổ nỗi ông giám đốc này thuộc thế hệ cũ không biết tiếng Anh, cứ phụ thuộc mấy cô cậu kia. Cứ thấy các cử nhân thạc sĩ này từ sáng đến chiều ôm cái laptop gõ gõ...tưởng là làm việc chăm chỉ lắm, hoá ra chỉ chat chit tào lao. Thấy sếp vô thì giả bộ làm việc tí, còn lại thì dí dỏm hài hước với đồng nghiệp trong văn phòng và bạn bè trên facebook cả ngày, coi tin tức và shopping online cả ngày. Cái gì cũng biết, cũng nói, cũng bình luận, bàn bạc. Chỉ có làm kiếm tiền là không biết.
Nhiều bạn thực tập sinh hay nhân viên thử việc vào vị trí bán hàng, mấy tháng trôi qua vẫn không có đơn hàng nào, bị công ty sa thải thì xõa tóc đứng khóc. Hỏi nguyên nhân thì bạn nói tại công ty có vấn đề. Do ông giám đốc quản lý kém. Do ông chủ keo kiệt. Do bộ phận sản xuất chậm. Do hàng hoá mẫu mã xấu. Do chất lượng kém, không phù hợp. Do thị trường không ai mua. Tại khách hàng hỏi hàng nhưng không gọi lại. Tại em đi tiếp thị họ không tiếp. Tại lối giáo dục lý thuyết không chỉ em cách bán hàng (mọi ĐH hàn lâm trên thế giới không ai dạy kỹ năng, kỹ năng tự tích luỹ qua thực tế làm thêm), vâng vâng và vâng vâng. Mọi nguyên nhân khách quan và do, bởi, tại, vì,...trong khi nguyên nhân duy nhất là DO MÌNH thì bạn không hề đề cập. Hàng xấu thì lao lên có ý kiến, bắt làm lại cho đẹp. Hàng giao chậm thì lao vô, điều khiển bộ phận sản xuất hay logistic, đổi phương thức giao hàng sao cho nhanh. Muốn ý kiến với ông giám đốc thì xin hẹn và vô trình bày, nếu cách sắp xếp của mình hợp lý thì họ sẽ nghe theo. Phải tả xung hữu đột để ra việc chứ ngồi chờ bị động sao được.
Có bạn vô làm, cả tuần giao việc, ghi to-do list ghê gớm, rồi cuối tuần xem báo cáo đã làm được gì, bạn nói “gọi khách không bắt máy, meo khách không trả lời” nên “có gì báo cáo đâu anh”. Khách không bắt máy thì nhắn tin lại do khách sợ số lạ, sau đó mình gọi lại sẽ được. Hoặc meo không trả lời thì gửi lại, re-send miết, bên Mỹ bên Pháp cũng gọi điện qua, hỏi tại sao tao gửi mail báo giá mày không trả lời, why why, pour quoi pour quoi, wei shen me, wei shen me? Mình năng nổ vậy Tây Tàu gì không sợ hãi mà ký HĐ với mình? Nếu ở gần, cùng thành phố, cùng quốc gia thì trực tiếp bắt xe qua gặp, mặc áo dài trang điểm lộng lẫy vun vút lao sang, cười nói vui vẻ, ép họ mua hàng. Hoặc nhờ sếp dẫn đi, nhờ ai đó quen làm, mọi giá phải tiếp xúc để bán chứ sao nói vậy.
Cứ ngồi miết văn phòng với xoài xanh muối ớt và say đắm cái màn hình vi tính, cái Iphone trong túi quần cứ tít tít tin nhắn của bạn bè thì cuối ngày, hỏi team bán hàng, các bạn lại đồng thanh:
“Hôm nay khách lại hai không
Gọi không bắt máy, meo không trả lời”.
Ngây ngô cứ “hai không” đến cuối tháng, thì trung tâm giới thiệu việc làm thẳng tiến. Hoặc nhắn tin cho mommy "mẹ ơi, con sẽ về với mẹ ngay đây. Không cần đợi đến mùa xuân".
Đừng như Tèo, đừng như Lan, đừng như Tuyết.
Hãy như Bội. Be like Bội!


Read more…

Hai thần tượng của giới trẻ thế giới

tháng 3 09, 2016 |
1. David Beckham và Victoria là một trong những cặp đôi giàu có nhất nhì trong làng giải trí thế giới. Tài sản của họ ước khoảng 210 triệu bảng Anh, tức khoảng 6000 tỷ đồng. Con trai cả của David Beckham là hot boy Brooklyn Beckham, hiện đang là thần tượng trong lòng giới trẻ thế giới.
Vợ chồng Beck&Vict giáo dục cậu Brooklyn vô cùng khắt khe về tính tự lập. Lúc 15 tuổi, tức vào lớp 10, cậu đã phải học nghề pha chế cà phê (barista) và đi làm thêm vào cuối tuần trong một quán cà phê ở London một cách bí mật. Cậu làm 7h/ngày, tiền làm được cậu dùng để tự sinh hoạt mà không phải xin bố mẹ.
Ở nhà, giặt giũ quần áo, lau nhà, trồng cây, sửa điện, nấu ăn...Brooklyn đều phải tự làm. Dù có rất nhiều người giúp việc và vệ sĩ, nhưng họ chỉ giúp việc cho cha mẹ của cậu (vì cứ 1 phút làm việc, David và Victoria kiếm được nhiều hơn số tiền phải trả cho giúp việc trong 1 tháng).
2. George Soros một thần tượng khác của giới trẻ. Ông là người Hungary gốc Do Thái. Năm 1947, Soros sang Anh, học trường Kinh tế London. Để kiếm tiền đi học, ông làm bồi bàn trong quán ăn. Mùa táo, ông đi hái táo thuê. Cuối tuần, ông chạy khắp thành phố, nhà nào cũ kỹ ông xin vào và báo giá sơn lại nhà cho họ. Sau này, ông tìm được việc làm ổn định hơn, ông làm cửu vạn tại một ga tàu hỏa. Sau khi tốt nghiệp, Soros làm việc tại một cửa hàng lưu niệm sau đó được nhận vào làm việc tại một ngân hàng ở New York.
Nhờ những ngày lao động chân tay ấy, ông có được kỹ năng quan sát và phán đoán. Điều này khiến ông có một tư duy khác biệt hơn các tinh hoa phố Wall khác, vốn chỉ học hành sách vở. Ông liên tục trúng quả nhờ đầu tư vào những ngành không ai quan tâm. Năm 1992, ông kiếm được 1 tỷ USD nhờ sự sụt giá của đồng bảng Anh. Năm 1997 khi khủng hoảng tài chính châu Á, ông cũng thu lợi hàng tỷ USD. Và năm 2015, ông cũng kiếm được không ít từ sự bay hơi 3500 tỷ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Khi hỏi ông MỘT lời khuyên cho giới trẻ để có thể thành đạt như ông. Ông bảo phải CÓ ÓC QUAN SÁT VÀ PHÁN ĐOÁN. Và ông nói:
- ÓC này chỉ có khi trực tiếp ra đường, tự va chạm và trải nghiệm.
- Không sách vở nào dạy được.
- Không kinh nghiệm của ai có thể truyền lại.
- Giáo dục phổ thông là đủ, từ PHỔ THÔNG có ý nghĩa như vậy. Sau đó thì ai cũng phải chọn 1 cái nghề mà học. Với sinh viên, phải xin lao động chân tay trong lúc đi học đại học. Nếu đúng nghề mình chọn thì là tốt nhất, nếu không thì việc gì hợp pháp cũng làm. Ví dụ học bác sĩ, đi phụ tá chạy vặt trong phòng mạch. Học xây dựng, hãy phụ hồ. Hoặc bất cứ việc gì để có trải nghiệm. Không sợ ảnh hưởng việc học. Nếu vì đi làm thêm mà ảnh hưởng đến việc học thì trí tuệ đấy ở mức kém, không nên học đại học. Việc làm thêm khi đi học sẽ hình thành KHẢ NĂNG XỬ LÝ ĐA NHIỆM (Multi-tasking ability), SẮP XẾP THỜI GIAN (time arrangement), CÂN BẰNG ĐẦU ÓC (mind balance), THÔNG MINH ĐƯỜNG PHỐ (street smart) và SỰ TRƯỞNG THÀNH (maturity). Sau này ra đời đi làm phải giải quyết nhiều thứ cùng 1 lúc, các kỹ năng này rất quan trọng. Còn nếu chỉ học và học, mọi thứ đều có người làm sẵn cho, thì cuối cùng chỉ có cái bằng. Nhóm học giỏi do đầu tư toàn thời gian từ sáng đến tối cho việc học thì chỉ là người tầm tầm bậc trung, không có gì đáng khen ngợi.
Tự làm ra tiền, là CÁCH DUY NHẤT để tìm công thức thành công cho bản thân mình. Mọi công thức chỉ tìm thấy qua thực nghiệm, không phải qua sách vở hay các khoá làm giàu, tư duy triệu phú hay ai đó nói lại. Sách, diễn giả, gương thành công, doanh nhân lớn….họ chỉ LIỆT KÊ CÁC NGUYÊN LIỆU ĐỂ NẤU MÓN ĂN THÀNH CÔNG. Đừng mải mê tích lũy NGUYÊN LIỆU mà phải tìm CÔNG THỨC riêng. Vì mọi người, kể cả chị em sinh đôi cùng trứng, gene không ai giống ai hệt 100%.
3. Khác biệt của người trí thức khi lao động chân tay là họ làm với cái đầu. Quỹ thời gian ít ỏi, một sinh viên giỏi biết sắp xếp sao cho việc học cũng hoàn thành tốt mà việc làm cũng trơn tru. Còn người lao động phổ thông bình thường thì không quan sát, không rút ra quy luật, không biết phải cải tiến thế nào...và cả đời họ không làm quản lý hay làm chủ được. Sai đâu đánh đó, bảo gì làm nấy. Lực lượng này chiếm tỷ lệ lớn trong dân số, từ cổ chí kim, từ tây sang đông, không bao giờ sợ thiếu. Rất nhiều người từ lao động phổ thông nhưng biết quan sát, để ý, sắp xếp thời gian...và trở thành quản lý hay làm chủ dù không qua trường lớp học hành. Và ngược lại vẫn có nhiều người học hành rất bài bản, học rất giỏi nhưng không biết quan sát, sắp xếp, tự lập, chỉ cắm đầu vào học...nên tốt nghiệp xong, lao động trí óc không được, buộc phải lao động giản đơn để kiếm sống.
Càng để một đứa trẻ không làm việc nhà từ sớm, không cho lao động chân tay từ bé thì tính LƯỜI càng cao. TÍNH LƯỜI VÀ HAM HƯỞNG THỤ sẽ VẬN VÔ NGƯỜI, biến thành tính cách và số phận, dù họ biết cũng không sửa được. Họ chỉ thích ngồi cà phê, thích nằm ngủ, thích đọc sách, thích online và chat chit, đi du lịch, giải trí liên tục dù "trí" chẳng làm gì căng thẳng để mà "giải" miết. (Đọc sách, đi du lịch hay online là cần thiết tuy nhiên phải cân bằng với mọi hoạt động thể chất khác). Họ thích xin xỏ, tiêu tiền của người khác nhưng không tiếc. Họ tò mò mọi thứ, ước mơ mọi thứ, thích thú với mọi thứ. Họ thích chỉ đạo, chỉ tay năm ngón và đặc biệt là thích NÓI. Bất cứ đề tài gì họ cũng bàn luận và ý kiến, thậm chí nói vô cùng hay nhưng không thấy có bất cứ thành tựu gì.
Cho đến cuối đời, có khi là gánh nặng của gia đình, của xã hội.


Read more…

Chuyện tiền chuyện bạc (bài 3)

tháng 3 08, 2016 |
Cách đây khoảng chục năm, Tony đi công tác ở Anh, ông khách hàng nhờ cầm giùm 2000 đô qua đưa cho con gái đang du học bên đó. Lúc đưa, ông bỏ vô cái phong bì dán kín và ghi tên con gái ở ngoài. Sang London, Tony gọi con bé tới khách sạn lấy. Tony vô cùng bất ngờ là nó mở ra đếm trước mặt Tony, sau đó gọi điện về cho cha nó xác nhận đã nhận được đầy đủ và cám ơn Tony, xong đi về. Ngồi nhìn nó đếm tiền mà Tony giận run, cơn tự ái sĩ diện nổi lên, đại loại nói mấy câu móc méo như tiền bố cô gửi, còn nguyên cả, phong bì dán kín, bộ cô nghĩ là tôi ăn gian lấy bớt hay sao mà cô đếm trước mặt tôi. Cô bé thấy vẫn bình thản nói là anh ơi, tiền bạc là tiền bạc, nhận thì phải đếm, phải xác nhận, nó không liên quan gì đến con người. Từ nhỏ em học ở bên này và được dạy như vậy, và ở đây mọi người đều làm như vậy.
Lúc đó, Tony thấy ghét cách người phương Tây ứng xử. Sao xã hội đó người ta không tin nhau nhỉ? Sao mà thô lỗ và kỳ cục vô văn hoá thế kia. Chuyện nhạy cảm như vậy phải ít nhất đem về, rồi âm thầm kiểm tra chứ. Vẫn đinh ninh là Á hay hơn, tế nhị hơn, khéo léo hơn, văn minh, lòng tin trong xã hội tốt hơn.
Nhưng Tony đã thay đổi quan niệm hoàn toàn cách đây mấy năm, có lần, bà chị họ ở Cần Thơ cần thu 100 triệu của ông khách ở Sài Gòn, nên nhờ Tony qua lấy giùm, ra ngân hàng chuyển cho chị ấy. Tới nhà ông khách thì thấy một biệt thự to đùng, ông khách mặc áo quần sang trọng quá, nên khi ông đưa 100 triệu, Tony ngại đếm, vẫn nhớ sự xúc phạm của cô bé bên London. Khi đem ra ngân hàng, cậu thu ngân đếm tay lẫn cho chạy máy 5-6 lần vẫn chỉ có 99 triệu, thiếu mất 2 tờ 500 ngàn. Tony mới gọi bà chị, chị ấy gọi ông khách, ông khách nói chính tay ông đếm. Bà chị thì nói xưa giờ ông khách này trả đúng cả, chắc em rơi mất ở đâu. Tony nói không có, vẫn cột dây thun đi thẳng từ nhà ông ấy tới đây. Nói qua nói lại, chị ấy nói thôi coi như chị mất 1 triệu tiền công cho em, nộp vô cho chị 99 triệu gấp. Nghe thế thì Tony điên tiết vì tự ái, bỏ tiền túi vô 1 triệu cho đủ 100 triệu rồi chuyển, từ đó không nói chuyện với bà chị nữa. Và cũng từ đó, tiền bạc một xu cũng đếm rồi mới đưa mới nhận.
Bây giờ ngồi nghĩ, nguyên nhân của việc rắc rối, nặng đầu, nghi ngờ, buồn phiền này là ở đâu? "Mất" là động từ diễn tả sự việc trên. Tự nhiên đi làm giùm MẤT 1 ngày, rồi MẤT 1 triệu, rồi MẤT quan hệ? Do đâu? Cuối cùng Tony mới phát hiện đó là tính không rõ ràng, cả nể, ngại ngùng, sĩ diện của người châu Á. Nguồn gốc của mọi nhập nhèm, tan vỡ các mối quan hệ cũng từ đây. Dù là vợ chồng, cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè...khi không có sự rõ ràng, suy nghĩ trong lòng bắt đầu khác với biểu hiện ngoài mặt. Rồi nỗi nghi ngờ dâng cao, cao dần rồi đổ vỡ. Lòng tin được xây dựng sai ngay từ phương pháp, nên không bền vững được. Nên người Á hay nói, "nói thật chứ anh thấy em...", "nói thẳng ra là...", "thật lòng mà nói..."...Điều đó chứng tỏ phần lớn chúng ta nói không đúng, không trúng, nói vòng vèo...mà lại được xã hội khen ngợi là ăn nói khéo léo. Nghe một người nói khéo, một hồi không hiểu họ muốn nói gì. Người phương Tây phần lớn giao tiếp theo hướng trực tiếp, nhanh gọn lẹ, minh bạch, thẳng tưng,...khiến người Á Đông bị sốc nhưng rõ ràng, minh bạch mới chính là sự bền vững của quan hệ. Họ nói "yes"'là "yes", "no" là "no", ít khi nói "maybe". Tiền bạc sòng phẳng, anh cưới em, tháng anh lương 3000 đô, anh gửi em 2000, anh giữ 1000. Em cũng có nghĩa vụ bỏ vô 2/3 lương em để làm quỹ chung, cuối tháng cộng sổ, email anh biết. Hoặc thoả thuận nào đó ngay lúc ban đầu về nghĩa vụ tài chính mỗi bên. Cô vợ châu Á mà nghe cái này là khóc như mưa, nói anh lạnh lùng, không tin em, không thương em. Em muốn anh đưa hết lương, rồi tuần em phát lại cho anh, vợ phải là "tay hòm chìa khoá". Nhưng thằng Tây nghĩ khác, yêu là yêu, thương là thương...nhưng dù là honey chứ cũng đâu có quyền móc ví lục bóp ra coi, lục email facebook hay tin nhắn của vợ, của chồng, của người yêu ra coi, ngồi vặn vẹo chất vấn? Vì sao phải đưa tiền rồi xin lại thì mới tin? Mọi thứ đã có quỹ chung. Năng lực quản lý tài chính đâu phải phụ nữ nào cũng giỏi. Đi ăn, hôm nay anh mời, hoặc em trả, hoặc share. Nhưng quan hệ hôn nhân của họ khá bền vững, tỷ lệ ly hôn do người ngoài xen vào hoặc do tiền bạc là rất thấp (Họ ly hôn chỉ khi không còn tình cảm với nhau). Cuộc sống hôn nhân của nọ ít căng thẳng, giận hờn, nghi ngờ, đấu trí, dò xét, kiểm tra, bắt quả tang, níu kéo, giữ chồng giữ vợ gì cả. VÌ CHUNG QUY LÀ HỌ KÉM KHOẢN NÓI DỐI VÀ TỰ ÁI, SĨ DIỆN, CẢ NỂ. HỌ CŨNG KHÔNG SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC COI VÀ KHÔNG COI NGƯỜI KHÁC SỐNG. Họ ngày nào cũng trong trạng thái vui vẻ, tới già vẫn đạp xe đi du lịch cùng nhau. Ông Rob va bà Iris bạn Tony bên Hà Lan năm nay 80 tuổi, kết hôn được 50 năm, ông Rob bị parkinson vẫn run run hỏi bà Iris là tour đi Việt Nam chơi tháng sau, anh trả hay honey trả?
Bạn bè cũng vậy, ăn nhậu rất vui. Vì "who eat-who pay, go Dutch", tức ai ăn nấy trả, hoặc cộng lại chia đều trừ trường hợp người mời nói trước là chiêu đãi. Hẹn nhau ra quán cà phê, ai tới trước thì tự xếp hàng lấy order, trả tiền trước luôn rồi tới chỗ ngồi, người sau tới tự order rồi tìm người quen, tự bưng ly nước tới. Nói chuyện xong, mạnh ai nấy bưng ly của mình đi đổ vào thùng rác (quán tự phục vụ như Starbucks, Mc Donald, Dunkin...là phải tự dọn dẹp sau khi dùng xong, không tiền boa. Còn quán ngồi mà có người bưng tới thì phải boa 10-15% tiền bill, ăn uống xong, dọn gọn gàng chút trên bàn là được). Còn đi ăn với châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam...tới đoạn ăn xong là màn đấu khẩu, đấu trí hay đấu võ...chỉ vì trả tiền. Có một thành phần bản chất ky bo khôn lỏi hay vợ ở nhà không cho tiền (do sợ hư như con nít), tới đoạn thanh toán là tranh thủ đi tiểu hay nghe điện thoại, mặt lấm lét, hèn hèn. Tony bắt trả cho được, không có tiền cho mượn, chứ không có tiền đi ăn làm chi? Còn một thành phần khác tới lúc thanh toán thì móc bóp ra, nói "quọ lãi, quợ lãi, để anh để anh", tay gạt người khác rồi chụp hoá đơn ôm vào người bỏ chạy. Các thực khách khác lao theo giành giật cái hoá đơn như các cầu thủ đang chơi bầu dục Mỹ. Nhiều người giành trả không phải vì hiếu khách mà đơn giản là sợ người khác coi thường, khinh khi. Xong về tiếc tiền rồi chửi trong bụng. Tony xin phụ trả không được là để họ "lãi" luôn. Xong mời nữa, đâu chục lần ăn ở khách sạn 5 sao là "quọ sợ quọ sợ" ngay. Chứ tiền đâu bao miết? Lúc đó mới ngượng ngùng chịu share.
Trở lại vụ rõ ràng tài chính, khi nhận tiền, dù là cha mẹ vợ chồng anh em, cũng đều phải mở ra đếm, xác nhận bằng miệng hoặc giấy tờ. Có thể họ không gian nhưng nhầm lẫn thì sao? Hoặc họ cũng lấy từ chỗ nào đó không đếm? Không sợ tự ái, kệ họ, sau này họ trưởng thành về nhận thức họ sẽ hiểu. Chẳng may họ nhận thiếu rồi đưa mình, mình cũng không đếm và đưa người khác, có phải rắc rối to không? Với tiền bạc, mọi thứ phải rõ như pha lê.
Khi mình đưa tiền cho ai cũng vậy, đừng bỏ phong bì dán kín, họ đếm, xác nhận và chịu trách nhiệm ngay lúc đó. Hạn chế nhờ người này đưa người kia, uỷ quyền phải được xác nhận là không đi được. Tốt nhất là kêu họ mở tài khoản và chuyển online cho xong, in tờ lệnh chuyển tiền ra bỏ vào mail hay file lưu trữ. Người nhận có ngân hàng kiểm đếm giùm, xác nhận cho mình cái tin nhắn là xong.
Có bi nhiêu tiền, mình lên ngân hàng nộp vô làm cái thẻ visa master, thanh toán cái gì cứ rút thẻ ra quẹt quẹt ký ký cho nó sang. Uống nước mía xong hỏi chị ơi ở đây có quẹt thẻ hem chị? Cho bả xáng ly nước mía vô đầu mình chơi.
Nói chớ mình hạn chế tiền mặt sẽ hạn chế được các rắc rối như kiểm đếm, tiền giả, cướp giật, giận hờn, nghi ngờ, khóc than này nọ. Sống văn minh là sống thẳng tưng, sống rõ ràng. Ai nói kệ họ. Mình không có mệt đầu. Mình trung thực, mình minh bạch, mình sòng phẳng…trước hết là cho mình sướng.
Đích đến của đời người, há chẳng phải là 2 chữ HẠNH PHÚC đó sao?


Read more…

Mùi cá

tháng 3 08, 2016 |
“Thưa dượng
Con viết những dòng này khi đang ngồi trong quán Starbucks ở đất nước Phần Lan xa xôi. Hôm nay quán bán COD (coffee of the day) của Đà Lạt mình, con làm một ly to đùng. Con vừa viết vừa uống, hết ly là con ngừng đó nha (con bắt chước kiểu viết của dượng cho độc giả hụt hẫng chơi).
Con sinh ra ở một làng chài ven biển nghèo xứ Thanh Hoá. Con là đứa con duy nhất của mẹ. Và con không có bố. Khi có con, vì người đời đàm tiếu phán xét dữ dội nên mẹ chịu không nổi, nửa đêm mẹ bế con theo xe khách đi dần vào các tỉnh miền trong. Mẹ đến nhà 1 cô người quen ở một xã ven biển ở Quảng Trị, xin làm công nhân trong xưởng nước đá. Sau đó cô ấy cho mẹ mượn tiền để tự ra riêng, thuê nhà buôn bán. Cứ mờ sáng, mẹ con dậy sớm, ra ngoài bãi chờ mấy chú đánh cá về, lấy một ít rồi đạp xe lên chợ miền núi cách đó 15km để bán lại. Con chỉ biết tên bố mình khi con đi dịch giấy khai sinh để làm hồ sơ đi du học. Mẹ con khi nào con ăn học thành tài, mẹ sẽ cho liên lạc lại để nhận mặt. Bí mật đời mẹ nên con cũng không tò mò nữa.
Con lớn lên trong mùi tanh nồng nàn của cá biển. Mẹ con tiếp xúc với cá nhiều nên mùi mồ hôi cũng là mùi cá, dù tắm xà bông cỡ nào cũng không bay hết được. Người khác thì thấy ghê ghê nhưng con thấy rất đỗi thân thương. Dượng biết không, dù đã dọn đến một nơi xa lạ, nhưng xóm làng ở đây vẫn không buông tha. Con lớn lên trong sự trêu chọc của những bạn bè trang lứa, vốn có cha có mẹ đầy đủ. Rồi những lần những người đàn ông đến với mẹ con, đòi lấy mẹ nhưng đối xử với con lạnh nhạt lắm. Đàn ông châu Á thường ích kỷ, họ chỉ thương và lo cho con ruột của họ thôi nên mẹ nói thôi mẹ ở vậy, lấy về mà mấy ổng đánh con chắc mẹ sẽ chết. Mẹ lầm lũi như con cò con vạc trong ca dao xứ mình. Có bao nhiêu người đàn bà Việt Nam lầm lũi với đứa con của họ, con không biết nữa, nhưng chắc là nhiều lắm. Tư tưởng nho giáo và mối quan hệ cộng đồng làng xã đặc trưng khiến người phụ nữ châu Á mình sống cứ phải sống một cuộc đời khổ tâm. Mẹ nói mẹ nói lúc có bầu, hồi đó chưa có siêu âm nên mẹ chỉ mong sinh con trai, cho con bớt khổ.
Có lần tụi bạn học trêu chọc con là đồ không cha, mẹ hàng tôm hàng cá nên mất dạy, con quyết sống mái với chúng nó một trận với tất cả uất ức trong lòng. Bọn chúng đông hơn, đánh con thừa sống thiếu chết. Khi đem lên phân xử, có cô giáo, thầy hiệu trưởng và phụ huynh hai bên, con bị kết tội là con sai hoàn toàn. Con vẫn nhớ ánh mắt thống thiết của mẹ con khi thầy hiệu trưởng nói "chị không có chồng, chị ráng đóng vai cha để dạy con, đừng để nó thành người xấu, phá làng phá xóm như vậy nữa". Bữa đó, mẹ đạp xe chở con về, nấu cơm cho ăn xong, ra ngoài sân ôm mặt khóc nức nở. Rồi mẹ vô nhà, lấy giỏ bỏ đồ 2 mẹ con vô, nói thôi mẹ vô Đà Nẵng, ở thành phố người ta bớt soi mói hơn. Mẹ gửi con qua nhà cô chủ hãng nước đá, một ân nhân của mẹ rồi bắt xe lên đường. Con lầm lũi không nói không cười mất mấy tháng cho hết năm học, rồi theo mẹ lên Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng, mẹ làm công nhân cho một xí nghiệp thủy sản, do có kinh nghiệm phân loại cá. Rồi mẹ cũng trở lại nghề cũ. Mẹ con chỉ thích bán cá thôi. Cuộc sống dần ổn định và mẹ mua được cái nhà cho hai mẹ con tá túc.
Con học ở một trường bình thường, học lực cũng bình thường. Con đọc page của dượng vào đầu năm lớp 11. Thấy hay, con đọc cho mẹ nghe. Chuyện vui, mẹ cười bảo “cái ông ni viết hài ghê ta ơi, cứ như gặp nhau cuối tuần trên tivi”. Rồi có lúc, hai mẹ con bật khóc. Nhất là khi đọc truyện Mùi Kiệu, mẹ nói, cảm giác tủi thân y chang như mẹ con mình. Rồi con đọc chuyện West Point, từ đó con nghĩ tại sao mình không làm khác. Cứ y chang mọi người thì sao thành công được. Thay vì cứ luyện toán lý hoá sinh mờ mờ sáng đến khuya, tranh nhau một suất vô ĐH ở Việt Nam, mình có thể đi nước ngoài học không. Tình cờ con đọc 1 bài báo nói về học sinh Trung Quốc hiện chiếm 1/3 sinh viên quốc tế tại các ĐH Mỹ. Bên TQ có kỳ thi “Cao Khảo” cũng khốc liệt như kỳ thi tuyển sinh ở Việt Nam, nên học sinh TQ bí mật chỉ nhau cách vào ĐH Mỹ, vì thi SAT dễ dàng hơn. Từ đó, học sinh TQ bùng nổ ở Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand…trong đó rất nhiều bạn được học bổng toàn phần, tức trường bên kia tài trợ toàn bộ kinh phí học tập lẫn ăn ở. Thế là con lân la lên mạng xem thế nào, hoá ra vô cùng dễ so với kỳ thi của mình. Điều kiện cần chính là điểm IELTS và SAT, còn điều kiện đủ chính là trí lực của mỗi cá nhân. Họ cần bài luận tự viết, bằng chứng về các hoạt động xã hội và từ thiện, các công trình nghiên cứu sáng tạo, các bài báo…và sự tự tin là có học bổng. Vì họ sẽ gọi phỏng vấn qua Skype. Con đọc xong, thức trắng 1 đêm, quyết định mình sẽ có lối rẽ khác. Nhất định mình không phải là đứa tầm tầm bậc trung, không chen chúc trên con đường có quá nhiều người đi.
Con đến nhà sách Đà Nẵng mua về các cuốn luyện SAT và IELTS cũng như download từ trên mạng xuống, rồi ngồi luyện. Con mượn mẹ 10 triệu để mở thẻ visa debit để thanh toán cho các kỳ thi này. Tháng 3, tháng 4 con thi 2 kỳ thi này xong, rồi nộp vô các ĐH mình ưa thích trên thế giới, bằng tú tài sẽ bổ sung sau. Con nhận được thư chấp thuận vào học của nhiều ĐH lắm dượng, phần lớn là miễn 75% học phí, hoặc hoàn toàn học phí, chỉ có 1 trường ở Phần Lan và 1 trường ở Mỹ bao luôn ăn ở đi lại. Con quyết định chọn Phần Lan, tháng 6 ra Hà Nội phỏng vấn visa xong, con về thi tú tài nhẹ nhàng. Khi các bạn con dáo dác xách hồ sơ bay vào Sài Gòn, bay ra Hà Nội, ra Huế căng mắt theo dõi thông tin các nguyện vọng như thị trường chứng khoán thì con chỉ lo bán cá phụ mẹ, đá bóng, chờ ngày lên máy bay để nhập học tháng 9 ở Phần Lan.
Lúc luyện IELTS và SAT, con cũng đã rủ các bạn làm nhưng các bạn không dám, vì tâm lý “chắc ăn” của người mình nặng lắm dượng ơi. Thật ra, con tự tin luyện thi ĐH của nước ngoài là vì bây giờ ĐH mình nhiều quá, 4-5 trăm trường, tìm một chỗ để học đâu có khó. Các ĐH, cao đẳng vùng, cao đẳng nghề thiếu người học trầm trọng. Con thấy mấy anh chị trước luyện thi từ mờ sáng đến khuya lơ, giành nhau vô ĐH tốp này tốp kia chứ ra trường cũng thất nghiệp nếu không có ngoại ngữ, trải nghiệm làm thêm hay công tác xã hội. Như chị Quỳnh, con gái của cô bán nước đá ở Quảng Trị đó, một tháng học ở Sài Gòn, cô phải gửi vào 5 triệu tiền ăn ở học thêm, 1 năm là 60 triệu, cộng học phí đi lại linh tinh khoảng 100 triệu. Tính ra 4-5 năm học khoảng 400-500 triệu chứ đâu có ít, tại mình chuyển dần thì không thấy nhiều đó thôi. Giờ học xong chị Quỳnh thất nghiệp về phụ mẹ bán nước đá, con kêu chị tìm việc làm ở nước ngoài thử xem sao thì chị nói tiếng Anh chị lèo tèo lắm, sao đi được..
Năm ngoái, thật ra, con cũng “chắc ăn” nên đăng ký cao đẳng nghề Đà Nẵng, và định bụng sẽ làm thêm cái ĐH tại chức tiếng Anh ban đêm, hoặc đi làm luôn nếu không có ĐH nước ngoài nào nhận. Con cao ráo đẹp trai, tiếng Anh lưu loát như vầy, mấy resort 5 sao ở Đà Nẵng, Hội An không lẽ không cần người mở cửa? Con nghĩ học sinh nên luyện IELTS hay TOEFL, vừa thi được ĐH vừa sử dụng được ngoài xã hội. Tiếng Anh là môn học duy nhất mà có thể dùng để kiếm ăn được cả đời, tại sao không tập trung vào mà học? Nhưng trong thâm tâm, con chỉ muốn đi du học, nhưng không ai tin con, kể cả mẹ. Với nhiều người, con sãi ở chùa chỉ quét lá đa, thành công luôn phải có ai đó giúp chứ tự mình là không thể. Nhưng con theo chủ nghĩa tự thân tự lập và tự tin về điều đó. Mẹ chỉ nói mi làm chi thì cứ làm, mẹ sinh con ra là cho con một cơ hội ra cuộc đời, không phải có nghĩa vụ nuôi mẹ. Về già, mẹ sẽ về lại quê cũ, sống với các cậu các dì, hoặc vô viện dưỡng lão. Con cứ vẫy vùng bốn phương cho thỏa chí làm trai, dở quá thì về phụ mẹ. Mẹ nói mẹ bán cá ở quê thôi nhưng mà đọc bài của Tony riết nên ứng xử văn minh lắm, con cứ yên tâm.
Con đăng ký học ngành chế biến thủy sản và công nghệ đông lạnh. Có lẽ những kinh nghiệm bán cá của con, các bức ảnh lao động chân tay của con gửi cho mấy thầy, rồi lá thư con trình bày về khát vọng làm một nhà máy chế biến bột cá ở quê nhà đã thuyết phục các thầy bên này. Chuyện đi du học, con không muốn bàn tán xôn xao nên tuyệt đối không nói với ai. Họ có giúp gì được mình đâu mà báo cáo. Họ không tin thì lại lời ra tiếng vào, con thích cách ứng xử của dượng với thế gian. Cần gì nổi danh ồn ào, “sông càng sâu càng tĩnh lặng”, hay có một câu tiếng Anh mà con thấy dượng để trên page của mình là “work hard in silence, let success be your noise”.
Con không biết tương lai con sẽ như thế nào. Vì Tây cho tiền con học nên con không có ràng buộc gì về việc tốt nghiệp xong phải làm gì ở đâu. Lấy tiền của Tây đi học không khó như mọi người nghĩ. Chỉ cần có ý chí, mọi con đường đều mở ra.
Thế giới phẳng, con đã là công dân toàn cầu, thi ĐH không phải bó buộc ở nước nào nữa, muốn thi đâu thì thi, học ở đâu thì học. Và con sẽ là một công dân có ích trong 7 tỷ nhân loại này. Khi bạn bè bên này hỏi về gia đình, con đều trả lời là mẹ tao là người bán cá ở xứ biển miền trung nước Việt, đơn thân, bình thường nhưng không tầm thường. Và tao cũng vậy.
Con chỉ một ràng buộc duy nhất để trở về, chính là mùi mồ hôi tanh nồng mùi cá của mẹ con. Tự dưng, con nhớ nhà quá dượng…."


Read more…