Gánh rau ra chợ Tây

tháng 5 24, 2016 |
Gánh rau ra chợ Tây
(Bài 1: Giấm Kim Ngân trên đường xuất ngoại)
Ngày 1/1/2013, page TnBS ra đời, đến nay đã hơn 3 năm. Hai cuốn sách cũng được xuất bản, tạo cảm hứng để một thế hệ doanh nghiệp trẻ xuất hiện. Các bạn trẻ trong CLB con dượng có tài năng, có ý chí quyết tâm trở thành người “cho việc” chứ không phải người “xin việc” nữa. Một thế hệ doanh nhân mới, ngập ngừng, chập chững bước ra đời nhưng đầy sức sống và hãnh tiến, tiệm cận mọi giá trị của doanh nhân quốc tế như thông thạo ngoại ngữ, sức khỏe tuyệt hảo, trung thực, chính trực, phát triển bền vững gắn bó với môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho những vùng khó khăn, xa xôi. Và tất nhiên, họ được bạn bè quốc tế đón nhận nhiệt liệt.
Từ các cơ sở sản xuất nhỏ, CLB con dượng tìm đến và cùng nhau xây dựng thành những nhà máy xí nghiệp to hơn, hùn nhau cổ phần hóa để tạo thêm sức mạnh về vốn, về trí tuệ. Và cứ thế, những gánh rau tiếp nối nhau ra chợ Tây. Một vài viết cực kỳ xúc động của chủ nhân sản phẩm này, cô giáo Bạch Kim Ngân, mời các bạn cùng đọc.
“Dear Dượng!
Sau gần 3 năm được dượng tạo cảm hứng để khởi nghiệp, hôm nay Kim Ngân xin được báo cáo với Dượng về tình hình sản xuất và phát triển sản phẩm Giấm Kim Ngân. Không thể quên khoảng khắc 10 giờ ngày 16/11/2014 khi được gặp, nói chuyện trực tiếp với Dượng tại quán cà phê The coffee bean bên bờ Hồ Tây. Sau khi trút hết cho Dượng bao khó khăn gian khổ của người khởi nghiệp, sau hồi kiên nhẫn lắng nghe và cuối cùng Dượng nói: “CON ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH CÔNG NGẮN NHẤT LÀ XUẤT PHÁT TỪ TRÁI TIM CHÂN THÀNH”. Dượng bảo mục tiêu mình phải đặt ra lớn hơn là bán quốc tế, muốn ra sân chơi toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần 3 chữ Tâm-Tầm và Trí. Kim Ngân hiểu rất rõ những điều dượng chia sẻ và gần 2 năm nỗ lực áp dụng theo 4 nguyên tắc vàng : KHỞI ĐẦU NHỎ-TỰ MÌNH LÀM- ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI – CHƯA QUAN TRỌNG TIỀN BẠC kết hợp theo định hướng 3 chữ T: TÂM- TẦM –TRÍ, sản phẩm đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành, nhất là thị trường là Hà Nội. Có lẽ chưa có sản phẩm nào lại được làm quà tặng sang nước ngoài nhiều như giấm Kim Ngân. Tháng 3/2016 sản phẩm đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Úc dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của nước sở tại và công ty vận tải quốc tế Song Minh đã hỗ trợ tư vấn miễn phí thủ tục xuất khẩu lô hàng. Và các thị trường khác cũng bắt đầu báo giá để xuất khẩu.
Kim Ngân chỉ là người tạo ra sản phẩm, Dượng mới là người thổi hồn vào sản phẩm, và những tấm lòng người Việt đã cho sản phẩm tồn tại và chắp cánh cho nó bay xa. Giờ đây mọi người tìm đến sản phẩm không còn là ủng hộ các cháu vùng cao trong mùa đông giá lạnh, trong đợt bán hàng tình nguyện, cũng không phải ủng hộ để giải cứu nông sản Việt nữa mà tìm đến sản phẩm vì chất lượng của nó. Giấm Kim Ngân tự tin ở mọi góc bếp Việt Nam, và tự tin trên kệ mọi siêu thị trên thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với giấm Táo, giấm Dứa của nước ngoài.
Chỉ có 1 điều Dượng nói mà Kim Ngân chưa làm được, đó là Kim Ngân tập trung vào việc sản xuất, làm lớn hơn nữa để vải nông dân được thu mua nhiều hơn, thị trường được rộng mở hơn. Thế nhưng, toan tính đôi lần, khi đọc những dòng tâm sự của học trò, Kim Ngân đành nhận lỗi về mình. Kim Ngân không thể bỏ nghề giáo được, dù đứng trên 2 con thuyền thì sóng gió cũng nhiều hơn, chèo chống cũng vất vả hơn.
Không ai nghĩ một ngày, một cơ sở sản xuất ban đầu chỉ là những thùng nhựa đựng nước vải thô sơ, đặt ở một thị trấn miền núi xa xôi của tỉnh Bắc Giang, lại có thể cạnh tranh với những nhà máy hiện đại của thế giới. Bản thân Kim Ngân là một cô giáo dạy hóa cấp 2 ở một trường huyện xa xôi, cũng trở thành doanh nhân toàn cầu. Sản phẩm của mình được đóng vào container, lên tàu, hòa vào dòng chảy ngoại thương của thế giới.
Kim Ngân vừa đi dạy học vừa kiếm đô la về được, thì các bạn toàn quốc HÀ CỚ GÌ LẠI KHÔNG? Sản vật địa phương của các bạn là cái gì đó, các bạn nghiên cứu, đóng gói, sơ chế hoặc chế biến, lên chi cục đo lường chất lượng tỉnh mình đang ở để đăng ký chất lượng sản phẩm, rồi đưa đi tiêu thụ. Làm sản xuất từ nông sản quê hương đi các bạn, chỉ có bắt tay vô làm mới tạo ra thành tựu. Lý luận, bàn phím và những tiếng thở dài không thể biến nghèo thành giàu, biến khổ cực thành phồn vinh.
Khởi nghiệp là một quá trình thất bại và thất bại. Đứng lên làm lại và thất bại. Tiếp tục đứng lên làm lại. Khổ lắm, đau lắm, nước mắt và những đêm mất ngủ, nhưng bù lại mình có một niềm vui lớn lao vô cùng, đó là sản phẩm của mình, những đứa con tinh thần của mình vẫy vùng khắp biển rộng trời cao.
Dượng ơi, vậy là nhiệm vụ dượng giao Kim Ngân đã hoàn thành rồi nhé. Những vụ vải phía bắc 2 năm nay đã không còn đổ đống và bà con nông dân đã thôi nước mắt ngắn dài. Kim Ngân đã gánh được một gánh rau ra chợ Tây.
Còn ngoài kia, Kim Ngân biết có bao nhiêu bạn trẻ cũng đang gồng gồng gánh gánh. Nào cà phê, nào cao su, nào tiêu, nào ca cao, nào điều, nào thanh long….chấp chới ra sân chơi toàn cầu. Nhìn các bạn vẫy vùng mà Kim Ngân không ngăn được nước mắt vì xúc động.
Thế giới đã rất phẳng.
Người Việt mình, trí tuệ và giỏi giang lắm dượng à.
Thị trấn Chũ
Tháng 5/2016
Bạch Kim Ngân”


Read more…

Nhìn hiện tại, đoán tương lai

tháng 5 24, 2016 |
1. Một sự nghiệp đỉnh cao như nghề bạn đã chọn? Ví dụ là nhà khoa học, bạn có các công trình nghiên cứu được quốc tế ghi nhận, được các tập đoàn mua bản quyền...=> Thì hãy thâu đêm suốt sáng ở phòng thí nghiệm, điều mà bạn chưa bao giờ làm trước đây. Không thể có công trình nào với 8h sáng đến, 5h chiều về.
2. Bạn làm kinh doanh: muốn sở hữu doanh nghiệp, nhà máy, trang trại...hay đơn giản là 1 chiếc xe ô tô, một căn nhà an toàn? Thì bạn phải từ bỏ chiếc xe gắn máy trên đoạn đường có xe buýt, điều mà bạn chưa bao giờ làm trước đây. Rồi phải nghĩ khác, làm khác với việc hàng ngày của các bạn, chủ động mọi thứ thay vì bị động chờ ai đó hướng dẫn. Thử đến một chỗ khác để sinh sống, để khởi nghiệp. Thử làm một ngành khác. 100 con cá đều nghĩ, nhưng chỉ có 1 con vượt qua.
3. Bạn muốn có bạn bè quốc tế, có bạn nữ muốn lấy chồng Tây, bạn nam muốn lấy vợ Nhật...chẳng hạn, mà cứ sáng cà phê chè đặc thuốc lào, trưa lòng lợn mắm tôm, tối về nhà ôm máy lên mạng bàn chuyện showbiz Việt, hoặc đi chơi trà chanh chém gió với Nguyễn Thị Bưởi, Lê Văn Gừng, Trần Thanh Ổi...thì Tây Nhật đâu mà quen.
4. Bạn muốn chơi bạn bè quốc tế để đầu óc phóng khoáng rộng lớn. Sáng mở FB, thấy bạn Peter ở Anh chụp ảnh con công ở sân cỏ trước nhà, bạn Mary ở Pháp đang ủ sữa chua, bạn Sasaki bên Nhật đang dọn tuyết, bạn Pierre đang dạy học cho trẻ con ở châu Phi...Muốn vậy thì phải có quan hệ quốc tế. Phải đi du lịch bụi ở VN để làm quen, phải ra nước ngoài học để quen, phải đi hội thảo này nọ, phải ăn pizza quán Tây, phải đi tình nguyện quốc tế,..Chứ chơi toàn bạn ở VN thì ở đâu ra bạn quốc tế đây?
5. Nhiều bạn nói cũng muốn đi đây đi đó lắm nhưng hẻm có tiền. Thế bị Ad hỏi lại, sao có nhiều bạn sinh viên đi thực tập có tốn đồng nào, lại được hưởng lương, tự nộp xin học bổng này nọ mà bạn không có? Tại sao lúc đi học không làm thêm để tích luỹ đi chơi?
Câu cuối cùng sau khi bị truy vấn là : tại tụi nó giỏi. Vậy hỏi câu cuối: tại sao cũng môi trường ĐH y chang, sao nó giỏi, mình dở. Bạn cuối cùng thú nhận là tại lười. Lười vận động, lười tư duy, lười học ngoại ngữ, lười làm thêm, lười đọc sách, lười nhận thức...
Lười là cái cốt lõi để bạn không sở hữu bất cứ cái gì. Nên nhớ điều đó mà giải thích cái người ta CÓ.
Lười thì cũng sẽ không có may mắn. Không ai có thể viết hồ sơ nộp giùm để mình có học bổng. Không ai có thể nhét tiếng Anh tiếng Hoa vô đầu để mình lưu loát cả. Không ai nhét tiền vô túi mình để mình làm cái này cái kia. Không ai nhấc chân nhấc tay mình lên để cơ thể mình tráng kiện.
6. Đến lúc nào đó, bạn học mình nó lái xe hơi chạy qua vũng nước, hắt nước lên mình, con mình, vợ mình đang đèo nhau trên chiếc gắn máy, rồi con cái nó hỏi ủa sao cha không có nhà máy xí nghiệp như chú A chú B, cũng là bạn học với cha sao giờ họ khác. Thì mình biết là mình đã nhận thức khác nó lúc còn sinh viên. Chỉ ngậm ngùi hoặc tủi thân, hoặc ghét nó.
Đến lúc nào đó, thấy bạn cùng lớp đăng stt đang đi hội thảo ở New York thì mình cũng biết là nó đã có mấy tháng ăn ngủ ở thư viện và phòng thí nghiệm, chứ không phải quán bi-da và quán cà phê như mình.
7. Tại mình hết cả nhé. Nên bạn trai bạn gái chọn nhau yêu thì cứ theo feeling cảm giác, còn thành thân thì lựa đứa có ý chí mà quen. Chứ lấy về khổ quá, nó lại làm biếng hoặc tư tưởng đầu óc bảo thủ, thì đời chẳng thú vị gì, có nhiêu đó lặp đi lặp lại. Bạn bè mà không có ý chí, cũng unfriend hết chứ chơi coi chừng lây nhiễm văn hoá than thở hay đổ lỗi cho người khác. Ý chí và chấp nhận cái mới, từ bỏ cái quen thuộc là yếu tố lớn nhất để một cá nhân thành công trên con đường họ chọn.
8. Cứ nhìn một người thích nhàn, thích an toàn, thích ổn định, ngại thay đổi dù chỉ là một kiểu tóc, một bộ đồ, một món ăn, một quan hệ, một cách nhìn nhận sự việc...thì biết rõ tương lai của họ. Nếu bạn không có khả năng thử cái khác cái quen thuộc của mình, thì tương lai của bạn, 10 năm hay 20 năm, thậm chí 50 năm, cũng y chang cuộc sống của bạn bây giờ.
9. Nói chứ ad cũng hẻm dám sống khác. Sáng nay, lại bún phở lòng lợn....chứ hẻm dám bánh mì croa-sâng hay cà ri Ấn Độ.
Nên 10 năm ra trường đến nay, ad cũng vẫn vậy, vẫn bám trụ Sài Gòn, vẫn ở nhà thuê, đi xe máy, làm nhiêu ăn hết, cũng nhiêu bạn đó, cũng sinh hoạt sáng tới tối y chang nhau, cũng nhấp nhổm viết đơn xin việc rải khắp chỗ nào lương cao hơn thì nghỉ chỗ cũ, qua chỗ mới làm. Đọc bài của dượng Tony thấy người này người kia làm cái này cái kia, thì cũng share về, ghi "bữa nào thử làm cái này". Nói cho vui vậy thôi chứ đời nào dám thử. Vẫn hàng ngày đưa tay xin ăn, xin tiền, xin việc, xinh tình. Xin xỏ cho nó khoẻ, ai cho thì cho.
Admin 7


Read more…

Một đêm trực định mệnh

tháng 5 17, 2016 |
Một đêm trực định mệnh
(viết tặng riêng cho phái đẹp và phái không đẹp nhưng tò mò)
“Chào dượng Tony
Tôi tên L, năm nay 46 tuổi, nhưng vẫn gọi Tony là dượng theo cách gọi của 2 đứa con tôi. Dù tôi biết dượng trang lứa, nhưng nhận thức và trải nghiệm của dượng nhiều hơn tôi gấp trăm lần. Tôi nhận ra sự già dặn trong từng câu chữ, dù tưng tửng vui vui. Tôi hiểu câu của dượng trong tựa để cuốn Trên Đường Băng, đại ý "age's just a number", thước đo của sự trưởng thành là nhận thức.
Tôi thú thật với dượng là tôi mới bắt đầu trả lời câu hỏi "Tôi là ai" cách đây hơn 1 năm. 45 năm, tạm gọi nửa đời người (tôi hy vọng mình thọ 90 tuổi), tôi toàn sống cho người khác. Tôi học chuyên Hoá Sinh ở một trường cấp 3, rồi học bác sĩ đa khoa, rồi chuyên khoa, rồi lấy chồng và sinh con. Chồng tôi cũng là bác sĩ, ngoài công việc ở bệnh viện lớn, tôi và chồng có phòng mạch riêng ở nhà và có nhà cho thuê. Trong mắt người khác, tôi là sự hoàn hảo về mọi thứ.
Nhưng sâu thẳm, tôi không thấy nghề Y phù hợp với mình. 18 tuổi tôi nào có biết hướng nghiệp là cái chi chi. Dòng họ tôi lúc đó, tôi là đứa học giỏi nhất nên mọi người hướng tôi thi Y, vô làm bệnh viện để có gì giúp đỡ. Tôi đậu một cách nhẹ nhàng. Cách tuyển bác sĩ chỉ dựa vào việc giải bài tập của 3 môn học khối B (Toán, Hóa, Sinh) tôi thấy thế nào. Như tôi, lúc đó tay chân lóng ngóng, vụng về chưa bao giờ nấu ăn (khi còn ở với mẹ), rồi thấy máu là sợ (dù giờ rất quen), và bản lĩnh về thần kinh không vững lắm. Khi trực, nửa đêm đang ngủ có ai đánh thức dậy để cấp cứu là tôi khó chịu. Mọi việc chuyên môn tôi cũng làm cho xong, có kết quả tốt nhưng không thăng hoa, không vươn tới đỉnh cao được. Tôi nghĩ ngành đặc thù như ngành Y ở nước mình cần tham khảo cách tuyển bác sĩ của Âu Mỹ ấy. Lớp tôi có nhiều bạn mắt rất kém, hoặc nói lắp, bị đãng trí bác học (tình trạng quên cái này cái kia vô thức) hoặc tính tình bảo thủ cực đoan, hay tự ái khi bị góp ý chẳng hạn…thì làm sao mà thành công xuất sắc trong nghề Y được? Nhiều người cứ khăng khăng hiểu biết cũ của mình, dù thế giới đã xuất hiện các quan niệm rất mới, có khi ngược lại 180 độ, thì tội cho bệnh nhân. Thôi tôi lại lan man sang nghề nhiều quá, mục đích thư này lại là một câu chuyện khác.
Một buổi tối nọ, tôi trực đêm, tôi chợt nghe 2 người nhà bệnh nhân đứng ngoài hành lang nói chuyện. Đại ý là nhiều bác sĩ trẻ làm ở bệnh viện tôi mấy năm rồi mà vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức, do mấy “cây đa cây đề” ở đây không chịu nhường chỗ. Tụi nhỏ bây giờ tiếng Anh rào rào, đọc tài liệu chuyên môn nước ngoài mới nhất, chỉ có kinh nghiệm là thua thôi. Nhưng thời đại này, việc tạo ra các thành tựu y khoa mới, hoặc cập nhật nó, mới có giá trị lớn nhất-một ông kết luận.
Tôi nghe mà bàng hoàng, hóa ra mình đang làm kỳ đà cản mũi tụi nhỏ sao. Công tâm tự mình nhận xét, tôi thấy mình không có đam mê, tuổi tác sức khỏe nhiệt huyết mọi thứ cũng đã giảm, càng ngày càng mệt mỏi, stress kinh khủng. Và đêm trực định mệnh đó, tôi ra một quyết định quan trọng. 45 năm ngắn ngủi còn lại mà tôi tồn tại trên trái đất với hình hài này, tôi sẽ sống đúng với bản thân mình. 27 năm gắn bó với nghề Y từ lúc là cô sinh viên Y khoa, tôi nhận được sự đào tạo tốt và đã trả ơn cho đời. Như vậy là đủ. Nếu tiếp tục làm thêm với thái độ này, có khi tôi còn phá hoại, vì cả chục năm rồi, tôi không còn hào hứng đọc tài liệu chuyên môn mới. Nếu tiếp tục, tôi sẽ mắc sai sót, cái không cho phép ở nghề này. Tôi nhận ra là "buông là một sức mạnh lớn hơn cả sức mạnh lấy vào". Tôi xin ra khỏi ngành trong sự ngỡ ngàng của bao người, tôi tiến cử một em bác sĩ trẻ thay thế vị trí của tôi, ngày chia tay, em nhìn tôi với ánh mắt biết ơn vô hạn.
Tôi quyết định đi theo nghề mà tôi ưa thích, nghề cắm hoa. Nghe buồn cười không dượng? Tôi năm nào cũng đoạt giải cắm hoa trong các cuộc thi 8/3 do cơ quan tổ chức, và yêu thích việc cắm hoa đến lạ kỳ, có thể ngồi làm từ sáng đến chiều mà không mệt. Nhìn thành quả là một bình hoa cắm của mình, tôi cứ lâng lâng thế nào ấy. Chồng con tôi tôn trọng quyết định của tôi, vì biết tính tôi xưa nay đã "gồng mình" làm bác sĩ. Tôi đến nhà văn hóa phụ nữ học lớp cắm hoa căn bản, rồi nâng cao, sách báo tài liệu Tây Tàu gì tôi cũng tha về, ngồi đọc ngấu nghiến, làm xong lẵng hoa, nửa đêm tôi còn đi đến nhà bạn bè tặng cho họ. Bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên, rồi đến các công ty, các sự kiện, nhà hàng, khách sạn…cũng đặt hàng. Nghề này cần năng khiếu và óc thẩm mỹ đặc biệt, dù nguyên tắc cơ bản ai cũng có thể nắm được. Tôi mở cửa hàng hoa sau 6 tháng vì đơn hàng nhiều quá, chồng tôi đuổi nói em ra mở tiệm đi, đừng biến cái nhà này thành “hoa viên”. Tôi một mình lang thang đến các chỗ hẻo lánh xa xôi, vừa làm từ thiện vừa lựa cỏ cây hoa lá hoang dã trong tự nhiên. Dù chỉ là một bụi lau sậy nhưng tôi nhìn ra "chất thơ" của nó, thế là nhờ người ta cắt, phơi khô, phun vẹc ni hoặc keo để giữ dáng, rồi mang về. Tôi lên mạng coi, nhờ bạn bè ở nước ngoài mua hạt giống “kỳ hoa dị thảo” gửi về, rồi nhờ bà chị trên Đà Lạt trồng giùm. Tiết kiệm từ tiền bán hoa, tôi mua được 2 công đất nông nghiệp trên đó để trồng mấy loại hoa hạt cườm, thuỷ ngân, kim ngân, đuôi rồng, đuôi phụng, yến oanh...và trăm loại hoa khác mà chỉ riêng tôi có.
Tôi học tiếng Anh lại từ năm 2013, từ lúc đọc bài gì của dượng tôi quên, thấy dượng ép học quá, dù không rõ là để làm gì. Nhưng ai dè nó giúp tôi trong nghề này lắm. Tháng 10 năm ngoái, tôi sang Osaka Nhật Bản học một lớp ngắn hạn 2 tuần về nghệ thuật cắm hoa, người Nhật là đỉnh của đỉnh về nghệ thuật này mà. Tôi mang theo các nguyên liệu quê nhà, mấy cô bên đó ngạc nhiên vô cùng, vì lạ mắt quá. Các nước ôn đới chỉ quanh quẩn các loại hoa hồng tulip oải hương…; cây thì chỉ có thông, tùng, bach quả, lá phong, nho, cam, táo, lê….không trăm nghìn cây cỏ hoa lá như xứ nhiệt đới mình. Sau khi đi về, bạn tôi bên đó đòi mua rơm rạ, cỏ lau, lục bình, mía dại, quả dứa non, dừa, cau, hạt cà phê....Tôi tiến hành phơi khô, sấy sạch vi khuẩn và bảo quản túi hút chân không, họ qua Việt Nam xách tay về, lần mấy chục ký, để cắm hoa, trang trí nội thất. Tôi không đọ được với dượng về những container hàng xuất khẩu, nhưng tiết lộ với dượng là tiền lãi của tôi cũng kinh khủng lắm. Một buồng cau bên này có mấy chục ngàn, tôi phơi khô sấy xong họ mua mấy trăm đô còn nói rẻ. Toàn là các phu nhân mấy ông sếp tập đoàn này nọ, tiền chồng mang về như nước nên họ chi tiêu vô mấy cái hoa hòe này kinh khủng lắm dượng.
Các bà các cô giới thiệu nhau, tôi bắt đầu bán được vô các cửa hàng bán đồ cắm hoa ở Tokyo và cả Seoul Hàn Quốc. Phụ nữ bên đó khi kết hôn xong ít đi làm, chỉ ở nhà nội trợ, nên tôi xuất khẩu ngày càng nhiều. Tôi ra làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận để đặt riêng các loại chậu hoa, bình cắm riêng cho mình xuất khẩu, dù số lượng chưa nhiều. Hiện cửa hàng tôi có 5 em phụ việc, ở Đà Lạt có 3 người trồng và thu mua hoa, ở Đồng Nai, Trà Vinh, Đồng Tháp mỗi tỉnh có 2 người chuyên thu mua cỏ, lục bình, lác, rơm rạ, cành que cây khô, đá, sỏi, đất sét, bùn non, gáo dừa, vỏ quả ca cao, vỏ quả mít, quả sầu riêng, dừa nước, thốt nốt, tre trúc....Bình hoa của tôi thường có chủ đề về miền nhiệt đới, rắc mấy hạt ca cao hay cà phê phía dưới, trông đẹp lắm dượng.
Như vậy tôi đã trở thành người cho việc, giải quyết được 14 lao động rồi nhé, chưa kể shipper, mỗi em mỗi tháng cũng được hơn chục triệu, và sẽ nhận tiếp cả chục em nữa cũng có đam mê “hoa hòe” như tôi. Quan trọng hơn, tôi thấy mình đi đúng hướng, ngày nào cũng hạnh phúc, vui vẻ, yêu đời, thanh tú như dượng.
Tôi sẽ mở công ty vào cuối năm nay và cũng không cần dượng quảng cáo PR làm gì. Tôi chỉ muốn viết thư này cảm ơn dượng, một người dù hư cấu không thật (như dượng nói) nhưng tạo ra những thành tựu kinh tế khởi nghiệp có thật. Tôi tin là dân tộc Việt Nam sẽ giàu có lên, văn minh lên và nắm tay nhau bước ra năm châu một cách đầy kiêu hãnh. Như tôi.
P/S: Khi nhận được email báo dượng đã đọc, biên tập và sẽ đăng bài này, chồng tôi nói sao chuyện làm ăn em đi kể hết vậy, người ta bắt chước làm thì sao. Tôi nói anh phải “văn minh hào sảng”, thị trường thế giới mênh mông, tài năng em chút xíu còn kiếm được vài ba chục ngàn đô mỗi tháng, giải quyết được chục lao động thất nghiệp ở các làng quê xa xôi. Biết đâu có bạn trẻ nào đó giỏi hơn, làm cả nhà máy xuất khẩu nguyên liệu cắm hoa trang trí nội thất từ mấy cái bỏ đi của nông sản nước mình thì sao. Giới trẻ bây giờ, ai ai cũng có thành tựu.


Read more…

Sinh viên bây giờ ra răng?

tháng 5 17, 2016 |
Có lần trên chuyến bay từ Cần Thơ đi Hà Nội, Tony ngồi cạnh 2 cậu sinh viên người Đài Loan tên tiếng Anh là Andy và Mike. Andy học sinh học, còn Mike là sinh viên ngành lịch sử của ĐH Đài Bắc. Hai bạn kể, dù cha mẹ tụi em đều là triệu phú, đều có nhà máy xí nghiệp lớn nhưng tụi em vẫn rất tự lập. Andy kể, văn hóa gia tộc rất nặng nề nên cha mẹ các nước bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thương con mù quáng lắm, cứ đòi “hy sinh đời bố củng cố đời con”, thích bao bọc và áp đặt, không muốn con cái khổ thân theo cách nghĩ của họ. Họ thích chọn trường ĐH cho con cái và bao trọn gói, gọi là "nuôi ăn học". Có tay chân trí tuệ lành lặn mắc mớ gì phải để người khác nuôi? Cuộc sống này là của mình, mình không tự sống được thì còn ý nghĩa gì nữa.
Tiền bạc của cha mẹ làm ra chứ phải của mình đâu, không tự làm ra tiền thì “ngồi ăn núi lở”, con cái của Bill Gates mà không đi làm thì tiền thừa kế vài ba chục năm cũng hết. Mike nói, quan niêm của giới trẻ thế giới bây giờ, với trẻ em dưới 18 tuổi, tuổi còn non, chưa trưởng thành thì phải phụ thuộc, cha mẹ hướng dẫn gì mình nghe nấy. Cha mẹ dắt mình đi trường mầm non nào, trường tiểu học nào, trường trung học nào thì mình phải nghe theo. Nhưng 18 tuổi rồi, thành nhân dân rồi (thông qua cái gọi là chứng minh nhân dân) được quyền bầu cử, được thi giấy phép lái xe, đi làm ở đâu người ta cũng nhận cả rồi thì phải tự kiếm tiền mua thức ăn bỏ vô bụng chứ. 18 tuổi, với các bạn trai thì chim cò đã trưởng thành, với bạn gái có thể kết hôn thành lập gia đình mới, việc gì mình làm ở xã hội cũng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, hà cớ gì phải ngoan ngoãn theo sắp xếp của người khác? Mình là NGƯỜI DUY NHẤT trả lời được câu hỏi “TÔI LÀ AI”, nên mình tự chọn nghề ưa thích để học, để vào đời. Đối với cha mẹ ông bà, tụi em vẫn yêu mến và kính trọng, nhưng họ không có quyền áp đặt mình. Nhiều quan niệm mới của thời đại mới rất khác, như ngày xưa cha mẹ thầy cô có quyền đánh con cái học trò, nhưng bây giờ "Quyền trẻ em” ra đời, người lớn đánh trẻ em là vi phạm pháp luật và chuẩn mức đạo đức. Khổng giáo ngày xưa quan niệm quyền “thương cho roi cho vọt, quyền định đoạt tính mạng “xử tử” mà cãi là “bất trung bất hiếu”. Nho giáo (Confucianism) ra đời mấy ngàn năm trước đã lỗi thời lắm với chuẩn văn minh mới của nhân loại. Thế giới loài người bây giờ tập trung vào lòng bác ái, tính tự lập, theo đuổi hạnh phúc cho mỗi cá nhân và sống chung với nhau một cách yên bình-Mike chia sẻ.
Andy làm ở cửa hàng bánh Pizza, nướng bánh giao hàng dọn dẹp bàn ghế hàng ngày sau giờ học. Mike thì làm ở trường phụ trách lau rửa dụng cụ thí nghiệm, dọn dẹp căn tin, nhà bếp, nhà vệ sinh. Hai cậu đều có những bài báo khoa học quốc tế và có website riêng về các đề tài nghiên cứu của mình. Trong túi xách hai bạn lúc nào cũng có sách văn học để đọc lúc chờ máy bay xe buýt. Một cậu nói đối với một sinh viên, chỉ có 4 chỗ thường xuyên lui tới là Giảng Đường, Thư Viện, Chỗ Làm Thêm và Trung Tâm thể dục thể thao. Nghỉ lễ là đi ngao du sơn thuỷ. Hai cậu mở Ipad cho Tony coi hình đi chơi khắp nơi trên thế giới. Thấy chèo thuyền vượt thác, thấy trời nắng chang chang vẫn quần short áo thun với chai nước suối trên tay, đầu trần, dáng vẻ cao ráo, da dẻ đỏ au, lang thang ở các bảo tàng, thấy trời tuyết vẫn chạy bộ thể dục, trông thật khỏe khoắn.
Hai bạn đến Việt Nam là vì có đường bay mới mở của Vietjet nối tp HCM và Đài Bắc (Taipei), có giá rẻ. Ngân sách 2 bạn đi Việt Nam trong 10 ngày là 500 USD. Họ đi Cần Thơ bay ra Hà Nội, rồi từ Hải Phòng bay về tp HCM để có mức giá rẻ nhất.
Thấy mới có 21 tuổi mà nhận thức chững chạc trưởng thành, rồi lên kế hoạch chi tiết và thông minh quá nên Tony buộc miệng khen. Hai cậu cười ha hả, nói làm gì chả phải lên kế hoạch to-do list như thế này. Còn nói nếu ra trường, hai bạn sẽ được nhận làm với mức lương khoảng 1500-2000 USD khởi điểm, chính thức sau đó 2 năm sẽ khoảng 2500-3000 USD, mặt bằng chung của cử nhân hay kỹ sư đúng nghĩa. Đại học cơ mà, là trí thức, là tinh hoa của xã hội. Đại học là phải dùng từ cái cổ trở lên để kiếm tiền, nhường việc lao động giản đơn cho người kém may mắn không có cơ hội học ĐH, hay các bạn sinh viên-Andy nói.
Hai cậu kể, sinh viên ở Đài Loan như cậu, trăm đứa như một, năm nào cũng phải sắp xếp đi 2 nước du lịch bằng tiền làm thêm. Khi chưa tốt nghiệp ĐH, phải thức khuya dậy sớm lao ra đường đổ mồ hôi kiếm tiền để trải nghiệm, phải kiếm tiền bằng tay chân, phải tự lập. Lúc đến nước sở tại thì tính toán sao cho chi phí thấp nhất có thể. Ăn quán bình dân, ở hostel hay túi ngủ. Sau này đi làm chính thức thì ăn ở sang trọng hơn. Thế giới có hơn 200 quốc gia, mà đời người chỉ có max 100 năm, nên phải tranh thủ. Mike kết luận, anh không biết đấy thôi chứ sinh viên ở nước nào bây giờ cũng giỏi giang năng động như vậy hết.
Các bạn xem kế hoạch của họ nhé. Từng dòng từng chữ, dấu chấm, phẩy, 2 chấm, viết hoa...chuẩn như thế nào. Hai bạn nói khi nói thì dùng tiếng bản ngữ, nhưng khi viết thành kế hoạch (plan) hay lịch trình (schedule), phải dùng tiếng Anh để chuẩn quốc tế. Kể cả status trên facebook cũng tiếng Anh luôn, bạn bè đọc không hiểu thì khỏi chơi, không cùng ngôn ngữ sao chơi được. Công dân toàn cầu rồi phải đăng chuyện toàn cầu chứ sao có chuyện 1 địa phương nói miết vậy- Mike và Andy nói.
Thấy thế, tới Nội Bài, Tony chen lấn hành khách để ra trước, vừa ra khỏi máy bay lập tức mở điện thoại, vô FB unfriend hết mấy cu Tèo cái Mận, toàn bóp miệng chụp tự sướng ở quán cà phê, coi hoài mệt quá…


Read more…

Bài 4: Chuyện thằng Bi

tháng 5 17, 2016 |
100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70
Bài 4: Chuyện thằng Bi
Khi đã có lòng hào sảng, sự kỷ luật, kỹ năng street smart, bạn trẻ hoàn toàn có thể tự đứng ra làm ăn, làm lớn cỡ nào cũng được. Thiếu 1 trong 3 điều kiện trên, thất bại trong làm ăn coi như đã được báo trước, chỉ nên thử nghiệm quy mô nhỏ thôi để tích lũy trải nghiệm.
Khi khởi nghiệp, bạn buộc phải có ý tưởng. Nhưng cái này không lo vì với người khao khát làm ăn, họ luôn quan sát để “sau này sẽ mở cái này kiếm tiền nè”. Cái lo lắng nhất của người khởi nghiệp là vấn đề đầu tiên, tiền đâu?
Trong bài “tiền đâu khởi nghiệp” trong cuốn Trên Đường Băng, thời “tay không bắt giặc” đã qua rồi. Bán vé số cũng phải có vài trăm ngàn đặt cọc đại lý, làm cò cũng phải sắm chiếc xe máy và cái điện thoại,…Các bạn trẻ hãy làm điên cuồng vô để có thu nhập tốt hơn, lương thưởng tốt hơn, đang đi làm thuê phải làm 150% công suất và thời gian, tuổi trẻ đừng sợ nặng nhọc hay đi xa, tích luỹ tiền để khởi nghiệp về sau.
Cách đây mấy năm, có một bạn trẻ tên Bi, đang làm cho một tập đoàn nước ngoài, lương được 25 triệu/tháng. Cậu ấy cứ xum xoe theo đám bạn con nhà giàu ở phố, tối nào cũng đi bar, du lịch suốt để check-in trên facebook là đang ở hải ngoại cho người ta nể. Ba năm ra trường chẳng để dành được đồng nào. Cuộc sống trôi qua vô vị, nhạt nhẽo. Bỗng dưng một lần tỉnh ngộ, nói với Tony là con sống kiểu vầy thì 10 năm ở Sài Gòn vẫn không có gì trong tay cả. Tony nói nếu quyết tâm, con phải lên kế hoạch và LÀM. Nó là đứa thông minh và quyết liệt nên bắt tay ngay. Phòng đang thuê giá 3 triệu/tháng ở Bình Thạnh được nó trả lại, xuống chợ Long Phước Q9 thuê 1 cái phòng y chang vậy như giá chỉ có 1 triệu. Hàng ngày, nó dậy sớm đón xe buýt số 88 lên quận 1, xe thả xuống chỗ sở thú, nó lội bộ mấy trăm mét nữa là tới công ty ở đường Tôn Đức Thắng. Nó nói con dậy sớm, đi làm trên xe buýt, nhìn xuống mọi người tranh nhau đi xe máy, kẹt xe khói bụi xịt vào mặt, tông nhau ngã chết trên đường, mới thấy sao hồi xưa mình nhận thức kém thế. Quan trọng hơn là nó tiết kiệm được 2 triệu/tháng tiền nhà, và ở xa nên mọi cám dỗ đô thị không có trong trí óc nó nữa. Buổi tối đi làm về, nó nấu cơm ăn cho sạch sẽ, rồi tập gym trong chung cư, nghe nhạc, học ngoại ngữ, làm quen với bạn bè trong khu đó, dạy tiếng Anh cho một nhóm sinh viên cao đẳng Công thương gần nhà. Với quyết tâm cao độ, 1 tháng nó chỉ xài có 5 triệu, còn dư đúng 1000 USD cất vào tài khoản. Sau một năm, nó được 12,000 USD, đem qua gặp, nói Tony ơi, con sẽ khởi nghiệp . Tony nói chuyện một hồi, thì thấy kỷ luật đã có, tính hào sảng phóng khoáng cũng có, street smart cũng đã có đủ, nên nói “ừa con làm đi”.
Nó về quê mở công ty dịch vụ du lịch “Thực tập cho sinh viên Tây ở Việt Nam”. Nó nói nhà cửa ở Sài Gòn chưa ổn định, nên con dùng nhà con dưới Mỹ Tho làm trụ sở, báo cáo thuế dưới đó luôn, trên Sài Gòn con mở chi nhánh hay VP giao dịch, dọn đi chỗ này chỗ kia cho tiện. Nó nói ý tưởng này bắt đầu từ khi công ty nó nhận vô 4 sinh viên thực tập từ Mỹ. Ở nước ngoài, trước khi tốt nghiệp một số ngành, sinh viên phải có báo cáo thực tập. Nhưng để xin vô được Cocacola, Boeing, Microsoft, PWH, P&G…ở Mỹ để thực tập là rất khó, trong khi đó, tụi này qua các nước như Việt Nam, xin vào thực tập ở các công ty rất lớn, có niêm yết trên sàn chứng khoán…lại rất dễ dàng. Các doanh nghiệp nghe sinh viên Tây là khoái, đặc biệt cỡ trường lớn như Harvard này nọ…Chi phí ở New York chẳng hạn, một tháng sinh hoạt cũng mất hết mấy ngàn đô, trong khi đó đem qua Việt nam ở mấy tháng, chi phí cũng như vậy, mà lại có thêm được báo cáo nộp cho trường. Thế là thằng Bi vô fanpage, confession forum của sinh viên để giới thiệu PR. Khách hàng đầu tiên là một nhóm 20 sinh viên ĐH Utah, nó đem 20 thằng này qua Việt Nam, thuê 2 cái villa ở quận 2 cho ở, rồi hàng này thuê xe đưa đón, thả nhóm này ở công ty chứng khoán A, thả nhóm kia ở ngân hàng B, chở lên các nhà máy ở Bình Dương, hoặc nhóm học về về du lịch, nó thả ở mấy khách sạn 5 sao trong trung tâm thành phố…chiều đón về.
Việc thuê xe không chủ động nên nó quyết định vay tiền mua chiếc xe đầu tiên chở khách. Nó lo quá nên mới chạy qua xin ý kiến.Tony nói con cứ coi kỹ nếu có khả năng trả nợ thì cứ mạnh dạn vay mượn, sợ gì. Nó tính toán thấy OK, về quê mượn sổ đỏ vay tiền mua xe kinh doanh. Nó nói con ký hợp đồng vay tiền mà run muốn chết, có gì ảnh hưởng đến gia đình mình, may mà mẹ con cũng ủng hộ, vì thấy nó chín chắn. Nó vay mua xe xong, giờ tích lũy mua thêm 1 chiếc như vậy nữa, chuyên làm internship tour cho sinh viên nước ngoài. Nó nói, thị trường internship tour này mênh mông, hàng triệu triệu sinh viên bao nhiêu nước, đứa nào chả có nhu cầu làm báo cáo tốt nghiệp, trong khi công ty Việt nam thì có nhu cầu tiếp thị ra thế giới bên ngoài. Nhiều xí nghiệp thủy sản sau khi cho nhóm sinh viên quốc tế thực tập xong, về có bao nhiêu đơn hàng mới, cũng do tụi cựu thực tập sinh giới thiệu. Nhiều resort, khách sạn ở Tp HCM sau khi cho các bạn thực tập xong, lượng khách tăng vọt do các bạn trẻ này cảm kích, giới thiệu với bạn bè…
Chuyện thằng Bi chỉ là một câu chuyện nhỏ để các bạn thấy là trong làm ăn, nếu không vay vốn thì không đón được các cơ hội lớn được. Doanh nghiệp nào tự hào tôi chả vay vốn gì của ai, thì thôi, sẽ dậm chân tại chỗ hoặc quy mô bé mãi, không lớn được. Làm ăn mà tự lấy vốn ra thì vài năm sẽ bị các doanh nghiệp lớn nó bóp chết. Hùn nhau cũng được, vay ngân hàng hay từ người khác cũng được, miễn là mình nhắm là có thể trả lại. Việc trả lại, mình thực hiện dần dần, từ từ, từng tháng từng quý, cuối cùng cũng có được cơ nghiệp. Đừng sợ nợ. Sợ thì chẳng có gì.
“Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh”, người giàu có ngày xưa hay dạy con cháu như vậy. Bưng tô cháo trên tay, nóng quá sao húp cái rột được. Nên dùng muỗng vét xung quanh tô cháo, chỗ nguội nhất ăn trước, húp dần húp dần, rồi từ từ cũng hết tô cháo…


Read more…

Dưới gốc sim già

tháng 5 05, 2016 |
1. Sim là một loại trái cây dại, mọc hoang ở nhiều vùng đồi núi của nước ta. Sim gắn liền với màu tím, qua những bài hát về những ngọn đồi tím ngắt. Trong bài hát Thu Hát Cho Người của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, có câu
"Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người, một đoá đẫm tương tư..."
Và hiểu biết của Tony về quả sim, trước đây chỉ có vậy.
2. Tony được một người bạn Kontum tặng chai rượu vang sim Măng Đen vào tết năm rồi. Biết Tony là người thích uống rượu vang, trong nhà chi chít các loại vang Địa Trung Hải, Nam Mỹ, Úc, New Zealand....nên bạn e dè, nói quà quê có gì bạn uống được thì uống, không thì cho gia nhân. Tết, Tony mới mở ra uống thử, giật mình vì xứ Việt này cũng có một loại rượu vang đúng điệu đến thế.
Bất ngờ hơn, gặp một anh bạn đang dạy ở ĐH Cần Thơ, anh tiết lộ chị chủ nhà máy sản xuất rượu sim này là cựu sinh viên của trường. Một lần, chị theo bạn lên Măng Đen Kon Tum chơi, thấy sim rừng ở đây mọc hoang lên tới cả ngàn hecta, người dân hái bán ăn chơi cho vui, giá trị không cao mấy. Chị nếm thử thấy vị chát, chua và ngọt khá giống nho làm rượu vang (nho làm rượu vang khác nho ăn tươi), chị quyết định mày mò nghiên cứu, tìm mua nguồn men rượu vang vùng Bordeaux Pháp. Vùng đất Măng Đen lạnh quanh năm, nên chi phí sản xuất sẽ hiệu quả, vì gần nguồn nguyên liệu, không phải trữ phòng lạnh các thùng sồi ủ rượu...
Mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất, nghiêm ngặt nhất của rượu vang tầm thế giới, rượu vang sim Măng Đen đều đã đạt được, cái có thể khiến người ta sử dụng lâu dài, mua để tiêu dùng thường xuyên chứ không phải mua vì ủng hộ.
Một cô gái đồng bằng miền Tây nam bộ, lăn lộn hy sinh nhiều thứ để hình thành nên một nhà máy trên vùng cao nguyên mát lạnh Măng Đen, giải quyết việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân người dân tộc thiểu số nơi đây, là điều không dễ dàng tí nào cả.
Cùng là đồng hương Cần Thơ, Tony xin chắp tay bái chị 1 cái, coi như là cảm phục tài năng và ý chí.
Bạn trẻ hãy bắt chước chị, cùng nhau lên những vùng xa xôi để khởi nghiệp, giúp đỡ những người dân quê, xây dựng những thương hiệu mang tên mình, thay vì trí tuệ tập trung phân phối các sản phẩm ngoại quốc. Họ kinh doanh, thấy hết lãi thì họ rút đi, lúc đó nước mình có còn lại gì đâu? Cốt lõi của một nền kinh tế hùng mạnh là sản xuất.
Bạn trẻ cùng hẹn nhau, ngày này năm sau, trên đỉnh thành công.
"Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó..."

Read more…

Bí mật của gương mặt thanh tú

tháng 5 03, 2016 |
Tony chỉ ăn thịt 1-2 lần/tuần, còn lại chủ yếu ăn cá và nấm nên gương mặt thanh thoát lạ kỳ, 50 tuổi rồi vẫn “tầm cao 1m80, cân nặng 70kg, thân hình hoàn toàn bình thường”, lúc nào cũng “rất hân hạnh được phục vụ quý khách”- (giống xe đẩy đi cân dạo).
Các hoàng đế xưa nay ở mọi quốc gia đều ước mơ cháy bỏng là “bất tử”, “trường thọ” tuy nhiên đều chết sớm vì bệnh tật, dù quan thái y cho ăn toàn cao lương mỹ vị. Nên những quan niệm cũ về đồ ăn bổ dưỡng cần phải xem lại dưới góc độ khoa học hiện đại.
Heo-thì phút (heathy foods) tức các loại thực phẩm giúp chúng ta khỏe mạnh.
Các nhóm thức ăn chính là tinh bột, đạm, chất béo, rau củ quả cung cấp chất xơ và vitamin. Chất mắc tiền nhất trong các loại trên là đạm. Cũng là nguồn bệnh tật nhiều nhất. Đạm càng ít chân càng tốt cho cơ thể.
1. Đạm không chân: đậu các loại (xanh, đỏ, phộng, đen, nành…), tàu hũ, đậu phụ, tào phớ. Cá, lươn, trứng, tảo, sữa, phô mai…đều là đạm không chân. Ăn cái này tốt nhất. Nên 3-4 ngày/tuần.
2. Đạm một chân: rong biển, nấm các loại: tốt nhì. Nên ăn 1-2 ngày/tuần
3. Đạm 2 chân: gà, vịt, ngan…: đạm này nên ăn 1 ngày/tuần
4. Đạm 4 chân: heo, bò, dê: nên ăn 1 LẦN/tuần vì khó tiêu.
5. Đạm nhiều chân: cua, tôm: nên ăn 1-2 lần/tháng vì khó tiêu.
=> Nếu tuân theo biểu đồ này, sẽ không bị bệnh Gút, gương mặt sẽ thanh tú, dáng vóc sẽ đẹp đẽ sang trọng, bụng không béo trông xấu xí, mệt mỏi. Mặt đỏ gay gắt, nọng dưới cằm xệ ra, da căng bóng đầy mỡ, nhìn dâm đãng, ham ăn ngủ x-y hơn lao động học tập…là do có chế độ ăn ngược lại với biểu đồ trên, thịt suốt ngày thì nó sẽ gương mặt đầy xôi thịt. Đây là quan niệm của người Ý, người Nhật. Họ thích ăn cá, rong biển nên thọ, sống miết, gương mặt ai cũng nho nhỏ xinh xinh. Ngày xưa, cả thế giới đều chìm vào trong đói kém. Nên miếng ăn nó quan trọng với nhiều dân tộc. Tuy nhiên, khi kinh tế khá rồi, thì tư tưởng phải khá theo. Phải từ bỏ những cái cũ lạc hậu.
Cây cỏ có 3 nhóm là cây cảnh, cây hoang dã và cây trồng đại trà (dùng hạt giống và kỹ thuật để trồng quy mô lớn). Chỉ ăn cái thứ 3. Đừng có mấy chậu hoa trồng cho đẹp nhà cửa đường phố xóm làng cũng nhổ lên ăn. Mấy cây trong rừng trồng để có oxy cũng chặt, phải để nó sống để tạo oxy cho mình thở và cân bằng sinh thái, con cháu mình có chỗ sống bền vững.
Thú vật cũng 3 nhóm. Thú cưng làm kiểng trong nhà như chó mèo khỉ, thường đặt cho nó cái tên. Thú hoang dã như rắn rùa hổ báo voi trên rừng, tự sinh tự diệt. Đừng bắt ăn thịt con này, đánh bẫy con kia, khiến tự nhiên bị mất một mắc xích trong chuỗi thức ăn, dẫn đến tuyệt diệt cả 1 chủng loại. Và thú nuôi dưới dạng nông trại, như gà, bò, heo…là nguồn thực phẩm, mình bơm tinh ấp trứng, muốn cho sinh sản cỡ nào cũng được. Cũng chỉ được ăn cái thứ 3. Nếu ba ba, cá sấu, le le… bắt tự nhiên thì không ăn, phải bảo tồn. Nhưng nếu họ nuôi thành nông trại thì Ok.
Cách chế biến của người châu Á cũng có vấn đề. Vì khi giết thịt, người châu Á hay cắt tiết, cho máu chảy từ từ rồi con vật chết vì mất máu, vì chúng ta ăn luôn cái máu đó dưới dạng “huyết”, nghĩ là bổ dưỡng. Việc gây đau đớn 1 con vật như vậy, bên Tây nó có “súc quyền” tức quyền gia súc, không được hành hạ động vật, vì nó cũng có thần kinh, cũng đau đớn khi bị đánh. Nhưng mình nhìn ở góc độ khoa học, thường thì khi đau đớn kéo dài, con vật sẽ tiết ra chất độc để thần kinh nó dịu hơn. IQ thấp lè tè như gà, heo, bò…khi mình làm thịt đồng loại của nó, nó vẫn nhởn nhơ ăn thóc, gặm cỏ, nhưng nó vẫn biết đau khi mình giết. Còn động vật bậc cao hơn như khỉ, mèo, chó, rắn…nó sợ hãi đến cùng cực nếu thấy đồng loại bị giết. Khi sự sợ hãi đến cùng cực đó, cơ thể nó lại tiết ra nhiều chất độc để trấn an. Nên khi mình ăn vào, không tốt cho sức khỏe. Tp Ngọc Lâm tỉnh Quảng Tây Trung Quốc là nơi tiêu thụ chó mèo khỉ rắn lớn nhất thế giới, tuổi thọ trung bình của dân cư ở đây chỉ 2/3 so với dân các vùng khác của Trung Quốc, kể cả vùng khắc khổ như Cam Túc, Thanh Hải…dân vẫn sống thọ hơn. Tony có anh bạn thân ở đây tên Zhu, anh Zhu chẳng ăn gì ngoài động vật hoang dã vì anh có tiền. Rắn thì cứ phải cắt tiết để anh nuốt tim, húp máu sống trộn với rượu, mật gấu luôn có trong tủ lạnh, sâm cầm anh ăn ngày 1 cặp, thịt hổ thì tháng 1 lần, con gì anh cũng bắt ngâm rượu…nên nhà anh trên tường nhung nhúc đầu voi sừng trâu, hầm rượu toàn ngâm bào thai hổ, rắn rết chim muông chứ hẻm phải hầm rượu vang sang trọng quý phái như nhà Tony. Anh Zhu do 1 lần ăn tiết canh con lợn mường nào đó, con sán thoát ra thành ruột, chui lên não. Anh qua tận Mỹ để mổ nhưng cũng không được, cứ mổ là nó trốn mất. Anh mài sừng tê giác uống miết mà bệnh càng nặng hơn, rồi cách đây mấy tháng, anh ấy đã “sự quang” (sự quang là tử vong, tự nhiên tới đoạn này cái chêm tiếng Tàu vô cho người ta biết mình rành nhiều sinh ngữ). Hoá ra, người Nam Phi bơm chất độc vô sừng tê giác để chống săn trộm, mà người châu Á không biết nên uống vô tưởng bổ, ai dè đang bơi bỗng dưng lật bụng trắng xoá.
Trứng vịt/gà rất tốt cho cơ thể, nhưng phải là trứng tươi. Trứng lộn hoàn toàn không mát như nhiều người nghĩ. Con vịt con trong trứng khi mình luộc lên, nước sẽ nóng từ từ, con vịt con bên trong tưởng là trái đất biến đổi khí hậu, nên ráng thích nghi. Thích nghi 1 hồi thì hóa ra là bị luộc, nước sôi lên trăm độ. Con vịt con bên trong chết, nhưng đạm của nó không tốt nữa, vì đã bị biến hóa theo hướng đạm xấu. Kiểu con giun xéo lắm cũng oằn, cứ lấy cái đũa xéo nó miết thì nó cũng oằn người lên 1 cái rồi mới chết.
Cho nên các loại tiết canh, huyết tương, bào thai các loại như hà nàm rắn, trứng lộn, sừng tê giác, hổ báo, thịt chó mèo khỉ vượn, chim muông hoang dã…không tốt chút nào. Rượu ngâm động vật mình cũng từ chối nhé, chỉ rượu hoa quả thì uống vài ba ly, nói xin lỗi, tôi chỉ dùng heo-thì phút (healthy foods). Ai ép mình, giận mình kệ họ chứ, health là của mình, mình phải giữ.
Người Tàu cũng có món gà đi bộ. Con gà sẽ bị cột chặt đặt trên cái chảo nóng, dưới này đốt lửa. Nó thấy nóng, co 1 chân lên. Rồi thả chân này lên chân kia xuống, cứ thế co lên thả xuống cả trăm lần đến khi ngã gục. Người ta cắt cặp chân đó, hầm thuốc bắc, nói bổ dưỡng, tức gà đi bộ. Nhưng ăn xong chả thấy bổ dưỡng đâu, chỉ thấy ngày càng ốm yếu. Người Hàn thì bắt con bạch tuộc sống chấm sốt rồi bỏ vào miệng, con bạch tuộc sẽ bám vào thành cổ, tạo cảm giác thú vị cho người ưa cảm giác mạnh, với điều kiện là răng phải chắc khỏe, nhai nuốt phải thật nhanh. Tony có anh bạn tên Kim, một lần anh ăn bạch tuộc sống ở một nhà hàng Seoul, tốc độ nuốt không bằng khả năng bám dính của con bạch tuộc, anh Kim bị ngạt thở và cũng đã “sự quang”.
Bộ đồ lòng của gà vịt heo…mình cũng không nên ăn nhiều. Vì các loại thực phẩm này đều nuôi dưới dạng nông trại, cho ăn thức ăn tổng hợp, trong đó có nhiều kim loại nặng vẫn còn tồn trữ trong các nội tạng. Nên bộ lòng không còn sạch sẽ và ngon lành như xưa. Chúng ta cũng có thể ăn, nhưng ít lại. Còn tiết canh thì tuyệt đối không, thế giới hiện đại bây giờ sản sinh nhiều loại chủng virus mới, chưa kể sán lãi các loại trong máu động vật sống, ăn vào chỉ gây hại chứ không có “mát bổ” như người ta vẫn tưởng.
Trong khi đó, hoa quả lại là 1 sự bổ dưỡng đến kỳ diệu của thiên nhiên. Cây xanh nó hay lắm, nó bọc quanh “hạt” tức mầm sống thế hệ sau một lớp thịt quả rất thơm ngon. Trong tự nhiên, khi quả chín rớt xuống, lớp thịt ngọt ngào bọc quanh hạt sẽ là dinh dưỡng cho hạt nẩy mầm, sinh trưởng tốt trong giai đoạn đầu. Đu đủ, bí đỏ, cà chua, dưa hấu, na…đều có lớp thịt thơm ngon bọc quanh hạt là vì vậy. Mình nên tập trung ăn cái này, lấy hạt ra, gieo xuống, giờ có phân bón rồi nên không lo hạt thiếu dinh dưỡng để nẩy mầm vươn lên.
Vậy nhé, chúng ta cùng nhau ăn healthy food, đạm ít chân, rau xanh, hoa quả…. Cố gắng ăn uống lành mạnh, ăn để sống tốt đời đẹp đạo, chứ hẻm phải sống để ăn-cái gì cũng há mồm ra. Mình cũng phải tập thể dục thể thao thường xuyên để máu hồng chảy lên mặt, da dẻ sẽ hồng hào tự nhiên.
Tới tiệc tùng, hay bạn rủ đi ăn, nói mình dạo này chỉ ăn heo thì phút thôi, gụ bia chỉ 1 ly 1 cốc, nói người dạo này có nguy cơ bị một số bệnh nan y nên mong anh đừng ép. Em không muốn sự quang…


Read more…

Lời cậu dặn

tháng 5 03, 2016 |
Năm 18 tuổi, Tony có đi gặp 1 cậu Hai, tạm biệt trước khi lên đường vô Sài Gòn học. Ổng dặn, vô đó nếu ở nhà trọ hay ký túc xá, phải tuyệt đối không được ở chung với mấy đứa không biết làm việc nhà, con cưng này nọ là tránh xa nghẹ mậy. Vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Tony hẻm tin, nói gì ghê vậy cậu.
Vô SG, lên sinh hoạt NVH thanh niên, quen với nhiều bạn sinh viên đến từ các tỉnh. Tony qua ở chung với họ thay vì trọ chung với đồng hương, chỉ vì muốn khám phá các văn hóa các vùng miền khác nhau. Có lần cùng nhau thuê nguyên căn nhà ở đường Trần Văn Đang, trong đó có K, dân Đà Nẵng, học ĐH Bách Khoa. K là cậu ấm chính hiệu vì lúc ở quê, bố mẹ cậu ấy chưa cho K rờ vô cái gì trong nhà, cứ ngồi trong phòng học toán lý hoá trên lầu, tới giờ ăn thì xuống. Mục đích chính của việc học chính là thi, nên cả nhà dồn sức cho cậu, K thi được hai mấy điểm.
K làm biếng kinh khủng, 1 cái áo đi về mồ hôi ướt đẫm chứ cũng treo cho khô, rồi mai mặc tiếp. Quần lót quần đùi thì góc nào cũng có, nhà tắm cũng có, bếp cũng có. Mền mùng chiếu gối thì chưa thấy giặt bao giờ, ai thấy hôi quá thì giặt giùm. Ăn thì toàn cơm bụi, anh em hùn tiền nấu thì K nói không, vì phải bị phân công nấu 1 bữa. Nên tới giờ ăn cơm, mọi người quây quần lại là K xách xe chạy đi ăn bụi bên ngoài.
Ba mẹ K viết thư gửi vô thôi là gửi. K chẳng trả lời bao giờ, nói làm biếng viết lại. Tắm cũng làm biếng. Đánh răng cũng làm biếng. Người hôi rình và răng đầy bựa mảng bám thức ăn. Cứ ôm cái truyện tranh ngồi miết, tóc dài rũ rượi, vừa đọc vừa nặn mụn, máu me đầy tay, rồi bôi lên tường, bôi vào quần áo. Sau đó thì bố mẹ nó mua cái máy tính gửi vô nên chơi game suốt. K nói ở ngoài quê tau chưa biết nồi cơm điện dùng thế nào hay trong tủ lạnh có cái gì trong đó. Cứ ai dọn ra thì ăn. 100% việc nhà, ba mẹ tau giành làm hết. Mỗi lần trong nhà trọ có tiệc tùng, kêu rửa rau là K không phân biệt được rau thơm và rau muống cái nào ăn sống cái nào phải luộc. Nhờ nấu canh thì nó đổ 1 nồi nước ngập tràn, nấu sôi cũng mất cả tiếng, xong phải đổ bỏ bớt hết 2/3. Làm cái gì cũng vụng về lúng túng, mê chơi game quên uống nước, có lần bị sạn thận vì làm biếng đi tiểu. Bóng đèn hư không biết sửa mặc dù học kỹ sư. Vì không mó tay vào chuyện gì nên làm chút là mỏi, lơ lơ, lén lén bỏ đi nếu phải làm chung cái gì. Bạn học cũng ngại rủ K vô học nhóm hay làm đề tài chung, vì K không có làm hoặc làm qua loa, ảnh hưởng thành tích nên ai cũng sợ, không cho vô nhóm.
Hậu quả của thói cậu ấm này là tính ngáo ngơ bất cẩn. Đi ra khỏi phòng là chưa bao giờ tắt điện tắt quạt hay đóng cửa. Mấy anh lớn tuổi trong phòng có la, nói phải tắt các thiết bị khi ra khỏi nhà chứ, một là tốn tiền điện, hai là cháy nổ bất cứ lúc nào xảy ra. K dạ rồi quên, cứ như tính bất cẩn có trong máu. Tony nhớ lời ông cậu dặn, sợ hãi, nên dọn đi chỗ khác. Đâu 1 tuần sau thì nhà trọ của nó cháy. K ủi đồ đi ăn tiệc với bạn gái. Ủi trên cái mền ( chăn), đang ủi nửa chừng thì điện cúp. K quên rút dây điện ra khỏi ổ cắm, để luôn trên cái mền rồi vọt đi cho kịp. Đâu tiếng sau, có điện lại. Nhà lúc đó khóa cửa đi vắng hết nên cháy bùng lên, rồi lan sang nhà bên cạnh. Nhà bên có 1 bà già chạy không kịp nên chết.
Ba mẹ K nghe tin, bay vô. Trách gia đình bà già quá trời. Nói có cháy thì phải chạy đi chứ ngồi trong đó chi cho chết. Rồi gia đình bà già có bãi nại sao đó, nên K mới thoát tội. Rùi ba mẹ nó vay mượn tùm lum mua cho cái nhà ở riêng để tránh phiền người khác. K tán tỉnh 1 cô bạn cùng trường, xấu hơn Thị Nở, nói chẳng thương yêu gì cái con này nhưng được cái biết hầu hạ tau nên tau giả bộ lúc nào cũng “rằng anh yêu em- ố ồ ồ ố ô”. Thế là con bé đó điên cuồng phục vụ, qua ở chung luôn, giặt đồ cơm bưng nước rót, hầu hạ tắm rửa K như nô lệ nô tì I-sâu-ra. Vừa ra trường thì K đuổi ra con bé này ra khỏi nhà luôn, kiếm con khác. K nói sao tau chả yêu ai mày ạ, coi phim buồn hay kịch buồn không bao giờ khóc. Không có lòng nhân ái, không biết vì sao phải thương người thương động vật yêu thiên nhiên cây cỏ
K mất 6 năm mới xong cái bằng kỹ sư, xin việc miết hẻm được. Ba mẹ K lúc đó về hưu nên hết tiền gửi vô. K đi làm bảo vệ cho một công ty, nhưng ngáp lên ngáp xuống. Rùi một bữa nói nhục, đòi nghỉ, vì thằng bạn cùng lớp giờ làm trưởng phòng, tao làm bảo vệ, không chịu được. Tony nói tại mày cả, lúc người ta học ngoại ngữ như điên, đọc sách như điên, giao lưu câu lạc bộ này câu lạc bộ kia, làm dự án khoa hạc này công trình nghiên cứu kia, tham dự hội thảo này hội thảo kia, chơi đá bóng bơi lội này nọ...thì mày lang thang quán cà phê, đánh bi-da, ôm truyện tranh hay chơi game. Ra trường, người ta tham dự phỏng vấn tập đoàn này tập đoàn nọ, tham gia hạc bổng này hạc bổng kia còn mày thì cứ chờ ba mẹ coi xin việc gửi gắm. Giờ trách gì ai. Cái nó nói mệt, kêu mẹ vô bán nhà về quê. Có cha mẹ hầu hạ cho sướng cho nhàn chứ ở đây mệt quá.
Rồi mấy năm sau, 1 lần đi Đà Nẵng, Tony ghé thăm. Ba mẹ K lúc đó già yếu nhưng vẫn đi xin việc cho nó. Cứ dắt đến chỗ này chỗ kia, K đứng ngoài, ông hoặc bà sẽ đi vô thương lượng về lương bổng, điều kiện làm việc. K lẽo đẽo theo như các bé mầm non. Mẹ K nói bác phải vào hỏi cho ra lẽ, chứ lỡ môi trường đó không phù hợp. Bác cũng không muốn ai nói nặng con bác. Nên tối về là ông bà vặn vẹo chuyện cơ quan, bắt nó kể lại hết chuyện gì xảy ra trong ngày. K kể lại rồi hôm sau ông bà sẽ đến nói chuyện phải quấy. Bác ghét cái kiểu đối xử với người làm như thế, không làm được thì bác lấy lương hưu nuôi nó, rau cháo qua ngày.
Bữa ghé thăm, mới hay nó còn 2 đứa em gái nữa, đều là tiểu thư lá ngọc cành vàng, trạc trạc 30 tuổi. Lúc Tony sang thì thấy ông cha đang dọn dẹp lau nhà, rửa xe máy, bà mẹ nấu ăn, còn 3 anh em nó thì đứa ngồi coi laptop, đưa chơi game trên di động, đứa đang dũa móng tay, chân gác lên tường. Rồi ông than bà thở, đấm lưng nói mỏi, cả ngày từ mờ mờ sáng đã phải giặt giũ quần áo, nấu cơm, rồi lau chùi dọn dẹp 3 cái phòng ngủ, 2 bác kiệt sức con ạ. Rút kinh nghiệm, em nó, bác không cho vô Sài Gòn, hạc ngoài ni cũng được. Hạc cho lắm rồi cũng thất nghiệp ngồi đó. Tại nền giáo dục nước mình nó kém quá. Cái mình nói cũng tuỳ thôi bác, cũng lò đào tạo như nó mà con xin việc dễ dàng khi mới ra trường, sau này mở doanh nghiệp nhà máy nè bác. Ông bà không chịu, vẫn đổ là mấy thầy cô dạy dở quá nên cháu K không giỏi được.
Sau đó, K có vợ. Lấy 1 cô kia lớn hơn K mấy tuổi, buôn bán bất động sản rất là giàu có. Cô này cả tuổi trẻ lo làm quá nên cứng tuổi quá rồi mới nhớ phải lấy chồng, bèn kiếm đại 1 XY về cho có người coi nhà coi cửa, có đàn ông trong nhà đêm hôm đỡ sợ. Hàng tháng, cô vợ đưa tiền cà phê nhậu nhẹt, hết tiền thì K ngửa tay xin. K đi làm hành chính văn thư ở công ty thủy sản quen biết với cô vợ, sáng vác ô đi tối vác về, lương không đủ tiền xăng. Vì không độc lập tài chính nên không độc lập được suy nghĩ, cô vợ bắt làm cái gì thì làm theo cái đó, cấm cãi, cãi thì cắt tiền. Nên K sống thân dây leo tầm gửi, còn cô vợ thành cây tùng cây bách. Ra đường gặp kẻ xấu đòi quánh thì nó chạy về méc vợ liền, cô vợ lao ra, gồng đôi tay lực sĩ đập phát bọn xấu chết tươi.
K là hậu quả 1 lối giáo dục không cho lao động chân tay, đặc biệt là các quý tử. Ở Việt Nam, tuyển lao động nữ dễ hơn lao động nam, từ lao động phổ thông đến lao động trí óc. Tony phỏng vấn 10 bạn nữ có thể nhận được 9 bạn vô làm, còn nam thì ngược lại, 10 đứa hết 5-6 đứa ngáo ngơ do cha mẹ không cho làm việc nhà, hình thành thói quen lười biếng và thụ động. Mọi thứ đều có người cung cấp sẵn nên hẻm phải suy nghĩ lo toan gì, vì ít động nên bề mặt não phẳng lì, không có nếp gấp, nói 3 câu thì hết 2 câu vô nghĩa. Toàn hỏi bây chừ em phải làm sao, làm sao và làm sao…
Tạm biệt K. và Đà Nẵng, trên máy bay bay về Sài Gòn, bèn cám cảnh mà làm thơ
“Em hãy là bờ vai vững chãi,
để anh nương tựa vào.
Em hãy là cây tùng cây bách,
để anh bò anh leo,
Anh như dây ti-gôn.
Cứ sáng sáng anh sẽ nở hoa cho em coi,
Nhưng xin đừng ngắt,
Tan nát đời hoa
Vì anh mỏng manh,
Vì anh yếu đuối….”


Read more…