Thông báo Dừng viết

tháng 8 31, 2015 |
Sau một thời gian viết lách mệt quá nên Tony xin thông báo với độc giả xa gần là Tony dừng viết. Viết ớn quá rồi, khi nào hết ớn thì viết lại.
Các bài viết đã được in thành sách Cà Phê cùng Tony và Trên Đường Băng, các bạn mua về đọc lại. Mỗi buổi sáng 1 bài, tối 1 bài, đừng đọc nhiều quá không ngấm hết. Ban ngày nên rời xa laptop/ipad/smartphone...ở mức nhiều nhất có thể được. Mình tự cảm nhận nội dung bài viết đó trên FB của mình. Hoặc trên các trang bán hàng online như bookbuy, vinabook, tiki...cũng có phần nhận xét, các bạn viết vào đó. Bây giờ là thời điểm cho các bạn viết. Và hành động, thay đổi bản thân mình sao cho tốt đẹp hơn. Không đắm chìm trong laptop, trong ipad, trong facebook từ sáng đến tối nữa, dù lý do tốt đẹp nào đi nữa cũng không nên vì đó chỉ là thế giới ảo. Chúng ta cần sống trong đời thật của riêng mình.
Lưu ý với các bạn là ở phần đầu sách cũng như trên nội quy fanpage này có ghi rõ. Mọi thông tin trên các bài viết, trong sách đều là hư cấu tưởng tượng. Các nhân vật A,B, C, Y, Z...đều là các nhân vật văn học, không có trong đời thường. Mọi cá nhân nói rằng mình quen biết với Tony Buổi Sáng đều là không thật, mong các bạn không nên tò mò tiểu nông. Có nhiều admin nên người mà các bạn biết, hoặc gặp, hoặc nghe nói ai đó quen...chỉ là 1 trong số các admin viết nên trang này mà thôi.
Đại nhân thì để ý đại cục. Đọc tác phẩm và nắm đại ý, thấy hay thì nghe theo, không thấy phù hợp thì thôi. Tiểu nhân thì suy nghĩ tiểu nông. Hành vi ra bên ngoài gọi là tiểu xảo. Đọc cái gì, chơi với ai, đánh giá mọi vấn đề chỉ xoay quanh mấy cái râu ria tiểu tiết. Làm cái gì cũng nhỏ nhỏ, không dám làm lớn, ước mơ lớn, buôn bán cũng chỉ tiểu thương, cây xăng cục gạch nhà mặt tiền.
Nói chung trừ 2 cái tiểu bắt buộc (tiểu tiện và tiểu học), mấy cái tiểu khác chúng ta nên vứt bỏ để trở nên phóng khoáng hơn. Tiểu nhân thì đời nhỏ, tiếc lắm các bạn. Tiểu miết thì chết cũng chỉ là một người vô danh tiểu tốt. Sao uổng vậy, ráng có chút thành tựu đi nhé. Thành tích theo thời gian chẳng ai nhớ gì cả đâu, đâu ai nhớ thủ khoa đại học năm 1985 là ai, nhưng mình phát minh ra cái gì đó là người ta nhớ miết.m
Các bạn nên đọc những tác phẩm mà Tony đã khuyến cáo. Đọc sách, làm lao động chân tay, tập thể dục thể thao, làm việc, làm từ thiện, giúp đỡ người khác, suy nghĩ tích cực văn minh, luôn hướng đến thành tựu. Và phải suy nghĩ thật nhiều để tạo ra nhận thức trưởng thành. "Công thành thì thân thoái", các bạn cũng đừng ngạc nhiên quá mần chi. Tony sẽ trở lại các bạn rất sớm (sau ít phút quảng cáo kiểu trên tivi kkk).
Chào thân mến tất cả. Tạm biệt!
TnBSi


Read more…

Ôn cố tri tân

tháng 8 25, 2015 |
Cách đây gần 100 năm, những cuốn sách giáo khoa quốc ngữ đầu tiên chính thức ra đời, được dạy song song với tiếng Pháp trong các trường. Ở bậc tiểu học, ông bà ta sẽ được học 2 cuốn là Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư.
Tiểu học thời đó chia thành các lớp Đồng Ấu, Dự Bị, Sơ Đẳng. Nội dung được biên soạn khá nhẹ nhàng. Tony từng đọc những cuốn sách này ở tủ sách gia đình từ lúc rất bé, và có lẽ bị ảnh hưởng tư tưởng này nên phong cách thư thái nhẹ nhàng, gương mặt thanh tú và trẻ trung miết...
Các bạn đọc thử 1 bài trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư để xem ông bà mình hồi xưa học hành thế nào nhé. Sách này đã được NXB Trẻ thuộc thành đoàn tp HCM biên tập lại cho phù hợp và xuất bản, được nhiều người đón đọc, đặc biệt là Việt Kiều sống xa tổ quốc, dù con cái học ở trường bản xứ nhưng ban đêm về, họ vẫn đem 2 cuốn sách này ra để dạy cho con. Nên đây là món quà quý khi tặng Việt Kiều có con nhỏ.
Các bạn cũng có thể mua lại để đọc, vì rất là thú vị, lời lẽ dễ thương, mộc mạc, đọc mà bình yên đến nao lòng...
Read more…

Cà phê kiểu Mỹ

tháng 8 25, 2015 |
Thành lập ở Cali vào năm 1963, hệ thống cà phê The coffee bean (and tea leaf) trở thành 1 trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới. Với giới sành điệu cà phê thì chất lượng cà phê ở đây là đẳng cấp nhất so với các hệ thống còn lại. Bí quyết của họ chính là hạt cà phê hái bằng tay, lựa quả chín mà thôi. Tất cả đều là loại Arabica của châu Phi và Nam Mỹ (rất tiếc là chưa cà phê của châu Á nào lọt vô tiêu chuẩn của họ), được trồng trên cao độ 1000m trở lên. Các bạn có thể nghiên cứu kỹ trang web của họ để hiểu rõ và tự tìm con đường đi cho mình.
Tuy nhiên, bí mật lớn nhất để cà phê của The coffee bean trở thành thượng hạng chính là việc họ rang vào mỗi buổi sáng, trước khi đem giao cho các cửa hàng thuộc hệ thống. Cách rang của họ là air roasting, tức bằng không khí nóng, để dầu tự nhiên có trong hạt cà phê chảy ra ngoài, tạo mùi thơm.
Các bạn học cơ khí điện tử thử tìm hiểu chế tạo cái máy này nhé. Có thể sx quy mô nhỏ để bán cho các gia đình, hoặc lớn hơn thì bán cho quán.
Từ hạt màu xanh đậm, sau khi rang sẽ biến thành màu nâu đẹp và bóng tự nhiên, chứ không phải cố tình bỏ bơ, dầu ăn hay mỡ gà gì nhé.
Nếu các bạn gọi thử một ly Americano nóng, bạn sẽ cảm nhận hết sự thượng hạng, ngon hay không ngon của loại cà phê đó, của cách chế biến đó.
Một bạn con dượng ở Cần Thơ kể, bạn qua Mỹ du học, vô một quán starbucks. Đứng xếp hàng cả buổi mới tới lượt, nhìn lên chi chít các loại thức uống, bạn thấy rẻ nhất là món America Today chỉ có 1.5 usd, cái bạn gọi liền, for me, one America Today please. Các phục vụ thoáng chút ngỡ ngàng, thu tiền, xuất bill rồi đưa bạn tờ báo.
Hoá ra, America Today là tờ báo, còn Americano mới là cà phê pha kiểu Mỹ. Bạn cũng quê quê, nhưng hổng lẽ lại đứng đó gọi nữa trong khi 1 hàng dài đang xếp phía sau. Bạn bèn cầm tờ báo ra đứng đọc 1 chút rồi qua quán bên cạnh....lần này rút kinh nghiệm, đứng xa xa đọc drink list trước.
Thèm cà phê muốn chết mà bắt đọc báo, đúng là nước Mỹ.
Read more…

Thành tựu đi em, thành tựu đi anh

tháng 8 23, 2015 |
Có nhiều bạn trẻ tới gặp Tony và kể, con thi ĐH 29 điểm đó dượng, hoặc con giải nhất quốc gia môn Lý, rồi con từng chung kết đường leo lên đỉnh Bà Nà, rồi con thủ khoa đầu ra của ĐH X, rồi con giải nhất cuộc thi khởi nghiệp, con có bằng IElTS 8.5, con có bằng thạc sĩ, con có bằng tiến sĩ... Nhưng Tony chỉ nói là bạn có thành tích tốt, bây giờ cái cần là có thành tựu. Thành tựu mới là cái đáng quý. "Nền giáo dục chạy theo thành tựu" là mốt mới của giáo dục hiện đại, bắt đầu từ nước Đức, sau đó là Thuỵ Sĩ, rồi Israel. Các nước đang khăn gói sang Đức để học mô hình này, điển hình là Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Srilanka, UAE.
Thế các bạn hỏi thế thành tựu là gì. Giáo dục hướng đến thành tựu là sao. Các bạn có thể hiểu nôm na như vầy, thành tựu là cái gì đó tạo ra mới, người khác có thể sử dụng được hoặc hưởng lợi từ thành tựu đó.
Ví dụ xếp loại xuất sắc, giỏi, tiên tiến, thi toán thi sinh thi hoá các cấp đoạt giải này giải kia, tức gọi là học sinh có thành tích học tập. Trường đó 99.99% đỗ tú tài, 66.66% đỗ đại học, 33.33% tìm được việc làm chẳng hạn, thì trường cấp 3 đó có thành tích tốt. Nhưng chuyển qua thành tựu, thì bạn học sinh đó chỉ được xem là giỏi khi phát minh ra được các đồ dùng học tập mới, phương pháp học tập mới. Các bạn mày mò ra các sáng kiến dạy và học, chứng minh được thuyết tiến hoá của Đác Uyn là sai, tìm ra được hạt nhỏ hơn hạt nano gì đó mà chúng ta từng biết thì mới là học sinh xuất sắc. Thành tựu của ĐH hệ hàn lâm là các bài báo khoa học quốc tế, các luận văn luận án ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, các lý thuyết mới ra đời nhằm giúp con người nhận thức sâu hơn về một lĩnh vực gì đó. Thành tựu của ĐH hệ thực hành là những chiếc máy móc, những loại hoá chất vật liệu mới, bài hát mới, giai điệu mới, bức tranh mới, kiến trúc mới, cách chữa trị bệnh mới, cách giảng dạy mới....tức ngành gì cũng đều có thành tựu.
Thái Lan hiện có khoảng 150 ĐH cao đẳng, 1/2 trong đó là trường tư. Thực tế học sinh tốt nghiệp tú tài xong cũng chỉ muốn vào các ĐH danh tiếng, chỉ khoảng 30 trường. Người Thái vừa học tập mô hình Đức nên chuyển đổi 30 trường này thành các trường hệ hàn lâm, chuyên nghiên cứu. Các trường còn lại, họ chuyển thành trường ĐH thực hành, bằng cấp vẫn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ...như nhau, nhưng một bên là ra lý thuyết và vĩ mô, một bên là ra công trình thực tế và vi mô. Nếu ghi chữ ĐH dân lập hay cao đẳng nghề sẽ khó tuyển sinh, nên đổi tên thành trường thực hành. Ví dụ lĩnh vực kinh tế, sẽ giữ lại vài trường tốp để nghiên cứu lý luận, chính sách, đào tạo các quản trị viên....còn hệ thực hành sẽ chuyên ví dụ nghiệp vụ kế toán, tài chính, xnk, quản lý phân xưởng, quản đốc nhà máy...
Ở Đức, nếu bạn chọn học ở trường hàn lâm, bạn phải mãi đũng quần trong thư viện hay phòng thí nghiệm để có công trình nghiên cứu. Đọc hàng ngàn cuốn sách, làm hàng ngàn thí nghiệm. Còn nếu bạn học ở trường thực hành, bạn buộc phải có 1-2 ngày trong tuần đi thực tập làm việc ở nhà máy xí nghiệp bệnh viện trường học nông trường....tuỳ theo ngành nghề chọn học. Và được đơn vị tiếp nhận đó trả lương bằng 1/3 lương chính thức. Nên cái đặc biệt của nền giáo dục này là tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức thường bằng 1/4 so với các nước châu Âu khác, chủ yếu là do các bạn tự khởi nghiệp, lu bu quá mà quên báo lại, nên trường tưởng là sinh viên đó thất nghiệp.
Sinh viên Đức quan niệm, khi ra trường, tự mình tích luỹ mua xe hơi, mua nhà...đó chính là thành tựu. Làm nghề gì cũng phải thật giỏi để có thể kiếm được tiền, vẽ tranh hay ca sĩ, võ sĩ hay đá bóng, làm móng tay hay thợ hàn...cứ giỏi là có thành tựu. Còn hưởng thừa kế thì không phải, chỉ là trời xui đất khiến sao sinh vô nhà người giàu có ấy, của cải không phải tự họ tạo ra thì chỉ là người tầm thường. Thừa kế không phải là năng lực, hẻm lẽ có năng lực thừa kế?
Đam mê kinh tế, thì phải trở thành ông chủ xí nghiệp nhà máy gì đó mang tên mình. Ví dụ mình xuất thân từ Thái Nguyên, lên Hà Nội học ĐH kinh tế, phân tích bao nhiêu cái chỉ tiêu ROI, lập bao nhiêu dự án khả thi...thì hãy về Thái Nguyên mà khởi nghiệp với cây trà. Vật lộn chiến đấu với khó khăn, thách thức...cuối cùng cũng xây được nhà máy chế biến trà lên men mang tên mình, nhà máy Trần Huệ Ngọc Huyền chẳng hạn. Đó mới là người giỏi, chứ giải nhất toán toàn tỉnh ngày xưa, thủ khoa ĐH chỉ là thành tích, quá khứ chỉ là hoài niệm cho vui, Huyền nhé. Tốt nghiệp ĐH ngoại thương, thì giúp doanh nghiệp mở thêm 5 thị trường xuất khẩu mới, 5 ngành nghề xuất khẩu mới.
Đam mê cơ khí, thì suốt 4.5 năm ở khoa Cơ khí ĐH Cần Thơ, bạn Nam đã chế tác ra được 2 máy gặt lúa, 3 máy gieo sạ, 5 máy phun thuốc trừ sâu cao áp...thì đó là thành tựu của bạn Nam. Trong 6 năm ở ĐH Y dược, bạn Tuyết đã phát minh ra cách mổ mới, cách cầm dao theo trường phái à-la Tôn nữ Tuyết Tuyết chẳng hạn, vừa hát ả đào "hồng hồng tuyết tuyết" vừa mổ để khỏi tiêm thuốc mê. Hoặc trong 4 năm học ngành may mặc ở ĐH thực hành Cà Mau, bạn Mỹ đã thiết kế được quần bơi chế tác từ sợi có khả năng tự hoại, xuống biển bơi một lúc là nó hoà tan vào sóng biển...
Bạn trẻ thân mến. Mình không qua Đức học từ bé được, thì mình tự tạo ra "nền giáo dục chạy theo thành tựu" cho riêng mình. Các bạn gái trong CLB con dượng nhớ nhé. Mình tạo ra thành tựu hàng ngày, các loại bánh mứt, công thức nấu ăn, đan áo đan len, trồng những chậu hoa, trồng rau nuôi gà,....đó là thành tựu. Chân yếu tay mềm em chỉ có thế thôi. Thằng cu nào mon men đến tán mình, mình ra đề thi: hãy nêu thành tựu anh có từ lúc anh xuất hiện trên quả đất. Nó kể chiếc xe máy này, mình hỏi tự anh làm ra hay của mẹ anh mua cho? Nó nói mẹ mua cho, cái mình trề môi nói không được. Nó nói anh từng đi du học, mình hỏi tự tìm học bổng hay cha mẹ cho tiền, nó nói học bổng, mình mới nói ồ dé. Nó nói nhà anh cũng có cơ sở sản xuất nhưng bố mẹ anh cực khổ gầy dựng....thì mình nói bố mẹ anh mới có thành tựu, anh thì chưa. Tiễn nó ra khỏi nhà ngay, vừa tiễn vừa hát bài "thôi anh hãy về". Về học về làm.
Có "thành tựu" gì đi rồi hẵng đến, rồi chúng mình sẽ "thành thân".


Read more…

Em muốn sang trang, em muốn xuống dòng

tháng 8 23, 2015 |
Tình cờ đọc được câu này của anh James
"Thế giới là một cuốn sách.
Người không đi đâu thì chỉ đọc có 1 trang" bèn suy luận:
1. Thế giới có hơn 200 quốc gia, tức cuốn sách đó có hơn 200 trang
5 châu lục, tức 5 chương.
Đọc chương 1 trước, chương châu Á. Lật giùm các trang kế bên như Lào, Cambodia, Myanmar, Trung Quốc, Philippines... Rồi tới chương châu Âu, châu Mỹ....
Lẽ nào từ bé đến giờ có 1 trang đọc miết? Hay cả năm nay cứ dừng lại ở 1 trang?
2. Nước mình 63 tỉnh, tức 63 dòng. Mình đã đọc được mấy dòng?
Đi nhiều đầu óc mới phóng khoáng, tư tưởng mới thoáng đạt, về làm việc hay học tập mới có năng suất được...
Lao động cật lực hết quỹ thời gian còn trống của mình. Đừng để bất cứ khoảng thời gian chết nào trong tuần cả (trừ 1 ngày chủ nhật nghỉ ngơi).
Tích lũy rồi đi.
=>Tự hỏi mình: Trang sách 63 dòng ấy? Cuốn sách hơn 200 trang ấy, bạn đã đọc được mấy dòng mấy trang?
A. 1 dòng 1 trang
B. 2 dòng 1 trang
C....
D...
E....
P/S: Giờ rủ nhau đi du lịch trong nước thì nói "xuống dòng với tao hem", còn rủ đi nước ngoài, giả bộ nói "sang trang khác với tao hem" cho nó dễ thương nhé. Hay từ trang 1 mình mở luôn chương 4 trang 79 dòng 15, châu Đại Dương, Úc, Sydney.
Lên đại sứ quán Úc làm visa đi chơi liền. Hỏi lý do đi Úc, mình học thuộc câu của James rồi nói "em đi đọc sách".

Read more…

Dễ thương để kiếm tiền nhiều

tháng 8 22, 2015 |
(các bạn làm ngành du lịch nên đọc)
Có lần Tony đi cùng với một đoàn du lịch nọ, có ông giám đốc công ty du lịch đó theo, vì là tour mới, ổng đi khảo sát. Cứ thấy trái ý là ổng mắng sa sả đứa hướng dẫn và cô trưởng đoàn, mặt mũi lúc nào cũng chằm dằm, cau có làm chuyến đi của Tony không thú vị gì cả. Cứ sáng vừa lên xe là ổng chửi hướng dẫn, 1-2 còn bỏ qua. Tới lần thứ 3 ổng lại cầm micro mắng nhân viên trên xe nữa, Tony tức quá nên mới lên mượn micro nói chú ơi, nội bộ công ty chú thế nào thì tối về giải quyết, đây chú đi với tư cách là khách du lịch thì phải ứng xử phù hợp. Chú không enjoy thì để người khác enjoy chứ, mới sáng sớm mà đã vậy rồi, cháu không đồng ý với thái độ này, người làm du lịch phải vui vẻ dễ thương, mặt mũi phải dễ coi, tính tình phải hào sảng phóng khoáng. Cái ổng im lặng không nói gì. Tony thấy ai không dễ thương là xin phép góp ý ngay. Hôm trước lên máy bay cũng có 1 cô tiếp viên cau có nhăn nhó, Tony mới nói xin lỗi xong, hỏi bạn ơi mình có chút xíu góp ý được không. Cổ nói dạ được, cái mình nói "theo mình thì bạn nên dễ thương hơn. Bạn có gương mặt rất đẹp, chỉ cần tính tính vui vẻ xởi lởi thì sẽ có duyên hơn. Với phụ nữ, cái duyên nó quan trọng hơn cả nhan sắc". Cái cổ tái mặt, nói cám ơn và từ đó, thái độ phục vụ thay đổi hẳn. Nói để biết, làm dịch vụ, tính tính mình phải vô cùng dễ thương mới kiếm tiền được.
Hiện nay nước ta nhận khoảng 7 triệu du khách quốc tế/năm, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, Malaysia, Singapore…Du lịch inbound là một mỏ vàng cho chúng ta vì tên gọi Việt Nam rất nổi tiếng, VN và Mỹ là 2 nhân vật xuất hiện dày đặc trên truyền hình/báo chí trong suốt thập niên 60-70 khi chiến tranh chưa kết thúc. Các bạn coi phim Mỹ sẽ thấy nhắc đến Việt Nam rất nhiều, và người đặc biệt Mourinho thì luôn nhắc đến Việt Nam.
Hôm trước, cả thế giới sửng sốt với chương trình Good Morning America với cảnh quay trực tiếp từ hang Sơn Đòong, hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình. Và lập tức, tên hang này xuất hiện trên từ khóa tìm kiếm google như là một hiện tượng, từ việc search hang Sơn Đòong, các thông tin khác về du lịch Việt Nam cũng được hiện ra trên màn hình, và rất nhiều người quyết định đến VN cho chuyến du lịch hàng năm của họ. Do tour tham quan hang này rất đắt và đã đặt kín chỗ đến mấy năm sau, nên khách chuyển hướng đi coi Phong Nha, Hạ Long, Bạch Mã...và các nơi khác.
Các công ty du lịch nên “swim with the tide”, tức nhân cơ hội này mà nhận thêm khách. Các fanpage bằng tiếng Anh kiểu “visit Vietnam", Ha Long Bay, Hue, Nha Trang....nên được thành lập, với đội ngũ tiếng Anh hùng hậu, biên tập thâu đêm suốt sáng các tư liệu này cũng như du lịch VN, cập nhật, chạy facebook ad, google ad (quảng cáo) trên mọi FB của mấy thằng Tây. Ví dụ như mình làm fanpage "Visit Tony Morning's hometown" chẳng hạn, thì về Cần Thơ chụp hình phong cảnh, update thông tin tour, khách sạn, giá vé, đời sống văn hoa địa phương...rồi chạy facebook ad qua các công ty digital marketing, nói đối tượng là khách Canada, mình muốn nhận khách nước này. Công ty Quảng cáo online này sẽ giúp mình, cứ 5 phút 1 lần, trang Visit Tony Morning 's hometown sẽ hiện lên FB của người Canada ở Canada. Họ bấm like rồi đọc, rồi đặt tour với mình.
Đừng có giảm giá tour, Tây đẳng cấp nó không thích đâu, đừng cạnh tranh về giá mà hạ chất lượng xuống. Nên giữ giá cao, nhưng phục vụ nhiệt tình. Tây thích giá rẻ thì nó tự đi rồi, không mua tour đâu, đừng có phé gié (giọng Bình Định ý nói phá giá), cũng đừng có phóa gióa (giọng Quảng Ngãi).
Các quản lý công ty du lịch nên tập huấn anh em để chộp lấy cơ hội này, rèn ngoại ngữ, lòng tự hào dân tộc, nụ cười, ánh mắt, dáng đi…sao cho lấy tiền Tây đợt này cho được nhé. Chậm phút giây nào mất cơ hội ráng chịu.
Cách đây mấy tháng, Tony có đi Hồng Công công tác. Ở đó có những văn phòng sáng đèn ban đêm của các công ty du lịch Trung Quốc sang thuê. Tony ở lại coi thử nó làm cái gì. Thấy một văn phòng khoảng chục bạn, toàn dân đại lục, tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ hay du lịch gì đó, trẻ măng, lanh lợi ghê lắm. Tony vô hỏi thì thấy các bạn đang quảng bá các fanpage, các website du lịch của Trung Quốc trên google, youtube, facebook. Do ở Trung Quốc, việc truy cập 3 mạng này hầu như không được, trong khi Tây thì sử dụng phổ biến, nên họ sang Hồng Công để quảng cáo. Thấy họ chạy website và fanpage tiếng Ả Rập, tiếng Bồ, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Đức....đủ cả. Người Ả Rập vừa search google "honeymoon trip" là ra cả chục trang chào mời đi Trung Quốc. Hoặc facebook của người Đức cứ hiện lên new feeds của họ thông tin về du lịch Trung Quốc bằng tiếng Đức, cái họ tò mò bấm vô coi, rồi mê mẩn bấm nút đặt tour luôn. Thấy cứ tích tắc mấy giây là một email gửi đến đặt khách, họ xử lý xác nhận với khách. Sáng hôm sau, ở Thượng Hải Bắc Kinh là hàng trăm email từ Hồng Công gửi đến, soạn thảo HĐ, lên kế hoạch đón khách.
Du lịch là mỏ vàng cho chúng ta, cần nhiều nhân tài vô hoạt động. Cần được đào tạo, các bạn trẻ đam mê phục vụ người khác nên theo học ở các trường cao đẳng du lịch các tỉnh. Điều kiện là phải ngon lành tướng tá, ví dụ làm hướng dẫn viên du lịch mà lùn quá, thì coi chừng nó mắng công ty du lịch sử dụng lao động trẻ em. Hoặc sức khoẻ không có, thở hồng hộc thì leo núi và phục vụ cho khách cái nỗi gì, lo bản thân không xong. Hoặc tính tình quen thói chiều chuộng, lúc nào cũng cáu gắt, cái gì cũng không ăn, trái ý là khó chịu....thì thôi, ở nhà cho cha mẹ chiều, đừng ra đường, du khách về nó gửi thư complaint mệt lắm...


Read more…

Đời không đẹp như mơ

tháng 8 18, 2015 |
“Con là sinh viên năm cuối 1 ĐH ngành kỹ thuật ở Hà Nội. Nhờ chăm chỉ đọc các bài viết của Dượng mỗi sáng trong 2 năm qua mà bây giờ con thấy mình sống văn minh và đẳng cấp nhiều hơn ngày xưa, con luôn mỉm cười trước khi ngủ vì một ngày trôi qua đầy ý nghĩa.
Trước khi chưa đọc những bài của Dượng, con cũng là con ngoan, trò giỏi. Con chăm chỉ học hành, kì nào cũng đứng nhất lớp. Nhưng bây giờ, con đã thay đổi tư duy. Có đứng đầu lớp đi nữa thì cũng chỉ là đứng đầu 100 bạn, tập hợp này quá bé so với 7 tỷ người ngoài kia. Con chỉ tốt hơn con ngày hôm qua thật nhiều, tiến bộ mình tự nhận thấy rõ, là được.
Con bắt đầu đi tình nguyện, tổ chức các chương trình thiện nguyện lên các bản vùng cao, đi đến những nơi có người nghèo, để sống cùng và giúp họ. Con biết nghĩ cho người khác nhiều hơn Dượng ạ, bây giờ con không muốn chỉ dành thời gian cho những thú vui của bản thân nữa. Những giây phút làm mình sung sướng trước đây như nhu cầu ăn ngủ x,y…chỉ khiến mình sướng có vài giây, trong khi giúp đỡ người khác khiến mình cứ vui miết, sướng miết…
Con cũng không suốt ngày nghĩ đến việc làm giàu như hồi trước nữa, mà rèn luyện chuyên môn, rèn thể lực (con học võ và vẫn sinh hoạt đều đặn ở võ đường). Con muốn mình giỏi tiếng Anh, Nhật vì là dân kỹ thuật, tiếng Anh-Nhật là 2 công cụ để con có thể tiếp cận 2 nền sản xuất hàng đầu thế giới.
Con còn mở 1 trung tâm với mô hình các bạn năm cuối dạy lại cho các bạn sinh viên năm 2, 3 trường con. Rồi con xin cho các bạn đi thực tập, quan sát thực tế rồi về hướng dẫn lại các bạn khác. Bây giờ nhóm bọn con đã có 20 người, ai cũng giỏi chuyên môn và đang học tập ngoại ngữ điên cuồng dượng ạ (con đang học tiếng Nhật, và đi dạy tiếng Anh cho các bạn khác). Các môn bọn con dạy là Tiếng Anh, tiếng Nhật, Dự Toán công Trình, Bóc Tách khối lượng, Autocad (toàn là các kĩ năng phục vụ cho kĩ sư). Nhóm con bây giờ đứa nào cũng lưu loát 2 sinh ngữ, cao ráo khỏe khoắn, gương mặt ai cũng hào sảng tự tin, luôn miệng nói cám ơn xin lỗi, luôn nhường nhịn và giúp đỡ người khác, giúp xong là quay đi ngay không đợi người ta cám ơn. Cho và lập tức quên. Nhận thì nhớ miết, cám ơn và báo đáp lại cho bằng được.
Con sắp sang Nhật làm việc do trúng tuyển vào 1 công ty xây dựng ở Hokkaido, nhưng trước khi đi, con rất muốn được gặp Dượng. Con vẫn nằm mơ thấy dượng là một ông già quắc thước, tóc bạc trắng phơ phơ trong bộ áo bà ba Nam Bộ nước mình. Dượng đang ngồi trên ghế mây đọc sách thánh hiền, ngoài vườn thì xanh mướt cỏ cây và líu lo chim hót.
Con viết hơi dài, con chúc Dượng có 1 ngày thú vị ạ!”
Dượng: Đọc xong thư con, dượng bèn đi ra nhà may làm liền mấy chiếc áo bà ba. Rồi dượng sẽ không hớt đầu đinh nữa mà sẽ để tóc dài và búi lên thật cao. Dượng sẽ không mua ghế mây vì bị thoát vị đĩa đệm mà, ngồi ghế mây sao được. Thay vào đó dượng sẽ mua tấm ván (tấm phản) gỗ mun. Cứ sáng sáng dượng tới cái ván ngồi xuống, 2 bàn chân vỗ vào nhau cho rớt bớt đất cát, rồi ngồi xếp bằng, ăn na ăn mãng cầu nhả hột đầy nhà, la mắng mấy gia nhân đang lui cui dọn dẹp…
Đừng có mơ dượng giống ông hiền triết nào đó bên Tàu. Hồi đó dượng học bên Tây, mấy thầy đặt tên Tony cho dễ gọi chứ bản chất vẫn là nông dân miệt vườn rặt. Miền vườn nhưng sính ngoại lắm, chỉ dùng cái gì có chữ Tây trong đó như khoai tây, gà tây, hành tây (trên mặc áo bà ba chứ ở dưới cũng diện quần tây), uống rượu Tây, thậm chí cái gì không thể Tây được thì phải có yếu tố nước ngoài như dừa xiêm, lê-ki-ma, kiwi…Đứa nào đem ổi đem mít tới là dượng đuổi đi liền. Cà phê phải là Starbucks, Davidoff, RedCup... mới uống. Nhà cấp 4 xập xệ chứ cũng phải gọi là villa de Tony. Đến con Lu cũng biết nói tiếng ngoại quốc. Khách tới nhà là nó kêu go go go…


Read more…

Nhà máy này là của chị

tháng 8 16, 2015 |
Chị M, từng bỏ học nửa chừng do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn thập niên 80. Từ một công nhân gọt dứa, chị từng bước trở thành chủ một nhà máy chế biến nước dứa đóng hộp xuất khẩu ở miền Tây. Co lần tâm sự với Tony, chị nói, nếu được đi học trở lại, chị sẽ chọn ngành công nghệ thực phẩm ở một trường ĐH hay cao đẳng hay trung học nghề nào đó. Chị không hề hối tiếc điều gì khi đã hoàn thành ước mơ của mình. Tony nói, à đó là sứ mạng, mission của cuộc đời. Không nhiều người biết mission của đời mình là gì đến khi nhắm mắt xuôi tay, chị ắt hẳn rất hạnh phúc. Chị mỉm cười, nói ừa, nhà máy này là của chị.
Các bạn sinh viên ngành công nghệ thực phẩm thân mến, các bạn thật sự đang sở hữu một nghề đáng mơ ước trong tay. Các bạn tận dụng từng phút từng giây ở trường nhé. Cứ một buổi mình học, một buổi mình lên phòng thí nghiệm, ăn dầm nằm dề ở đó. Máy móc thiết bị đủ cả, mình mò mẫm thử nghiệm mứt sấy dẻo, rượu vang từ thanh long, khoai lang tím, rau củ snack ăn liền, nước mía đóng lon, nước rau má đóng hộp, mía lau mã đề, kem chuối kem sầu riêng kem nhãn, gà ác tiềm đóng hộp, tổ yến chưng đường phèn đóng hộp, nước nấm linh chi, cao linh chi, cao sâm Ngọc Linh, cá kho tộ đóng hộp, canh chua ăn liền...làm thành các đề tài nghiên cứu sinh viên, sau này phát triển ra thành thương phẩm.
Ôi nghĩ mà mê, mà mê.
Hình ảnh những thanh niên khoẻ khoắn khoác chiếc áo blouse trắng, và những phòng lab huyền thoại sáng đèn cả đêm. Không gì đẹp hơn.
10 năm sau khi rời giảng đường, họ sẽ là những ông bà chủ của những xí nghiệp chế biến nông sản, khoác chiếc áo vét đứng các hội chợ thực phẩm quốc tế để tiếp thị, hay chỉ đạo sản xuất trong phân xưởng, nhanh lên các anh chị em, đơn hàng xuất khẩu nhiều quá rồi, container đang chờ ngoài sân...
Và nông sản nước Việt mình đi khắp thế giới. Cứ vô siêu thị bên Tây, mở lon nước cốt dừa cũng Made in Vietnam, cá hộp thịt hộp cũng Made in Vietnam
Giới trẻ đi đâu, nói I am from Vietnam, cả thế giới rú lên, sao người mày giỏi thế, ẩm thực nước mày ngon thế, sao tao đi đâu cũng thấy thực phẩm chế biến của tụi mày?
Không xa, chỉ 10 năm, khi một thế hệ các kỹ sư chế biến thực phẩm mang tinh thần làm chủ ra trường. Họ sẽ rất khác, rất khác..
Thông minh, giỏi giang, kiệt xuất...là những tính từ thế giới nghiêng mình cho một thế hệ trẻ đam mê sản xuất của Việt Nam.
Gặp lại chị M, chị tươi cười bảo "có gì đâu em, vì đất nước này là của chị".

Read more…

Tuổi thanh xuân của Tony

tháng 8 16, 2015 |
Một bữa nọ, trời đã nhá nhem tối. Tony đang ngồi ăn trong nhà thì thấy con Lu xoắn đít vẫy đuôi, bèn sai gia nhân ra coi ai cứ thụt thò ngoài biệt thự 12 tỷ của mình vậy. Thì ra là cậu Harrod.
Bạn là một “con dượng” dự thi mứt thanh long, bữa gặp ở Villa De Tony, Tony đặt tên ngoại quốc là Harrod. Hoà nhập quốc tế, bên cạnh tên Việt cũng nên có tên tiếng Anh, giống như người Hồng Công hay Singapore, chủ yếu để giao tiếp cho dễ, không nên bảo thủ kiểu Á Châu. Phải phóng khoáng lên, chỉ là một cái danh xưng, mình không chấp nhận sự mới lạ hay thay đổi thì khó lòng làm nên nghiệp lớn.
Tony động viên bạn về quê sản xuất mứt trái cây. Bạn về, tách riêng ½ diện tích nhà để làm xưởng, liên hệ với vùng nguyên liệu, thiết kế bao bì nhãn hiệu, tìm kiếm chỗ mua máy móc xong xuôi, chạy những mẻ đầu tiên để đem đi tiếp thị. Từng bước trở thành ông chủ nhỏ, chạm 1 tay vô ước mơ cuộc đời mình. Ước mơ thì ai cũng có, nhưng chỉ có số ít là làm, số còn lại ngồi nói có cái miệng không đó mệt quá. Các bạn trẻ cũng theo dõi trên FB, coi ai có sự nghiệp gì không, có thành tựu gì không thì mới
follow. Người ta nói chuyện làm chuyện ăn, riết mình bắt chước. Thông tin kinh tế xã hội thiệt nhiều cũng không có ý nghĩa gì, có nhiều bạn cái gì cũng biết nhưng chẳng có cái gì trong tay, vậy cũng chỉ là đứa bất tài vô dụng.
Tony kêu nó vô nhà uống nước, nó nói thôi đứng ngoài trình bày cũng được. Nó nói con vướng phải vấn đề MÁY MÓC, Tony nói thôi con đi về đi. Bữa nào rảnh, dượng lên page chỉ cho, chỉ sỉ chứ không chỉ lẻ mắc công quá.
Về máy móc, nếu MUA NGUYÊN DÀN MÁY chỉ để làm mẫu chào hàng, thì rất rủi ro, vì chưa chắc mẫu đó được thị trường chấp nhận. Mình có liên hệ các trường ĐH cao đẳng như BK, Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Tiền Giang, Hutech, công nghiệp... hoặc bất cứ trường nào gần nhất mà có khoa CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM. Phòng thí nghiệm ở đó đều có tủ sấy, tủ đông, tủ hấp, trích ly, cân đo đong đếm hút chân không, hóa chất bảo quản hay cái gì cũng có…chỉ là không sản xuất quy mô lớn được thôi. Hoặc là nhờ các công ty trong ngành, cái này phải làm quen với bộ phận sản xuất các nhà máy, thuyết phục người ta. Cứ gõ cửa. Làm ăn là không ngại. Ngại, tự ái, mắc cỡ, sĩ diện, háo danh, hoang phí tiền…đều không có trong từ điển của người làm ăn.
Hồi mới ra trường, Tony quen mối sản xuất dầu chiết xuất từ cây tràm (dùng cho phụ nữ mới sinh rất tốt), viết mail giới thiệu chào hàng, bên Nhật thích thú đòi xem mẫu. Nhưng VN mình sản xuất thủ công còn tạp chất, chắc chắn không xuất khẩu được nên Tony mới liên hệ công ty dược phẩm gì trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nó đồng ý làm 10 lít, cấp cho bảng phân tích (certificate of analysis) luôn, có giấy này mới gửi DHL qua bên Nhật được. Khách thấy OK nên qua đặt hàng khí thế, sau này tụi Nhật đem máy móc rồi qua sản xuất luôn dưới Long An, họ mời Tony về làm giám đốc nhưng Tony không có nhận lời vì mắc đi Harvard hạc. Tony từ chối làm tụi nó khóc quá trời (khóc bằng tiếng Nhật).
Lúc hãng Phượng Tím mới ra đời, Tony cũng đi gia công. Tony cả ngày ngồi ở các phòng thí nghiệm các nhà máy nhờ nó làm cả chục mẫu…rồi mang đi hội chợ chào hàng. Mình về làm tới làm lui cả chục lần họ mới OK, rồi mới đặt đơn hàng thử nghiệm gọi là trial order, chỉ có 1-2 container thôi, mình nào dám đầu tư máy móc. Trong khi các nhà máy có chạy hết công suất đâu, mình đem công thức, bao bì của mình tới, kêu họ sản xuất cho mình lúc họ rảnh rỗi. Họ cũng phải trả lương công nhân bao nhiêu đó/tháng, nên có việc làm thêm cho anh em, họ còn mừng. Sau này khi đơn hàng lớn rồi, thì mình mới tự lập xưởng sản xuất, gia công mãi như thế không chủ động được, vì mình chỉ là con nuôi, họ phải ưu tiên con đẻ của họ. Gia công như thế này gọi là OEM, nhiều bạn cũng qua Trung Quốc gia công, ví dụ Smartphone, bên Thâm Quyến sản xuất mọi mẫu mã, ai muốn gia công ghi tên Tèo Mobile, Tí Mobile gì nó cũng làm, nhưng giai đoạn đầu thì được, chứ làm ăn ổn định rồi mà phụ thuộc người ta nguy hiểm lắm.
Về mặt bằng sản xuất, đầu tiên thì tự quy mô ở nhà, cái máy nhỏ nhỏ đóng gói, hơ lửa dán keo lại cũng được. Hồi năm 2 ĐH, Tony về Cửa Bé, đi 1 vòng coi nhà nào có nước mắm ngon, lên chi cục đo lường chất lượng Khánh Hòa đăng ký nhãn hiệu “nước mắm Tony Cocky” xong, đem vô Sài Gòn bán. Tony mò lên nhà máy Ngọc Nghĩa trên khu CN Tân Bình mua chai, nó có bán lẻ. Cứ cuối tuần, ngoài Nha Trang gửi vô 10 can 200 lít, Tony ngồi sớt ra chai, dán nhãn rồi đi bán cho các cửa hàng tạp hóa khu vực phường 13 Bình Thạnh. Người ta góp ý là chai nước mắm phải cái màng phủ trên cái nắp, nếu không, nhìn không an toàn. Hồi đó làm gì có internet mà tìm kiếm. Tony mò xuống Chợ Lớn mất mấy ngày mới tìm ra cơ sở sản xuất MÀNG CO, lao vô tìm hiểu. Người ta hướng dẫn dùng cái mấy sấy tóc, trùm màng co vào đầu chai và sấy 1 cái là nó ôm cái nắp chai ngay.
Tony cứ buổi nào lên trường thì thôi, bữa nào ở nhà là đi tiếp thị rồi giao nước mắm, rồi 4-5h chiều là thay đồ lên thư viện học đến 8h đêm mới về. Mấy năm ăn học cũng nhờ cái nước mắm này và nhiều business khác nữa nên sống hết sức phong lưu, tốt nghiệp vẫn loại giỏi như ai. Yên tâm đứa ham làm thì nó cũng ham học. Ngày chuẩn bị ra trường, Tony tặng cái business nước mắm cho thằng Tú, một đứa ở cùng nhà trọ, dân Bà Rịa, vì thấy nó tử tế trung thực. Tony hướng dẫn nó cách sản xuất xong, dắt nó đi 1 vòng thăm khách hàng, nói các cô các chú ơi, con học xong rồi, con chuẩn bị vô mấy tập đoàn đa quốc gia làm rồi, hoặc con sẽ mở cơ sở sản xuất ở quê, hoặc có thể đi Tây làm việc hay học lên nữa. Thằng em này thế con, có gì cô chú giúp đỡ nó nhen. Thằng Tú cũng làm y chang Tony vậy, nhưng nguồn nước mắm là từ dưới Lộc An Bà Rịa. Khi nó ra trường nó lại chuyển cho 1 đứa khác làm. Vì Tony dặn phải hào sảng, không được tủn mủn kiểu "thà dẹp chứ không cho" của mấy đứa tiểu nông rẻ tiền, chả muốn ai giàu có cả, không hiểu tại sao lại có lối suy nghĩ đó.
18 tuổi rồi. Trưởng thành rồi. Sinh học cơ thể đã có thể sinh sản rồi thì phải có khả năng tự kiếm mồi. Sao cứ há miệng ra xin chim cha chim mẹ đút vậy. Một số chim cha chim mẹ vẫn mù quáng cần mần tha mồi về cho nó, không biết rằng việc này nguy hại vô cùng, làm tàn tật hoá chim non, lười biếng hoá thế hệ sau vì chúng nó sẽ không biết bay, không biết tự kiếm mồi để ăn. Rồi mình già mình chết, nó cũng chết đói theo.
Thời đi học, Tony rất ghét mấy đứa sinh viên hát ê a “bạn tôi, sáng nhịn ăn, lên giảng đường” rồi nói sinh viên tụi mình tội nghiệp. Tội gì. Sức dài vai rộng, trí tuệ có mà nhịn đói? Sao không đi phụ giữ xe hay phục vụ quán ăn?
Người ham lao động thì mắc mớ gì phải nhịn, cứ phở bò phở gà quất tới.


Read more…

Nếu thời gian có quay trở lại...

tháng 8 16, 2015 |
Khổm là tên anh bạn thân người Thái Lan của Tony. Nói là bạn chứ anh cũng già rồi, có ba đứa con trạc tuổi Tony. Làm ăn rồi quen. Anh có nhà máy phân bón khá lớn ở ngoại vi Băng Cốc.
Trong những năm đầu 90, kinh tế xã hội Thái Lan giống nước mình bây giờ, phần lớn hạc sinh thi vào kinh tế, tài chính. Hai đứa đầu của anh Khổm, 1 đứa quản trị kinh doanh, 1 đứa kinh tế đối ngoại. Rồi như kịch bản của 1 gia đình khá giả, tốt nghiệp xong, 1 đứa qua Anh, 1 đứa qua Úc lấy bằng thạc sĩ MBA. Rồi về nước phụ cha phụ mẹ. May mà có cái công ty của gia đình. Lấy thạc sĩ ở 2 quốc gia nói tiếng Anh, nhưng tiếng Anh 2 đứa lại bình thường vô cùng. Hai đứa nó qua hãng Phượng Tím, các bạn từ tiếp tân đến tài xế của Tony đưa đi chơi mua sắm, nói tiếng Anh như gió, tụi nó nể phục lắm. Có gì đâu, cứ chiều chiều các bạn ngồi xóa mù ngoại ngữ, đứa biết 3 chữ chỉ cho đứa biết 2 chữ. Tony chả quan tâm bằng cấp của đứa nào, miễn thấy chịu khó làm việc sẵn sàng lao động chân tay dù có trình độ ĐH cao đẳng, tính tình dễ thương lanh lợi... là nhận vô đào tạo, xách giỏ đi nước ngoài đàm phán nhoay nhoáy. Những bạn làm giỏi nhất trong khối quản lý đều tốt nghiệp từ các ĐH tỉnh như Đà Lạt, Vinh, Cần Thơ, Quy Nhơn, Đà Nẵng, An Giang...cứ đào tạo 6 tháng rồi dùng là được hết. Còn khối sản xuất thì tốt nghiệp các trung cấp nghề, cao đẳng nghề...Nếu để đánh giá thì phải nói là vô cùng tuyệt vời với nguồn lao động này.
Trở lại chuyện anh Khổm. Vợ chồng anh từ dưới quê đi lên xây dựng sự nghiệp ở Băng Cốc xong, muốn con cái có tương lai nên cho vô toàn trường chuyên lớp chọn, bên Thái gọi là trường tư, tốn tiền ghê lắm. Kiểu cấp 1 Lương Đình Của, cấp 2 Trần Văn Ơn, cấp 3 Lê Hồng Phong, cấp 4 Bách Khoa Kinh Tế, toàn lựa trường ngon ở thành phố lớn. Nhưng ra trường thì chìm lỉm, không còn chút dấu ấn gì xứng đáng với sự đầu tư ấy. Đứa nào vô công ty đa quốc gia làm lương 2000 đô/tháng là tự hào ghê lắm, thời gian còn lại chỉ quan tâm đến áo hiệu quần hiệu, bữa này chỗ này sale off, tour du lịch nước kia đang hạ giá rồi tíu tít nhau đi chơi. Nền kinh tế Thái Lan cứ giẫm chân tại chỗ, toàn gia công cho nước ngoài suốt 1 thời gian dài. Một thế hệ con nhà thành phố khá giả, chẳng có động lực gì phấn đấu. Mọi thứ có sẵn, trường ngon, giáo sư xịn, bạn giỏi, cơ sở vật chất đầy đủ...lại làm mất khả năng tự mày mò vươn lên, đầu vào tưởng là ngon nhưng đầu ra bình thường. Mặc dù 2 đứa nó cũng hòa đồng và lễ phép, nhưng nói chung nhạt nhoà.
Đến cậu út, anh Khổm thay đổi hướng nghiệp. Cho nó hạc kỹ thuật trước, sau này mới hạc quản trị để trở thành nhà kỹ trị, vì đứa út này biết vượt sướng. Anh thuyết phục nó hạc nông lâm. Nó đầu tiên không chịu, nói dơ dáy đất cát, nắng nôi cực khổ, ai chẳng muốn sướng tấm thân với việc ngồi máy lạnh văn phòng? Nhưng sau 1 năm, nó tự nhiên đam mê, khoác áo blouse vào phòng thí nghiệm trồng cây mới này, cấy tế bào kia, rồi đem ra thực địa xem nó lớn lên, ra hoa kết trái như thế nào...vô cùng vô cùng thú vị.
Tốt nghiệp xong, nó sang trường Fresno ở Cali học thạc sĩ quản lý nông nghiệp. Trường này qua trường Nông Lâm Thái Lan tuyển, nhận hết cả lớp nó, cho hạc bổng hết, trừ mấy đứa dốt tiếng Anh. Qua được 3 tháng là tụi nó bắt đầu để dành được tiền, đi phụ thầy cô, đi hái nho hái táo, nuôi giấm hay làm hướng dẫn viên cho khách Thái tham quan công viên Yosemite bên cạnh. Các tổ chức quốc tế như FAO ( tổ chức lương nông thế giới), FDA ( tổ chức quản lý an toàn thực phẩm), các tập đoàn như Monsanto, Bayer, Dow Chemical, Syngenta, BASF…. đến đặt cọc trước, giành giật sinh viên thấy bắt mệt. Vì cậu Út được FDA tuyển, đưa đi đào tạo thêm rồi về phụ trách FDA Thailand, chuyên kiểm nghiệm các lô hàng trái cây xuất khẩu. Nhờ một thế hệ những người Thái trẻ giỏi giang như vầy, mà trái cây Thailand đi vô được hầu hết mọi siêu thị trên thế giới. Riêng xuất khẩu cho Trung Quốc hoa quả nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…với nhu cầu khổng lồ cũng đem lại cho nông dân Thái sự giàu có tột bậc. Thế hệ cậu Út còn hạc hóa chất, cơ khí, máy móc, xe hơi, điện tử....mặc dù hạc kỹ thuật nhưng đứa nào đứa nấy tiếng Anh giỏi nên vô mấy hãng nước ngoài làm hết. Đâu 5-10 năm là có thể ra riêng tự sản xuất một cái gì đó Made in Thailand, vì tiếng Anh giỏi nên ra tiếp thị bên ngoài, người ta mua ào ào. Cả thế giới ớn hàng Trung Quốc quá mà tìm miết mới có một nước giá cả cao hơn Trung Quốc 1 chút mà chất lượng hơn hẳn, đó là Thái. Một thế hệ cậu Út góp phần xây dựng nền công nghiệp sản xuất Thái Lan hùng mạnh số 1 Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản xuất xe hơi, tốp 5 thế giới về điện từ, đồ gia dụng, máy tính đồ chơi... Du lịch cũng mạnh, nông nghiệp cũng mạnh, giờ công nghiệp cũng mạnh nữa thì dân Thái ngày càng sung túc.
Cậu Út nói với Tony, bạn bè nông lâm của em nhìn lại 10 năm ra trường đều thành đạt cả. Đứa được giữ lại làm giảng viên, đứa làm việc mấy tổ chức quốc tế, đứa tự mua đất trồng trọt chăn nuôi. Đứa nào cũng triệu phú đô la trở lên, đời sống hết sức phong lưu vì có một tuổi trẻ chấp nhận lấm lem dầu mỡ trong các nhà máy, đất cát ngoài đồng... Chứ hẻm có sức dài vai rộng mà mặc quần tây đóng thùng, ôm cái laptop ngồi quán cà phê Starbucks chat chit ở Băng Cốc chờ ngân hàng này, công ty kia tuyển thì vác đơn đến, nói chuyện toàn chuyện vĩ mô trên mây.
Tự nhiên ngồi nghĩ, nếu bây giờ mà 18 tuổi, Tony chắc chắn sẽ chọn hạc kỹ thuật như kỹ sư trồng trọt ( sẽ chọn ĐH Nông Lâm Huế hay Nông Lâm Thái Nguyên), hoặc có thể làm kỹ sư nuôi trồng Thuỷ Sản (ở ĐH Nha Trang). Ở các trường tỉnh nói chung, không chen chúc lên thành phố lớn làm gì, mục đích dài hạn là học bên Tây bên Mỹ chứ Sài Gòn Hà Nội ăn thua gì.
Ở các trường tỉnh, học sinh giỏi chê không học thì mình học, cơ hội lớn cho mình vì tỷ lệ sinh viên giỏi tiếng Anh không nhiều, mình chăm chỉ cày tiếng Anh lấy cái IELTS 7.0 cộng thêm vài bài báo quốc tế hay vài công trình nghiên cứu khoa học đứng tên chung với các thầy cô trong trường là có thể vi vu ở trời Tây học cao lên nữa miễn phí. Có thể là quản lý nông nghiệp, quản lý thuỷ sản, hay cũng có thể là MBA. Trở thành 1 nhà kỹ trị vẫn có gì đó thú vị hơn. Quan niệm riêng của Tony là như vậy.
Nếu Tony 18 tuổi. Ối chà chà, với gương mặt thanh tú như vầy, có khi lại đi đóng phim ca nhạc cạnh tranh với K-Pop của Hàn Quốc cũng nên.
18 tuổi 18 tuổi....
P/S: nếu đã quyết tâm chọn ngay từ đầu học kinh tế, luật,....thì vẫn cứ tiếp tục. Còn nếu bạn vẫn phân vân học kinh tế hay kỹ thuật thì có thể chọn kỹ thuật trước, kinh tế có thể học sau vì dễ. Nhưng rất khó cho chiều ngược lại.


Read more…

Giới trẻ cần được học "thế nào là văn minh, nhân ái"

tháng 8 13, 2015 |
Từ năm lớp 1 đến lớp 12 để thành người có học thật sự. Cứ nói nhiều bạn "vô học" thì cũng oan uổng quá, các bạn có học đấy, học rất nhiều, nhưng toàn là lim log ô mê ga tê cộng phi để mục đích cuối cùng là vào đại học. Rồi học cao nữa, cao nữa...nhưng những cái chút xíu thì vẫn không biết, không ai dạy cả, không có trong sách giáo khoa hay giáo trình nào. Họ nói nếu phải thi môn đạo đức làm người để thi các cấp hay vào đại học, chúng em sẽ học đêm học ngày ngay.
Trung Quốc đã bắt đầu đưa môn "đạo đức làm người" vào giảng dạy, thành sách giáo khoa và là một môn chính để thi cử, thậm chí thi đại học vừa rồi họ ra đề về "không tham của rơi". Tâm lý của dân châu Á là vậy, cái gì có thi mới học.
Việc đưa môn "đạo đức làm người" vào 4 môn quan trọng nhất (toán, ngữ văn, tiếng anh, đạo đức) để xét tốt nghiệp các cấp và thi cao đẳng đại học ở Trung Quốc vừa qua đã thay đổi rất nhiều bạn trẻ, nhiều bạn mới vỡ ra rằng xưa nay các bạn làm như thế là không văn minh. Môn này còn chuẩn bị làm thành môn bắt buộc ở các trường ĐH Trung Quốc, trên mạng xã hội, các sinh viên rất hào hứng đón nhận. Vì thật sự giúp họ chân hơn, thiện hơn, mỹ hơn...và tất nhiên ra đời sẽ thành công hơn. Ai chẳng ưa thích người có đạo đức, văn minh, tâm hồn?
Sáng nay, trên tnbs.

Read more…

Chuyện chọn trường

tháng 8 12, 2015 |
Mùa tựu trường, Tony hỏi nhiều bạn vì sao bạn học ĐH, 10 bạn hết 9 bạn nói để có việc làm. Tại sao chọn trường này mà không chọn trường kia, các bạn nói nó "ngon" hơn. Tony hỏi ngon như thế nào, các bạn nói thì trường nổi tiếng khó vô, cơ sở vật chất hoành tráng, giáo sư nhiều... (khái niệm trường ngon hay không ngon bị biến mất khi internet ra đời, giáo trình nào cũng có trên mạng cả, giáo sư nào dạy hay cũng có clip trên youtube tha hồ xem). Tony lại hỏi, vậy mục đích học trường ngon để làm gì, phần lớn các bạn nói để có việc làm ngon, tức lương cao, cơ hội được công ty đào tạo trong và ngoài nước, môi trường làm việc năng động, đồng nghiệp giỏi giang,....
Vậy thì bây giờ Tony sẽ giúp các bạn trong thời gian 4-5 học ĐH, mình sẽ luyện thi để được việc làm ngon ấy nhé.
Ngoại trừ các ngành chuyên môn như kiến trúc sư, bác sĩ…tức phải có chứng chỉ hành nghề, cách tuyển sẽ theo một quy trình riêng, còn làm văn phòng, kinh doanh, quản lý…, thì họ sẽ tuyển theo hướng không quan tâm bằng cấp, chỉ quan tâm thực lực. Cho nên bạn muốn làm công ty nước ngoài hay công ty Việt Nam đẳng cấp, cứ yên tâm học ĐH tốp trên tốp dưới cao đẳng gì cũng được, hệ chính quy tập trung không tập trung, công lập hay dân lập, ở tỉnh hay ở thành phố lớn...TẤT CẢ ĐỀU ĐƯỢC. Người ta chỉ tuyển người, không tuyển bằng, nhớ nhé. 100% sinh viên tốt nghiệp với tiếng Anh thành thạo, kỹ năng mềm tốt, tư duy tốt, có văn hóa đọc, khỏe mạnh nhiều năng lượng, tính tình dễ thương trung thực tử tế…thì đều có việc làm ngon như các bạn từng mơ ước.
Ví dụ thông tin tuyển dụng của một công ty nước ngoài lớn tại Tp HCM:
- Tốt nghiệp ĐH, cao đẳng, thậm chí không có bằng tốt nghiệp nhưng phải có bảng điểm để chứng minh đã học xong 1 chương trình đào tạo. Bất cứ trường nào, hệ nào trên khắp quả đất.
- Ứng viên phải có ít nhất 2 năm đi làm (làm gì cũng được) để thể hiện sự chín chắn, nhận thức tốt để có sự trưởng thành, già dặn trong suy nghĩ và hành động. Nếu là sinh viên mới ra trường, thì phải chứng minh trong quá trình học có tham gia các câu lạc bộ, các đoàn thể, các hoạt động tình nguyện và xã hội, các công việc làm thêm, các công trình khoa học,..
- Trình độ ngoại ngữ phải do nước ngoài cấp như trong tiếng Anh là TOEFL, TOEIC hoặc IELTS, tiếng Pháp là chứng chỉ x, tiếng Trung là chứng chỉ Y, tiếng Nhật là chứng chỉ Z nào đó. Các chứng chỉ và bằng ĐH ngoại ngữ trong nước chỉ có tác dụng tham khảo.
- Ứng viên sẽ gửi hồ sơ việc làm bằng email, trong đó thư ứng tuyển phải viết tay ghi rõ lý do chúng tôi nên chọn bạn.
Hồ sơ gửi về địa chỉ.....bằng bưu điện hoặc scan bộ hồ sơ gửi qua email.
Quy trình tuyển dụng:
- Nhà tuyển dụng sẽ sàng lọc để loại trừ các lỗi ngáo ngơ như viết sai chính tả, email không có tiêu đề (subject) hay subject chỉ là “tìm việc”. Cách đặt tên file CV cũng phải “C.V của Nguyen Thi A” thì mới được, chứ chỉ ghi “CV” cũng bị loại luôn, vì họ nhận cả trăm email, email nào cũng ghi C.V thì họ sẽ lưu không được. Email gửi mà không có Mở đầu kết thúc, thưa gửi (dear…) ở đầu email và trân trọng ở cuối thư cũng sẽ bị loại. Chỉ có hồ sơ đạt chuẩn, họ sẽ in ra và phòng nhân sự bắt đầu công việc phỏng vấn.
- Sau khi qua vòng gửi xe, sẽ đến phần viết, kiểm tra trình độ toán học xem có nhầm lẫn về con số không, các bài test chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc. Bài test này họ cho thi online, gửi qua mail cho mình làm bài, và gửi lại trong vòng 1h cho họ. Họ cho mình “quay bài”. Bạn nào tham khảo hay google giỏi cũng là 1 kỹ năng, nhưng nếu google sẽ không kịp trả lời. Phần này sẽ kiểm tra tính logic trong suy nghĩ, ví dụ số tiếp theo của dãy số sau là bao nhiêu, 1,3,5,7,…Nếu mình biết điền vào số 9 thì coi như là người có I-ốt, qua.
- Sau khi qua vòng này, sẽ tới phần NÓI. Tới đây là không online được nữa mà sẽ phải gặp mặt. Sẽ có một hội đồng phỏng vấn khoảng 10 người chất vấn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt (nếu vị trí chỉ cần tiếng Việt), mình sẽ phải đứng lên thuyết trình 1 đề tài để họ thấy phong thái tự tin của mình. Họ cũng sẽ hỏi dồn, hỏi qua hỏi lại, bạn nào lanh chanh lóc chóc hay không trung thực sẽ bị loại. Nên hãy từ bỏ thói quen nói dối để mình qua được vòng này nhé. Sau đó, các phòng ban coi mắt, thấy ưng ý ứng viên nào thì sẽ tổ chức gặp riêng thỏa thuận lương bổng, vị trí công việc, thời gian vô làm, làm ở Sài Gòn, Cà Mau hay Tokyo…
Cơ hội việc làm là công bằng cho tất cả mọi người. Không cần phải "con vua" hay "con sãi" gì, cứ giỏi là vô làm tuốt. Và các bạn cũng hiểu vì sao hàng hóa sức lao động của anh A ế ẩm, không ai mua nên thất nghiệp. Hoặc sao anh B bán chỉ có 5 triệu/tháng mà chị C đến 1000 USD/tháng. Mình biết để điều chỉnh cách học tập, cách sống thay vì ĐỔ THỪA tại nền giáo dục, tại thầy cô, tại cái trường, tại cha mẹ không quen biết, tại không có tiền…
Thực tế có nhiều bạn tốt nghiệp những trường không mấy tên tuổi ở tỉnh xa thật xa, như ĐH Mường Tè, ĐH Mù Căng Chải,...nhưng vẫn được vô làm các tập đoàn lớn, họp hành bên New York London suốt ngày. Không cần phải chen chúc vô ĐH ngon nào đó như mình nghĩ. Không có trường nào của Việt Nam nằm trong top 100 trường ĐH của thế giới, nên ngon hay dở chỉ có dân làng mình biết, ra biển lớn mình nói tốt nghiệp trường đó trường đó không ai biết nó nằm ở đâu. NGON là cá nhân bạn có NGON không, chứ không phải cái trường.
Học là để biết, để làm, chứ không phải là để có bằng cấp, dù có bằng như loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ…vẫn được coi như là ứng viên đó CÓ SỞ HỮU MỘT SỐ KỸ NĂNG TRONG THI CỬ, chứ không liên quan gì đến trí thông minh hay khả năng làm việc.
Dù có học vị gì đi nữa, ứng viên buộc phải được kiểm tra các kỹ năng nói trên, qua được thì vô làm. Thậm chí người bà con gửi gắm con cháu vô cơ quan mình, các bạn cứ nhận hết, rồi tổ chức thi như trên. Qua được thì là người giỏi, nên nhận.
Người ngon thì có việc ngon
Trường nào cũng được, lon ton làm gì?


Read more…

Thành đạt, thành công và thành gì nữa?

tháng 8 12, 2015 |
Sáng nay Tony đọc được một bức thư dài của chị Bình, ở Nghệ An. Những dòng chị viết làm Tony thấy cay xé mắt, được sự đồng ý của chị, Tony xin kể lại câu chuyện trên.
Chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp. Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học rất giỏi, là niềm hãnh diện của chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.
Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói tự nhiên trong lòng có cảm giác “ con mình thi đậu không vui bằng con hàng xóm thi rớt”, chị mở tiệc khao rất lớn, mời hết thầy cô bạn học về nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời hết cơ quan chị về chơi luôn, đãi 2 suất, trưa và tối. Dĩ nhiên là có mời B và gia đình nhưng họ không đến.
Chị nói tiệc diễn ra hết sức xôm tụ tuy con chị không vui. Cơ quan ai cũng chúc tụng chị, ai nấy hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi con mình đã trượt đại học, chẳng ra gì. Chị ra chợ cũng vậy, gặp ai cũng kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn.
Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai. Mẹ B thì đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm. Trong nhà là tiếng chì chiết, tiếng khóc than. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ, và lôi A ra để làm ví dụ. Chị nói cơn bực tức lên tới đỉnh điểm khi mẹ B bảo mày qua nhà thằng A “mà đội quần nó”, mấy người cạnh nhà nghe lén rồi sang kể cho chị nghe.
Chuyện không có gì là ầm ĩ nếu không phải cách đây 2 hôm, B ăn cắp mấy triệu đồng trong nhà, và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B đang chạy dáo dác đi tìm nhưng vẫn chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc được bài viết “cái chết của Chu du” trên TnBS, về thói đố kỵ của người châu Á và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại cho Tony nghe.
Tony xin phép thưa với chị như thế này. So sánh chưa bao giờ là phương pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế “ khích tướng” trong trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Không ai được phép làm tổn thương những đứa trẻ mười mấy tuổi như vậy. Giáo dục với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng thời phong kiến với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao vẫn như xưa?
Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh chảnh, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn Tony từ cấp 1, cấp 2, những bạn bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức xếp loại này, vì sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua gay gắt của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn kiến thức (loài người xưa nay nghĩ ra, hữu hạn) để xếp loại? Giải nhất quốc gia thì chỉ là đứa thi cử chữ nghĩa giỏi nhất trong tập hợp mấy triệu học sinh đó, không có ý nghĩa gì với 7 tỷ nhân loại, trừ nó có phát minh cái gì đó đặc biệt. Tương tự nếu bạn là thủ khoa đại học hay sinh viên trường top ở một quốc gia nào đó, nếu bạn chưa có đóng góp gì cho văn minh nhân loại thì hãy khiêm tốn cúi đầu. Thành tích không có ý nghĩa gì. Thành tựu mới là cái đáng trân trọng. Và thành nhân là mục đích tối thượng của con người.
B không giải được bài toán đại số nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm sống mà không xin xỏ ai. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Thì hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc, …chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3 tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Khi mới sinh ra, 1 đứa trẻ biết không tè không ị vô quần là thành đạt. Và đua tranh ganh ghét người khác cả đời, đến 90 tuổi mới nhận ra thành đạt cũng chỉ là tự chủ trong tiêu tiểu.
Tôi là Nguyễn văn B, tôi có những giá trị riêng của tôi, “giá trị Nguyễn Văn B”. Cái câu cửa miệng của nhiều người “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình” là một triết lý nhảm nhí của người châu Á.
Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó?


Read more…

Chuyện lúc 21h45 phút

tháng 8 09, 2015 |
Ghé tầng 16 trong một toà cao ốc ở quận 1 có việc, thấy có 3 công ty giờ này còn sáng đèn. Cả 3 đểu là công ty Singapore.
Đứng đợi thang máy, có một cậu nhân viên người Sing cũng đang đứng đợi, Tony bèn hỏi sao tụi mày làm việc kinh thế, tiền bạc đâu có mua được hạnh phúc, theo cách nói an ủi của mình xưa nay khi thấy ai ham làm. Cái nó cười nói "nhưng tiền thì mua được điều kiện để có hạnh phúc, còn hạnh phúc hay không thì tuỳ mày cảm nhận. Với tụi tao, tiền mua được các gói chăm sóc y tế tốt nhất, các chương trình giáo dục tiên tiến nhất, đi được nhiều nơi trên trái đất nhất, ăn những gì ngon nhất, mặc những gì đẹp nhất, giúp đỡ những nước nghèo nhiều nhất...và về già thì không phải lo nghĩ gì về mưu sinh nữa".
Cái thang máy mở cửa, Tony bước ra ngoài, thẩu thẩng quay thung (nhức đầu đau bụng) vì nó nói tiếng Anh cứ lơ lớ tiếng Hoa. Có mấy phút mà bị nó "thuốc" nên giờ lại ghé công ty làm nốt cái báo giá khách hàng chiều bỏ dở đi nhậu....
P/S: Người Singapore dù chỉ có 5.5 triệu người nhưng đã làm ra của cải trên cái đảo nhỏ xíu ấy có giá trị tới 300 tỷ đô la, so với 100 triệu người Philippines chỉ tạo được 200 tỷ đô cho đất nước họ (GDP). Điều kiện quốc đảo, được Phương tây hỗ trợ mọi mặt, tiếng Anh thành thạo như nhau...nhưng một bên nghĩ lớn, làm chủ, làm việc điên cuồng, chỉ nghĩ đến công việc và đầu tư; còn một bên nghĩ nhỏ, làm thuê, an phận, ăn uống hát hò suốt trên truyền hình, quán bar. Và kết quả những người già Singapore tới tuổi hưu đi du lịch khắp nơi, và những người già Phillippines vẫn cần mẫn trên những cánh đồng chuối, dứa. Tuổi trẻ không biết làm nhiều, nghĩ lớn,để dành cho tuổi già thì khổ chứ trách ai.
Như vậy, chìa khoá mấu chốt của mỗi cá nhân thành đạt, mỗi gia đình sung túc, mỗi xã hội phồn vinh chính là mỗi cá nhân làm việc hết sức mình, làm thêm, nghĩ lớn.
Hôm nay, bạn sẽ làm mấy tiếng đồng hồ? Có muốn nhảy việc sang công ty khác trả hơn 1 triệu tức 50 USD không?

Read more…

Tích & phân

tháng 8 09, 2015 |
Rất nhiều nước như Nhật, Hàn Sing, Phi, Thái, Mã, Âu, Mỹ...đều đã giảng dạy Kinh tế học cơ bản cho học sinh phổ thông. Từ lớp 5 đã có môn “em học kinh tế” với các ví dụ đơn giản về việc bỏ ống heo (lợn đất), mua sắm đồ dùng trong nhà, chi phí ăn uống tiền điện tiền nước...Lên cấp 2, cấp 3, những khái niệm trừu tượng hơn như lạm phát, cung cầu..sẽ được thảo luận, học sinh phải nắm được 51 khái niệm kinh tế học căn bản trước khi tốt nghiệp tú tài. Nên lớp 12 xong, có thể đi làm ở các công ty, cũng có thể tự mở 1 quán ăn nhỏ kinh doanh mà không phải vật lộn với quản lý, nắm vững được các nghiệp vụ kế toán đơn giản, giải được bài toán doanh thu, chi phí và lợi nhuận, biết làm marketing và thuê mướn lao động. Có thể tham gia chơi chứng khoán, đầu tư, và đọc báo hiểu hết mọi khái niệm từ GDP đến thắt chặt tiền tệ, kích cầu...
Ở Việt Nam, Tony nghĩ cũng nên dạy môn kinh tế ứng dụng từ năm lớp 9. Giáo viên là các bạn tốt nghiệp đại học kinh tế, học thêm nghiệp vụ sư phạm là dạy vô tư. Có rất nhiều bạn trẻ học xong lớp 9 mà không có điều kiện học lên, nhất là ở nông thôn, và hàng năm có hơn 1 triệu thí sinh đại học cao đẳng, nhưng chỉ có 5 trăm ngàn chỉ tiêu trong giảng đường. Do đó việc cung cấp kiến thức kinh tế học ứng dụng sẽ giúp xã hội có thể có nhiều công ăn việc làm hơn, các bạn có thể tự mình mở ra các cơ sở sản xuất kinh doanh nếu chọn con đường lập thân không phải là đại học.
Theo quan điểm của Tony, sách giáo khoa của mình phải cắt giảm nội dung tất cả các môn, chỉ giữ lại 1/2 thôi, khỏi đổi mới chi cho tốn tiền, các kiến thức trong SGK của mỉnh rất rất hay, nhưng quá sức nặng đối với những bộ não 16-17 tuổi ở giai đoạn chưa phát triển hoàn chỉnh. Người có trí nhớ xuất sắc và logic như Tony mà đến giờ vẫn ám ảnh áp lực bài vở và thi cử, vẫn nằm mơ ngày mai đi thi mà không có chữ nào trong đầu, giật mình thức giấc miết vì sợ.
Tony hiểu vì sao các bác giáo sư tiến sĩ soạn sách đã phải soạn nhiều như vậy. Rất là tâm huyết và đáng trân trọng. Vì ngày xưa, kiến thức rất khó tìm. Chỉ nằm trong thư viện các trường đại học lớn và người ta phải nhớ mọi thứ. Muốn học bậc đại học, phải lên Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ...Học sinh nông thôn phải cộng điểm vì ít cơ hội tiếp cận kiến thức. Nhưng, bây giờ kiến thức nằm hết trên mạng, trong file máy tính, truy cập phát ra ngay. Ngồi ở Lào Cai vẫn truy cập được giáo trình lẫn các bài giảng từ các giáo sư Harvard qua youtube. Hầu như nước nào cũng đã phải thay đổi chương trình học phổ thông sau khi internet ra đời. Họ chú trọng phương pháp hơn kiến thức. Học sinh chỉ cần nhớ những gì hết sức quan trọng, và PHƯƠNG PHÁP tìm kiếm tài liệu. Vì chữ nghĩa rồi cũng sẽ rụng rơi theo thời gian, kiến thức mới lại bổ sung liên tục, thuyết tiến hoá của Đác Uyn có khi sẽ bị Đác Tèo nào đó chứng minh là sai, hạt nhỏ nhất sẽ là một hạt gì đó nữa trong vũ trụ mà loài người chưa biết,...Đại loại kiến thức sẽ được bổ sung hoặc thay đổi, nên học sinh có phương pháp tìm kiếm thông tin sẽ giúp ích cho các bạn sau này. Làm ngành nghề gì cũng cập nhật được cái mới.
Nên cắt giảm chương trình để các bạn có thời gian đầu tư cho ngoại ngữ, nhất là kỹ năng đọc vì nhiều tri thức nhân loại trên mạng bằng tiếng Anh, chỉ nên bổ sung 2 môn Kinh tế học và môn Đức dục. Còn thời gian cho tụi nó chơi thể thao thể dục cho khỏe mạnh tráng kiện, chứ học chữ chi từ mờ mờ sáng đến 11h đêm mới xong, thời gian đâu để cho nó lớn. Con gái cũng phải cho nó thời gian sửa soạn tí. Con trai cũng phải tập luyện tí cho cơ có bắp. Chứ đứa nào tay chân cũng teo tóp, mắt lồi ra với cặp kính cận vì luyện thi đại học, thấy tội quá. Cháu gái của Tony, 12 năm học sinh xuất sắc (cả trường nó chỉ có 1 đứa học sinh tiên tiến), tính số mol, cos sin, lim log, ô mê ga tê cộng phi thành thạo, thi đại học những 25-26 điểm. Năm 1 vừa vô Sài Gòn thuê nhà trọ, bị bà chủ nhà lừa ngay 500 ngàn tiền đặt cọc, do không ghi biên nhận. Rồi có lần cầm 1 triệu đi đóng tiền học ngoại ngữ, ghé mua ổ bánh mì móc ra chi trả sao đó mà lên trung tâm chỉ còn có 800 ngàn, đứng khóc vang dội…
Lần nào nhìn thấy nó khóc cũng thấy thương. Nước mắt nhòe cả cặp mắt kính cận 5 đi-ốp, lăn dài trên gương mặt toàn mụn bọc xếp thành những vòng tròn nội tiếp. Mặt mũi hốc hác, chỉ còn thấy mỗi cái “nguyên hàm” vì suốt ngày cặm cụi, toán thì “tích phân”, văn thì “phân tích” đến 1-2h khuya.
Chị Tony nói nó phải học để làm vui lòng chị và bà con chòm xóm. Tony nói ủa sao một đứa trẻ phải học cho chòm xóm và gia đình? Học là cho nó chứ, chị gạt phắt đi, em không thấy trạng nguyên học là để đem vinh quy bái tổ về cho làng à? Cả làng theo dõi, nó mà rớt là chị sẽ bị nhục nhã. Còn nói chị đẻ nó ra, chị nuôi nó ăn học, cho nó học gì ở đâu là quyền của chị. Nó mọi giá phải vào ĐH ngành tài chính ngân hàng ở Sài Gòn, ra trường làm văn phòng máy lạnh cho sướng tấm thân. Nó mà rớt năm nay thì chị sẽ nuôi nó ôn thi, 10 năm cũng phải thi, phải đậu.
Nó học trong sợ hãi. Áp lực thì gia đình và cái chòm cái xóm gì đó khiến nó thi thoảng ngủ vẫn hét lên.
Tony rủ nó tốt nghiệp xong, nếu không ngân hàng nào nhận vô làm thì đi bán phân với cậu, tích tiền đặng đi Hàn Quốc hút mụn.
Tony cũng đang nhờ nó phân tích làm thế nào để tích phân, đầu cơ phân bón cho vụ đông xuân tới.


Read more…

Tuổi trẻ phải có ngờ

tháng 8 06, 2015 |
Trên chuyến bay từ Los Angeles đến Tucson, Tony ngồi cạnh 2 mẹ con người Mỹ nọ. Khi biết Tony đến từ Việt Nam, họ vui vẻ lắm, nói ngày xưa Việt Nam trong ý nghĩ của tụi tao là chiến tranh, bây giờ Việt Nam là quốc gia sản xuất. Bà mẹ nói tao thích quần áo Made in Vietnam vô cùng vì đường may sắc sảo. Thằng cu con chị ấy còn kéo cái đính Made in Vietnam ở phía sau cổ áo nó cho Tony coi. Rồi còn đòi mở áo của mẹ nó cho Tony coi nữa, nhưng mẹ nó mắc cỡ, chỉ nói là áo này cũng của Vietnam may. Hai mẹ con nói cười làm Tony tự hào quá, không ngờ những giọt mồ hôi của công nhân nước mình lại có thành quả rạng ngời như thế, được bạn bè quốc tế đón nhận hồ hởi đến thế.
Nếu bạn lạc vô các cửa hàng quần áo ở khu Times Square ở New York, bạn sẽ thấy người Mỹ tới mở ra coi, thấy Made In Vietnam bên trong quần áo là yên tâm, mua ngay. Việt Nam bây giờ là số 1 thế giới về may đẹp. Chính vì vậy mà từ vị trí ngang bằng với Mexico, chúng ta đã có bước nhảy vọt về lượng quần áo cung cấp cho nước Mỹ, doanh số từ 1 tỷ đô năm 2001 đến nay đã hơn 10 tỷ đô, chiếm hơn 11% thị phần. Tương lại khi có hiệp định TPP, xuất khẩu dệt may của chúng ta sang Mỹ sẽ kinh khủng nữa, vì thuế suất sẽ là 0% so với mức 17% bình quân như hiện nay. Khắp nơi trong ngành dệt may của thế giới, người ta râm ran về việc Việt Nam sẽ soán ngôi Trung Quốc thành quốc gia may cho người Mỹ mặc. Mà nào chỉ có người Mỹ, bao nhiêu người đến Mỹ du lịch học tập hàng năm, quà họ mua về nhiều nhất chính là quần áo.
"May cho người Mỹ mặc" là một câu slogan mà Tony vừa nghĩ ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể sử dụng để quảng bá tại thị trường này. Hiện tại, Trung Quốc chiếm thị phần tới 37% tức khoảng 42 tỷ đô trong miếng bánh 115 tỷ đô la nhập khẩu quần áo của Mỹ hằng năm, nhưng tỷ lệ này đang giảm dần do dệt may Trung Quốc không còn cạnh tranh nữa. Rồi tương lai việc Việt Nam “may cho thế giới mặc- tailor the world” sẽ trở thành hiện thực. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta đã đạt mức gần 25 tỷ đô.
Trên một chuyến bay khác đi Srilanka, Tony có quen 2 cô bạn cùng lớp tên Thu và Tuyết. Cả hai đi sang phụ trách quản lý chất lượng cho một nhà máy gia công lớn cho thương hiệu sang chảnh. Hai bạn kể, hai bạn tốt nghiệp ngành dệt may một trường cao đẳng nghề ở miền Trung. Lúc tập đoàn Nhật nọ tuyển QC (quality control), hai bạn dù tiếng Anh cũng bập bẹ thôi nhưng tự tin ứng tuyển. Hai bạn được họ tuyển vô vì chuyên môn về dệt nhuộm đã được học. Một bước phỏng vấn, hai bạn đã chui tọt vào ngay một tòa nhà cao tầng ở quận 1, Tp HCM làm việc trong ánh mắt ngỡ ngàng lẫn ghen tụy của bạn học cấp 3, nhiều đứa vô Sài Gòn học quản trị kinh doanh, thương mại, kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ…nhưng giờ vẫn thất nghiệp hoặc làm việc gì đó không liên quan đến chương trình học. Hai bạn vô phụ trách việc kiểm hàng trước khi xuất, theo dõi nhà máy may đúng theo mẫu đã gửi, duyệt thì hàng mới được đóng container. Theo chân mấy đồng nghiệp nước ngoài, nghề dạy nghề nên các bạn càng ngày càng giỏi. Để nâng cao trình độ, hai bạn quyết định bỏ cả chục triệu tức cả tháng lương vào học một khoa tiếng Anh bên British Council, đầu tư để bắt cá lớn. Sau 5 năm làm cho tập đoàn Nhật này, hai bạn xin nghỉ, nộp đơn cho các công ty Mỹ phụ trách thu mua cả mấy nhà máy ở Cambuchia. Giờ công ty cử bạn qua quản lý và đào tạo cho người Srilanka. Hai bạn nói lương tụi em là lương của người có nghề đó anh, làm ở Mỹ hay ở bất cứ đâu cũng như nhau vì tụi em di chuyển rất kinh khủng. Em sang Srilanka 2 tháng sau đó sẽ sang New York họp, rồi triển khai nhà máy ở Myanmar, đi lại như con thoi ở các nước công ty đặt gia công. Thu nhập tụi em cũng bằng anh làm bên Mỹ (họ tưởng Tony là Việt Kiều). Ước mơ hai bạn là sau mười năm làm thơ (ý nói làm thuê, hai bạn vẫn phát âm nặng), hai bạn sẽ về quơ (quê) ở Phú Yên mở một xí nghiệp may Lady Py-ja-ma để xuất khẩu (Tony nghe Lay-đi bi-gia-ma tưởng Sama bin la đen nên hết hồn). Tony tin rằng hai bạn hoàn toàn có thể thực hiện tốt giấc mơ của mình. Vì các bạn có vốn tích luỹ, có kiến thức được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc tuyệt vời, có quan hệ quốc tế...chỉ còn chút may mắn và có đầu óc quản lý nữa là cất cánh.
Thực tế bây giờ, ở các tập đoàn thương mại lớn của nước ngoài đặt tại Việt Nam, phòng textile luôn đông nhân viên nhất. Nhiều văn phòng làm ca đêm để giao dịch với bên Mỹ, Canada. Vị trí phụ trách xuất khẩu mặt hàng này gọi là “garment merchandiser”, ngày xưa toàn dân kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ...vô làm, toàn mày mò nghề tự học. Bây giờ họ tuyển toàn dân tốt nghiệp trường dệt may, ví dụ như bộ môn dệt may khoa cơ khí ĐH Bách Khoa, cao đẳng dệt may Vinatex, ĐH dệt may công nghiệp Hà Nội, cao đẳng dệt Nam Định, các trường cao đẳng trung cấp nghề ở các tỉnh. Tiếng Anh các bạn này dù chỉ kha khá chút là nhận vô, đào tạo ngoại ngữ dù sao cũng dễ hơn đào tạo chuyên môn. Dù sao các bạn cũng đã 3-4 năm phân biệt dệt thoi dệt kim, sợi các loại, phối màu nhuộm vải, đường kim mũi chỉ, thực tế từng ngồi đạp máy may, từng cắt vải, từng vẽ mẫu trên máy tính ào ào nên nhận vô dễ làm việc lắm.
Ngành dệt may Việt Nam chưa bao giờ đứng trước một cơ hội lớn đến như vậy. Các bạn trẻ (nhất là bạn nữ) yêu thích thời trang nên suy nghĩ thật kỹ. Nếu đam mê, chúng ta nên học chính quy nghề này và học thêm cái tại chức Anh Văn, hay luyện IELTS trong các trung tâm trong suốt thời gian học, hoặc ý chí hơn thì tự học, thì tương lai các bạn đi Mỹ đi châu Âu đàm phán ký kết hợp đồng như đi chợ. Sau chục năm làm lương Mỹ ngay trên đất Việt, tích luỹ thành những "cô chủ nhỏ", dù là cái xưởng may mặc vài ba chục công nhân để bán nội địa cũng được. Vì gu ăn mặc mình sành quá, kinh nghiệm quốc tế quá nên đồ may ra nhìn sang ơi là sang. Nhãn hiệu dệt may Tuyết, dệt may Thu…trông quý phái như hàng hiệu ở Milan thì hỏi ai chịu cho nổi?
Như cái Thu nói với Tony lúc xuống sân bay ở Colombo khi được hỏi về lời khuyên với các bạn trẻ: “Trầu quâu tuổi trẻ là phải có ngờ”. Tony tưởng là nghi ngờ nên ngạc nhiên trợn tròn mắt bồ câu 2 mí. Mấy cổ mới nói, ý em là túi tré (tuổi trẻ) phải có ngờ nghiệp chuyên môn.
Tony liền đáp: “Rầu, rầu hiểu rầu. Thâu thâu làm liền. Phải có ngờ phải có ngờ”.
Nhưng mà nghĩ lại, mình đâu có còn là túi tré?


Read more…

Lại một chuyện xoài xanh mắm ruốc

tháng 8 06, 2015 |
Tony chuẩn bị qua Singapore trị bệnh nên sáng nay ngồi ven hồ (hồ bơi biệt thự 12 tỷ) ôn lại vốn tiếng Anh y khoa. Xưa có hạc qua nhưng quên hết vì chỉ dùng tiếng Anh thương mại, tiếng Anh giao tiếp. Sợ vô bác sĩ hỏi gan mật tuyến tụy tuyến yên không trả lời được thì hổ danh Há Vợt.

Sẵn tiện thấy có giáo trình khá hay. Các bạn sinh viên chuyên ngành Y khoa, ngoại ngữ nên tải về, in ra và hạc (PHẢI rủ nhau hạc nhóm sẽ hiệu quả hơn là tự mình hạc, không có động cơ và kỷ luật, ngồi hạc 1 chút là buồn buồn chát chit hay nặn mụn thử đầm ngay).
http://www.mediafire.com/view/ho1vihfoh6l1h4z/Professional_English__in_Use_Medicine.pdf

Để Tony kể các bạn nghe chuyện này. Cách đây mấy năm, có 2 cô bạn tên A và B rất thân nhau ở trường Lý Tự Trọng Nha Trang, đều là CLB con dượng. Cả hai đều đậu cử nhân điều dưỡng ĐH Y khoa Tp HCM, và cử nhân điều dưỡng (hệ cao đẳng) của Cao Đẳng Y Tế Tỉnh. Bạn A gia đình có điều kiện nên vô Sài Gòn, bạn B nhà nghèo nên học ở tỉnh, buồn ghê lắm, nói con muốn vô Sài Gòn để có môi trường học tập tốt hơn. Gặp Tony ở bờ biển, bạn B ngồi ăn xoài chấm mắm ruốc mà khóc miết, nước mắt ướt cả lai láng rớt xuống chén mắm, Tony nhìn mắm ruốc mà tưởng mắm nêm. Tony nói thôi, con học đâu chẳng được, học là ở mình chứ không phải ở cái trường. Sang Ha Vợt mà không tự học thì cũng thất nghiệp như thường. Vì kiến thức bây giờ trường nào chả giống nhau, ăn thua là khả năng NHẬN THỨC để tự học của mỗi đứa. Nghe lời Tony, thế là bạn học chuyên môn rất tốt. Tiêm thuốc tên thuốc tên gốc thuốc bắt mạch thành thạo. Rồi tiếng Anh, bạn học rất chăm, tranh thủ đi hướng dẫn Tây du lịch ở Nha Trang để kiếm thêm tiền vào lúc rảnh rỗi. Rồi bạn bơi lội thể dục thể thao chạy bộ cả chục km nên cơ thể vô cùng khỏe mạnh. Tốt nghiệp xong, bạn qua Đức làm điều dưỡng viên cho bệnh viện dưỡng lão của Đức theo một chương trình xuất khẩu lao động, lương cũng thấp. Vì bạn phục vụ tốt quá, dễ thương quá nên mấy ông bà lão ở đó thương, tìm cách giữ lại. Giờ bạn làm ở một viện dưỡng lão tư nhân dành cho người giàu, lương 4000 Euro, bạn ăn ở hết 1500, còn dư 2500 tháng, tức hơn 50 triệu. Chưa kể con cái mấy ông bà già đó vô thấy chăm sóc cha mẹ họ tốt nên biếu thêm tiền. Bạn B cứ chiều chiều tan ca là vô uống cà phê Starbucks ở Berlin, ly Mocha Ice Blended giá tới 6 Euro trước mặt. Bạn cũng ngồi khóc vì nhớ nhà, bèn lấy Iphone 6Plus ra chat facetime với cha mẹ ở quê liền. Tranh thủ nghỉ phép là đi hết mấy chục nước châu Âu coi cho đã con mắt. Post cảnh đồng hoa tu lip, oải hương, sông Seine sông Thames sông Danupe, ...lên FB bạn bè nói ghen tụy quá. Ghen tụy sao không học không tập thể dục không đi làm thêm đi?

Còn cô bạn A thì tốt nghiệp lèo tèo, chuyên môn trung bình, tiếng Anh không biết, nhờ cha mẹ xin mãi vô được một bệnh viện lớn của Sài Gòn, lương đâu 4-5 triệu. Nghỉ lễ là bạn A về Nha Trang, cũng ra bãi biển ngồi, ăn xoài chấm mắm ruốc, khóc vang dội một góc bể. Nói đời sao khổ. Rồi post lên FB than trời, trách đất, trách trường ĐH, trách trường cấp 3, trách cha mẹ sao không giàu có, trách thằng bồ sao không phải là Tèo Đô la…

Đấy. Các bạn thấy đấy. Học đâu chẳng được. Giỏi dở DO MÌNH. Thanh niên mà có ngoại ngữ, có thể lực, có trí lực thì nó khác ngay, kiếm tiền quốc tế nó khác ngay. Các bạn phải nhà có điều kiện thì tận dụng ngay, PHẢI đi học, có tiền qua Philippine học luôn, ít hơn thì lên British Council, Việt Mỹ, ILA, Clever Learn, Equest, Wall Street, Appollo...HỌC LÀ MÌNH HỌC, không phải TRUNG TÂM HỌC nên cần gì TRUNG TÂM LỚN. Muốn thành A hay B trong câu chuyện trên? Cứ đâu phải vô Sài Gòn, Hà Nội là thành danh? Không có tiền thì học trên mạng, học nhóm. Mọi con đường đều tới La Mã. Mọi nỗ lực đều có kết quả. Tony có học trung tâm ngày nào đâu mà nói tiếng Anh cũng lưu loát vậy? Ăn thua là tự mình, 100% tại mình. Muốn học trung tâm mà không có tiền thì đi giữ xe, bưng bê làm này làm nọ...có tiền mà học, mà chơi.

Không biết nói tiếng Anh là DO MÌNH làm biếng, không có động cơ. Không có chuyện không có khiếu hay phương pháp gì cả. Phương pháp thì người ta chỉ rồi, trên mạng có đầy sao không search? Search rồi sao vẫn không chịu nghe theo, không làm theo? Ở các nước bắt buộc học tiếng Anh như Sing, Phi, Ấn, Hồng Công…chưa có học sinh nào bỏ học vì học tiếng Anh không được. Và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ vẫn lưu loát như thường. Các nước châu Âu, việc nói 3 ngôn ngữ lưu loát ví dụ như người Bỉ, họ biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan...là điều dĩ nhiên. Đầu mình chỉ sử dụng có 5% dung lượng bộ não, cứ học thêm học thêm.Tập luyện tập luyện. Đọc sách đọc sách. Làm thêm làm thêm. Va chạm va chạm. Đi đi đi. Chơi chơi chơi. Khí thế vô nào...

Làm biếng thì đời khổ ráng chịu chứ trách móc tự ti làm gì. Cứ giỏi giang lên thì khắc sẽ hất mặt lên trời. Trước khổ, sau sướng.


Read more…